Kho Báu Nơi Xứ Lạnh
Một góc nhìn về sự chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia
Vị trí địa lý là một yếu tố quan trọng đằng sau tiềm lực kinh tế của một nước.
“Trước khi mùa đông đến, dịch sốt vàng da đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người dân bang Philadelphia, Mỹ. May mắn thay, khí hậu khắc nghiệt của mùa đông đã tiêu diệt loài muỗi lây truyền căn bệnh này, giúp Philadelphia phục hồi nhanh chóng.” - Tiến sĩ William Masters nhớ lại, khi đang đọc sách về loài muỗi.
Nếu khí hậu có thể là chìa khóa cho sự thịnh vượng của một thành phố, vậy một đất nước thì sao?- Masters nghĩ. Hơn nữa, nếu sương giá không là yếu tố quan trọng nhất của một nền kinh tế, tại sao hầu hết các nước phát triển đều nằm trên vĩ tuyến thứ 40? Sau 2 năm nghiên cứu, ông đã khám phá ra một mảnh ghép của toàn bộ vấn đề. Masters (nhà kinh tế học nông nghiệp từ Đại học Purdue, Indiana), và Margaret McMillan (Đại học Tufts, Boston) đã công bố một nghiên cứu vào tháng trước trên tờ Journal of Economic Growth, chỉ ra rằng sương giá hàng năm là một trong những đặc điểm khác biệt giữa các quốc gia giàu và nghèo. Hai người cho rằng những đất nước có khí hậu lạnh có hai lợi thế lớn: giá lạnh cản trở vi sinh vật phá hoại mùa màng và những sinh vật mang bệnh như muỗi. Do đó, những quốc gia này có nền nông nghiệp mạnh cũng như một nguồn nhân lực lớn.
Nghiên cứu trên được thực hiện trên hai nguồn thông tin: thu nhập trung bình của các nước và dữ liệu khí hậu của Đại học East Anglia. Và họ tìm thấy một mối liên hệ rất thú vị giữa hai điều này. Các quốc gia có từ năm ngày giá lạnh trở lên đều là những nước giàu, trái ngược với những quốc gia có ít hơn năm ngày. Tác giả của nghiên cứu cho rằng năm ngày đó rất quan trọng, bởi nó là khoảng thời gian tối thiểu để vi sinh vật có hại trong đất bị tiêu diệt. Masters lấy ví dụ: "Phần Lan phát triển rất nhanh dù là một nước nhỏ. Nhưng Bolivia là một nước nhỏ mà không phát triển một chút nào hết. Có lẽ khí hậu đóng vai trò nào đó trong chuyện này." Trong thực tế, sương giá mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân. Cái giá lạnh tiêu diệt côn trùng hoặc làm chúng không hoạt động được; làm chậm quá trình phân hủy của xác thực vật và động vật, giúp đất trở nên màu mỡ hơn; đảm bảo nước cho cây vào mùa xuân, giúp cây bớt phụ thuộc vào mưa. Tuy vậy, không phải lúc nào lạnh cũng đồng nghĩa với sự giàu có. Hong Kong và Singapore có kinh tế phát triển tuy thuộc khí hậu nhiệt đới, nhờ vào vị trí giao thương thuận lợi. Tương tự, không phải tất cả các nước châu Âu đều giàu. Tiềm năng kinh tế của họ bị ảnh hưởng do các vấn đề chính trị.
