Sau khi kết thúc hai công việc làm thêm, mà thật ra là mình đã tự động kết thúc khi nó chưa kịp bắt đầu, mình biện hộ rằng: “Thôi, năm 3 nhiều bài vở lắm, không có thời gian đi làm thêm đâu, khỏi đi làm luôn đi. Đến hè rồi xin việc thực tập cũng chẳng sao”. Vậy là mình quyết định ngưng tìm kiếm các công việc làm thêm, chỉ lo học. Nói thế thôi chứ bài vở cũng chẳng nhiều nhặn gì.
Ngày hôm kia, mình xem lại lịch sử chat Messenger của mình, bắt gặp những đoạn chat tìm kiếm công việc vào năm 3. Mình quyết định không tìm việc part time, nhưng mỗi khi nhìn thấy những post tuyển cộng tác viên viết bài, phiên dịch, mình cũng thích lắm chứ, nhắn tin hỏi chủ post suốt. Bắt gặp đoạn hội thoại cũ. Một người chị khóa trên share tin tuyển dụng phiên dịch cho triển lãm. Mình không còn nhớ chi tiết câu chuyện, nhưng mình tin rằng, cảm xúc háo hức, sốt sắng khi nhìn thấy tin, rồi bạo dạn nhắn tin hỏi chủ post, thì bạn nào cũng sẽ trải qua:
- Chị ơi, cho em hỏi phiên dịch như vậy thì yêu cầu kinh nghiệm đúng không ạ? - Miễn là mình có kỹ năng tiếng Anh là được. Em cứ mạnh dạn gửi CV nhé. - Vâng ạ. Em cảm ơn chị ạ.
Và mình đã không nộp CV.
Chắc chắn là mình sợ. Mình luôn nhớ rõ, có một nỗi sợ tràn trề trong những năm tháng sinh viên của mình. Mình không giỏi kỹ năng Speaking. Hoặc là mình nghĩ rằng mình không giỏi. Mình biết nói tiếng Anh, nhưng mình luôn sợ mình nói không hay, không lưu loát, phát âm không giống người bản xứ. Mình nghĩ rằng những cơ hội việc làm đó chỉ dành cho những ai giỏi giang lắm.
Vào một ngày cuối học kỳ 2 năm 3, mình thấy tin tuyển dụng cộng tác viên cho triển lãm du học của công ty tư vấn nọ. Cộng tác viên được chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất phụ trách công việc lễ tân, chào đón khách; nhóm thứ hai phụ trách phiên dịch cho các đại diện trường đại học bên Mỹ, Canada. Chỉ cần nhìn sơ qua, mình đã thích công việc này rồi. Mình cũng muốn thử làm phiên dịch, nhưng lại sợ kỹ năng Speaking chưa tốt. Vậy là mình nộp CV ứng tuyển vị trí lễ tân.
Vài hôm sau, mình nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia bảo rằng vị trí lễ tân đã tuyển đủ người, nhưng vị trí phiên dịch vẫn chưa tuyển đủ. Chị ấy bảo mình chuyển qua làm phiên dịch. Ngẩn ngơ một hồi, lưỡng lự vài ba giây, mình đồng ý cái rụp, trong lòng khấp khởi xen lẫn hoang mang. Đã nhận lời rồi, thì phải làm thật cho tốt.
Trước ngày diễn ra triển lãm, phiên dịch viên được báo trước tên trường đại học, cơ sở giáo dục, đơn vị mà mình sẽ làm phiên dịch. Nhiệm vụ chính của mình, đương nhiên là dịch từ Anh sang Việt những lời nói của đại diện trường đến với các phụ huynh, các em học sinh, khách tham quan. Không những vậy, phiên dịch viên phải tìm hiểu kỹ lưỡng trường đại học mà mình hỗ trợ, bao gồm điều kiện đầu vào, vị trí địa lý, các ngành học, học phí, chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế như là học bổng, nơi ở, các hoạt động ngoại khóa trong trường, cơ hội việc làm… Tóm lại là phải đọc kĩ tất cả thông tin trên website trường để biết mà còn trả lời. Ngoài ra, tính mình hay lo xa, mình tìm hiểu thêm về tổng quan chương trình giáo dục đại học và cao học của Mỹ, bao gồm: thời gian mở đợt xét tuyển hồ sơ, bảng xếp hạng các trường, một bộ hồ sơ nộp vào đại học bao gồm những gì, làm thế nào để hồ sơ nổi bật trong mắt hội đồng tuyển sinh,… Sau vài lần làm phiên dịch, mình nhận thấy đa số khách đến dự, họ thường quan tâm đến: học phí, học bổng, điều kiện ăn ở và cơ hội việc làm.
Lần đầu tiên làm phiên dịch, mình hỗ trợ đại diện một trường bên Cộng hòa Séc. Chương trình đào tạo của trường được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, khá là hấp dẫn. Lần đầu tiên đó, mình nhận ra là giao tiếp tiếng Anh không khó như mình nghĩ, thậm chí mình rất tự nhiên, dùng đủ vốn tiếng Anh và ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với cô đại diện trường. Không chỉ dịch từ Anh sang Việt, mình cũng đóng vai trò tư vấn cho phụ huynh và học sinh. Những lúc như thế, mình không bao giờ nói dối. Mình không bao giờ nói rằng du học sẽ đảm bảo 100% cơ hội việc làm lương cao, chắc chắn sẽ được ở lại. Mình tránh vẽ ra một cuộc sống màu hồng nơi đất khách quê người. Mình chỉ cung cấp thông tin về trường, chứ không quảng cáo và lôi kéo học sinh đăng kí. Sau những sự kiện triển lãm như thế, công ty tư vấn du học sẽ có data của khách hàng và đến đây, những cộng tác viên như mình đã hết nhiệm vụ rồi.
Mỗi sự kiện như thế, cộng tác viên được hỗ trợ ăn nhẹ và 200.000 đồng thù lao. Số tiền có giá trị với mình khi đó, nhưng cũng có thể rất nhỏ bé đối với một số người khác. Mình thích làm công việc này, không phải vì tiền, bởi vì số tiền không lớn, mà bởi vì những giá trị tinh thần và trải nghiệm mình nhận lại được. Mình có cơ hội tìm hiểu về chương trình giáo dục đại học Mỹ, mình gặp gỡ, giao tiếp với những người nước ngoài, hỏi thăm một số vấn đề ngoài lề, trau dồi kĩ năng giao tiếp vì cả mấy tiếng đồng hồ phải tư vấn rất nhiều cho các bạn học sinh. Và mình còn tiếp xúc với những lát cắt khác nhau của cuộc sống, với những ước mơ học tập.
-- -- -- -- --
Ở những triển lãm du học, mình bắt gặp hình ảnh các em học sinh cấp 2, cấp 3, có em đi cùng bạn bè, có em đi cùng cha mẹ. Đó là các em học sinh nhỏ tuổi nung nấu ý định du học. Đó là hai em học sinh trường ngoại thành, bắt xe buýt đến trung tâm thành phố để tìm hiểu thông tin. Có cả những anh chị lớn tuổi cũng đến tham dự với định hướng du học bậc thạc sĩ.
Điều làm mình nhớ nhất, đó là những suy nghĩ mình bắt gặp được. Một người chị hỏi về chương trình đào tạo ngành thiết kế trang sức, nhưng chị bảo rằng chị không biết tiếng Anh, vậy chị qua đó học tiếng Anh được không. Đương nhiên là được, trường nào cũng có chương trình dự bị tiếng Anh cho những sinh viên quốc tế chưa đạt chuẩn đầu vào. Nhưng những chương trình đó tốn nhiều tiền và tốn thời gian. Tại sao chị muốn du học mà chị không học tiếng Anh ở nước mình luôn? Học tiếng Anh ở đây mà còn chưa được, thì làm sao học tiếng Anh ở nơi trời Tây? Phụ huynh thường thắc mắc về cơ hội việc làm, tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp, làm thế nào để được ở lại. Đương nhiên trường đại học sẽ có bộ phận hỗ trợ, tư vấn, kết nối nhà tuyển dụng với sinh viên, nhưng mình mong rằng phụ huynh hiểu được: Cơ hội việc làm không đến từ trường học, ngành học, mà đến từ bản thân mỗi người. Ở đâu mà chẳng có việc làm, nhưng làm cái gì, thì phải là chính bản thân người học quyết định, chủ động tìm tòi. Trường học sẽ đảm bảo việc làm cho sinh viên ư? Không, mình không bao giờ nghĩ vậy. Trường học chỉ là một trong những yếu tố, làm bước đệm cho người học mà thôi.
