"Mình chỉ còn nhà khi nhà có bố mẹ, các anh chị em, nhà chỉ là nhà khi chúng ta có thể bỏ tất cả những muộn phiền trước cánh cửa để có thể an vui khi bước vào. Nhưng nếu đến một ngày, Nhà cũng đầy bão tố như những hàng ngày ngoài kia, chúng ta sẽ thế nào?"
Tôi cô đơn.
Cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Nơi có bố mẹ, có anh chị em, những người mà chúng ta luôn nói rằng đó là người thân thiết nhất, những người thấu hiểu chúng ta nhất, chiều chuộng chúng ta nhất và là những người sẽ luôn là bến đỗ để chúng ta quay trở về sau bao những thăng trầm, sóng gió ngoài kia.
Bố mẹ tôi là kiểu hiền lành, chân chất; bố có hơi trầm và ít nói nhưng điều tôi luôn tự hào ở bố mẹ đó chính là sự yêu thương và hạnh phúc của bố mẹ dành cho nhau và dành cho cả chúng tôi, những đứa con của hai người.
Tôi đã từng tự hào như thế.
Anh em chúng tôi đã từng nghĩ bố mẹ mình đã rất hạnh phúc. Bố luôn là người mua hoa cho mẹ vào các ngày lễ, làm việc nhà phụ chúng tôi, cho chúng tôi tiền ra ngoài hàng ăn để bố mẹ ở nhà có không gian riêng tư.... cho đến khi tôi phát hiện ra, tình cảm và hành động của bố đối với mẹ, tất cả chỉ là vỏ ngoài dối trá mà thôi.
Cái gì mà "Đã gả vào nhà họ Lê thì đến chết cũng phải làm ma nhà họ Lê"?
Xin lỗi bố, nhưng con phải nói rằng, quan niệm của bố, cái suy nghĩ mà mẹ của bố (bà nội) ngày ngày nhắc nhở với ba như thế đã xưa cũ lắm rồi, chúng con thời nay, yêu được thì bỏ được, kết hôn được thì ly hôn được, sinh con 2 3 đứa, đứa này theo họ bố đứa kia theo họ mẹ cũng là bình thường, cớ sao cứ phải dằn mãi một câu "họ này họ kia".
Thật ra con không trách bố, bởi lẽ cũng không phải lỗi là ở bố mà.
Bởi vì lỗi là ở mẹ và chúng con thôi.
Bởi vì mẹ không biết điều, kết hôn với bố bởi vì ông bà ngoại sắp đặt, bởi vì vun vén cái gia đình nhỏ này mà phải nhẫn nhịn mọi thứ, từ việc ông bà nội cổ hủ, gia trưởng, độc đoán, bà luôn chán ghét mẹ, luôn nghĩ rằng mẹ được gả vào nhà bà là gả trên, gia cảnh của gia đình mẹ thời ấy không tương xứng với gia đình nhà bà và nên thế nên bà ghét luôn cả chúng con (bởi vì chúng con là những đứa trẻ sinh ra mà không có ngoại hình giống bên nội).
Chúng con được sinh ra và nuôi lớn từ sự yêu thương, chiều chuộng từ cả nhà bên ngoại. Cho dù lúc con ốm đau, gần như sắp chết, phải đem đi bệnh viện, mặc dù nhà chúng ta gần nội hơn nhưng nội vẫn không cho con đi bởi vì nội nghĩ rằng chỉ có bệnh gần chết mới phải đi bệnh viện thôi, mẹ đã phải cầu xin bố như thế nào, phải xin ông bà nội như thế nào để con được đi viện, để có một cơ hội cứu sống con.
Giờ nghĩ lại con vẫn cảm thấy đau lòng. Mẹ đã vì con mà đau lòng như thế, đã vì con mà từng hèn mọn như thế.
Đến năm con hơn 20, mặc dù con vẫn đau ốm nhiều, vẫn phải chăm sóc y tế nhiều nhưng con đã không cần nhờ đến bố mẹ nhiều nữa thì nhà chúng ta lại xảy ra vấn đề mới.
Hóa ra, trong suốt từng ấy năm kết hôn và chung sống, bố làm việc thật nhiều nhưng lại không đóng góp kinh tế vào ngôi nhà này.
Ô hay, vậy số tiền trong suốt những năm qua đã đi đâu vậy ạ?
Bố hút thuốc nhiều nhưng không nhậu nhẹt, và con tin rằng bố cũng không chơi bời ở ngoài, cũng không đầu tư gì cả, không cho con tiền khám chữa bệnh cũng không cho anh trai và em gái con, thế bố làm việc để làm gì?
Bố làm việc để làm gì khi cả cái nhà này mẹ phải chống đỡ, làm việc này đến việc khác nhưng việc nào mẹ làm bố cũng cấm cản. Nào là việc bán sách như thế này, việc nuôi trồng như thế kia, thế rồi nếu mẹ không làm việc thì làm thế nào để nuôi sống được cả 5 người chúng ta, làm thế nào để gầy dựng được nhà cửa, làm thế nào để cho chúng con ăn học hết cao đẳng đại học như bây giờ vậy bố?
Thật ra lúc mới đầu con cũng không tin tưởng được việc tại sao bố làm việc nhưng lại không đưa tiền cho mẹ bởi vì một người phụ nữ mỏng manh như mẹ sao có thể cáng đáng được tất cả những thứ trên, nhưng sự việc này đã lộ ra nhiều năm mà bố vẫn chưa thay đổi nhiều, bố làm rất nhiều nhưng chưa tháng nào bố đi nộp tiền điện về mà không than thở, và rồi hình như bây giờ bố cũng chỉ lo lắng các hoạt động giỗ chạp bên nội chứ không phải cả hai bên như mẹ đã từng, nhưng chưa bao giờ đủ.
Từ khi mọi thứ xảy ra, con đã ít lại càng ít về nhà hơn. Ở ngoài kia bão tố như thế nào con không quan tâm nhưng về đến nhà chúng con đều muốn được vui vẻ và con tin rằng tất cả mọi người đều muốn thế.
Nhưng sự thật thì thế nào, mỗi lần con về nhà đều thấy bố mẹ cãi nhau, không vì chuyện tiền bạc thì cũng là chuyện con như thế này như thế kia. Thế rồi bố mẹ chỉ có mỗi một đứa con gái là con hay sao?
Bố có thể không màng việc mẹ sắp vào phòng sinh sinh em gái út của con mà đi săn trong rừng mấy ngày liền, bố có thể không màng đến việc con nằm trong bệnh viện một mình suốt mấy tháng trời trong khi anh con làm việc ở xa cũng phải đi mấy ngàn km tới nhìn một cái mới an tâm được, bố có thể không màng tới việc em gái con sợ rắn, nó bị rắn cắn, mẹ chở nó đi bệnh viện rồi gọi về cho bố bảo bố mang thẻ y tế xuống nhưng bố không nghe điện thoại để sau rồi bảo "khi nào nó có việc gì thì gọi bố". Nhưng bố có thể quan tâm mẹ con một chút không, chân mẹ con bị đau, sưng lên rất nhiều ngày và gần như không thể đi lại được trong khi đó cả 3 anh em chúng con đều ở ngoài và chỉ có thể chạy về nhà được mấy hôm rồi lại đi lại, thế mà bố vẫn không thương mẹ, vẫn có thể dửng dưng, cần làm gì thì làm cái đấy, cần đi chơi thì vẫn cứ đi, muốn đi săn hoặc bạn bè của bố rủ bố đi uống nước chè hoặc rủ bố đi uống rượu bố vẫn không từ chối....
Bố quá yêu thương bản thân mình, không chỉ quá nghe lời mẹ của bố, không chỉ không thương chúng con mà bố còn không yêu thương một ai cả. Thật bất hạnh làm sao.
Ở ngoài xã hội ngoài kia, chúng con gặp rất nhiều chuyện, có bạn bè, có anh chị em hoặc nhiều người lạ cũng có thể che chở cho chúng con nhưng khi con về nhà, con chỉ mong được một vòng tay ôm của bố mẹ, có thể thật lòng mà vui vẻ với nhau dẫu những chuyện chúng con nói bố mẹ không hiểu, dẫu chỉ nhìn bố mẹ trồng một cái cây, nhổ một ngọn cỏ thôi chúng con vẫn vui bởi vì biết bố mẹ mình vẫn khỏe mạnh và an yên chứ không phải mỗi lần về nhà mặt mày chúng ta đều cau có, mỗi ngày đều nói với nhau về chuyện tiền bạc, về sự chán ghét nội ngoại của nhau như thế nào, thế thì hành trình trở về nhà của chúng con có còn ý nghĩa gì nữa đâu, thế thì những người hàng ngày tiếp xúc với cái nơi gọi là "Nhà" này, tâm thần đã phải vững chãi như thế nào để tiếp nhận những sóng gió này mà không bị nó nhấn chìm?
Hoặc là bỏ mặc, hoặc là chết?