Mặc dù vậy, Masters nhấn mạnh rằng khí hậu sẽ không bao giờ là yếu tố quan trọng nhất. Nền kinh tế của một đất nước quá phức tạp để có thể nghiên cứu nếu chỉ xét trên một phương diện. Bằng một cách nào đó, khí hậu kết hợp với các yếu tố khác như chính phủ hay giao thương hàng hóa, xác định đây là nước đã phát triển hay đang phát triển. Hầu hết những nhà kinh tế học nghĩ rằng các tổ chức (như chính phủ) có tác động mạnh mẽ nhất lên nền kinh tế, bởi lẽ họ đặt ra luật lệ cho các nước dưới dạng luật pháp… "Nhưng không phải đất nước nào có những tổ chức này cũng có thể phát triển được." - Ông nói. "Tôi có cảm giác sự phát triển kinh tế mới dẫn đến sự tiến bộ trong việc điều hành đất nước. Và cả hai yếu tố đó đều nhận được sự trợ giúp rất lớn từ Mẹ Thiên Nhiên.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các nước nhiệt đới sẽ luôn nghèo và cần sự giúp đỡ từ các nước ôn đới, mà nó nói lên rằng các nước giàu cần thay đổi cách viện trợ cho những nước yếu thế hơn. Sự giúp đỡ cần được dùng để phát triển công nghệ nhằm cải thiện nền nông nghiệp và chống lại dịch bệnh thay vì dành cho phát triển bộ máy nhà nước như trước đây. Masters lấy ví dụ "Nhờ sự đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, năng suất nông nghiệp tại một vài khu vực ở Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng. Đồng thời, sức khỏe nông dân cũng được cải thiện rõ rệt." Ngoài ra, cung cấp vắc-xin chống lại các bệnh dịch nhiệt đới và gia tăng sự đa dạng các sản phẩm nông nghiệp cũng là những cách thức góp phần phá vỡ vòng lặp của sự nghèo đói.
Một vài nhà khoa học khác thì chỉ ra những lí do liên quan đến nhân học, động vật học, và khí hậu học rằng tại sao các nước ôn đới lại giàu. Năm 350 trước công nguyên, Aristotle cho rằng "những người sống ở đới lạnh...có một năng lượng tuyệt vời". Jared Diamond đến từ Đại học California, Los Angeles viết trong cuốn sách "Guns, Germs and Steel": rằng lục địa Á Âu trải dài từ tây sang đông, còn châu Phi và châu Mỹ trải dài từ bắc chí nam. Do đó, tại châu Âu, thực phẩm có thể được trồng tại bất kì nơi nào nhờ khí hậu tương đồng. Cụ thể hơn, thời gian để ngô từ Mexico đến được miền Tây nước Mỹ gấp 2 lần thời gian lúa mì từ vùng Trung Đông đến với châu Âu. Sự vận chuyển dễ dàng giữa các khu vực nằm trên cùng một nhóm vĩ tuyến tại lục địa Á Âu cũng dẫn đến sự lan truyền nhanh của các công nghệ như bánh xe hay chữ viết, Diamond cho biết. Các khu vực này đồng thời cũng xuất khẩu gia súc - nguồn cung cấp thịt, len và năng lượng. Với những lợi thế như vậy, không có lí gì những nước Á Âu lại không trở nên giàu có.
Hai nhà kinh tế học người Mỹ John Gallup và Jeffrey Sachs cũng chỉ ra những mối liên hệ giữa vị trí địa lí và tiềm lực kinh tế của một nước. Họ viết rằng gần như tất cả những nước nằm giữa hai vĩ tuyến 23.45 Bắc và Nam đều nghèo. Trong một bài báo cho tờ Harvard International Review, họ kết luận: "Sự phát triển dường như đang ưu ái các nền kinh tế ôn đới, đặc biệt là các nước nằm ở bán cầu bắc, các nước không theo chủ nghĩa xã hội và các nước không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh." Tuy vậy, Masters cho rằng các quốc gia nhiệt đới vẫn chưa hết hy vọng: "Sức khỏe con người và nền nông nghiệp sẽ phát triển thông qua các nghiên cứu khoa học và công nghệ, nên chúng ta không thể xem nhẹ những quốc gia này. Và Singapore chính là minh chứng rõ ràng nhất: không có khí hậu lạnh, đất nước vẫn phát triển vững mạnh."
-----
Dịch từ "Wealth In A Cold Climate" (1 bài đọc IELTS).
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất