Mấy hôm nay mẹ tôi liên tục về quê vì bà ngoại tôi đang rất yếu. Năm nay bà 94 tuổi, nếu qua được Tết này bà sẽ được 95. Nhiều người nghĩ 94, 95 tuổi là thọ rồi, không còn tiếc nuối gì nữa. Nhưng mẹ tôi nghĩ khác, mẹ bảo "Với bố mẹ mình thì không có tuổi tác nào hết, dù là tuổi nào thì mình vẫn muốn bố mẹ khoẻ mạnh, không bao giờ rời xa mình." Tôi hoàn toàn đồng ý với mẹ.
Trước đây, khi ông ngoại mất, mẹ tôi mất 5 năm trời để vượt qua cảm giác đau buồn. Dù còn rất nhỏ nhưng đến giờ tôi nhớ như in cảnh mẹ và các bác gái gào khóc khi hạ huyệt ông trong một buổi chiều u ám. Nhiều đêm sau đó mẹ mơ thấy ông về nói chuyện. Mẹ còn không dám đi xe máy nữa vì cảm thấy không vững tay. Mẹ luôn kể về ông với những lời rất trìu mến, rằng ông vô cùng yêu thương chiều chuộng vợ và 10 đứa con. Mẹ tôi luôn tự hào là một trong những đứa con được ông tin tưởng nhất.
Từ nhỏ mẹ tôi luôn là một đứa trẻ hoạt bát, nhanh nhẹn và biết lo lắng cho gia đình. Mẹ biết hái rau mang ra chợ bán từ khi mới 6-7 tuổi, ở nhà trông em nhỏ thay cho bố mẹ. Mẹ luôn miệng nhắc chuyện hồi nhỏ trông cậu út không cẩn thận khiến câu nghịch mảnh sành đứt tay, máu chảy xối xả. Hình ảnh đó ám ảnh và làm mẹ ân hận mãi đến bây giờ.
Khi lớn lên, mẹ tôi đi ra ngoài và thường mặc cảm tự ti vì xuất thân nhà nghèo có tới 10 miệng ăn. Có người từng cay nghiệt gọi mẹ là "con nhà mõ", khiến mẹ ghi hận suốt đời không thể quên. Trải qua những chuyện đó, mẹ nói mẹ từng thầm trách ông bà ngoại, sao sinh nhiều con nheo nhóc như thế, khiến mẹ phải chịu đựng điều tiếng.
Nhưng sâu thẳm bên trong, tôi biết mẹ rất yêu kính và biết ơn ông bà. Dù ra ngoài chịu uất ức gì nhưng mẹ tôi luôn giấu ông bà, và nói rằng 'con ổn, bố mẹ đừng lo.' Bất kỳ một đứa con yêu bố mẹ của mình sẽ đều làm vậy. Có lúc mẹ quay sang bảo tôi "Ờ nghĩ lại thì nếu ông bà không sinh nhiều thì làm gì có mẹ tận đứa thứ 9 nhỉ?" Đúng rồi, nếu ông bà không sinh ra mẹ tôi thì cũng làm gì có tôi. Cả tôi và mẹ đều phải biết ơn họ.
Lần này, khi bà tôi đang yếu dần đi, tôi không biết mẹ sẽ vượt qua giai đoạn trước mắt như thế nào. Dù luôn miệng nói "ừ thì phải học cách chấp nhận thôi", nhưng tôi biết bên trong mẹ đang thực sự hỗn độn, mẹ ăn không ngon ngủ không yên, nhấp nhổm lúc nào cũng lo lắng không biết bà ở nhà thế nào, có ngủ được không, đã được ai bón sữa chưa. Tôi biết mình cũng sẽ như vậy nếu rơi vào tình cảnh của mẹ.
Bà tôi trước đây vốn là người rất minh mẫn, hay chuyện. Dù chỉ học lớp xoá mù chữ nhưng bà biết lẩy Kiều và hát hạnh rất hay. Nghe bảo thời con gái bà nổi tiếng vì vừa đẹp gái lại hát hay nên trong hội làng khi ông ngoại gặp bà là theo đuổi cho bằng được. Ông ngoại tôi vốn mồ côi, xuất thân từ Sơn Tây lên miền ngược lập nghiệp, gặp và cưới bà tôi nên ở lại quê vợ. Bà sinh cho ông 11 lần, nhưng mất 1 nên chỉ còn 10 đứa. Trong những lần sinh nở đó, lần sinh mẹ tôi là vất vả nhất vì bà bị băng huyết trong đêm. Nhưng dù sao bà tôi vẫn cho là mình may mắn vì được chồng hết sức yêu chiều, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng các con biết thương cha thương mẹ và giúp đỡ lẫn nhau.
Hồi nhỏ, tôi không gần bà ngoại nhiều mà thường ở bên nhà nội, chuyện này nhiều lần khiến mẹ tôi rất tủi thân. Trong quá khứ, tôi nhớ mãi một hôm mẹ chở tôi từ nhà ông bà nội sang thăm bà ngoại. Hai nhà cách nhau khoảng 20 phút đạp xe. Hôm đó, bà ngoại muốn mẹ ở lại với bà một đêm, mẹ quay sang hỏi ý tôi thì tôi nằng nặc đòi về nhà nội bằng được. Dù mẹ và bà có nói thế nào tôi cũng không chịu ở nhà, bắt mẹ đưa về dù trời đã tối. Hôm đó tôi nhớ cả mẹ và bà ngoại đều rất buồn. Tôi cảm nhận được nỗi buồn của cả hai, nhưng không hiểu lúc đó tôi cứng đầu và nhất quyết không đổi ý, thế là mẹ đành ngậm ngùi đưa tôi về.
Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi thấy mình đã quá sai với bà và mẹ. Tôi cố gắng bù đắp lại bằng cách về quê ngoại nhiều hơn, mỗi khi về thì ngôi cạnh bà bóp tay bóp chân cho bà, nghe bà kể chuyện. Khi qua tuổi 90, bà lẫn nhiều hơn là tỉnh nên thường nhắc đi nhắc lại một câu chuyện "Dạo này có thấy bà khoẻ lên không? Tay chân bà gân guốc thế này nhưng thời con gái tay chân bà cũng đẹp như các cháu bây giờ đấy."
Đôi lúc khi có khách đến, bà cao hứng sẽ hát những câu hạnh, câu Kiều bà còn nhớ được. Thỉnh thoảng bà hát đi hát lại một câu, nhưng không ai lấy làm khó chịu, còn hát được là còn khoẻ. Còn bây giờ khi bà đang nằm liệt giường, tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ được nghe bà hát nữa.
Bản thân tôi luôn cho rằng mối liên kết giữa mẹ và con gái là một điều cực kỳ thiêng liêng. Bà tôi với mẹ tôi, mẹ tôi với tôi. Hồi còn khoẻ, bà thường nắm tay tôi và dặn 'chọn thằng nào thì chọn nhưng đừng lấy chồng xa. Ở gần mẹ vẫn tốt hơn." Rồi bà hát:
"Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang cho
Hoài con mà gả chồng xa
Trước là mất giỗ, sau là mất con."
Nghe như vậy, mọi người xung quanh cười ầm lên và bảo cụ bà già rồi mà vẫn còn tinh khôn lắm. Nhưng tôi thì lại khóc. Bởi vì tôi cảm nhận rõ sự quan tâm của bà, không phải dành cho tôi mà dành cho mẹ tôi. Ở tuổi ngoài 90 không còn minh mẫn, nhưng bà vẫn lo nghĩ cho con gái bà, sợ nó khổ nếu gả con đi xa. Bà chưa từng nói 'mẹ yêu con' với mẹ tôi, nhưng tôi cảm nhận được sâu sắc tình yêu của bà qua những câu dặn dò ấy. Và chắc mẹ tôi cũng thế.
Nếu bà mất đi, đó là sẽ một mất mát lớn không thể bù đắp. Nhưng tôi hiểu nếu tôi đau buồn một, thì mẹ tôi phải đau buồn 10, 100, có khi cả 1000. Tôi thương bà và thương mẹ, họ là những người phụ nữ tuyệt vời mà tôi mang ơn và mong sao họ luôn ở mãi bên tôi.
Nhưng tôi hiểu điều đó là không thể. Điều duy nhất tôi hay mẹ có thể làm là sống trọn vẹn trong hiện tại, trân trọng và tận hiếu với mẹ của mình ngay hôm nay. Giống như một câu hát mà người bà trong bộ phim "Những nàng công chúa nổi tiếng" của Hàn Quốc thường hát đi hát lại: "Hãy đối xử tốt với nhau khi còn sống bên nhau."
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất