Khi là một người già (P2)
Sáng ngày mới đọc Khi là một người già , nó thực sự đã tạo nên thôi thúc mãnh liệt trong mình về việc "tự sát" . Một khao khát...
Sáng ngày mới đọc Khi là một người già , nó thực sự đã tạo nên thôi thúc mãnh liệt trong mình về việc "tự sát". Một khao khát lớn lao đã nổi lên trong mình, không biết lúc mình chết sẽ như thế nào, cảm giác háo hức mong cái chết đến....haizz, thôi chuyển năng lượng đó để viết bài này vậy, vì bài kia hay quá nên chôm luôn tiêu đề.
Định nghĩa sự chết: Rất nhiều người đã nói về cái chết, các triết gia, nhà thơ, nhà truyền giáo v.v từ đó cũng có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng mình cũng có riêng định nghĩa của mình.
Theo mình đó là trải nghiệm, một kinh nghiệm của cơ thể, tâm trí và linh hồn, chỉ là trải nghiệm thôi. Nhưng nó thực sự rất cần thiết, cái chết giống như việc ngủ lớn lao vậy. Sau mỗi giấc ngủ bạn làm tươi mới lại bản thân mình, lấy lại năng lượng, nhưng cả cuộc đời bạn đã quá nhiều bụi bặm bám vào thân thể, bám vào tâm trí, thế nên cái chết cần tới như việc lột xác. Bạn đã đi qua sa mạc cuộc đời, vui buồn của cuộc sống, bụi bặm của thời gian đã là quá nhiều tới độ việc ngủ và tắm rửa còn đủ nữa và cái chết tới như một ân huệ của Thượng Đế. Do đó mình thấy những đứa trẻ được sinh ra lúc nào chúng cũng tươi mới, hồn nhiên, trần đầy năng lượng, kiếp trước nó đã tích lũy bao nhiêu đau khổ không còn là vấn đề, bao nhiêu tri thức bạn đã thu thập không còn là vấn đề, bao nhiêu thứ rác rưởi mà xã hội dán lên nó không còn là vấn đề, nó hồn nhiên và tin tưởng cuộc sống một cách vô điều kiện.
Không một con vật nào như con người cả. Đa số các loài động vật khi được sinh ra là chúng có thể đi hay ăn ngay. VD như các loài bò, ngựa .v.v... rất nhiều từ đông vật trên cạn hay dưới nước đều thế. Và chỉ riêng loài người, vâng! Chỉ riêng loài người, không có cha mẹ tuyệt đối không đứa trẻ nào có thể sống được. Phải có niềm tin lớn lao như thế nào vào sự hiện hữu này đứa trẻ mới được sinh ra chứ? Ai biết được thế giới ngoài kia ra sao mà nhảy vô và phó mặc toàn bộ cho cuộc sống? Jesus nói thế này "Các người kém tin thế sao, phúc cho những kẻ không thấy mà tin" và ông ấy cũng nói " Những ai trong đây giống như đứa trẻ sẽ được vào vương quốc của Thượng Đế".
Trong Phật Giáo cò một từ rất hay là "tanha" nghĩa là ham muốn. Mọi cảm xúc, tri thức, tôn giáo v.v đều chẳng có ý nghĩa gì trước cái chết. Nhưng vẫn còn một thứ còn lại là "tanha". Nó sẽ chuyển thành năng lượng bám vào linh hồn để hoàn thành nốt những ham muốn còn lại, đi vào bụng mẹ một lần nữa để làm những việc phải làm. Tại sao bạn lại phải về quê thăm gia đình vào mỗi dịp nghĩ lễ? Đơn giản là còn tình cảm thôi, còn lưu luyến là còn quay lại, có thế thôi.
Xong phần định nghĩa nên giờ mình sẽ chuyển qua phân loại các kiểu chết
Các loại người khi chết
Cái này là theo kinh nghiệm quan sát những người già và những người đã chết cộng với sách vở mình ngâm cứu thì có mấy kiểu sau đây mình nhận ra:
1 : Sống qua thân thể - Kiểu trẻ con.
Những người này cả cuộc sống của họ sống chỉ ở phần thân thể, tức bản năng, kiểu chỉ ăn uống, dục, hưởng thụ cuộc sống, họ không biết gì ngoài những thứ đó. Khi sắp chết tất nhiên có sợ hãi, nuối tiếc, vẫn bán víu vào cuộc sống, sau khi chết thì tài sản chìa làm sao? Đám tang thế nào blalala, khóc lóc giống như ví dụ về bà cô mà bài viết kia kể ra. Mình không muốn nói về loại này nhiều mà thực ra cũng chẳng có gì để mà nói.
2: Kiểu của người tri thức - Sống qua cái đầu
Huân tước Bacon đã nói thế này "Tri thức là sức mạnh". Nhưng chuyện là khi bạn đạt được sức mạnh rồi sao nữa? Đạt được tri thức rồi sao nữa? Khi về già nhìn lại toàn bộ cuộc đời bạn đơn giản cảm thấy ngu xuẩn, vô nghĩa làm sao.
Có một câu truyện rất hay về Alexsander, khi ông chết, ông yêu cầu rải vàng bạc và châu báu dọc đường đưa quan và để tay ra khỏi quan tài. Alexander muốn nói cho cả thành Babylon biết rằng ông chẳng đạt được cái gì cả, nhìn vào ta đây này, chinh phục cả thế giới xong rồi sao nữa? Ta đến thế giới với bàn tay trắng và ra đi cũng chỉ với bàn tay trắng, không ai đã đạt được gì từ việc chinh phục thế giới cả.
Ngoài ra cũng có một câu chuyện khác nữa về ông. Sau khi chinh phục Ấn Độ Alexander tới hỏi một nhà chiêm tinhvà hỏi về tương lai, người này đáp: " Ngài sẽ chinh phục được thế giới nhưng xin hãy nhớ cho, chỉ thế giới này không thế giới khác đâu" Vâng! chỉ thế giới này không thế giới khác đâu, tương truyền sau khi gặp nhà chiêm tinh này xong ông đã bị "trầm cảm".
Câu truyện tương tự cũng xảy ra cho Albert Eistein, khi về già trong một lần trả lời phỏng vấn ông tâm sự " Tôi thấy cuộc đời của mình thật kỳ lạ, tôi đã dành cả đời để tìm hiểu thế giới, tìm hiểu vũ trụ nhưng khi nhìn lại tôi đã bỏ lỡ việc tìm hiểu chính bản thân mình" Do đó cuối đời ông trở nên rất quan tâm tới tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo mà ông cũng có câu nói kinh điển hay được các Phật Tử trích ra để ca ngợi đạo Phật: " Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vươt lên Thượng đế của cá nhân, tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo mà có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại đấy sẽ là Đạo Phật.".
Ông cũng nói rằng nếu không trở thành nhà khoa học thì ông sẽ là một nhạc sĩ - Cái này qua phần sau mình sẽ nói thêm.
Những người này càng ngày càng trở nên thông minh, cái đầu họ cứ ngày càng to ra, đôi mắt họ ngày càng sâu hơn, nhưng độ sâu này là độ sâu của bản ngã. Nó nham hiểm, mắt diều hâu, cứ nhìn các chính trị gia thì biết, nhìn vào mắt họ ấy, họ cứ nói về tình yêu đất nước, tình yêu con người nhưng chẳng có rung động nào xảy ra cả, họ nói như cái máy, một cái xác vô hồn, làm những cử chỉ vô hồn, đần độn và dốt nát nhưng cảm thấy rất tự hào.
"Chính vì họ luôn thấy mình ở ngoài cuộc sống, chứ không còn ở trong cuộc sống nữa, tức là họ luôn nhìn cuộc sống thõng thượt trôi đi trong những bình minh và đêm tối, nên họ không quá trông chờ bình minh cũng không mấy sợ hãi đêm tối, đồng thời cũng mất đi sự ngây thơ, bồng bột và nồng nhiệt từng có"
Mình xin chép lại đoạn trên ở bài kia, đây đúng là những gì mình muốn miêu tả con người này. Một người sống qua cái đầu không thể cảm nhận được cuộc sống, cái đầu sống bằng ngôn từ, nó không sống bằng cảm xúc. Nó sẽ nhìn vào các cặp tình nhân và nói " Dục cả thôi, tất cả từ dục mà ra". Nó sẽ nhìn vào tình bạn và nói :" Lợi ích cả thôi, không có người bạn mãi mãi và cũng không có kẻ thù mãi mãi, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn", Nó sẽ nhìn mặt trời và nói "chẳng hơn gì quả bóng lửa khổng lồ, chấm hết" Cái đầu là chính trị gia, ai trong chúng ta cũng là chính trị gia dù ít hay nhiều chúng ta đều muốn điều khiển kẻ khác để đạt được mục đích. Cái đầu là cái xác biết đi, nó chết từ ngay cái khoảnh khắc nó đi vào.
Do đó các chính khách rất thích tuyên truyền về lịch sử. Lịch sử không hơn gì những cái xác bốc mùi, nhưng phải tuyên truyền, phải cho đứa trẻ bản ngã nếu không sau này ai sẽ cầm súng ra mà giết những người thậm chí nó còn chẳng quen biết, hay chọi bom nguyên tử vô đầu người ta? Ai? Nhà thơ? Đứa trẻ? Phật? hay Jesus? Ai sẽ làm cái việc ngu xuẩn đó trong khi còn đang tận hưởng cuộc sống, tận hưởng vẻ đẹp của tình yêu và tận hưởng từ bi của hiện hữu? Ai? Chính là những cái đầu.
Có một ví dụ rất hay về cái đầu chính là việc Nhật và Đức nơi mà chủ nghĩa Phát xít thành hiện thực. Ai là người nghiêm túc nhất Châu Á, hiệu quả nhất châu Á và ai là người tự tử nhiều nhất thế giới? Ai là được mệnh danh là Cỗ xe tăng? Cái đầu rất thích các học thuyết, tư tưởng, bản ngã quá nặng nề và khốn khổ tới độ nó rất thích đám đông. Qua đám đông bản ngã tạm thời bị hòa tan đi, hòa tan vào bản ngã Phát xít, hòa tan vào bản ngã đất nước, một sự thoải mái tạm thời. Nhưng hãy để đây là quan sát cho bạn " Bất cứ khi nào bản ngã được hòa tan hoặc mất đi bạn phúc lạc" . Lúc bạn ngủ? Lúc bạn vui cười?.
Những người này, những người không biết vẻ đẹp đích thực của cuộc sống này coi cái chết nhẹ như không, thậm chí giống như việc giải thoát khỏi cuộc đời này, cuộc sống cứ trôi thượt qua họ, bình minh hay hoàng hôn không còn là vấn đề, xúc động cũng không còn nữa, ngây thơ cũng tan tành. Chết là hết. Trống rỗng, tẻ nhạt và vô vị
3 Kiểu người của cảm xúc - Sống qua trái tim
Và tất cả phong cảnh đất đai xa lạ Không còn hiệu lực kêu gọi tôi Vũ trụ thu dần vào một gian phòng nhỏ Một chậu cá, một lồng chim Một ít hoa, một màu xanh nghỉ ngơi nhè nhẹ” (Văn Cao, Tuổi già đến)
Nếu mỗi chúng ta có làm điều gì tốt đẹp Chẳng qua là để phát huy một tấm lòng son Còn trái đất cứ ngày đêm sáng tối Thịnh đã rồi suy Suy rồi lại thịnh Bố ơi bố đã ra về Con ở lại làm thơ và chữa bệnh Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son Thành hay bại chỉ là chuyện vặt (Nguyễn Bắc Sơn, Chuyện hai bố con tôi)
Bạn Tuân kia lấy ví dụ này để nói về những người sống qua cái đầu, trống rỗng . Nhưng mình là mình hoàn toàn phản đối luôn. Một cái đầu trống rỗng không thể cảm thấy vẻ đẹp của căn phòng nhỏ được, không thể yêu một chậu cá, một lồng chim được. Một ít hoa và nghỉ ngơi nhè nhẹ, không.
Cái đầu bao giờ cũng khao khát lớn lao, Tao ! Số một thế giới ! Tao, là thế này thế nọ, Tao, làm việc phải có lợi ích, Vĩ đại, lớn lao, vì dân tộc vì nhân loại balalal...... Một cái đầu không thể nào thốt ra câu "Thành hay bại chỉ là chuyện vặt" . Chỉ có trái tim mới có tư cách nói câu này thôi, trái tim đâu quan tâm thiệt hơn, cho đi đã là hạnh phúc của trái tim rồi.
Nhưng những nhà thơ chỉ thi thoảng mới đạt tới cái đẹp tối thượng thôi
"Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi"
Đúng thế, nó thấy vẻ đẹp của nắng, của gió, của hương, nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi, chỉ thỉnh thoảng một linh ảnh nào đó giáng xuống nhà thơ và thế rồi họ bị đánh bật về với cái đầu. Và thế là cái đầu bắt đầu lên tiếng. Nắng là đẹp, giữ lấy nó, gió là thơm, giữ lấy nó, bắt nó, bắt nó thuộc về mình, của tao, của tao hết.
Việc này rất đơn giản, các bạn đã yêu bao giờ chưa?
Lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu Ngày tháng mới yêu đẹp ôi biết bao nhiêu
Vâng, chỉ mới yêu thôi, một ánh mắt đã làm bạn sao xuyến, một quan tâm nhè nhẹ, một cái nắm tay. Ôi tình yêu như bông hoa mới chớm nở, tràn đầy nhựa sống căng tràn của hiện hữu. Tuyệt con mẹ nó vời. Chỉ cần người ấy để ý bạn thôi là cũng đủ hạnh phúc rồi.
Nhưng mà ngay khi có được nhau cái đầu bắt đầu việc của nó. Anh là của em, anh phải thế này thế nọ, quan tâm, chăm sóc, kiểm soát, ghen tị, giận giữ, đủ mọi loại thần kinh của bản ngã làm cho tình yêu trở nên bốc mùi, buồn nôn, phát tởm. Nó mặc định người kia là cho không, tình yêu là cho không, nó không biết trân trọng. Nhưng để tôi nói cho bạn việc này, chỉ "đồ vật" mới bị sở hữu, bạn định sở hữu ai? Con người ư? Vứt bỏ ngay cái ý tưởng đần độn đó đi, bạn định biến tình yêu của mình thành món hàng ngoài bãi chợ ư? Bạn định đóng hết cánh cửa để giữ hương thơm của tình yêu lại ư? Được bao lâu ? Căn phòng của bạn chỉ bốc mùi ẩm mốc.
"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn người đến chốn lao xao”
Cái chết của những người này, có chút hương vị nào đó của chân lý.
"Vẻ đẹp không hơn gì thoáng hiện của chân lý trong khoảnh khắc, những người sống qua trái tim chỉ thi thoảng nắm bắt được nó. Chân lý là cái đẹp toàn bộ, khi tới chân lý bạn sẽ nhận ra vẻ đẹp là phẩm chất của nó" - Osho
4: Kiểu thứ tư - Cái chết của những người chứng ngộ
Haizzz đây là kiểu chết mình hằng mong ước, khao khát lớn lao tận sâu trong trái tim mình, mình nói về kiểu chết này từ tâm trí vì mình chưa trải nghiệm, ba kiểu người trên thì mình trải nghiệm đủ rồi nên có phần nào đó nói từ trái tim. Mình biết, còn khao khát là còn chưa chứng ngộ, cái này các đạo nhân gọi là "bệnh Phật". Các thiền sư Zen thường nói với các đệ tử của mình rằng "Nếu các ông gặp Phật trên đường, giết Ông ấy ngay lập tức" là đang nói về kiểu ham muốn này, ham muốn tinh, ham muốn thành Phật.
Mình sẽ chỉ kể truyện về cái chết của Sokrates, của Trang Tử, Lâm Loại để nói về kiểu chết này và cũng chỉ thêm chút thấu cảm của mình thôi chứ không nhận định gì vì tất nhiên là mình chưa chứng ngộ :3. Để các bạn tự cảm nhận.
Cái chết của Sokerates
Sokrates bị kết án uống thuốc độc. Phải thôi, ông ấy đã làm một điều nguy hiểm đó là chứng minh người ngu là ngu. Chứng minh người ngu là ngu là điều nguy hiểm bởi họ sẽ trả thù bạn. Đó là lý do vì sao họ đóng đinh Jesus, Phật bị phỉ nhổ, đơn giản thôi, không ai muốn bị chứng minh là ngu cả, bản ngã không chấp nhận điều đó.
Thuốc độc đang được chuẩn bị, các đệ tử thì khóc lóc "Một sự kiện vĩ đại thế sao các người lại ủy mị như vậy? - Sokrates nói
"Chúng con buồn vì thầy sắp chết? Thầy có muốn tổ chức đám tang như thế nào sau cái chết không?"
"Kẻ thù thì chuẩn bị trước cái chết cho ta, các ngươi thì chuẩn bị sau cái chết cho ta, cả hai đều quan tâm tới cái chết của ta, đâu là điều khác biệt giữa hai loại này?
Thưa thầy, thầy không sợ chết sao?
"Tại sao ta phải sợ chết? Ta không hiểu được tại sao mọi người lại sợ chết, ta thậm chí còn đón chờ nó. Có thể những người vô thần đúng, thế thì chẳng còn ai để mà sợ, chẳng còn ai để mà kinh nghiệm cái chết, thế thì cái chết có gì đáng sợ? Còn nếu như những người hữu thần đúng, thế thì cũng chẳng có gì đáng sợ, bởi ta đâu có chết? Ta vẫn còn sau cái chết, ta hiện hữu trước khi được sinh ra và cũng hiện hữu sau khi ta chết đi, chứng tỏ ta là vĩnh hằng "
Cái chết của Lâm Loại
Lâm Loại đã trăm tuổi. Đương mùa xuân, bận áo lông, đi mót lúa ở những ruộng đã gặt rồi, vừa đi vừa hát. Khổng Tử trên đường qua nước Vệ, thấy Lâm Loại trên cánh đồng, quay lại bảo đệ tử: 'Nên hỏi chuyện ông lão đó. Ai muốn đi nào.' Tử Cống xin đi, bắt kịp ông lão trên một cái đồi, đối diện với ông lão, thở dài, hỏi 'Cụ không có gì ân hận sao mà vừa đi vừa mót lúa vừa ca hát.' Lâm Loại vẫn vừa đi vừa hát. Tử Cống lại hỏi nữa. Sau cùng Lâm Loại ngửng lên đáp 'Ta có gì mà phải ân hận?' 'Hồi trẻ cụ có kém siêng không?Lớn lên cụ có cố gắng tạo ra dấu ấn của cụ không?Già mà không có vợ con, và bây giờ cái chết nó sắp tới, có gì đâu mà vui, mà vừa mót lúa vừa ca hát?' 'Lí do cho hạnh phúc của ta là mọi người cùng chia sẻ.' Lâm Loại cười đáp 'nhưng thay vì thế, họ lo lắng về họ. Hồi trẻ ta không siêng, lớn lên không bao giờ cố gắng tạo ra dấu hiệu của ta mà ta đã có thể thọ được như vầy. Già ta không có vợ con, cái chết nó sắp tới, cho nên ta mới vui được như vầy.' "Ai cũng muốn sống lâu, ai cũng ghét chết, sao cụ cho chết là vui?' 'Sống với chết như qua với lại. Chết ở đây biết đâu chẳng phải tái sinh ở nơi khác? Làm sao ta biết được rằng sống và chết không như nhau? Ta lại làm sao biết được đau đáu khó nhọc cầu sống chẳng phải là mê muội? Lại làm sao biết được bây giờ chết đi chẳng hơn là hồi trước sống?' Tử Cống nghe xong không hiểu, về thưa với Khổng Tử. Khổng Tử bảo: 'Ta biết trước rằng nên hỏi chuyện ông lão đó, quả nhiên như vậy, nhưng ông ấy mới hiểu một phần thôi, chưa hiểu hết lẽ.
Mình thấy cái chết của Sokrates và Lâm Loại đều có điểm chung là họ đều không khẳng định cái gì cả, họ dùng từ "có thể","nếu như" ,"Làm sao ta biết được" và đều vui chết. Kiểu họ cởi mở, không sống qua cái đầu, tri thức đóng chặt. Ta đã sống, điều đó tốt, nhưng ta đã sống rồi, lặp đi lặp lai mãi cũng chán, ta đã sống cuộc sống của ta giờ ta cũng muốn sống cái chết của ta nữa.
Kiểu họ hồn nhiên ấy, trở lại giống như đứa trẻ theo cái cách mà Jesus nói" Những ai trong đây giống như đứa trẻ sẽ được vào vương quốc của Thượng Đế".
Hay như Lão Tử nói " Ta hạnh phúc vì ta ngu như một đứa trẻ" . Như đứa trẻ!!! hay.....
Cái chết của Trang Tử
Cái chết của Trang Tử
Xưa khi Trang Tử sắp quy tiên, đệ tử của ông bắt đầu lập kế hoạch đám tang lớn. Nhưng Trang Tử nói: “Ta có trời đất làm quan tài; mặt trời mặt trăng làm biểu tượng ngọc treo bên cạnh ta; các vì sao sẽ chiếu sáng như châu báu quanh ta, và mọi sinh linh đều hiện diện như người than khóc bên ta. Cần gì hơn nữa? Mọi thứ đều được chăm nom dư giả”. Nhưng các đệ tử nói: “Chúng con sợ rằng quạ và diều sẽ rỉa thịt thầy”. Trang Tử đáp: “Xác người chết mà để trên đất thì diều quạ ăn, để dưới đất thì sâu bọ ăn. Bây giờ cướp của loài kia cho loài này, tâm sao mà thiên như thế? Tâm người đã thiên, thì bất bình, đem cái bất bình mà cho là bình thì cái bình không phải là bình nữa. Tâm người không sáng thì chẳng thật, đem cái chẳng thật mà cho là thật thì cái thật không còn là thật nữa”.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất