Gần đây, The Great Resignation còn được gọi là "Bỏ việc lớn", là xu hướng nhận được sự chú ý của báo chí, doanh nghiệp và người lao động trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Úc,... Theo the Job Openings and Labor Turnover Survey, chỉ trong tháng 8 năm 2021, đã có hơn 4.3 triệu người Mỹ tự nguyện bỏ việc. Con số này cũng được dự đoán là lên đến hàng triệu người tại Úc, theo tờ báo News.com.au. Trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là vì người lao động cảm thấy "kệt sức" và không hài lòng với công việc hiện tại của họ.
Tự nhìn nhận lại, mình thấy bản thân và những người xung quanh đôi khi sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản, không có động lực nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải hoàn thành, deadline chồng chất.
(Hình ảnh được cung cấp bởi&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/users/magnetme-18827429/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=5679001">magnetme</a>&nbsp;từ&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=5679001">Pixabay</a>)
(Hình ảnh được cung cấp bởi magnetme từ Pixabay)
Bản thân chỉ muốn ngủ một giấc dài rồi được gọi dậy lúc mọi thứ tự động xong xuôi. Hay đi lướt Facebook hoặc instagram để tự làm xao nhãng bản thân ra khỏi công việc chính để cảm thấy dễ chịu hơn. Và thường thì những lúc này mình sẽ mong mỏi được đi du lịch, bỏ phố về rừng về quê nuôi cá và trồng rau...
Nhưng rồi tụi mình sẽ nhanh chóng nhận ra là những điều đó sẽ không có ích lợi gì trong việc giải quyết vấn đề mình đang gặp hay là giúp mình cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng hơn. Vậy nên trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ 3 giai đoạn theo mức độ nghiêm trọng tăng dần và hướng giải quyết dựa trên những trải nghiệm của bản thân về chủ đề này. Đồng thời gợi ý một số câu hỏi để bạn có thể nhìn lại ở bản thân nhan.
3 Giai đoạn lần lượt là:
- Giai Đoạn 1: Bạn mệt mỏi về mặt thể chất và đang có nhiều công việc. Tuy nhiên bạn vẫn hiểu được mục đính của những việc đang làm.
- Giai đoạn 2: Bạn mệt mỏi về tinh thần và đang có nhiều công việc. Tuy nhiên bạn vẫn hiểu được mục đính của những việc đang làm.
- Giai đoạn 3: Bạn hoàn toàn không hiểu được mục đích của những việc bạn đang làm và việc phải liên tục bận rộn với những điều đó dường như vắt kiệt sức lực của bạn.
Nếu như bạn để ý thì cả ba giai đoạn này, mình đã nhấn mạnh thêm điều kiện là “ bạn có hiểu được mục đích của những việc bạn đang làm hay không?”
Vì mình tin rằng mục đích bắt đầu chính là điều sẽ giữ bạn đi được một hành trình dài, và tiếp cho bạn thêm động lực cũng như sức mạnh để theo đuổi nó đến cùng và tạo ra nhiều ảnh hưởng. Tại một thời điểm nào đó, nếu bạn không biết lí do hay mục đích của tất cả những việc bạn đang làm là gì, bạn sẽ rơi vào trạng thái mất phương hướng, stress hay thậm chí là kiệt sức...
Vậy nên trước tiên, bạn hãy trả lời câu hỏi sau nhé:
1. Tại sao ban đầu bạn lại bắt đầu công việc/dự án/hoạt động này?
2. Bạn mong muốn đạt được điều gì vào thời điểm kết thúc? Bạn mong muốn sẽ tạo ra được ảnh hưởng như thế nào thông qua công việc đó?
Nếu như các bạn đã có cho mình câu trả lời và nhận thấy mục đích đó là điều đáng để cho các bạn theo đuổi thì hãy cùng bàn tiếp đến giai đoạn 1 & 2. Còn nếu bạn không có mục đích gì cụ thể hoặc bạn nhận ra mục đích đó không đáng để bạn đánh đổi quá nhiều thứ như hiện tại, tụi mình sẽ thảo luận nó ở giai đoạn 3. Còn bây giờ, hãy cùng trao đổi cả 3 giai đoạn và một số hướng giải quyết được đề xuất để các bạn tham khảo nhan.
 Giai Đoạn 1: Bạn chỉ mệt mỏi về mặt thể chất và đang có nhiều công việc. Mình nghĩ ở đây sẽ có 2 trường hợp: trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Đối với ngắn hạn, tức là mình có nhiều việc phải là và mình cần làm nó trong ngày hôm nay hay trong tuần này, thì với mình việc hoàn thành xong công việc là ưu tiên hàng đầu bởi vì nó đang khẩn cấp và quan trọng đồng thời khi mình hoàn thành xong nó sớm chừng nào, mình sẽ thấy nhẹ nhàng sớm chừng đó. Ở giai đoạn, mình có thể sẽ tạm bỏ đi các thói quen khác kể cả những thói quen lành mạnh như tập thể dục hay viết nhật ký và giảm bớt các tương tác qua mạng xã hội vì những điều này khá tốn thời gian, nên mình sẽ chọn không làm nó cho đến khi hoàn thành xong công việc và quay trở lại nhịp sống bình thường. Tuy nhiên, nguyên tắc của mình là dù có làm gì thì 3 việc tối thiểu sau mình sẽ cố gắng giữ: ăn đúng bữa, ăn ngon và đủ chất dinh dưỡng càng tốt, ngủ đúng giờ và ngủ đủ,vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Tuy chỉ là những điều cơ bản, nhưng nhiều người bao gồm cả mình lúc trước, nhiều khi bận chạy deadline quá mà quên luôn không ăn uống gì hết, hoặc chỉ ăn qua loa, thậm chí là thức khuya đến 2-3 h sáng. Bây giờ nghĩ lại, mình thấy điều đó thật sự không giúp ích nhiều bởi vì một cơ thể mệt mỏi sẽ ảnh hướng trực tiếp đến năng xuất và chất lượng công việc.
Đối với trường hợp dài hạn, lại cần có những sự sắp xếp khác. Nếu như lâu lâu bạn mới bị deadline gấp thì là chuyện bình thường, tuy nhiên ngày nào đi làm, mà bạn cũng có cảm giác ngồi trên đống lửa thì lại không phù hợp. Tuy bạn có thể giữ 3 điều tối thiểu mình đề cập bên trên, nhưng nếu không có những hoạt động khác như vận động, tập thể dục, dành thời gian chất lượng cho các mối quan hệ xung quanh và bản thân,.. trong thời gian dài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn đến sức khỏe tinh thần của bạn.
Để tránh trường hợp này, mình luôn lập ra một bảng kết hoạch để theo dõi công việc phải làm và tiến độ của nó để không bị bỏ sót. Mình phân loại những việc đó ra theo mô hình khẩn cấp và quan trọng.
(Hình ảnh được cung cấp bởi Pexels từ Pixabay)
(Hình ảnh được cung cấp bởi Pexels từ Pixabay)
Sau khi phân loại xong, mình sẽ thực hiện theo thứ tự sau:
Mình sẽ ưu tiên để làm các công việc nào quan trọng và khẩn cấp trước. Ở đây bởi vì mình là nguồn lực chính, nên việc đầu tư vào bản thân về mặt kiến thức, kỹ năng là điều cần thiết trong dài hạn vì nếu bạn giỏi hơn bạn sẽ làm việc hiểu quả và năng suất hơn. Ví dụ như nếu bạn là nhà thiết kế ấn phẩm, trước đây bạn mấy 3 tiếng để hoàn thành một poster thì bây giờ bạn chỉ cần 1 tiếng để có được thành quả cuối cùng. Vậy là nhờ việc có nhiều kiến thức và kỹ năng hơn trong việc thiết về và sử dụng các công cụ hỗ trợ, bạn có thể làm ra nhiều sản phẩm hơn trong cùng một khoảng thời gian.
Đối với những công việc khẩn cấp nhưng không quan trọng mình sẽ tìm cách để chuyển giao đồng nghiệp hoặc nhân viên của mình nếu như họ đang có nhiều nguồn lực hơn ở thời điểm đó để giúp. Mình ví dụ như là phòng marketing đột nhiên cần gấp những hình ảnh hoạt động về chương trình của phòng ban mình để lên bài truyền thông, và mình không có thời gian để ngồi tìm ảnh, thì mình sẽ nhờ sự hỗ trợ của một bạn nhân viên nào đó mà đang không có nhiều công việc gấp ở hiện tại.
Đối với các công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp, mình sẽ lên kế hoạch cho nó cụ thể về công việc cần làm và thời gian cần hoàn thành để theo dõi và làm đúng tiến độ. Như vậy sẽ tránh được trường hợp mình quên mất và đến một thời điểm trong tương lai nó sẽ chuyển thành việc Khẩn Cấp và Quan Trọng, lúc đó thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Ví dụ ở bản thân mình là việc học và thi IELTS không gấp, nhưng để đạt được điểm số mình mong muốn trước thời điểm mình cần để làm hồ sơ thì mình cần bỏ một khoảng thời gian và công sức nhất định. Nếu mình cứ bỏ mặt nó thì khoảng vài tháng sau nó sẽ trở nên khẩn cấp và nhiều khi mình sẽ không đạt được kết quả như mình mong muốn.
Còn đối với những việc không quan trọng, cũng không khẩn cấp, mình sẽ hạn chế, chuyển giao nó cho một người khác hoặc loại bỏ bằng cách áp dụng một giải pháp thay thế. Ví vụ như là việc làm việc nhà, có thể tuần nào đó mình quá bận và không có thời gian để làm thì mình sẽ nhờ bạn cùng phòng làm giúp, và mình sẽ làm bù vào tuần sau. Với những người có điều kiện, họ sẽ nghĩ đến việc thuê người/ dịch vụ lau dọn hoặc mua những máy lau nhà, máy rửa chén để hoàn toàn loại bỏ những việc này ra khỏi danh sách những việc cần làm.
Mình biết khá nhiều bạn biết đến mô hình này nhưng không phải ai cùng áp dụng nó hiệu quả, mình cũng từng như vậy. Nó không chỉ đề cập về vấn đề công việc và thời gian, mà còn giúp mình nhìn nhận lại tất cả những nguồn lực về mặt kiến thức, kỹ năng, thời gian, tiền bạc, con người,... để quản lí và tận dụng cho phù hợp.
Ở giai đoạn 2: Bạn mệt mỏi về tinh thần và đang có nhiều công việc.
Ở đây, mình muốn đề cập đến vấn đề là bạn không không có động lực để tiếp tục làm những điều bạn đang làm dù bạn hiểu rõ và tin tưởng vào mục đích mà bạn bắt đầu những điều đó. Với mình thì sẽ có những khoảng thời gian mình cảm thấy công sức của mình không được công nhận một cách thích đáng từ những người xung quanh, hay dù mình đã cố gắng nhưng kết quả lại không như mình mong muốn và điều tệ nhất đó là mình sẽ hoang mang và nghi ngờ bản thân liệu mình có đủ giỏi hay trách bản thân là tại sao mình lại rơi vào tình cảnh như hiện tại... Những điều đó khiến mình cảm thấy không có động lực để làm bất cứ điều gì nữa.
Khi mình phát hiện bản thân rơi vào trạng thái này, mình sẽ cho phép bản thân dừng lại, và tạo ra điều kiện hoặc môi trường thuận lợi để mình có thể dừng lại và chậm lại một chút. Thời gian dài ngắn bao lâu thì tùy bạn, nhưng thường thì mình sẽ dành 2 ngày cuối tuần cho việc này.
Việc đầu tiên mình sẽ làm với bản thân là thư giản. Mình sẽ ngủ một giấc đủ và sẽ là những việc kiến mình thoải mái như là đi bộ, tưới cây, vẽ tranh... Sau đó thì mình sẽ  kể lại, viết ra tất cả những suy nghĩ, cảm xúc của mình ở thời điểm hiện tại một cách cụ thể nhất, nếu như mình phát hiện là mình đang giận dữ, đang yếu đuối thì cũng không sao, bởi vì mình chỉ viết cho bản thân mình xem thôi nên mình đang an toàn, và có thể thành thật với chính mình.
Sau khi viết xong, mình sẽ xem xét lại câu chuyện đó, nhìn nhận xem đâu là những điều thật sự xảy ra, đâu là những câu chuyện mình tự nghĩ, tự giả định ra mà thôi.
Sau khi hoàn thành xong, mình sẽ cố gắng liên hệ với những người liên quan trong câu chuyện này để chia sẻ thẳng thắn với họ những điều mình đang cảm nhận, suy nghĩ và nghe trực tiếp quan điểm của họ. Vậy thì ít nhất mình sẽ loại bỏ được những điều mà mình chỉ đang tự suy diễn. Trong nhiều trường hợp, mình nhận ra là thật ra họ cũng có lí do riêng, hoặc có góc nhìn khác tuy nhiên họ cũng có ý định tốt đằng sau những việc họ làm.
Thứ hai đó là tìm một người mà có thể cho mình một góc nhìn khách quan hay ít nhất chỉ là người cho mình cảm giác an toàn rằng họ sẽ lắng nghe để chia sẻ những điều mình đã trải qua. Khi được nghe câu chuyện ở một góc nhìn khác, mình có thể sẽ thay đổi góc nhìn theo hướng tích cực hơn nhiều.
Cuối cùng là viết lại những gì mình đã trải qua theo một cách khác. Hiểu được giá trị của bản thân, hiểu là mình đầy đủ, rằng nếu mình đã cố gắng hết sức. Đồng thời, mình nhận ra đâu là những điều mà bạn có thể chỉnh sửa, có thể cải thiện để mở lòng và thẳng thắn hơn với team và đồng nghiệp, như thế họ có thể hỗ trợ mình nhiều hơn trong công việc & cuộc sống.
“Nếu bạn mệt mỏi, hãy học cách nghỉ ngơi, thay vì từ bỏ”. - Banksy
Mình rất thích câu quote này và mình hy vọng nếu bạn đang mệt mỏi, hãy cho bản thân một chút thời gian nhan để nghỉ ngơi và chữa lành.
Ở giai đoạn 3: Bạn hoàn toàn không hiểu được mục đích của những việc bạn đang làm và việc phải liên tục bận rộn với những điều đó dường như vắt kiệt sức lực của bạn.
Ở đầu bài post, mình có đưa ra một số câu hỏi để bạn có thể nhìn nhận ở bản thân. Mình cũng từng rơi vào trường hợp này, nhận ra là mục đích trong công việc không đáng để mình đánh đổi quá nhiều thứ như hiện tại. Hoặc những việc mình đang làm không phù hợp với mục đích dài hạn trong cuộc sống của mình.
Ví dụ như khoảng 1,5 trước mình có làm Trade marketing cho một công ty đa quốc gia về FMCG (Fast-Moving Consumer Goods). Tại một thời điểm mình nhận ra, những việc mình đang làm, những giá trị và ảnh hưởng mình tạo ra ở công ty hay công việc này trong ngắn hạn và dài hạn không phải là việc mình thật sự muốn làm trong cuộc sống. Mặc dù doanh số sản phẩm team mình tăng trưởng khá nhiều, môi trường làm việc với nhiều người giỏi, anh chị sếp cũng rất giỏi và nhiệt tình, mình cũng thấy bản thân phát triển. Tuy nhiên, những điều đó dường như vẫn không đủ để khiến mình hạnh phúc khi làm việc. Vậy nên, những lúc phải thức khuya, dậy sớm mình sẽ tự hỏi là: những điều này có đáng hay không? Và khi nào mình nên rời đi?
Sau khoảng thời gian 6 tháng làm việc ở công ty, mình nhận ra rằng mình muốn cống hiến cho giáo dục, tạo ra giá trị trực tiếp để phát triển công đồng, đặt biệt là đối tượng các bạn trẻ và mình sẽ làm được điều đó tốt hơn ở một NGO/NPO thay vì một công ty về FMCG. Và sau khi trao đổi với sếp cũng như những anh chị có nhiều kinh nghiệm trong cả 2 lĩnh vực để hiểu hơn về tính chất của 2 công việc thì mình đã quyết định chuyển việc. 6 tháng là một thời gian đủ để mình thật sự trải nghiệm và học tập nhiều hơn ở môi trường làm việc và công việc này. Và cũng đủ để mình quyết định rời đi, dành nguồn lực của mình cho một việc khác.
Với công việc hiện tại là quản lí quốc gia của dự án phát triển khả năng lãnh đạo cho các bạn trẻ ở Úc, mình thật sự tìm thấy mục đích của những việc mình đang làm. Đôi khi công việc có khó khăn một chút, mình vẫn không thấy mệt mỏi hay nản lòng, ngược lại còn có thêm nhiều niềm tin và sức mạnh để làm nó mỗi ngày.
Mình thật sự khuyến khích mọi người hãy hỏi bản thân về mục đích bạn có trong công việc hiện tại vì đó sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn tìm thấy niềm vui và ý nghĩa dài hạn trong công việc. Với mình, cuộc sống quý giá và nguồn lực của mình có hạn, mình sẽ chọn để dành nó cho những điều khiến mình thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn mỗi ngày.
(Hình ảnh được cung cấp bởi&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/users/geralt-9301/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=2944064">Gerd Altmann</a>&nbsp;từ&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=2944064">Pixabay</a>)
(Hình ảnh được cung cấp bởi Gerd Altmann từ Pixabay)
Cuối cùng, mình chỉ muốn chia sẻ là: những giai đoạn mệt mỏi này sẽ sớm qua thôi và rồi sẽ lại đến một lúc nào đó trong tương lại. Những lúc như vậy mình lại thấy, đây chính là giai đoạn giúp mình học được nhiều điều về cách quản lí công việc hiệu quả, đưa ra những quyết định quan trọng nhất và yêu thương bản thân hơn một chút.
Chúc bạn tìm được cách chăm sóc bản thân và tìm thấy niềm vui trong bất kì ngành nghề và công việc mà bạn đang làm nhan.
P/s: bạn có thể ghé thăm podcast của mình trên Spotify/Apple & Google Podcast để có thêm nhiều chia sẻ về chủ đề phát triển bản thân, team và tổ chức nhé: Lead Ờ