Nguồn ảnh: Unsplash & Canva
Nguồn ảnh: Unsplash & Canva
“Em biết mình đang ghen tị với em trai. Em ghét cảm giác đó lắm, nhưng nó cứ trỗi dậy, và em cảm thấy tội lỗi…”
Bạn chia sẻ với mình điều này trong một phiên tham vấn. Sau khi lắng nghe, mình đặt câu hỏi cho bạn: "Theo em, cảm xúc ghen tị này muốn cho em biết điều gì, về nhu cầu, mong muốn của em? Em trai của em có điều gì mà em đang không có?"
Bạn ấy im lặng rất lâu. Và rồi bật khóc.
"Em trai có tình yêu và sự bao dung của bố... Còn em thì không."
Bố bạn đi làm xa từ khi bạn còn nhỏ. Mẹ đẻ bạn ra và nuôi bạn một mình. Những cái ôm, sự vỗ về, hay những lời động viên từ bố – lúc còn bé bạn hầu như không có. Ngược lại, bạn lớn lên với những lời chê bai, chỉ trích thường xuyên từ bố, và dần dần, bạn trở nên tự ti về chính mình.
Rồi đến khi em trai ra đời, gia đình đã "đủ đầy" hơn – cả bố và mẹ đều hiện diện. Em trai được yêu thương, ít bị mắng hơn so với bạn. Dù đã lớn, nhưng mỗi lần nghĩ tới việc em trai được bố mẹ yêu thương ra sao, còn bạn thường bị bố mắng như thế nào, điều đó làm những nỗi đau và sự tự ti trong lòng bạn dậy sóng.
“Em không ghét em trai đâu… nhưng em thấy tị nạnh với em ấy, và mỗi khi em bị bố mắng, trút tức giận lên, em lại mắng em trai và xả sự bực mình lên nó”
Cảm xúc ghen tị, khó chịu không đến từ sự ích kỷ. Mà đến từ một đứa trẻ tổn thương bên trong bạn – thiếu thốn tình yêu thương, sự vỗ về, từng mơ những cái ôm và lời khen ngợi từ bố.
Mỗi lần nhìn thấy em trai được bố quan tâm, bao dung, bỏ qua những lỗi lầm, là một lần đứa trẻ trong bạn đau, vì những ký ức bị bố mắng mỏ, chỉ trích khắc nghiệt quay về.
Khi nhận ra điều này, nguyên nhân khiến bạn dù rất thương nhưng không thể ngừng ghen tị và áp đặt lên em trai mình, điều đó khiến bạn bật khóc, khi nhận ra “đứa trẻ bên trong” mình cũng cần được yêu thương và quan tâm nhường nào.
Và khi bạn tập kết nối với đứa trẻ đó, cho phép mình được khóc, được thấu hiểu, được vỗ về bằng chính tình yêu của bản thân – bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Bạn bắt đầu muốn gắn kết với em trai, trong sự kết nối, sẻ chia, thấu hiểu; thay vì sự áp đặt, mắng mỏ, giận dữ như một cách “xả giận”.
Bạn nhận ra: “Đứa trẻ trong em không cần được sửa chữa. Mà cần được yêu thương.”
Có bao giờ bạn thấy mình ghen tị với ai đó – rồi thấy bản thân “xấu tính”?
Đôi khi, đó không phải là tính cách thật của bạn.
Mà là vết thương chưa từng được xoa dịu.
Hãy thử hỏi mình:
“Người kia có điều gì mình từng khao khát mà chưa từng nhận được?”
Câu trả lời có thể khiến bạn rơi nước mắt – nhưng đó là bước đầu của hành trình chữa lành, thấu hiểu chính mình.
 Inner child – đứa trẻ bên trong bạn – vẫn ở đó.
Và bạn có thể là người đầu tiên thực sự ôm lấy đứa trẻ ấy bằng sự dịu dàng, yêu thương và thấu hiểu sâu sắc dành cho chính mình.
Việc chữa lành "đứa trẻ bên trong" là một hành trình đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn với bản thân. Bằng cách nhận diện và chăm sóc phần trẻ thơ trong tâm hồn, bạn có thể giải phóng bản thân khỏi những gánh nặng quá khứ và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn.
P/S:
"Đứa trẻ bên trong" là một khái niệm tâm lý học dùng để chỉ những khía cạnh trẻ thơ trong tính cách và trạng thái cảm xúc của chúng ta. Đây là cách ẩn dụ để mô tả những phần 'trẻ nhỏ' trong ta – những phần có thể trỗi dậy khi chúng ta đối mặt với những tình huống căng thẳng hoặc sang chấn. Khái niệm này lần đầu tiên được giới thiệu bởi nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung (1).
Mystic Cat Lady
Nguồn tham khảo:
(1) Sjöblom M, Öhrling K, Prellwitz M, Kostenius C. Health throughout the lifespan: The phenomenon of the inner child reflected in events during childhood experienced by older persons. Int J Qual Stud Health Well-being. 2016;11(1):31486. doi: 10.3402/qhw.v11.31486
(2) Heyl, J. C. (2023). Inner child work: How your past shapes your present. Verywell Mind. 
(3) Nguồn hình ảnh: Noah Silliman (Unsplash) & Canva
BLOG TRÊN FACEBOOK CỦA MÌNH: https://fb.me/mysticcathealing - MYSTIC CAT HEALING
Ghé thăm và kết nối với mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Tâm lý học (Psychology), Tâm Linh học (Spirituality), Phát triển/ Thấu hiểu bản thân nhé.
TRANG BLOG TRÊN WORDPRESS: https://mysticcatlady.wordpress.com/
Nếu bạn yêu thích các bài viết và muốn ủng hộ blog, bạn có thể donate cho Mèo theo STK sau: STK Vietcombank: 0301000388545 (Nguyễn Quỳnh Anh). Mình cảm ơn bạn rất nhiều!