Bản thân tôi mới ban nãy, nói một cách trung thực, tỉnh dậy vào lúc 06:30PM sau một giấc ngủ mang tính chất "nghỉ ngơi" sau một buổi chiều làm việc mệt mỏi nhưng lại cảm giác không thoải mái chút nào. Tôi đã lạc lối. Tỉnh dậy, nhưng không thấy tuyệt vì được nghỉ ngơi; tỉnh dậy, nhưng không nở nụ cười vì sảng khoái, và tự đặt ra câu hỏi cho mình rằng tại sao lại như vậy? Một phần nào đó, quá trình mình tự đặt ra câu hỏi cho mình cũng trong vô thức sản sinh ra cortisol và adrenalin, khiến não bộ thêm phần "stress". Đáng buồn, nhưng đó là cách não bộ vận hành, và tôi, không phải là ngoại lệ.
Đã bao giờ bạn tỉnh dậy, nhưng chỉ thấy uể oải; đã bao giờ bạn tỉnh dậy, và nghĩ rằng "Hầy dà, lại một ngày nữa à?" chứ không phải là nở một nụ cười để đón chào một ngày mới chưa? Chắc hẳn là có rồi chứ gì, khẳng định đấy. Bằng một cách nào đó, đây là một "căn bệnh thế kỉ" của phần lớn mọi người hiện nay, khó có khái niệm nào có thể bao trùm được cái định nghĩa và bản thân tôi cũng không rõ khái niệm của nó đây nghĩa là gì, nên xin phép không đưa ra bất kì định nghĩa nào cho nó. Nhưng bản thân tôi, mặc dù nhìn thấy nó, mặc dù biết về nó, mặc dù chắc chắn nó đang tồn tại - tức mình đang cần phải thay đổi nó đi - vẫn đang để cho nó nhởn nhơ như vậy, kì lạ nhỉ?
"I'm still fine" - một câu nói được sử dụng rất nhiều để trả lời cho câu hỏi "How are you?", nhưng được mấy người nói thật về câu hỏi ấy? "Yeah tớ vẫn ổn, mọi thứ vẫn oke". Ừ, nghe quen phết nhỉ, nhưng chỉ "ổn" thôi à? Tôi đã từng hỏi: "Có thật là vẫn "ổn" không thế?", câu trả lời: "Ừ vẫn oke mà, có vấn đề gì đâu, mọi thứ vẫn thế". Đúng, mọi thứ vẫn ổn mà.
Cuộc sống vẫn đủ cơm ăn áo mặc, chúng ta vẫn ăn đủ 3 bữa mỗi ngày và lướt Facebook và TikTok để giải trí, vẫn có những người chạc tuổi tôi đã có thể kiếm ra tiền như là làm freelance, dịch thuật, buôn bán, .... và đặc biệt hơn nữa là các bạn có đam mê đang từng bước thực hiện được mục tiêu của mình, đó là điều rất đáng mừng đúng không? Nhưng, tại sao họ vẫn chưa "hạnh phúc"? Nói là hạnh phúc thì cũng chưa phải là khẳng định lắm, nhưng tôi biết nhiều người mặc dù mình vẫn "ổn", nhưng vẫn cảm thấy cứ "sao sao" về bản thân và thậm chí là thấy chán nản, muốn từ bỏ mặc dù mọi thứ vẫn ổn đúng không?
Có thể nói tóm gọn rằng cuộc sống chúng ta bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố:
1.Sự dạy dỗ/giáo dục
2.Công nghệ
3.Sự thiếu kiên nhẫn
4.Môi trường sống
Mục đích của chúng ta trong cuộc đời này là hoàn thiện bức tranh của chính mình. Hầu hết trong số chúng ta, sẽ có vấn đề với chính phụ huynh của mình đúng không? Đó là một phần của giáo dục gia đình, nhưng mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, ai cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định (ở đây mình không đả kích bất kì ai mà chỉ là cảm nhận chung sau khi mình tiếp xúc khá nhiều trường hợp mà trong đó gia đình chiếm phần lớn). Ngoài ra, đó còn là vấn đề của một nền giáo dục, nhưng, đây cũng là một vấn đề nhạy cảm mà tôi không muốn phải đi sâu ở bài viết này, nhưng chắc chắn rằng, khi bạn "ra đời", bố mẹ bạn sẽ không thể hoàn toàn giúp bạn thăng tiến, bạn nhận ra sẽ chẳng có cái gì gọi là "phần thưởng an ủi" khi bạn về bét hoặc thậm chí chẳng có gì, và chắc chắn bạn sẽ không thể có được một thứ gì đó chỉ vì bạn muốn nó.
Ngoài ra, chúng ta đang sống trong một "thời đại Facebook", nói cách khác, chúng ta đang thêm "filter" vào tất cả mọi thứ. Chúng ta rất giỏi trong việc cho mọi người thấy rằng cuộc sống thật tuyệt vời mặc dù chính chúng ta đang chán nản và suy sụp ở một góc độ nào đó. Ai cũng có vẻ như là rất cứng rắn và đã giải quyết được mọi vấn đề của mình, mặc dù sự thật thì chúng ta chẳng hề cứng cáp và hoàn toàn không thể giải quyết hết nổi các vấn đề của bản thân. Khoa học đã cho thấy rằng, việc sử dụng mạng xã hội cũng như điện thoại thông minh, và các món đồ công nghệ sẽ sản sinh ra một chất gọi là "dopamine" trong não bộ và khiến chúng ta thích thú với việc làm ấy. Đó là lí do khi bạn nhận được một tin nhắn, bạn cảm thấy thật tuyệt đúng không? Và khi bản thân cảm thấy hơi buồn hoặc có chút chán nản, chúng ta gửi "chào, chào, chào, chào, chào,..." tới khoảng chục người bạn để mong chờ được phản hồi. Đó cũng là lí do mà mọi người đếm số tương tác, số comment và cảm thấy hụt hẫng, thất vọng khi số lượng đó giảm hay thậm chí "chấn thương tâm lí" khi bị unfriend. Nghe quen không? Quen quá còn gì.
Dopamine đồng thời cũng chính là chất được sản sinh ra khi chúng ta uống rượu, chúng ta hút thuốc và đánh bạc. Đó là lí do chúng ta luôn kết thúc hầu như mọi thứ bằng việc mở điện thoại và lên mạng xã hội. Nghiện, đúng rồi đấy, nghiện. Tuy nhiên, xã hội có giới hạn độ tuổi và các lệnh cấm cho rượu bia, thuốc lá và đánh bạc, nhưng gần như chẳng hề có một hạn chế nào dành cho mạng xã hội cả. Và quan trọng hơn cả, chúng ta tiếp cận điều đó trong tuổi vị thành niên (thậm chí hiện tại trẻ con còn tiếp xúc sớm hơn) - cái thời kì mà bất kì ai cũng có thể sai lầm và bồng bột, và chỉ cần "chệch hướng" hoặc "lầm đường" là có thể đánh mất hoàn toàn những thứ sau đó.
Khi ta còn nhỏ, những gì ta cần là sự công nhận và tự hào của gia đình, nhưng khi ta trải qua "thời nông nổi" (hay tuổi vị thành niên), khi ta bước ra cuộc đời, thì ta cần thêm sự công nhận từ các đồng nghiệp và các sếp. Đó là một điều bình thường, ai mà chẳng phải bước ra khỏi cái gia đình nhỏ để đi vào một xã hội lớn hơn. Và đây chính là lúc mà sự căng thẳng và rối loạn phát triển một cách mạnh mẽ trong chúng ta khi có vô vàn số thứ phải để ý. Một số người "không may mắn" tiếp xúc với rượu bia và thuốc lá từ thời trẻ, khi gặp phải các khó khăn về tài chính, về gia đình, về công việc,... như một thói quen sẽ tìm lại tới rượu bia và thuốc lá để sản sinh ra dopamine giúp giải tỏa căng thẳng. Khi gặp khó khăn, họ trở thành chai rượu, lon bia và điếu thuốc lá.
Mọi thứ đều phải cân bằng như âm và dương. Rượu không xấu, uống nhiều rượu mới xấu. Đánh bạc rất vui, nhưng đánh bạc quá nhiều lại nguy hiểm. Mạng xã hội và đồ điện tử cũng vậy. Các khảo sát của các nhà khoa học đã cho thấy rằng có một tỉ lệ cao hơn về việc trải qua suy sụp tinh thần và rối loạn cảm xúc ở những người sử dụng mạng xã hội quá nhiều trong cuộc sống của họ hơn là những người sử dụng ít hơn. Và đó, là một vấn đề rất lớn trong mỗi chúng ta, cái chính là chúng ta đều biết, nhưng ít ai có đủ bản lĩnh và điều kiện để thay đổi.
