Khoa học đã sai trong quá khứ, vậy sao nó lại đáng tin cậy?
Một ngụy biện phổ biến của người phản đối quan điểm khoa học chính thống khi đối mặt với những bằng chứng khoa học không thể phủ bác đó là: “khoa học đã sai trong quá khứ, thế sao nó lại đáng tin cậy”
Một ngụy biện phổ biến của người phản đối quan điểm khoa học chính thống khi đối mặt với những bằng chứng khoa học không thể phủ bác đó là: “khoa học đã sai trong quá khứ, thế sao nó lại đáng tin cậy”. Những lời lẽ thường được đưa ra cụ thể như: “Các nhà khoa học từng coi Trái Đất phẳng là chân lý”, “Có những thứ hôm nay được công nhận đúng mai không còn đúng nữa”,...
Vấn đề đầu tiên của lập luận này là nó là một phạm lỗi ngụy biện liên kết. Tức đi từ các nhà khoa học đã sai, tay ngụy biện suy ra rằng bằng chứng được cung cấp bởi nhà khoa học cũng sai nên không cần xem xét. Ngụy biện này cũng tương tự như lập luận vì ai đó sai trái về mặt đạo đức, nên mọi hành động hắn ta làm như hít thở không khí cũng đều sai trái về mặt đạo đức. Chỉ vì các nhà khoa học đã sai trong quá khứ không phải là cớ để bạn có thể gạt phăng mọi bằng chứng một cách mù quáng và tùy tiện cho rằng tất cả đều sai.
Tiếp theo, ta đi vào vấn đề cốt lõi của lập luận này. Chúng ta dễ nhầm lẫn 2 thứ hoàn toàn khác biệt nhau nhưng đánh đồng nó như nhau chỉ vì nó có cùng một tên gọi. Thuật ngữ "khoa học" ngày nay không hề ám chỉ “khoa học” ngày xửa ngày xưa. Hầu như tất cả các ví dụ về các “nhà khoa học” đã sai trong quá khứ đều trong khoảng thời gian trước khi “khoa học” như chúng ta đã biết ra đời. Khoa học ngày nay là một quá trình rất cẩn thận, có hệ thống cho phép chúng ta tin tưởng cao vào kết quả của mình. Ví dụ, các phép phân tích số liệu thống kê, mà cho phép chúng ta kiểm chứng định lượng được các giả thuyết của mình, mới chỉ tồn tại trong khoảng 100 năm trở lại đây. Không hề có sự tương đồng nào giữa “các nhà khoa học” cho rằng Trái Đất là phẳng và các nhà khoa học ngày nay. Các “nhà khoa học” hồi đó không khác gì các nhà giả kim. Thiên văn học hồi đó cũng không khác gì chiêm tinh học.
Vì vậy, nếu ai đó định đưa ra tuyên bố "các nhà khoa học đã sai trong quá khứ" họ phải giới hạn trong khoảng 100 năm qua. Bây giờ chúng ta hãy đặt câu hỏi, "các nhà khoa học đã sai về điều gì trong khoảng 100 năm qua chưa?" Tất nhiên họ đã sai rất nhiều thứ, và đó là một thế mạnh chứ không phải nhược điểm. Khoa học là một hệ thống tự sửa sai lầm chính nó, một bộ quy tắc để gạt bỏ, tinh chỉnh những giả thuyết lỗi thời để tìm ra câu trả lời đầy đủ, hoàn thiện hơn. Các nhà khoa học sau luôn sửa chữa sai lầm của các nhà khoa học trước. Nhờ đó ta đã chứng kiến vô vàn những thành tựu trong mọi lĩnh vực khoa học trong hơn 100 năm qua. Cũng như khi viết ra các ứng dụng, trang web lớn, xịn xò được nhiều người dùng cũng chỉ thành công sau qua bao quá trình kiểm thử, fix bug liên tục, rồi lại tiếp tục cập nhật, cải tiến. Những nguyên lý trong khoa học mà bị bác bỏ chưa và sẽ không bao giờ đến từ những người chỉ ngồi trên ghế phỏng đoán, hay những tay blogger trên Internet, nó luôn chỉ đến từ những nhà khoa học.
Thêm điều nữa lập luận này luôn được sử dụng để chống lại các lý thuyết và khái niệm khoa học có rất nhiều bằng chứng được giới khoa học chấp nhận rộng rãi, không phải một mô hình cụ thể hay giả thuyết nào đó còn đang tranh cãi trong giới khoa học. Nó không được sử dụng để chống lại một biểu đồ cụ thể cho thấy mối quan hệ tiến hóa giữa các loài rùa, mà được sử dụng để chống lại toàn bộ lý thuyết tiến hóa cho rằng tất cả sinh vật trên thế giới có chung tổ tiên. Nó không được sử dụng để chống lại một mô hình cụ thể về biến đổi khí hậu, đúng hơn nó được sử dụng để chống lại chính ý tưởng rằng con người đã thay đổi khí hậu. Vì vậy, câu hỏi chính xác hơn nữa sẽ phải là, "trong 100 năm qua, các nhà khoa học có sai về một điều gì đó rất quan trọng mà họ cực kỳ tin tưởng (như ở cấp độ của thuyết tiến hóa hay tính hữu dụng của vắc xin)?" Câu trả lời là không hề! Những sửa đổi của thuyết tương đối của Einstein đối với vật lý Newton là ví dụ gần nhất, nhưng ngay cả thế, Newton cũng không sai nhiều đến mức mà bị loại bỏ ra khỏi chương trình học, và thuyết tương đối thì mới xuất hiện vào khoảng thời gian 100 năm mà chúng ta đang nói đến.
Một vấn đề cuối cùng trước khi kết thúc, hãy thử cho rằng nếu lập luận kiểu này hoạt động, chuyện gì sẽ xảy ra? Người đưa ra lập luận này cho rằng không thể tin khoa học vì khoa học đã sai như từng cho rằng Trái đất phẳng. Nhưng lý do ta cho rằng những “nhà khoa học” (không phải khoa học ngày nay) đó đã sai bởi vì những nhà khoa học về sau đã phản bác lại quan niệm sai lầm đó. Như vậy nó tạo nên nghịch lý tự phá hủy chính nó. Cụ thể như sau:
Các nhà khoa học đã sai trong quá khứ
Vì vậy không thể tin tưởng các nhà khoa học
Các nhà khoa học sau phản biện lại nhà khoa học trước
Như vậy nếu ta chấp nhận các nhà khoa học sau rằng các nhà khoa học trước đã sai thì ta đã tin vào các nhà khoa học sau => mâu thuẫn điểm số 2.
Nếu cho rằng các nhà khoa học trước đúng thì mâu thuẫn điểm 1 là khoa học sai trong quá khứ.
Tóm lại, với những người chỉ có khả năng nhìn thế giới 2 màu trắng đen cái này đúng tuyệt đối cái kia sai tuyệt đối, không có khả năng nhận thức rằng cuộc đời là về rủi ro, rằng có mức độ đúng sai, rằng không có sự thật tuyệt đối, những lập luận thế này nghe rất thuyết phục bề ngoài. Mặc dù là một trong những lập luận chống khoa học phổ biến, tuyên bố này lại dựa trên sự mù mờ hiểu sai hoàn toàn bản chất khoa học
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất