Tối qua đang ngồi với bà thì mẹ hé cửa, bảo Hạnh về khuya chút chút. Mẹ tiêm moocphin cho bà rồi mẹ về nhà cùng Hạnh luôn.
Cả tháng rồi mẹ không về nhà. Đêm nay có đông người trực bà nên mẹ yên tâm về nhà xíu. Nghe từ mẹ về nhà mà ấm lòng rười rượi. Nhớ lại, cảm giác y như hồi tớ 6 tuổi, đang chơi vui với đám trong xóm thì ai đó bảo Hạnh ơi ra đón mẹ về kìa. Thế là đem lòng hớn hở chạy ào ra đầu làng, nơi có cây cầu nhỏ bắc qua con sông, đứng đó nhìn từ xa, thấy một chiếc xích lô, chở một người lớn nào đó, cùng mẹ đang tiến lại gần. Trên tay mẹ bế Cún, mới đẻ nhỏ xíu. Hình ảnh đó còn in đậm đến tận giờ. Cùng cảm giác đón mẹ về vui đến xuyến xao ấy. Nhớ lúc đó chạy theo mẹ về nhà, chờ mẹ bế Cún lên giường nằm yên rồi, tớ mới hớn hở mở chiếc rương gỗ, nơi giấu một quả ổi to đùng, đem vào nói mẹ cho em bé ăn đi. Mẹ bảo Con ăn đi em bé chưa ăn được. Nghĩ đến đây không biết do tớ ngu từ bé. Hay là ở độ 6 tuổi mặt bằng chung ai cũng ngu ngốc vậy.

Tối qua đưa mẹ về nhà, lòng cũng cảm giác vui ấm rười rượi như thế. Cứ như đang đem lửa về sưởi ấm bếp mùa đông. Mà hình như, mẹ cũng muốn "về nhà". Tớ có thoáng nghĩ, ở độ tuổi đó, ở đâu mới thực là nhà của một người phụ nữ? Nơi có mẹ hay nơi mình làm mẹ?
Mẹ về nhà mà tớ lại như được về làm Hạnh 6 tuổi. Ném hết não hết tay chân trên người luôn. Tối nằm ngủ lại thói không bỏ màn. Mẹ lại đi qua đi lại nhắc. Tớ lại ì ạch dậy kéo màn. Rồi nằm lười xuống. Thừa biết tí nữa mẹ sẽ đến, cả dém màn vô các góc cả cằn nhằn: Dém màn đi. Góc bên kia nữa. Tối muỗi nó bay vào đấy. Luôn là mô típ đấy. Và tớ lại đoán trúng phóc.
Sáng 5h hơn tớ tỉnh, mở mắt, nghe tiếng mẹ mở cửa phòng bước ra sân. Mẹ mở cổng để đi thể dục sáng. Những lúc cần người mẹ sẽ thực hiện những hành động thiêng liêng tối cao của người bố như thế. Thấy bóng dáng mẹ qua khung cửa sổ mà tớ dịu hết cả tấm lòng. Thấy thế giới xung quanh tất cả như được bọc bằng bông trắng mềm êm. Tớ lại cố tình nhắm mắt ngủ tiếp. Cảm chừng như mấy nghìn năm rồi thế giới này không được dịu êm như thế. Bố cũng ngủ đến 7h. Bình thường bố cũng không phải là người dậy sớm. Nhưng hôm nay tớ cảm giác như bố cũng có cảm giác như tớ. Ô hay.  Tớ có khả năng đoán được cảm giác của bố rồi kìa?
Dậy rồi, tớ tranh thủ đến chơi với Bắp với Su một chút. Bắp 2 tháng và Su 8 tháng. Nhìn vào lại chẳng biết đứa nào 8 tháng đứa nào 2 tháng. Đều to như nhau. Ngồi ở giường đó nhìn qua cửa sổ là nhà chị An yêu thương. Bây giờ bên đó không có chị. Có Min thúi, cháu chị- lại là một bé trai 6 tháng. Đẹp dễ sợ. Chém mồm. Tớ không hiểu tại sao người ta bắt phải nói chữ "chém mồm" khi khen con nít. Nghe bảo sợ ma bắt. Đẹp mà bị bắt thì con bị bắt lâu rồi chớ. Tớ hay nói với mẹ thế. Mẹ thở dài: Ừ. Vẫn đang ngồi đây mới buồn.
Tạm thời bỏ qua 3 đứa trẻ đáng yêu vì chưa biết nói đó. Tớ thấy bên nhà chị An có một đàn chó con. Cha mạ ơi đáng yêu dễ sợ. Tớ muốn nhảy tót sang nhìn kỹ hơn và chụp một chiếc ảnh. Vì đàn chó con gợi cho tớ một kỷ niệm vui đính kèm một hiện thực buồn. Nhưng tớ ngại chào hỏi. Phiền lắm. Lại thôi.
Dầu không có ảnh thì tớ cũng tiện kể. Nói màu mè thế chứ bài viết của tớ đã bao giờ có ảnh đâu. Đó là hồi hè tớ cấp 2, ở nhà o Liên chơi. Đó là một thước phim cũ nơi mọi người chan hòa tình cảm đoàn kết yêu thương nhau, với sự vô tư nồng nhiệt nhất. Nhà có 2 con chó con. Một con đen một con trắng. Mọi người, tức là anh Đức anh Trung anh Hiếu, đều ưu ái cho tớ và chị Oanh- vợ anh Đức, người dâu cả trong nhà, làm đại diện cho 2 con chó ấy. Nói toẹt ra là mọi người gọi chị Oanh là chó trắng, tớ là chó đen. Rồi gọi con chó trắng là Oanh ơi, và chó đen là dear Mỹ Hạnh yêu quý. Hồi đó vui lắm lắm. Đến bây giờ, các anh vẫn xoa đầu Hạnh, thi thoảng vẫn gọi Hạnh là chó đen. ( Xoa đầu là thói quen không liên quan đến chuyện chó má. Các chi tiết được kể liền nhau thật dễ gây hiểu nhầm rắc rối). Y như vụ Con trai con gái mà thiếu nhau thì cũng không bằng con gà. Con gà một mình nó còn đẻ được trứng. Tớ đâu hề có ý so sánh 2 giống loài ở khả năng đẻ trứng. Thật dễ hiểu nhầm vì chúng đứng cạnh nhau :(

À đó là kỷ niệm vui. Hiện thực buồn là, chó đen Mỹ Hạnh vẫn còn đây. Vẫn thích được các anh xoa đầu. Nhưng chị Oanh không còn là chó trắng nữa. Nickname mất. Những kỷ niệm mất. Những tiếng cười và khả năng bông đùa với nhau mất. Tình cảm cũng mất. Chị Oanh đổi thay. Mọi người nói thế. Chị không thương 2 bác nhà tớ, tức là bố mẹ chồng chị nữa. Đi kèm thêm một vài hành động khó hiểu, để nhà tớ chỉ biết nói câu: Con Oanh thật tệ/ Con dâu thì cũng là con chứ. Đúng là không biết trước được điều gì. Tớ không nghĩ nhiều lắm về điều đó. Tớ chỉ buồn muốn rớt lòng lúc người o Liên mạnh mẽ của tớ buông những thở dài. Bác Lập- người công an mang quân hàm đại tá với vẻ tự hào oai phong lẫm liệt cứ lén lau nước mắt. Tớ mới thấy bác khóc đúng 2 lần. Cả 2 lần đều là vì 2 thằng con trai. 

Không chụp được ảnh thì tớ về. Trên đường tớ gặp ông Thụ, một nhân vật không thể không kể trong những ngày tháng chăm bà ở viện. Đồng hành cùng các nhân vật bác Radio và bác Quạt Điện ấy. Tớ nhớ tên ông Thụ, bởi mẹ tớ có hay nhắc ổng. Ổng ở ngay xóm trên gần nhà tớ. Mẹ bảo sáng nào ông cũng ngồi thiền, tư thế kiết già, một đến hai tiếng.
Đó là người ông tầm 70 tuổi có vẻ bề ngoài 60 tuổi. Ông cao, dáng người đầy đặn, da trắng, đẹp trai nữa. Tớ không biết sẽ như thế nào nếu tớ khen và tả một ông già 70 tuổi đẹp trai. Đành phải nói là Hồi trẻ chắc ông được nhiều cô theo với vẻ bề ngoài này lắm. Và hiện tại ông vẫn đủ khiến cho người ta tưởng tượng nhiều về hồi trẻ của mình. Đại loại thế. Ông luôn mặc một chiếc quần dài vải mềm, rộng, cùng chiếc áo thun trắng của các ông già ấy. Áo thường bỏ vào quần nhưng không phải kiểu xơ vin. Cái đó không đặc trưng bằng việc, ông luôn đứng ở đầu giường các bệnh nhân, và nói chuyện. Giọng nói ấm mà rõ ràng, hùng hổ. Cách nói chuyện cũng rất thu hút. Hoặc vì người ta thấy ông nồng nhiệt quá mà bị thu hút. Lúc nói hay không nói thì mặt ông cũng luôn cười. Lúc nghe khán giả ai cũng tươi cười phải biết. Ông ở phòng bên cạnh, nhưng ông hay sang phòng bà tớ, đứng ngay đầu giường và nói chuyện.
Hôm đầu tiên tớ đến thay ca cho mẹ cũng bắt gặp hình ảnh đó. Ông đứng vững vàng, vui vẻ và nồng nhiệt nói chuyện như thế. Ông Thụ nói chuyện khá là thơ văn lịch sử. Ví như nói chuyện nhà ai đó đẻ mấy đứa con thì ông nói: Cha ông ta nói rồi. Đẻ 5 đứa con gái thì là nhà có ngũ long công chúa. Nhà 4 thằng con trai thì là quỷ tứ phương trỗi dậy. Rồi ông kể tên tích đó cho tớ nghe. 
Trí nhớ của tớ có vấn đề về các con số. Nên tớ có ra Google lại. Tớ cũng muốn nhớ lại tên cụ thể các quỷ mấy phương đó. Mà Google không có. Tệ thật.
Bà tớ luôn bảo, nhìn dáng ông như thế, nhìn cách ông hùng hổ nói chuyện như thế, không hiểu nổi ông bị gì mà vào viện nữa. Ông đùa bảo: Một năm tui vào viện một lần, để nhắc nhở là mình cũng sắp chết. Tớ thầm nghĩ, đấng tạo hóa đang cố tình gửi những bệnh nhân mang vai trò tinh thần bác sĩ như ông, đến những bệnh nhân khác, như bác Radio chẳng hạn. Cứ mỗi lần đi giặt khăn hay rửa đồ, tớ đều thấy hình ảnh ông đứng vững vàng, hồ hởi đầu giường ai đó, ở một phòng bất kỳ nào đó, và diễn thuyết. Không lúc nào thấy hình ảnh đó tớ không mỉm cười. 
Duy nhất một lần, tớ bảo thôi ông hãy ngồi xuống mà ông nghe lời. Lần đó ông kể về gia đình và cách ông dạy các con của ông. Rồi ông kể về người con trai út. Học giỏi, trước học Bách khoa Hà Nội, công tác ở ngoải luôn, 37 38 tuổi, đang hoàn thành chương trình tiến sĩ, và tự tử năm ngoái. "37 là tuổi thật. 38 tuổi là hưởng dương". Ông nói. Lạ kỳ. Khuôn mặt vẫn vui. Nhưng mắt thì có gợn buồn, nhìn tớ kỹ khi kể. Giọng vẫn ấm áp rõ ràng và thu hút. Ông bảo: Nó quyết tâm hoàn thành học vị Tiến sĩ trước năm 40 tuổi. Thế mà nó đi mà cũng không ai biết.
Rồi ông đứng dậy đi luôn. Tớ không kịp phản ứng gì cả. Đó là lần duy nhất ông ngồi kể chuyện. Cũng là lần duy nhất tớ không mỉm cười.
Những người đàn ông làm cha mạnh mẽ, cuối cùng chẳng thoát nổi ít nhất một lần khóc vì con.