Ô kê, vậy là đã xong 2 yếu tố là giáo dục và công nghệ đúng không, giờ chúng ta sẽ đến với yếu tố thứ ba là "sự thiếu kiên nhẫn". Vào thời điểm Cách mạng công nghiệp kĩ thuật số như hiện nay, mọi thứ đều quá nhanh và đơn giản. Bạn muốn mua thứ gì đó? Chỉ cần lên Shopee, bấm vài cái click chuột và nó sẽ tới trong vài ngày. Bạn muốn xem phim? Internet và Netflix, bạn đâu cần phải kiểm tra thời gian công chiếu. Bạn muốn hẹn hò? Xời, bạn đâu cần phải học những câu như "Chào cậu, tớ..." hay là "Làm quen" đâu, tất cả những gì bạn cần làm là quẹt trái và quẹt phải, xong. Đơn giản đúng không? Hầu như tất cả mọi thứ bạn cần và muốn đều sẽ được giải quyết trong một nốt nhạc, nhưng vô hình chung, điều này tạo ra cho bạn một "văn hóa ăn sẵn" ăn sâu vào tâm trí. Đó gọi là "sự hài lòng tức thì".
Chỉ trừ có mấy thứ như "mức độ hài lòng công việc" và "các mối quan hệ bền vững" là không có ngay thôi, làm gì có ứng dụng nào cho nó? Đó là những thứ cần bỏ ra thời gian, cần bỏ ra công sức, cần bỏ ra cái tâm-tầm để đầu tư cho nó, chứ không phải là "mì ăn liền" . Mọi thứ đều cần thời gian. Tình yêu, công việc, sự tận hưởng, niềm vui, một kĩ năng mới, .... tất cả đều cần có thời gian. Đôi khi bạn có thể bứt phá và tăng tốc ở một số điểm, nhưng chặng đường ấy sẽ luôn dài, gian truân và khó khăn.
Ở các trường hợp xấu nhất, chúng ta thấy rõ tỉ lệ tự sát trẻ ở một số nơi ngày càng cao, tỉ lệ chết vì sử dụng chất gây nghiện quá liều ngày càng cao, tỉ lệ thanh thiếu niên bỏ học ngày càng cao, ... Còn ở những trường hợp tốt nhất, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy cả một số lượng lớn dân số không tìm được sự vui vẻ và sự tận hưởng; không tìm được những điều sâu sắc trong bản thân. Họ chỉ đang "ổn". Công việc của bạn thế nào? "Tôi ổn, vẫn như hôm qua". Các mối quan hệ của bạn thế nào? "Vẫn ổn". Và nó vẫn sẽ chỉ "ổn" như thế.
Và điều đó dẫn tới yếu tố thứ 4 "môi trường". Thế giới đang đặt những con người đầy hoài bão và ước mơ, đam mê đó vào một môi trường của các công ty nơi con số quan trọng hơn con người, nơi các lợi ích ngắn hạn được đặt lên trước mục tiêu dài hạn. Và điều đó (tôi không nói tất cả mọi nơi đều như vậy) đang không giúp họ. Yeah bạn có thể đào tạo một người để làm một công việc, nhưng để giúp một người ấy cảm thấy khá hơn là điều không đơn giản. Và sau một thời gian ở trong môi trường như vậy, nó sẽ tạo ra sự tự trách, và điều đó sẽ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn với những luồng năng lượng tiêu cực liên tục đi vào trong bản thân mỗi người.
Đó là những gì mà mọi người đang gặp phải. Bản thân tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo nên chú trọng phát triển về mặt con người và khai phá tiềm năng của con người. Cần phải để ý hơn tới các vấn đề xây dựng niềm tin giữa mọi người với nhau cũng như tạo ra sự hợp tác và ăn ý. Giống như các chương trình "Dopamine detox", chúng ta nên hạn chế điện thoại ở môi trường làm việc, đặc biệt là các buổi họp. Bạn ngồi đó và bấm điện thoại, họp, xong. Đó đâu phải là cách một mối quan hệ và sự tin tưởng được hình thành? Thay vào đó, sao không thử bắt chuyện như: "Heyyy, ngày hôm nay của bạn thế nào?" - "Tôi đang gặp khó khăn một chút ở đây mà không biết làm sao." - "Bro, tôi nghĩ tôi có thể giúp bạn ở vấn đề này." - "Ồ thật à, vậy thì tốt quá, cảm ơn bạn nhé.". Và đó là cách mà niềm tin và mối quan hệ hình thành. Ngoài ra, khi đi ngủ, tốt nhất là để điện thoại ở phòng khác. "Nhưng đó là đồng hồ báo thức của tôi". Mua cái đồng hồ báo thức đi, nó chỉ bằng một mẩu giá của cái điện thoại thôi.
Hãy chắc chắn rằng bạn cũng sẽ tìm thấy hạnh phúc ở đời thực, chứ không chỉ ở trên không gian ảo.
Simon Sinek
Hà Nội, ngày 30/07/2021
Just_A_Snowflake