Thế hệ Millennials là những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000. Họ là những người lớn lên cùng công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội nên họ có xu hướng thích những điều mới mẻ, bị hấp dẫn bởi cái táo bạo trong công việc cũng như cuộc sống. Hiện tại, họ đang là lực lượng lao động chủ đạo trong xã hội và trong lĩnh vực giáo dục, họ cũng đóng góp một phần không nhỏ của mình, với tư cách là một người cô, người thầy đứng trên bục giảng.
Khi thế hệ Millennials làm giáo viên...
Nguồn ảnh: Dribbble.

Khi thế hệ Millennials làm giáo viên, họ phải đối mặt với thách thức trở thành một nhà giáo mẫu mực, giữ đúng khí chất và phẩm chất truyền thống của một giáo viên, vừa phải đem lại sự mới mẻ và hiện đại trong phong cách giảng dạy. Thế hệ Y đã trở thành một làn sóng chuyển tiếp giữa hai thế hệ X và Z, họ nhận được nhiều điều kiện và lợi thế về công nghệ thông tin vượt bậc hơn so với thế hệ X nên Millennials được xem là thế hệ của hy vọng và là bản lề của tương lai. Gen Y có cách truyền tải bài học riêng của họ đến với các học sinh. Tôi đã bắt đầu học cách suy nghĩ bằng tiếng Anh kể từ khi được một người thầy truyền động lực bằng cách chỉ cho tôi lợi ích của việc tư duy bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Và thú vị thay, cũng nhờ một người thầy dạy tiếng Anh, tôi đã biết cách đặt luận điểm, chia luận cứ, sắp xếp luận chứng một cách logic nhất trong văn nghị luận theo sơ đồ tư duy, điều giúp tôi đạt được một số thành tích trong hành trình học Văn. Nhờ một người cô, tôi cảm nhận được vẻ đẹp của văn học, không chỉ ở trên trang giấy, mà còn tiềm ẩn trong cuộc sống đa sắc, từ những điều bình dị, chân xác. Cô khiến tôi xúc động, đồng thời có được khoái cảm thẩm mĩ mỗi khi đọc được một bài văn, một đoạn thơ xuất sắc hay đơn giản chỉ là một câu hát. Các thầy cô đã dạy cho tôi nhiều hơn những gì có trong sách vở. Đó là bài học về tư duy, cảm xúc, về nhân sinh.
Khi thế hệ Millennials đứng trên bục giảng, họ luôn cập nhật những kiến thức và xu hướng mới nhất để giảng giải đến các học sinh, và họ cũng không ngại đưa ra những quan điểm cá nhân của mình. Các thầy cô thường cởi mở, mang nguồn động lực tích cực, dễ dàng tiếp thu những điều mới  và không ngại nêu lên quan điểm của bản thân, điều được cho là vượt bậc hơn so với gen X.  Ở một lớp học của gen Y, tôi được lắng nghe những quan điểm khác biệt và vô cùng sáng tạo từ phía những cô giáo, thầy giáo của mình. Họ như một trận mưa rào mang chú ếch con rời khỏi cái giếng chật hẹp để bước ra ngoài thế giới, mở rộng nhãn quan. Giây phút ấy, trước mắt tôi không còn là một chấm xanh bé xíu như một chiếc vung nữa, mà là cả một bầu trời. Millennials là kết quả của một xã hội không ngừng chuyển động. Với tinh thần YOLO, bạn chỉ sống một lần trong đời) Millennials đang sống theo một cách khác biệt, đem đến những giá trị khác biệt cho xã hội đồng thời cũng mong muốn được đón nhận và cống hiến cho sự phát triển chung của cộng đồng.
Khi thế hệ Millennials làm giáo viên, họ làm tôi nhớ đến hình ảnh chú mèo trong truyện ‘Con mèo dạy hải âu bay’. Trong sách Luis Sepúlveda đã viết: 

“Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. 

Vì thế mà tôi càng kính phục thế hệ Y hơn nữa khi họ chấp nhận những quan điểm khác biệt đến từ phía học sinh. Thầy tôi luôn lắng nghe những cái mà tư duy mình cho là sai để rút ra những lí luận của mình. Còn cô tôi cho rằng: “Không có chân lí tồn tại trên đời” nên những ý kiến của chúng ta đều có phần phiến diện. Nhưng điều quan trọng là họ cho phép học sinh của mình được lên tiếng và rồi sẽ đồng ý với những ý kiến hợp lý. Thế hệ Millennials sở hữu nhiều tính chất của một nhà lãnh đạo, của một người truyền cảm hứng như không bao giờ cho rằng mình hoàn toàn đúng mà biết cách chấp nhận những thiếu sót của chính mình để từ đó thay đổi vì những điều tốt đẹp. Từ đó, thế hệ Millennials có thể đào tạo genZ trở thành những công dân toàn cầu, mang tư duy sáng tạo và tư duy phản biện. Điều kì lạ là đôi lúc chính họ cũng không chủ đích hướng đến việc truyền cảm hứng như vậy mà đơn giản qua cách họ chuyển tải bài giảng, đưa ra quan điểm của mình đã vô tình giúp học sinh của mình nhận được một nguồn năng lượng vô cùng tích cực. 
Tôi, một đứa trẻ thuộc thế hệ Z, ở tuổi 15 đầy hoài bão và hoang mang, thế hệ Millennials soi sáng và dìu dắt tôi qua những cung đường đầy bóng tối của một tuổi trẻ lạc lối, với tư cách là một giáo viên.
Khi thế hệ Millennials làm giáo viên, họ không chỉ là một người cô, người thầy, mà còn là một người bạn tâm giao, là một người đồng hành cùng học trò. Thế hệ Y, với chữ Y phát âm giống từ ‘Why’ trong tiếng Anh, có nghĩa là ‘tại sao? vì sao?’. ‘Generation why’, thế hệ lạc lối. Dù sao thì họ cũng đã từng là một người trẻ, cũng đã thể nghiệm sự ngông cuồng, sự hoang mang, sự cô đơn của một người trẻ nên họ có thể là người học sinh tìm đến để chia sẻ và tìm kiếm sự đồng cảm. Ở những thời điểm khó khăn của cuộc đời, ít nhiều tôi luôn cảm thấy cô đơn và hoang mang như một cánh buồm trôi, trôi mãi giữa đại dương rộng lớn. Như những nhân vật trong “Rừng Na Uy” của Haruki Murakami, tôi bị lạc bước trong chính hành trình cuộc đời mình. Tôi vừa muốn cắt đứt mọi liên hệ với thế giới, vừa khao khát tìm kiếm một tâm hồn đồng điệu. Và tôi đã tìm đọc những câu chữ của thầy viết cho chính thầy, viết cho những cảm xúc thầy trải qua, viết cho cái bản ngã đang tìm kiếm, viết cho một thời tuổi trẻ đầy ngông cuồng nhưng cũng cũng vô cùng sâu sắc. Tôi đã bám víu vào nhưng câu chữ của thầy như cách kéo lấy một bàn tay lúc sắp rơi xuống vực, níu lấy một tâm hồn đồng điệu, và tôi đã thực sự được chữa lành. Tôi viết một email cho cô giáo, kể về những trăn trở và áp lực trong quá trình học Văn và kể từ khi nhận được hồi âm của cô, hành trình tôi bước sang một trang mới.
“Một khi em  không phụ Văn, Văn sẽ không phụ em”, cô viết.
Khi thế hệ Millennials đứng lớp, họ tác động trực tiếp đến cuộc đời của một học sinh. Chỉ trong một khoảnh khắc, sau một câu nói ngắn ngủi bằng chất giọng hào sảng của mình, tôi quyết định dấn thân vào con đường học Văn, điều tôi chưa từng nghĩ tới trước đó. Tôi từng đọc tác phẩm “Nhà giả kim” của Paulo Coelho nhưng lúc ấy tôi đã không tin những câu nói như:
“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” 
Hay: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó”.
Tôi thực sự không tin đến khi tôi gặp được những người thầy, người cô thuộc thế hệ Millennials của mình. Nếu lúc trước tôi rất tự ti về bản thân mình thì chính họ đã phá vỡ bức tường ấy và giúp tôi tự tin hơn vì những giá trị mình. Âu chăng, bởi thầy cô đã cho tôi tôi cảm nhận được là một học trò khác biệt đến đặc biệt  trong mắt họ, bằng cách dạy bảo nhiệt tình và ân cần quan tâm tôi. Khi thế hệ Millennials làm giáo viên, họ dạy cho tôi nhiều hơn những gì có trong sách vở, họ làm nhiều hơn những cái gọi là nhiệm vụ. Họ quan tâm và dạy dỗ học sinh bằng tấm lòng. Và họ nhận lại những tấm lòng.
Xin gửi tặng bài viết này đến những người cô, người thầy thuộc thế hệ Millennials của em, những người truyền cảm hứng và tạo ra ảnh hưởng lên cuộc đời em. Cảm ơn thầy cô vì tất cả những gì thầy cô làm cho em. Có lẽ sẽ đến lúc em không còn được ngồi trong lớp và nghe thầy cô giảng nữa nhưng em sẽ mãi lưu giữ những khoảnh khắc được ngồi trong lớp học của cô, của thầy ở một góc nhỏ trong tâm khảm để bất cứ khi nào em cũng có thể lật lại trang vở kí ức để quay về lại với một thời quá khứ tươi đẹp ấy!