Cũng không thiếu những tình huống vui nhộn, như khi mình đang ra sức trả lời, chỉ tay vào tờ rơi thông tin, ý định chỉ rằng đây là ngành học mà con bác đang tìm kiếm, thì bác ấy gạt phăng tay mình ra, nhăn mặt một cách khó chịu, chắc là bác sợ tay mình che mất chữ. Khi mình làm đại diện cho trường đại học có cơ sở ở Cộng hòa Séc, một chú trung niên nghe vậy nói rằng: “Cộng hòa Séc là nước xã hội chủ nghĩa đó em!”. Ơ, thì sao ạ, đúng là trước đây là thế, nhưng bây giờ thể chế nước đó khác rồi. Ý chú là sao ạ? Và chú ấy còn nói một số điều linh tinh không liên quan đến việc du học nữa. Cô đại diện trường hỏi mình chú ấy nói gì. Mình trả lời theo kiểu nói giảm nói tránh. Cô hiểu ra, nói rằng cô gặp trường hợp như thế hoài đó mà.
Không ít những trường hợp phụ huynh dẫn theo con nhỏ khoảng 8-10 tuổi, để cho bé rèn luyện kỹ năng tiếng Anh. Tội nghiệp bé kia, mẹ bé dẫn bé đến bàn của mình, bắt bé nói chuyện với cô đại diện trường. Nhưng mà bé có dám nói gì đâu, cứ đi qua đi lại, cất giọng được một chút rồi lại chạy đi. Mình thấy cũng hơi khó hiểu, có nhiều dịp để bé rèn luyện kĩ năng Speaking mà, đâu nhất thiết phải dắt bé đến bàn tư vấn khi cô đại diện trường đang làm việc. Và mình vẫn nhớ người anh nọ nói rằng: “Học ở đâu cũng được, miễn không phải là Việt Nam”.
Mình làm phiên dịch cho triển làm du học cũng được 5 lần. Mỗi đợt triển lãm qua đi, trong mình lại bất giác băn khoăn: Không biết những em học sinh năm đó có đi du học chưa, hay là các em mang hàng đống tờ rơi về nhà và rồi quên mất ý định du học của mình. Không biết những người anh, người chị hỏi han về chương trình thạc sĩ, họ đã có hướng đi của riêng mình chưa, hay là vẫn nghĩ rằng qua bên đấy học tiếng Anh vẫn không muộn. Mình không đi du học, nhưng bạn bè mình du học rất nhiều, và ngôi trường cấp 3 của mình nổi tiếng với tỷ lệ học sinh đi du học. Bạn bè mình, có những người đi du học rồi ở đấy hẳn, có những người học xong rồi về. Có những người thay đổi, có những người về không được mà ở cũng không xong. Có những người nhìn trên Facebook có vẻ rất hạnh phúc, có những người mình biết rằng đang sống sa lầy. Một buổi triển lãm du học chẳng nói lên được điều gì. Các em có biết, du học không phải ngày một ngày hai mà cần khoảng thời gian rất dài để chuẩn bị. Những học sinh giành được học bổng, đằng sau đó là sự tìm tòi, đầu tư, cũng như là những đánh đổi, hy sinh mà họ không nói lên ở mặt báo. Để có cuộc sống thoải mái, ít lo nghĩ về tiền nong mà chỉ cần chú tâm học tập, buộc lòng gia đình phải có điều kiện tài chính tốt. Hai người bạn của mình, họ lên kế hoạch rất kĩ và vẽ ra tương lai tươi sáng, nhưng họ không nghĩ đến việc gia đình đứt gánh tài chính giữa chừng, không thể chu cấp trong quá trình học.
Có thể nói, những buổi phiên dịch ở triển lãm du học là lần đầu tiên mình kiếm được tiền khi còn là sinh viên. Một khi bạn đã bước được bước đầu tiên, thế giới này sẽ đầy ắp cơ hội để bạn bước những bước tiếp theo. Sau đợt triển lãm đầu tiên, mình tiếp tục phiên dịch cho triển lãm của công ty du học đó thêm 2-3 lần, và có cơ hội 2 lần phiên dịch cho triển lãm của Lãnh sự quán Mỹ. Để tiếp cận những cơ hội đó, mình đã theo dõi thường xuyên fanpage của các đơn vị tư vấn du học, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. Một khi có thông báo là lập tức apply. Một năm thường có 2 đợt triển lãm, cách nhau 6 tháng, tương ứng với kỳ nhập học mùa xuân và mùa thu. Khoảng hai năm trở lại đây, với lý do đại dịch diễn biến phức tạp, các buổi triển lãm du học hầu như không còn được tổ chức. Vì vậy, có thể các bạn sẽ không tìm được công việc phiên dịch như mình kể trên.
Rốt cuộc, mình đã có một chút gì đấy để ghi vào CV ngoại trừ công việc ở câu lạc bộ từ đời nảo đời nào. Mùa hè sắp đến rồi, mình phải xách CV tìm nơi thực tập thôi.
(Còn nữa)