Liệu dịch bệnh thông tin sinh ra từ dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu có khiến mọi người tìm đến với các thương hiệu báo chí tin cậy khi họ không thể tin được vào các kênh truyền thông xã hội?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã giải thích khá kỹ về khái niệm “infodemic” (dịch bệnh thông tin) như sau: “Tình trạng quá dư thừa thông tin – gồm cả thông tin chính xác và thông tin không chính xác – khiến mọi người rất khó tìm ra những nguồn tin đáng tin và chỉ dẫn tin cậy khi họ cần.”
Aleksandra Kuzmanovic, người phụ trách mảng truyền thông xã hội của WHO giải thích thêm: “Trong hoàn cảnh cụ thể của dịch Covid-19, do sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền thông xã hội những năm gần đây, thông tin phát tán còn nhanh hơn cả bản thân con virus này.”
Việc chia sẻ thông tin quá dễ dàng trên các ứng dụng khiến nhiều người không để ý đến tính chính xác của thông tin mà họ chia sẻ. Người ta chia sẻ thông tin vì tin rằng nó đúng, để rồi sau đó (hoặc không bao giờ) phát hiện ra rằng nó hoàn toàn sai lệch.
Chỉ cần lướt qua ứng dụng mạng xã hội Instagram là thấy rất nhiều người nổi tiếng đưa ra những thông tin không chính xác hoặc quảng cáo sai lệch. YouTube, Whatsapp cũng chẳng ít hơn. Facebook và TikTok đầy những hình chế về virus corona và không ít người còn vờ là chính họ bị nhiễm. Thông tin giả về dịch bệnh Covid-19 thì hoành hành khủng khiếp, từ những thuyết âm mưu về nguồn gốc của loại virus màu cho đến các phương pháp chữa trị phản khoa học và vô căn cứ, những thông tin cập nhật sai lệch về số ca lây nhiễm và tử vong cũng như những fake news chủ đích gây hoang mang cho xã hội và phủ nhận những nỗ lực của cơ quan chức năng.
Nhưng quả là trong “nguy” thì xuất hiện “cơ”: Giữa bối cảnh ngập tràn thông tin thật-giả hiện nay, có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng thông tin đang quay trở lại với các cơ quan báo chí chính thống, nhất là các thương hiệu báo chí uy tín, với hy vọng nhận được những thông tin chính xác về dịch bệnh.
Nếu chú ý quan sát sẽ nhận ra một điều rằng khi thị trường chứng khoán thế giới sập sàn thì giá cổ phiếu của New York Times lại tăng lên trong tuần cuối tháng 2. Chưa rõ xu hướng này có giống hiện tượng mà chúng ta từng gọi là “Trump Bump” hay không. Liệu lần này độc giả có trả phí thuê bao cho những nguồn tin tin cậy trong bối cảnh bị chìm ngập giữa cơn lũ tin giả?
Cần nhắc lại về thuật ngữ “Trump Bump” (ít nhất là ở Mỹ và Tây Âu) ám chỉ việc người dân bỗng nhiên quan tâm đến việc chấp nhận trả tiền cho các cơ quan báo chí chính thống (tức là những thương hiệu báo chí “lâu đời” hoặc “đáng tin cậy”) khi họ bắt đầu hoài nghi rằng các trang thông tin điện tử đang phát tán tin giả liên quan đến vị tống thống đương nhiệm của nước Mỹ.
Joe Martin, phó chủ tịch phụ trách hợp tác thương mại của Wall Street Journal, từng phát biểu hồi tháng 9/2018 tại sự kiện FIPP Asia ở Vũ Hán (oái oăm thay, dường như chính là nơi khởi nguồn của virus corona): “Trong một thế giới của những trang thông tin điện tử đang phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy, những bánh xe của sự thay đổi có thể hiệu quả với các cơ quan báo chí truyền thống… trong một kỷ nguyên của tin giả, khi mà những giá trị của báo chí truyền thống và đáng tin cậy có ý nghĩa quan trọng với xã hội hơn bao giờ hết.”
Quan điểm này được Chủ tịch kiêm CEO của New York Times Co. là ông Mark Thompson ủng hộ. Ngay đầu tháng này, ông đã xác nhận rằng tuy doanh thu quảng cáo có chậm lại do “sự bấp bênh và lo ngại” mà virus corona gây ra, nhưng không hề có tác động tiêu cực này đối với quá trình tăng trưởng về số người đăng ký trả phí.
Trong tuần đầu tháng 3, số lượng tin bài về Covid-19 chỉ chiếm 1% tổng số bài được đăng tải trên các báo của Mỹ nhưng chiếm tới 13% tổng số trang được xem, theo dữ liệu thống kê của Parse.ly, một công ty đo hoạt động của hơn 3.000 website có lượng truy cập cao, trong đó có Wall Street Journal, Bloomberg, NBC, Conde Nast, Slate, và TechCrunch. Tổng lượng truy cập vào các trang tin tức tăng mạnh 50% so với cuối tháng 2.
Chartbeat, một nền tảng phân tích nội dung báo chí khác, thì cho biết virus corona chiếm hết các vị trí nổi bật trong hai thước đo chính: số người đọc đồng thời các bài báo về một chủ đề và thời gian đọc những bài đó. Dữ liệu của Chartbeat ghi nhận tổng số bài đăng tải trong tuần đầu tháng 3 giảm chút ít so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lượng pageview lại tăng 33%. Thời gian người dùng cuộn màn hình, nhấp chuột và đọc tin cũng tăng đáng kể, lên tới 30%.
Không có con số thống kê tương tự trên báo chí Việt Nam nhưng với việc số lượng nội dung liên quan đến Covid-19 chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số tin bài mỗi ngày – lên tới 25-30% hoặc cá biệt có báo chiếm tới hơn 40% – chắc chắn lượng truy cập vào những nội dung này trên các báo điện tử và chia sẻ trên mạng xã hội là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, tạp chí công nghệ MIT Technology Review cũng cảnh báo rằng chớ nên coi toàn bộ thông tin về virus corona trên mạng xã hội là sai và xấu độc. Tạp chí uy tín có tuổi đời hơn 120 năm này chỉ ra thực tế rằng nếu biết cách sử dụng hiệu quả thì truyền thông xã hội là một nguồn quan trọng để thẩm định thông tin về Covid-19. Những nhà báo dày dạn có thể tìm ra những chi tiết hữu ích trong một biển nội dung gồm đủ loại khác nhau. Còn nhớ khi mới phát hiện ra con virus corona chủng mới này, các bác sỹ đã lên mạng xã hội để cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình hình. Nếu biết chắt lọc thông tin trên mạng xã hội thì trong tương lai, biết đâu báo chí có thể sớm phát hiện và lần được theo dấu vết về các vụ dịch bệnh./.