Phòng bà tớ nằm có 8 giường, cho 8 bệnh nhân. Nhưng những ngày tớ ở cùng bà thì chỉ thấy có 4 con người hiện diện. Anh giường bên cạnh tên Phú, là một nhân vật tớ biết tên mà không biết mặt. Vì anh đi đâu biền biệt không rõ. Anh được mọi người nhắc nhiều, với chung một giọng cảm thán: Anh ngộ lắm! Bà bảo anh nằm viện mà đi miết đâu khuya mới về ngủ. Có hôm đang truyền máu thì xách bịch máu sang đòi trả, không truyền nữa. Nghe cũng có cảm giác ngộ ngộ.
Cách giường bà tớ bởi chiếc giường của anh Phú là giường của Ông Radio. Thật thất lễ khi tớ không biết tên ông. Hoặc tớ biết rồi nhưng lại quên mất. Tớ còn không nhớ nổi là tớ chưa biết hay biết rồi mà quên mất. Tớ luôn ngu ngốc như thế. Tớ tạm gọi ông là Ông Radio. Nguyên do là bởi ngày đầu tới, tớ thấy ông chỉ nghe và làm bạn với chiếc đài radio xinh xinh của mình. Ông bật nó từ sáng đến tối, và bật to hơn vào giờ mọi người ngủ trưa. Mọi người đều khá không hài lòng. Tớ thì không sao. Không phải tính tớ dễ chịu gì, mà vốn dĩ tớ...dễ ngủ. Tớ là đứa ngủ được mọi lúc mọi nơi bất chấp mọi tiếng ồn, miễn là tớ buồn ngủ. Bà tớ hay cười, bảo để ông này ra ngoài rồi bà giấu cái đài luôn đi cho đỡ nhức đầu. Trong phòng chắc tớ là người duy nhất có ý muốn nói trực tiếp với ông. Nhưng tớ không dám thẳng thắn. Thứ nhất là ông có khuôn mặt hơi hơi nhăn nhó. Thứ hai là tớ cảm giác như, ông chỉ nghe với làm bạn với cái đài. Ông rất chú tâm khi nghe nó, dù là dự báo thời tiết hay là chương trình khởi nghiệp. Làm tớ rất là không nỡ. Thứ ba nữa là, thú thực, tớ thấy... khá thú vị. Tớ thích cảm giác nằm ngủ trưa liu riu trong tiếng đài hòa quyện sự yên lặng. Cái cảm giác trong sự tĩnh mịch lại vang lên tiếng nhạc huyền thoại, cùng câu nói bất hủ: 
Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Nó dễ chịu như một lời ru. Thực sự thế. Chưa kể lúc mới thấy chiếc đài, tớ nhớ ngay bộ phim Dịch vụ giao hàng Kiki mà Diệu Linh đáng yêu gửi. Đầu phim có một chi tiết là bé phù thủy Kiki xin đem theo chiếc đài của bố. Hình như đến cuối phim chiếc đài không được nhắc lại nữa. Nhưng tớ lại thích chi tiết đó chẳng hiểu sao. Tớ luôn thích những thứ vớ vẩn chẳng có lý do.
Song song với giường của Ông Radio là Bác Quạt Điện. Tớ không muốn nhớ tên nữa. Thiệt sự đau đầu với cái não cá vàng của tớ. Nếu nhân vật trên gắn liền với chiếc đài thì nhân vật này lại gắn liền với chiếc quạt điện. Cả phòng có mỗi bác này có một quạt nhỏ riêng để ở giường. Nó là một chiếc quạt xinh xinh với cái để vuông vuông nằng nặng. Mỗi khi bác này về nhà ăn trưa là Ông Radio liền nhanh chân chạy sang, xách chiếc quạt sang giường ông và bật. Bà tớ bảo ông này như có lửa đốt trong người. Bà thì thấy lạnh mà ông lúc nào cũng kêu nóng. Ông Radio nom vẻ rất thích chiếc quạt. Ông nói là nó tích điện đấy. Mất điện vẫn dùng được. Nhưng có vẻ như là ông thích chiếc đài hơn. Lúc Bác Quạt Điện đến, ông trả lại chiếc quạt về giường bên kia. Không quên bảo: Chiếc quạt của bác thích thật đấy. Chà. Quạt này mà gắn thêm chiếc đài ở trên thì quá tuyệt. Tớ ngồi bên nghe mà phì cười, buột mồm nói với sang: Ông có thể đặt chiếc đài lên cái quạt. Như thế là ông có chiếc quạt-đài rồi. Ông nhìn sang tớ, ánh mắt 3s, tức là lâu hơn một cái ngước nhìn bình thường. Chắc ông nghĩ Ồ con này không bị câm. Hoặc là Ồ nó nói cũng có lý. Khả năng trước cao hơn khả năng sau. Đó là câu đầu tiên tớ nói với ông. Lần trước lúc tớ nài nỉ bà ăn cháo, ông nhìn sang thở dài: Bà ăn ít hay ăn nhiều thì cũng chết mà. Lúc đó tớ chỉ nhìn sang cười mỉm. Đây mới là lần đầu nói chuyện.
Ấy thế mà, ngày hôm sau ông đi mua một chiếc quạt nhỏ Điện cơ để giường, rồi bỏ chiếc đài lên đó thật. Trời ạ. Chưa hết. Có chết cũng chẳng nghĩ nổi là Bác Quạt Điện cũng đi mua một chiếc đài radio về luôn. Thế là trưa của hôm thứ hai, cả phòng, gồm tớ, ngủ trưa trong hai tiếng đài phát ra từ hai góc phòng, hai chương trình khác nhau nhưng đều ở âm lượng gần to nhất. Lời ru của tớ có tí chuyển màu, nhưng tớ vẫn ngủ đều. Thấy buồn cười nữa. Dù sao thì đã bớt một người phàn nàn khó chịu với Ông Radio.
Rồi tớ nói chuyện với Ông Radio nhiều hơn. Ông rất là dễ nói chuyện luôn đó. Cách ông nói chuyện hơi lạ. Ông nằm, nghe tiếng đài, đương nhiên rồi, chiếc đài luôn được bật từ sáng đến khuya, rồi ông nhìn lên trần nhà và tự nói. Thi thoảng cuối mỗi đoạn, ông lại nhìn sang tớ để nói câu kết thúc.
Ví dụ như vầy.
Con bé cháu nội mới gọi điện cho ông. Nói hôm nay nhà làm thịt con lợn rừng, ông có về ăn được không ông. Ông sao mà về được hả trời. Cháu thương ông thật. Thế mà, thằng con trời đánh cũng vừa điện. Nó lại không nói chuyện làm thịt lợn. Cũng không hỏi bố có thèm gì không để con mua vào. Nó hỏi sổ đỏ bố đang cất ở đâu. Ôi trời, lại là cái sổ đỏ. Nhọc đầu lắm. Câu cuối đấy là câu ông nhìn sang tớ. Tớ chỉ cười, tỏ ý là cháu vẫn đang lắng nghe. 
Cứ mỗi hồi ông lại kể cho tớ một đoạn.
Nhà được thằng con trai thì không lo tu chí làm ăn gì. Đi đâu biền biệt gần chục năm. Vợ nó ở nhà cũng chẳng khá khẩm. Có thèm màng nhìn bố mẹ chồng gì sất. Năm trước nó về, kêu không có tiền. Ông cho nó tiền để làm cái nhà. Mãi vẫn thấy nó không làm nhà. Vợ chồng nó mua xe mua gì không biết. Ông chán. Câu cuối này ông lại nhìn sang tớ. Tớ chẳng biết vớt vát gì: Nhưng con bé cháu thương ông ông nhỉ?
Ừ được con cháu. Mong là nó không cạn tình như bố mẹ nó. Ông lại tiếp tục nhìn lên trần nhà. Bố mẹ nó lúc nào cũng chỉ đi hỏi sổ đỏ. Với hỏi để bòn rút tiền của ông bà. Bà nó chết chắc cũng vì chết tức đó mày ạ. Ông nhìn sang tớ. Tớ nghe hơi ngạc nhiên, ngước nhìn ông. Ông kể tiếp:
Bà ốm. Nằm ốm khá lâu rồi. Được đôi bông tai vàng dành dụm, tính cho ả con gái. Đứa con dâu nó nghe được. Nó tham. Nó sang nhà bà lục đồ tung lên hết cả. Rồi nó lấy đôi bông tai vàng đi. Tối ăn cơm thì bà nghẹn rồi trở bệnh mà chết. Đó cháu thấy không? Đó là chết tức chết nghẹn còn gì? Câu hỏi này ông nhấn mạnh hỏi tớ. Tớ nghẹn ngào.
Bà mất lâu chưa hả ông?
Mới 10 ngày.
Dạ? Tớ tưởng tớ nghe không rõ.
Mới 10 ngày đây. Hôm nay là ngày thứ 10.
Tớ chẳng nói được gì nữa. Tớ chẳng biết cảm giác chính xác là như thế nào. Chưa diễn tả được cảm giác đó, chỉ nhớ là không rõ mình đang nghĩ gì và muốn nói gì. Đã từ lâu tớ kém tệ phần an ủi.
Ông lại nhìn lên trần nhà. Kể về chuyện ông tự hỏi rồi tự thuê người và dịch vụ làm đám ma cho bà. Tuy là đợt đấy đang trong đợt cách ly xã hội vì dịch Covid. Tớ bảo Thôi cũng là niềm an ủi cuối cho bà. May thay tớ lại hỏi thêm để ông kể về đứa cháu. Chắc có lẽ đó là niềm nhỏ bé hiếm hoi làm ông vui vẻ lên được, cùng với chiếc đài nhỏ.
Dầu ngày mai ông có bật chiếc đài thật to đi nữa, tớ cũng không thấy kỳ cục nữa.
Thật đáng sợ khi cô đơn mà người ta chỉ có thể bầu bạn tâm sự với một thứ vô tri vô giác. Đó vừa là một an ủi phỉnh phờ dễ có, vừa là một sự thật đau lòng khó nguôi.