Khi chi tiêu cũng cần có mục đích để không “còn cái nịt”
Khi chi tiêu cũng cần có mục đích để không “còn cái nịt”
[BÀI DỰ THI TRIẾT HỌC THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG]
Lời mở đầu bài viết
Trước khi mình bắt đầu, mình có đôi điều muốn chia sẻ như sau:
Mình chưa bao giờ giỏi trong việc kiểm soát bản thân mình. Việc chi tiêu cũng vậy, dường như mình không có một ranh giới nào cho bản thân để ngừng tiêu xài lại trước khi nó đi quá xa. Mình đơn thuần chỉ dùng tiền để chi cho món đồ mà đôi khi chẳng hề dùng đến nó. Dần dà mình mới nhận ra sở hữu chúng không làm mình hạnh phúc đủ lâu, nó bất chợt như cơn mưa rào, đến rồi lại đi trong thoáng chốc. Một lời tự sự về bản thân mình dưới đây một phần là liên hệ đến bản thân mình, một phần cốt là để mọi người hiểu được phần nào sự quan trọng trong việc từ bỏ việc ám ảnh về sự “phải sở hữu” những thứ vật chất đôi khi không có ích. Bài viết dưới đây không công kích một cá nhân hay tổ chức nào mà là để chia sẻ, bên cạnh đó để mọi người bàn luận một cách cởi mở chung quanh chủ đề này.
1. Ám ảnh sở hữu
Khi ta chi tiêu cho một món đồ, thì việc sở hữu món đồ đó dường như cũng cho ta những hạnh phúc nhất định. Tất nhiên ta đều phải bỏ sức lực để được hiện kim, từ hiện kim đó ta mới mang đi chi tiêu cho bản thân mình. Đối với mọi người , sau một ngày làm việc, học tập mệt mỏi dường như đôi khi tất cả những thứ ta muốn chỉ là về nhà đặt mình lên trên chiếc nệm êm ái. Ai cũng đều muốn được nghỉ ngơi, đằm mình vào giấc ngủ. Nhưng khoan, bạn vừa quên mất hôm nay là ngày ra mắt bộ sưu tập giới hạn và bạn chỉ còn vài tiếng để sở hữu bộ sưu tập đó. Bạn vội thay đồ, không kịp ăn uống gì mà tức tốc vặn hết ga chạy đến trung tâm mua sắm. Khi đến nơi bạn thấy chỉ là nhiều người đang đứng xếp hàng để sở hữu món đồ ấy, và dĩ nhiên bạn cũng sẽ chẳng thô lỗ mà chen ngang hàng vào bọn họ để dẫn đến một kết cục không mấy hay lắm. Và thế là bạn đành chịu xếp hàng phía sau. Trong lúc vừa chờ đợi thì chung quanh khu mua sắm dường như đang được giảm giá và bạn lại bắt đầu lên kế hoạch cho việc mua sắm vào những ngày tiếp theo. Nhưng lúc đó bạn không biết rằng khu mua sắm bao giờ cũng có giảm giá quanh năm suốt tháng. Bạn tiếp tục xếp hàng 10 phút, 20 phút rồi cả hàng tiếng đồng hồ. Cuối cùng cũng đã đến lượt bạn mua món đồ đó, bạn vui vẻ trả tiền cho một món đồ được cộp mác “giới hạn” và lon ton vui vẻ ra về cùng món đồ đó trên tay.
Sự sung sướng tột độ của bạn khi biết rằng mình vừa sở hữu một món đồ vừa giới hạn mà bạn yêu thích mà còn lại được dịp check in và khoe nó với mọi người. Một, hai ngày bạn vẫn còn vui nhưng sau đó thì niềm vui vụt tắt dần. Thế là bạn lại chợt nhớ đến danh sách những cửa hàng giảm giá khi bữa, chúng không chỉ giảm giá mà còn có cả những bộ sưu tập mới nhất của lần ra mắt này. Thế là bạn lại bắt đầu kiếm tiền đi để mua hạnh phúc từ việc sở hữu những món đồ kia. Dù cơ thể bạn mệt nhoài vì vừa học tập, làm việc nhưng bạn lại muốn sở hữu những món đồ kia thì chỉ có cách phải làm việc bởi vì những món đồ kia đâu thể nào tự nhiên từ trong cửa hàng bay đến chỗ bạn được. Vòng lặp cứ thế tiếp diễn và giờ bạn cứ như nhân vật Rebecca trong bộ phim “The confession of the shopaholic” - Lời tự thú của một tín đồ shopping của tác giả Sophie Kinsella.
Với những người biết từ bỏ thì rất dễ, nhưng nếu bạn không phải thì bạn dường như đã bị cuốn vào guồng quay chi tiêu vô độ. Số tiền bạn làm ra còn không đủ để bạn chi tiêu nhưng bạn lại vẫn muốn sở hữu những món đồ ngoài kia vì dường như những món đồ bạn đã mua chưa bao giờ là đủ. Có những món đồ mà bạn mua về còn chẳng đụng tới mà chỉ mua nó vì sở thích và không mang lại ích lợi gì. Bạn dần dà lún sâu vào còn đường chi tiêu quá độ đến mức bạn khó có thể mà từ bỏ thói quen đó. Chính lúc này bạn cần thực sự thay đổi bởi vì bạn dường như nhận thức được rằng mua thêm cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề.
2. Từ bỏ thói quen
Sự nhận thức - nhận thức chính là món quà được ban cho mỗi người chúng ta. Nhận thức là để suy xét lại hành vi của bản thân và đánh giá lại nó là tốt hay xấu, nên tiếp tục hay dừng lại. Bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng cần suy xét trước khi hành động, nhưng trong trường hợp này, chi tiêu quá mức đã khiến bạn sắp sụp đổ trên đống đồ mà bạn đã sở hữu vì bạn chẳng thể làm gì với chúng. Việc đầu tiên bạn cần làm là nhận thức được sự không cần thiết của những món đồ kia. Không phải món đồ nào bạn cũng dùng hằng ngày và không phải món nào cũng tạo ra giá trị cho bạn. Theo góc nhìn của mình thì thứ bạn cần làm là liệt kê những danh sách những món đồ mà bạn ít khi đụng đến. Dù là đồ ăn, thức uống hay cả là những món quần áo, mô hình, phụ kiện. Bất cứ thứ gì không tạo ra giá trị cho bạn thì nó đều cần phải giảm thiểu và không nên tăng thêm số lượng những thứ liên quan.
Nhìn nhận - để lập được danh sách mà từ bỏ những món đồ kia thì trước tiên bạn phải cần nghiền ngẫm xem món đồ nào là cần thiết. Những món đồ cần thiết như quần áo thì bạn sẽ sử dụng nó với tần suất thường xuyên. Đồ ăn, thức uống cũng vậy, món nào bạn thích và hay ăn thì hãy để sang một bên, còn những thứ không hợp với bạn thì bạn không nên để chưng ở đó vì nó chẳng phải là những món đồ sưu tập để bạn để trong nhà.
Phân biệt - bạn cũng cần phân biệt sự khác biệt với việc chi tiêu cho món đồ thiết yếu hoặc đồ lưu niệm nó sẽ khác với những món đồ bạn mua để cho vui mà không dùng đến. Những món đồ bạn dùng thường xuyên hoặc sưu tập sẽ không làm choáng chỗ hay tốn thời gian mà bạn lại rất thích nó. Còn những món bạn không dùng đến mà tích trữ nó sẽ vừa tiêu hao diện tích, công sức của bạn để sắp xếp lại chúng.
Để từ bỏ thói quen không phải là việc dễ dàng bởi não bộ thường có xu hướng “ngựa quen đường cũ”. Nó sẽ tức tốc bùng phát và cố gắng đưa bạn trở lại việc mua sắm vô độ ban đầu. Thì để từ bỏ việc chi tiêu linh tinh thì thứ bạn cần chính là một cú hích hoặc dễ hơn là động lực bạn tự tạo cho mình.
3. Tạo động lực cho bản thân
Động lực là liều thuốc cho bạn cố gắng. Theo mình thì không việc gì tốt hơn bằng việc tự tạo động lực cho bản thân để từ bỏ việc chi tiêu quá mức kiểm soát. Bạn có thể thấy được từ trong phim lời thú tội của một tín đồ shopping khi cô ta cố gắng bức phá khỏi việc mua sắm quá độ dẫn đến dường như chủ nợ phải đến nhà đòi cô ấy vì chi tiêu quá mức. Cô ta cũng đã bắt đầu thay đổi vì học được bài học từ việc rằng chi tiêu quá nhiều không những không mang lại hạnh phúc mà còn mang lại bất hạnh cho khổ chủ. Cô ta cố gắng thay đổi nhưng tất nhiên cũng chẳng dễ dàng gì, tất cả là thử thách và “cột sống” của chúng ta đôi khi lúc lên lúc xuống, phải xuống rồi mới có động lực quay trở lại lối sống lành mạnh, hạnh phúc.
Thói quen là một cái thứ gì đó khó bỏ, thậm chí mất rất nhiều thời gian để từ bỏ việc chi tiêu vô độ vì trong đầu ta dường như mặc định cứ sở hữu món đồ là sẽ được hạnh phúc. Rebecca trong quá trình phấn đấu thoát khỏi việc chi tiêu cực kì nhọc nhằn và khó khăn, cô ta phải dần dà thay đổi mỗi ngày, thay đổi lối tư duy và phải học cách thế nào là đủ. Bạn cũng vậy, bạn cần nhận thức được rằng việc sở hữu những món đồ kia chỉ là những hạnh phúc tức thời, nếu nó không mang lại giá trị gì cho bạn thì bạn cần phải từ bỏ nó ngay. Bạn phải nghĩ rằng mình đặt mục tiêu thay đổi vì chính mình, không phải cho người khác bởi tự thân bạn là người quyết định. Không ai khác đưa ra quyết định cuộc đời bạn thay cho bạn. Ngoài ra không đơn thuần chỉ là có động lực mà bạn cũng cần có mục tiêu quyết định bạn phải làm gì trong tương lai.
4. Đặt mục tiêu khi chi tiêu
Mỗi đồng bạn bỏ ra thì bạn hãy nghĩ đến số thời gian, công sức bạn phải bỏ ra để có nó. Đồng tiền không thể nào tư hư vô rồi bay vào túi bạn. Nó là một chuỗi nhân quả, bạn phải làm việc, bỏ thời gian để trao đổi tương ứng với tiền bạc, vật chất dành cho bạn. Nhưng chung quy lại mục tiêu của bạn chính là để hạnh phúc dài lâu chứ không phải là hạnh phúc tạm bợ, vụt tắt trong chốc lát. Mọi thứ bạn sở hữu phải làm việc cho bạn chứ không phải bạn chạy theo những thứ bạn đang sở hữu mà chung quy chẳng được giá trị gì sinh lợi từ nó.
Để chi tiêu thông minh hơn bạn cần có một mục tiêu cho số tiền bạn bỏ ra. Chẳng hạn như mình có bảng công thức ví dụ cho việc chi tiêu của mình như sau với X tiền:
a. 10% của X dùng để cho thuốc men
b. 1->5% của X để dùng từ thiện hoặc chi tiêu cho bạn bè, các mối quan hệ
c. 30% dành cho việc học và phát triển cá nhân
d. 10% tới 20% dành cho mua sắm những quần áo, phụ kiện cần thiết
e. 10% dùng để tiết kiệm
f. 10% dành cho thuốc men, di chuyển, dịch vụ
g. Và số % còn lại dùng để cho các chi tiêu phát sinh chưa dự toán trước hoặc có thể dùng nó cho các mục đích mà mình chưa biết ở hiện tại.
Với những mục tiêu chi tiêu cụ thể bạn sẽ dễ dàng nắm bắt việc chi tiêu của mình hơn chứ không phải chi tiêu quá mức. Dĩ nhiên là nó sẽ chẳng hoàn hảo lắm đâu nhưng nó chính là 1 trong những cách giúp bạn hạn chế lại thói quen của mình.
5. So sánh
Bên cạnh đó thì trong tương lai dù gì bạn chắc chắn cũng sẽ chi tiêu cho mình một cái gì đó, có thể là một món quà cho bản thân. Nhưng bạn cần sự so sánh và suy ngẫm. Khi chi tiêu có rất nhiều điều cần đắn đo như sau:
a. Số tiền bạn bỏ ra
b. Giá trị sử dụng mà nó mang lại cho bạn là gì
c. Thời gian sử dụng hoặc độ bền của nó
d. So sánh với các sản phẩm khác cùng loại
e. Mức độ cần thiết hiện tại của món đồ
f. Thương hiệu, độ tin cậy
… vân vân và mây mây
Không phải những món đồ đắt tiền đều tốt, thứ mà bạn cần bỏ tiền ra chính là một sản phẩm ở tầm trung, vừa cân bằng vừa có lợi cho bạn. Trừ phi việc bạn quá giàu thì việc bỏ tiền ra mua bất cứ thứ gì cũng được nhưng mình chẳng bao giờ khuyến khích điều đó. Mình hi vọng bạn sẽ bỏ tiền ra một cách xứng đáng và nhận được giá trị mình mong muốn. Trong đó giá trị sử dụng và thời gian sử dụng gần như nên được xem xét đầu tiên vì bạn không thể nào mua 1 chiếc áo về mặc 1 lần là vứt. Một món đồ có giá 100 nghìn nhưng lại có thể mang lại giá trị cho bạn gấp nhiều lần nếu bạn biết chi tiêu đúng mục đích. Bất cứ khoảng tiền chi tiêu nào bạn bỏ ra thì cũng nên coi nó là đầu tư cho bản thân của mình hay người khác thì bạn sẽ dễ lựa chọn được món đồ mình cần nhanh hơn
Lời kết
Theo quy tắc the Golden Mean của Aristotle. Mọi thứ bạn cần không cần phải đứng nhất hay là quá tệ. Chi tiêu cũng vậy, bạn chẳng cần phải bỏ toàn bộ số tiền chỉ để sở hữu món đồ đắt nhất trên kệ. Thứ bạn cần là sự tính toán trong chi tiêu để đưa ra quyết định sáng suốt. Quy tắc này mình tình cờ được biết đến qua bài học triết học về sự mất mát trên web spiderum. Triết học thực hành trong chi tiêu đối với mình là sự thực hành chánh niệm trong lối suy nghĩ trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Áp dụng triết học không phải là một điều gì quá khó. Theo mình thì nó đã có sẵn trong các hành động của mỗi người. Chỉ là ít khi đào sâu về vấn đề này. Dù là chi tiêu cho bản thân hay là kinh doanh, tất cả cốt yếu đều là vì bản thân, cần phải thận trọng suy xét, ai cũng phải bỏ thời gian thế nên việc cân nhắc kỹ lượng và cân bằng chi tiêu ấy là để vừa tạo ra giá trị cho mình, vừa không phải bực tức vì đi sai nước cờ trong chi tiêu, mua sắm.
Thực hành áp dụng triết học trong đời sống dưới góc độ của mình chính là đạt được sự bình thản trong tâm hồn. Chúng ta đều xứng đáng có được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc nhất thời chỉ là ở những chi tiêu để sở hữu, những cái vui chớp nhoáng mà thực hành triết học cốt là để chúng ta giảm thiểu những vấn đề không cần thiết, trong trường hợp này chính là chi tiêu quá mức mà quên đi self-love, quên đi giá trị cốt lõi của hạnh phúc vững bền! Còn bạn thì sao? Nếu bạn có đóng góp, hoặc những đề xuất hay hãy cho mình biết với nha!

Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất