Simone de Beauvoir sinh nhật vào ngày 09/01. Cô mèo nhỏ của chúng tôi, được đặt tên theo bà, chết ngày 10/01/2022. Hôm đó, nhiệt độ thấp nhất là 14 độ C, là ngày lạnh nhất mùa đông này.
Simone đã ốm mấy ngày trước đấy. Em gầy sụp đi, không chịu ăn gì, kể cả món pate thanh em từng nhằn lấy cả vỏ. Đưa đi bác sĩ, họ bảo chỉ cần giữ ấm, cho uống một chút thuốc là sẽ khỏe, chỉ cần mang đến kiểm tra trong vài ngày tới.
Ba ngày sau, chúng tôi đem Simone trở lại. Lúc này, bác sĩ chụp X-Quang phổi. Phổi em trắng xóa dịch. Bác sĩ lắc đầu, “tiên lượng yếu, cố gắng thì chỉ được 60%”. Chúng tôi gật đầu, và hứa sẽ mang em đến bác sĩ hằng ngày để truyền dịch và uống kháng sinh.
Hai ngày tiếp theo, trong ngày lạnh nhất đó, Simone chết. Người ở phòng khám thú y gọi cho tôi trong giờ làm. Tôi chẳng may để loa ngoài. Đồng nghiệp nhìn tôi, nín thở. Tôi cười, “thôi, nó là con mèo, chẳng phải con mình”.
Simone và Simone de Beauvoir
Simone và Simone de Beauvoir
Trong tay tôi lúc đó là tấm sưởi nhiệt dành cho chó mèo mà tôi đã đặt từ hai tuần trước.
Chúng tôi đã có thể làm rất khác. Chúng tôi đã có thể đặt tấm sưởi sớm hơn để em không nằm lạnh. Chúng tôi đã có thể mua đèn sưởi về sớm hơn một tuần. Chúng tôi đã có thể không tắm cho em vào tuần trước đó. Chúng tôi đã có thể cho em vào phòng và ngủ trong chăn. Khi em ốm, chúng tôi đã có thể mua chuồng để em luôn được sưởi đèn. Khi em đi bác sĩ, chúng tôi đã có thể chọn một phòng khám tốt hơn. Khi chúng tôi đặt em vào tay bác sĩ lần cuối, chúng tôi đã có thể ôm em chặt hơn một chút…
Nhưng chúng tôi đã không.
Ngay trong chính giờ phút này, sự đau buồn vẫn bám quanh nơi đây, như cách những sợi lông trắng của em vẫn còn bám quanh quần áo của tôi và vợ. Chiếc đèn sưởi vẫn bật cả ngày lẫn đêm, chiếu vào một vùng trống trên ghế sofa. Nơi em đã từng, vợ tôi để vào đó chiếc áo Giáng sinh, một túm lông và chiếc vòng cổ. Và tôi thì vẫn chưa dọn cái vỏ pate thanh cuối cùng em ăn, giờ nằm vơi nửa trên nền gỗ lạnh.
Ngày cuối cùng của Simone
Ngày cuối cùng của Simone
Vợ tôi bật khóc khi mỗi khi ra tới phòng khách. Khi tôi về nhà, cô nhìn tôi và vỡ òa ra thêm lần nữa. Và lần nữa. Và lần nữa. Và lần nữa. Nước mắt em nhòe ướt một khoảng ngực áo tôi.
-----
Simone. Tại sao chúng tôi lại đau buồn em. Tại sao chúng ta lại đau buồn, như suy nghĩ khởi thủy nhất của nó? Simone, em là con mèo, đâu phải triết gia mà em được đặt tên theo, nên em biết đâu về sự đau buồn? Có lẽ, trong ngày em chết, em còn không đau buồn bằng chúng tôi. Nhưng chúng tôi thì đã gửi một phần của mình cho em mất rồi. Simone.

Sự đau buồn là một cảm giác khá lạ, vì chúng ta có thể đau buồn cho những thứ, những người chẳng hề đau buồn cho mình. Nhưng chính vì tính cá nhân của cảm xúc này, chúng ta mới hiểu, sự đau buồn có tính phản thân. Nó phản chiếu lại không chỉ ở sự tồn tại của đối phương mà ta đau buồn, mà ở chính mình.

Về cơ bản, chúng ta đau buồn vì, như tôi viết, chúng ta trao gửi một phần ở đối phương đau buồn. Cái mà triết gia trường phái Kant, Christine Korsgaard gọi là “danh tính thực dụng” (practical identity), có nghĩa là những gì ta xây dựng và định danh chính mình nơi đối phương, những gì ở đối phương khiến ta muốn tiếp tục sống, chính là cái mất đi khi một đối tượng ta yêu thương chết đi. Đây là một định nghĩa gọn đủ mà vẫn đủ rộng để bao hàm những sự đau buồn có phương diện một chiều, như là đau buồn khi người nổi tiếng qua đời, đau buồn khi sảy thai, hay, như chúng tôi, khóc một con mèo (không hề có nghĩa là những nỗi đau buồn này có thể so sánh với nhau).
Những việc chúng tôi có thể làm cho Simone, những việc mà chúng tôi hối hận, chính là những gì mà chúng tôi mất đi khi Simone chết. Một phần sự sống của chúng tôi, những gì chúng tôi hoạch định ở Simone, đã mất cùng em trong ngày đông lạnh nhất đó.
Simone. Cái chết của em khiến thế giới của chúng tôi nhỏ hơn một chút. Chúng tôi đã không còn thấy mình ở nơi một cô mèo nhỏ xinh xắn ngoan ngoãn, hay đợi chúng tôi về hằng ngày ngay trước cửa nhà. Cái chết của em làm những ngày đông còn lại lạnh hơn một chút. Và chúng tôi không còn nhìn thấy một tương lai xinh xẻo nơi sẽ có em và chúng tôi.
Nơi Simone thích nằm
Nơi Simone thích nằm

Nhưng liệu đó có phải tất cả về sự đau buồn? Định nghĩa này vị kỷ và, như đã viết, mang tính phản thân cao. Liệu còn sự đau buồn gì nữa không, khi Simone không còn bên tôi?

Sự biến mất của Simone, sự chết của em không được thể hiện bằng bất cứ thứ gì “có”, mà được thể hiện bằng mọi thứ “không”. Em đã “không” ở trên sofa nữa. Em đã “không” còn với chúng tôi nữa. Em đã “không” còn thổn thức với tấm phổi yếu ớt và đôi mắt lim dim quanh tôi và vợ. Em đã “không” còn ở đây.
Sự tồn tại của Simone, một Simone nhỏ bé và Simone của chúng tôi, gần như chỉ được thể hiện qua sự đau buồn của chúng tôi mà thôi. Trong chính sự đau buồn này là khi em còn sống. Sự đau buồn, nếu như vậy, không còn vị kỷ nữa, mà nó dành cho em, là sự chứng thực của danh tính em trong chính chúng tôi.
Hãy nghĩ như Derrida khi ông viết về cái chết của một người bạn:
“Có một người bạn, giữ được họ. Dõi theo họ bằng ánh mắt của ta. Vẫn nhìn thấy họ ngay cả khi họ không còn ở đó và chúng ta phải cố hiểu, cố nghe về họ khi ta biết rằng ta sẽ không bao giờ thấy họ nữa – Và đó là khi ta khóc”.
Simone. Simone. Ngày hôm nay chúng ta khóc em. Ngày mai có thể chúng ta vẫn sẽ khóc em. Nhưng chúng ta sẽ không khóc mãi. Chúng ta đau buồn, vì đau buồn là kiêu hãnh, vì đau buồn là bằng chứng tối thượng rằng em đã tồn tại, nhưng chúng ta không níu kéo lấy nỗi buồn này. Những việc chúng ta đã phụ em, chúng ta sẽ không mắc lại sai lầm đó. Chúng ta khóc vì chúng ta biết em ở đây, nhưng chúng ta cũng sẽ ngừng khóc vì chúng ta biết em tồn tại dưới cả lớp nước mắt của mình. Em sẽ tồn tại như những gì đẹp nhất mà chúng ta có thể đòi hỏi ở một cô mèo tam thể xinh và ngoan ngoãn.
Simone. Simone. Tôi yêu em, và hôm nay tôi khóc vì em.
Simone, Simone của tôi.
Simone, Simone của tôi.