Khi tiểu thư đi làm (Phần 1)
Mình là một tiểu thư. Từ nhỏ đến lớn, mình luôn được bố mẹ cưng chiều, đòi gì được nấy. Không phải là con một, nhưng là con đầu lòng,...
Mình là một tiểu thư.
Từ nhỏ đến lớn, mình luôn được bố mẹ cưng chiều, đòi gì được nấy. Không phải là con một, nhưng là con đầu lòng, nên mình được bố mẹ cưng lắm. Lớn đầu rồi mà bố mẹ vẫn không hết cưng. Gia đình mình không giàu nứt đố đổ vách, chỉ là có điều kiện tốt hơn so với một số bạn bè, người quen xung quanh mình. Chính vì cái sự tiểu thư mỏng manh đó, mình gặp một số khó khăn nhất định khi bước chân vào công việc. Theo mình, không phải vì bố mẹ yêu chiều làm mình yếu đuối, tình thương của bố mẹ không có lỗi ở đây. Tất cả là do mình chưa va vấp nhiều với đời, cộng với tư tưởng ỷ lại, chưa chịu khó, chưa gặp khổ sở bao giờ, nên mình mới dễ nản chí. Cùng mình quay ngược lại những năm trước, nhìn xem một tiểu thư đi làm sẽ ra sao nhé.
Dịch giã thế này chắc chắn các bạn sinh viên nhà mình khó có thể đi làm thêm hoặc là đi thực tập. Trường cũ của mình còn có thông báo bắt buộc dừng hẳn những đợt thực tập của sinh viên, sinh viên nào đang thực tập thì cũng phải nghỉ ngay (Nhưng mình lại nghĩ, nếu thực sự không có chuyện nghiêm trọng, bạn có thể tiếp tục công việc thực tập/làm thêm nếu như công ty tiếp tục hoạt động, xem như đây là một công việc thực sự, chứ không phải ngồi chơi xơi nước trên công ty. Tùy tình hình mà linh hoạt nhé).
Rảnh rỗi một chút, mình nhớ lại những buổi phỏng vấn, những công việc trước đây của mình, từ khi còn đang là sinh viên, tìm kiếm việc part time, việc thực tập, cho đến khi ra trường. Cũng chẳng có gì to tát đâu, nhưng để lại cho mình rất nhiều kỉ niệm. Nếu như bạn đang tìm kiếm tips phỏng vấn thành công, hãy chạy ngay đi nhé vì bạn không thể tìm được ở nơi mình đâu. Nhưng nếu bạn muốn cùng mình sống lại những kỉ niệm đánh dấu từng bước chân đầu tiên vào đời, thì mời bạn theo dõi.
Mình học ngành Quan hệ quốc tế. Nghe cái chữ "quốc tế" thì đủ biết ngành này phải học tiếng Anh rất nhiều, và chính xác là những công việc part time phổ biến của các bạn sinh viên ngành này là trợ giảng tiếng Anh. Nghe chữ "trợ giảng" vô cùng to lớn, và theo như kinh nghiệm hóng drama và tám chuyện của mình, dù cho mình chưa bao giờ làm trợ giảng ở các trung tâm tiếng Anh ngày nào, chỉ nghe bạn bè kể lại, thì nói "trợ giảng" thế thôi nhưng không hề hường phấn lung linh đâu. Tựu chung, nhiệm vụ của trợ giảng là phụ giúp cho các thầy cô bản ngữ, dịch thuật, quản lớp, soạn báo bài, liên hệ phụ huynh về tất cả mọi chuyện, ví dụ như thông báo lịch học, giờ học, tiến độ học tập của bé như thế nào, điểm số ra sao, hỏi phụ huynh vì sao hôm nay bé nghỉ học, học sinh đánh nhau thì trợ giảng sẽ làm gì, bé ói, bé khóc, bé đi ị trong lớp thì trợ giảng làm gì thì tự hiểu đi nha, đấu trí với các cháu tuổi teen genZ sinh năm 2k mấy, 2k mười mấy trở về sau còn khó hơn 12 năm đi học nữa... Tùy cấp độ lớp và tùy độ tuổi học sinh, công việc có sự khác nhau. Ngoài ra còn những công việc khác mà ai đã từng làm trợ giảng thì vô giải thích giúp mình nhé.
Mới học năm nhất nhưng trong khoa mình nhiều bạn giỏi tiếng Anh khủng khiếp. Đa số sinh viên ngành mình xuất thân từ những lớp chuyên ban D hoặc chuyên Anh, hoặc phải có vốn ngoại ngữ tốt thì mới thi vào được, chứ không phải là người chưa bao giờ mở miệng nói tiếng Anh như mình đâu. Tuần đầu tiên học năm nhất, bạn ngồi bàn trên kể là bạn đang làm part time trợ giảng tiếng Anh. Xong mình hết hồn luôn. Ủa mới học năm nhất được mấy ngày mà đi làm thêm được rồi hả? Mà làm trợ giảng tiếng Anh luôn hả? Nghĩa là từ hồi cấp 3 đã giỏi tiếng Anh rồi hả? Nghĩa là vừa thi đại học xong là đi làm luôn rồi? Hoang mang tập 1 và mình đâu ngờ mình còn hoang mang tận mấy năm sau nữa.
Trong mắt mình, trợ giảng tiếng Anh là công việc rất tốt. Bạn bè đi ra đi vào những tòa cao ốc sáng loáng, máy lạnh phà phà mát rượi, áo quần là lượt, nói tiếng Anh như gió, lại có kinh nghiệm làm việc thực sự. Rõ ràng, công việc này là lựa chọn lý tưởng của nhiều bạn sinh viên. Tiền lương trung bình chắc chắn thuộc dạng cao hơn so với những công việc quen thuộc khác. Những trung tâm tiếng Anh thì có cơ sở vật chất tốt, rồi bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm giao tiếp tiếng Anh, dịch thuật, nói tên trung tâm ra thì ai cũng bảo giỏi lắm mới vô làm được.
Mình thích công việc này đến nỗi mình cứ ca thán với bạn thân của mình: "Mình muốn làm công việc này!!!!!!!! Thấy chưa, ai mà chịu cày thì 3 tháng hè đi summer trip được tận 10 triệu đó". Thích là một chuyện, nhưng điều quan trọng là mình chẳng làm gì để nâng cao trình độ, chẳng làm gì để cải thiện kỹ năng speaking, mà một trong những điều quan trọng nhất để làm trợ giảng là phải có kỹ năng speaking tốt. Đã không diễn đạt được suy nghĩ trong đầu bằng tiếng Anh, lại còn thêm accent chán ngắt nữa, nhưng vẫn không chịu luyện tiếng Anh, và vẫn thích làm trợ giảng. Ủa mình...?
Ý thức được mùa hè năm 3 phải đi thực tập, mình bắt đầu tìm việc làm thêm vào mùa hè năm 2. Ước mơ làm trợ giảng tiếng Anh vẫn không ngừng cháy bỏng trong tim. Chiều chuộng sự đua đòi cho bằng bạn bằng bè của mình, bạn thân của mình không ngừng ủng hộ, bắt mình phải liên hệ người bạn chung nọ, khi thấy bạn kia đang làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh nổi tiếng mà mình tin rằng kể tên ra thì ai cũng biết. Mọi chuyện thuận buồm xuôi gió hơn cả uống ly trà sữa của brand Cuộc sống dễ dàng, nhờ hồi cấp 3 tư vấn tình cảm cho bạn ấy mà giờ đây bạn cho mình email của người quản lý, không quên mách nhỏ trung tâm sắp có chi nhánh mới trên con đường kia, chắc chắn sẽ đậu bởi vì mở chi nhánh mới nghĩa là đang cần người.
Sau chuyên mục gửi CV đến tận email cá nhân của người quản lý, mình được liên hệ ngay. Easy game, nghe bạn mình kể hết các thủ tục như thế nào rồi. Ngày đó mình không biết đi xe máy, bố mẹ nghe mình đi phỏng vấn làm trợ giảng thì cũng vui lắm. Bố chở mình đến nơi, rồi còn đợi mình nữa cơ. Đúng là tiểu thư có khác. Chi nhánh mới mở chưa đi vào hoạt động, đến đó thì bàn ghế chưa xếp, chỉ có hai anh chị lễ tân đang trực.
Đầu tiên trung tâm sẽ đưa cho mình bài test gồm có các phần writing, listening, reading. Cấu trúc như bài IELTS vậy, chắc là lấy đề mẫu nào đó đưa mình làm. Khoảng 5.5 IELTS là pass vòng 1 rồi. Cuối cùng cũng làm xong, không biết thì cứ đánh lụi. Khoảng 1 tuần sau có email thông báo phỏng vấn vòng 2, địa điểm là trụ sở chính của trung tâm tiếng Anh đó. Ai chà, vậy trình độ của mình là khoảng 5.5 IELTS rồi hén. Đến lúc này, mình bắt đầu hơi run. Mình muốn apply làm trợ giảng, nhưng mình chưa bao giờ luyện tập kỹ năng speaking một cách nghiêm túc cả. Khi có thông báo phỏng vấn đợt 2, mình mới bắt đầu lân la trên mạng, tìm kiếm những mẫu câu thông dụng rồi luyện tập. Nghĩ rằng mọi việc rồi sẽ ổn thôi, mình cũng biết nói tiếng Anh mà, mình đi đến buổi phỏng vấn với tâm trạng lẫn lộn: háo hức vì đây là lần đầu tiên mình tìm việc, và cũng lo sợ vì đây là lần đầu tiên mình được ai đó phỏng vấn.
Mình vẫn còn nhớ trung tâm tiếng Anh đó, mặc dù trụ sở chính hiện nay đã được chuyển đi nơi khác, tòa nhà đó cũng không còn được cho thuê. Mình vẫn nhớ, hôm đó mình mặc bộ đồ gì, mình gặp những ai, tất cả những hành động như là đẩy cửa bước vào, gặp lễ tân, bấm số tầng đi lên thang máy, đi thật sớm để có thời gian săm soi mình trong gương, hít một hơi thật sâu rồi tự nhủ hãy cố lên, và đẩy cửa bước vào.
Trước mặt mình là 2 chị đang ngồi đợi sẵn. Cất tiếng chào, một chị hỏi mình: “Hello em. Ngồi đi em… Có run không đó? Không có được run nha”. Tràng cười giòn giã xua tan không khí im lặng, mình nhận ra: “Ơ, phỏng vấn mà vui thật đấy. Mình chưa bao giờ nghĩ một buổi phỏng vấn mà có thể thật tự nhiên và thoải mái như vậy”. Câu chào hỏi của chị xua tan mọi lo lắng của mình, nhưng vẫn không thể thay đổi những thiếu sót trong khả năng tiếng Anh. Sau màn chào hỏi, buổi phỏng vấn bắt đầu. Những câu hỏi quen thuộc mà mình đã chuẩn bị từ trước bằng cách xem trên mạng lần lượt cất lên: Giới thiệu bản thân, điểm mạnh, điểm yếu, em biết gì về trung tâm, em có biết công việc của một trợ giảng bao gồm những gì, nếu học sinh trong lớp đánh nhau em sẽ làm gì, nhà em ở đâu, em đi lại bằng phương tiện gì, nếu trung tâm xa nhà em quá thì em có chịu làm không, em thích làm ở chi nhánh nào, nếu như làm ở chi nhánh khác em có đồng ý không, em muốn lương bao nhiêu, hiện tại range lương của trợ giảng trung tâm này là vầy nè em thấy sao… Tất cả đều phải trả lời bằng tiếng Anh.
Khi mình vừa cất giọng lên, mình nhận thấy sắc mặt của hai chị có phần thay đổi. Một sự hụt hẫng nhẹ, một dấu hỏi lớn, một sự ngơ ngác,… mình biết rằng họ có biểu hiện như vậy, là do mình nói tiếng Anh chưa tốt: phát âm không rõ ràng, nói không hề trôi chảy, ậm ừ ừm à, một câu nói mà cứ đãi ra cho dài hơn,… Nói tóm lại là mình nói tiếng Anh dở và truyền đạt suy nghĩ thành lời nói chưa tốt. Đẩy cửa ra về, mình lại nghĩ buổi phỏng vấn cũng ổn đấy chứ, mình nói tiếng Anh cũng ra chữ, chỉ là chưa giống người bản xứ thôi. Chắc không sao đâu vì chỗ này đang cần người mà. Vì thích công việc, mình tự tin nói rằng cho mình làm ở chi nhánh nào cũng được, mình đi xe máy chứ không nói là mình đi xe bus. Bố hỏi rằng nếu đậu thì đi làm như thế nào. Mình dõng dạc trả lời rằng: “Con sẽ đi xe máy!”.
Chắc chắn các bạn đã biết kết quả là như thế nào. Mình không đậu buổi phỏng vấn đó. Sau khi kết thúc đời sinh viên, mình vẫn chưa bao giờ có trải nghiệm làm trợ giảng trung tâm tiếng Anh. Khi biết vậy, người bạn kia nói với mình: “Kì vậy, đang cần người mà. Thôi đừng buồn nha cứ apply chỗ khác xem thế nào”. Lúc đó, mình buồn quá nên chẳng màng apply nơi nào nữa.
Sau này, mình mới nhận ra, có thể do mình chưa đủ tốt, chưa phù hợp với công việc đó, và cũng chưa phù hợp với trung tâm. Thích một công việc, tự tin nộp vào, nhưng sự tự tin đó bắt nguồn từ đâu? Là hiểu rõ khả năng bản thân, hay là đến ngày phỏng vấn mới bắt đầu lên mạng, lôi giấy bút ra “ôn luyện”. Đó không phải là tự tin, không phải là khả năng thực sự, mà chỉ là những điều chắp vá, tạm bợ. Lần apply công việc đầu tiên trong đời, mình hiểu được: những điều mình thấy bên ngoài chỉ là bề nổi, sâu bên trong có những khó khăn gì, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Làm điều gì cũng cần sự chuẩn bị, không thể ngày một ngày hai mà lại thành công.
(Còn nữa)
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất