Khi bạn không có động lực để đọc hết một cuốn sách kỹ thuật
Không ít anh em lập trình viên muốn cải thiện kỹ năng của mình thông qua những cuốn sách kỹ thuật, nhưng không phải ai cũng hoàn thành...
Không ít anh em lập trình viên muốn cải thiện kỹ năng của mình thông qua những cuốn sách kỹ thuật, nhưng không phải ai cũng hoàn thành được hết một cuốn sách mà có thể giúp bạn nâng cao kiến thức của bản thân.
Mình cũng đã từng rơi vào tình trạng này, và giờ mình ở đây để chia sẻ những kinh nghiệm đúc rút từ bản thân khi cố gắng phát triển kỹ năng thông qua những cuốn sách kỹ thuật khô khan khó nhằn kia.
Đầu tiên bạn thử xác định xem tại sao bạn cần đọc cuốn sách đó. Liệu rằng cuốn sách đó có thể giúp bạn trong thời điểm hiện tại không. Hãy bắt đầu mọi thứ không riêng gì việc tìm sách và chọn sách bằng những câu hỏi vì sao. Nó có thể giúp bạn xác định được mục tiêu cũng như động lực để hoàn thành cuốn sách.
Khi có một đàn anh nào đó giới thiệu cho bạn một cuốn sách kỹ thuật, có thể là vỡ lòng hay nâng cao thì bạn cũng nên tìm hiểu nó liệu nó có phù hợp với hướng đi sắp tới của bạn hay không, nó có khớp với trình độ tiếp thu của bạn ngay lúc này chăng. Tự đặt câu hỏi tại sao bạn cần đọc nó trước khi bắt đầu và cũng chỉ có bản thân bạn mới có thể trả lời được câu hỏi này mà thôi. Còn nếu mông lung quá, hãy nhờ sự phân tích chia sẻ của các đàn anh đi trước. Đây cũng là mục đích mình tạo ra một fanpage và group nho nhỏ để review các cuốn sách kỹ thuật đáng đọc cho anh em lập trình viên.
Việc thứ hai bạn cần làm tiếp theo sau khi tìm hiểu mục đích tại sao bạn đọc cuốn sách đó chính là tìm hiểu sơ lược nội dung cuốn sách. Nó cần yêu cầu những kỹ năng cơ bản nào để có thể hấp thụ được chúng. Hay nó có những phần nào, mục nào đáp ứng được vấn đề kỹ năng bạn cần. Tất cả đều có được ghi rõ ràng trong phần đầu sách và mục lục của chúng. Đừng vội bỏ qua những phần này của cuốn sách vì nó có thể lý giải được bạn có nên tiếp tục đọc cuốn sách này hay không. Nếu không thì hay dừng việc đọc cuốn sách này lại và tìm hiểu một đầu sách khác phù hợp hơn để bạn đỡ tốn thời gian đọc. Nếu có thì bạn có thể tiếp tục tham khảo bước tiếp theo của mình nhé.
Chú ý vấn đề đọc hiểu, bản thân mình không phải một người có khả năng ngôn ngữ, phải nói là học dốt và mãi không thể cải thiện hơn được tiếng anh của bản thân nên mình khá kén sách. Ngoài việc sách đó có hay hay không thì mình quan tâm đến vấn đề mình có hấp thụ được cuốn sách thông qua khối lượng từ mới để đó thể đọc hiểu một cách ổn kiến thức giúp kiến thức có thể nạp được vào đầu.
Bạn không thể đọc một câu mà tra từ mới tới 3, 4 lần để có thể hiểu được. Điều này sẽ khiến bạn mau chán và rất dễ bỏ cuộc. Tất nhiên việc cuốn sách có từ mới là điều chắc chắn sẽ có nhưng mà tỉ lệ từ mới mà mình có thể hấp thụ một cách tự nhiên nhất có lẽ là 10 đến 20 phần trăm mình thấy là hợp lý.
Đối với bản thân mình, mình đã từng bỏ dở không ít cuốn sách tuy rằng nó rất hay và được khuyên đọc rất nhiều nhưng mà mình nhận thấy thời điểm đó mình chưa thể hấp thụ được nó vì vốn từ vựng so với cuốn sách đó của mình quá chênh lệch. Mặc dù đã tự nhủ với bản bân cố gắng đi thì mới lên trình được nhưng mà cứ cố được ba trang tra từ lên xuống thì buồn ngủ và bỏ cuộc. Vì vậy mình nhận thấy đây sẽ là một yếu tố mà bạn nên đưa ra tìm hiểu sơ lược trước khi học một cuốn sách khác ngôn ngữ mẹ đẻ.
Để đỡ chán hơn, hãy xác định lộ trình đọc chúng. Điều này không khó đâu. Cứ dựa vào mục lục của sách thôi. Mỗi ngày nạp một chương thôi rồi dừng. Đừng cố quá rồi lại nản. Khi đọc chương nào thì cố gắng mở rộng khả năng thấu hiểu vấn đề bên lề của chương đó bằng cách khi đọc xong với những từ khoá thì google thêm những vấn đề xung quanh hoặc xác nhận lại mình đã hiểu đúng bằng cách search từ khoá với tiếng mẹ đẻ để củng cố ý hiểu của chương đó.
Mình đã từng hiểu sai rất nhiều đoạn của tác giả khi nó diễn đạt quá sâu và nhiều tầng nghĩa. Nhất là những cuốn sách trừu tượng thuần tuý không liên quan đến công nghệ như design pattern và architechture, nó đòi hỏi bạn phải hiểu những vấn đề xung quanh đan xen vấn đề mà tác giả đề cập nữa.
Hoặc bạn cũng có thể phác thảo ý hiểu của mình thông qua sơ đồ tư duy mà mình có nhắc đến trong bài viết trước đó.
Một cách hiểu tường tận ngọn ngành hơn. Hãy thực hành ngay sau khi đọc chương đó. Chậm mà chắc. Đọc đến đâu, học đến đâu thực hành luôn đến đó với những bài tập trong sách hoặc tìm kiếm bài tập liên quan trên mạng. Nó sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về những gì tác giả đề cập. Có lẽ đây là một cách học mà bạn được dạy từ nhỏ nhưng dường như lớn lên bạn lại quên mất cách học đơn giản mà hiệu quả này.
Ý tiếp theo mà mình đã từng đề cập ở một vài bình luận trả lời câu hỏi của mình đó là chọn cách thức đọc. Thường sách kỹ thuật bạn vẫn có thể đọc dưới ba dạng: sách giấy, đọc bằng máy đọc sách và đọc bằng máy tính. Mỗi cách thức đọc sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau.
Đối với sách giấy, nó khá tốn kém và cồng kềnh khi mang đi nơi này nơi kia trong khi sách kỹ thuật thì tương đối là dày. Tuy nhiên bạn có thể tập trung hơn và có trải nghiệm đang học đúng nghĩa và rất quen thuộc khi từ nhỏ tới giờ bạn đều học bằng loại sách này. Nó còn giúp bạn có thể ghi chú và giúp bạn đẩy động lực đọc bằng hết cuốn sách cao nhất. Vì cuốn sách luôn ở đó, nó hữu hình và bạn luôn tâm niệm chưa đọc hết nó một khi đã nhìn thấy. Bên cạnh đó thì nó cho bạn cảm giác đọc sách khác hẳn với hai loại kia vì nó chân thật và ít hại tới mắt hơn.
Đối với kiểu đọc sách trên máy tính thì phải công nhận đây là cách đọc mà anh em lập trình phổ biến nhất vì tiện làm việc trên máy tính thì đọc luôn trên đó là hợp lý rồi. Di chuyển đi lại hay ghi chú đánh dấu đều tiện lợi hết. Khả năng cập nhật của các đầu sách thì nhanh và nhiều, rất phong phú để có thể lựa chọn. Đôi khi còn tải được các đầu sách chất lượng miễn phí nữa thì không gì là tuyệt vời hơn. Mặt khác, cách đọc này còn có thể giúp bạn vừa đọc vừa tra cứu thông tin bên lề trên mạng một cách tiện lợi khi đọc đến đâu tìm hiểu mở rộng đến đó. Tuy nhiên, đây có lẽ là cách đọc nhanh chán nhất và nhanh bỏ dở nhất vì nó quá tiện thành ra lại không có sự tập trung khi đọc và nghiên cứu kiến thức trong sách. Bạn có thể đang đọc dở thì cắt ngang bằng những công việc khác ngay trên máy tính và quá dễ dàng nghĩ để hôm khác đọc tiếp rồi quên nó luôn khi nằm chết dí trong góc ổ đĩa nào đó. Thế rồi nó cũng là một trong những cách đọc hại mắt nhất khi bạn khó có thể đọc lâu trên máy tính được, rất chi là mỏi mắt.
Đối với kiểu đọc sách trên máy đọc sách. Nó được sinh ra để khắc phục vấn đề vật lý mang vác của sách giấy và mất tập trung và hại mắt cũng như sao nhãng của máy tính. Những cuốn sách trên máy đọc sách cũng đa phần đều có bản cứng sách giấy và ebook trên máy tính. Nếu bạn mua sách chính hãng thì nó giúp bạn có một trải nghiệm khá tốt khi có thể điều chỉnh được font chữ đồng thời có trải nghiệm gần giống như sách giấy nhất. Tuy nhiên, cũng giống như sách giấy, mức độ cập nhật trên thiết bị này khá lâu và nếu là sách lậu hay dưới dạng pdf thì không vừa khổ của thiết bị, chứ không thể tăng giảm mà zoom lên thì phải scroll qua lại rất khó chịu. Nên nếu đọc trên thiết bị này mình nghĩ nên đầu tư sách chính hãng có bản quyền nhé!
Cân đo đong đếm so sánh dong dài nhưng không thể phủ nhận những mặt lợi của từng loại sách trên. Với mình thì mình dùng cả ba tùy loại sách.
– Nếu sách chuyên môn công nghệ thay đổi nhanh và cần cập nhật bổ sung nhanh hoặc cần thực hành ngay lập tức thì mình thường đọc trên máy tính. Ví dụ như sách về framework, ngôn ngữ chẳng hạn (có thể là sách lậu đọc chùa =))))
– Nếu sách chuyên môn liên quan đến mô hình, pattern, thiết kế hệ thống, cấu trúc dữ liệu, giải thuật, những thứ ít thay đổi theo thời gian và có thể đọc đi đọc lại được thì mình sẽ chọn sách giấy để gối đầu giường hay đốt uống khi tu luyện.
– Nếu sách chuyên môn bổ sung trong thời gian rảnh cà phê mà vẫn muốn nghiên cứu không quá đặt nặng vấn đề thẩm thấu kiến thức thì mình chọn máy đọc sách. Chẳng hạn như những cuốn sách về so sánh, đánh giá công nghệ ngôn ngữ chẳng hạn.
Trên đây là những thứ mà bản thân mình tự giác ngộ ra khi đã bỏ lên bỏ xuống những cuốn sách mà các tiền bối giới thiệu và loay hoay tìm cách thẩm thấu mà không nổi. Nó cũng là góc nhìn cá nhân nên có thể thích hợp với người này mà không chắc thích hợp với người kia.
Dù sao đi nữa thì bạn chọn bất kỳ hướng tiếp cận tri thức nào đều vô cùng quý giá và không nhất thiết phải là sách hay sách thuộc loại nào, nó đều bổ ích cả. Nếu bỏ cuộc hãy nhớ tới mục đích ban đầu khi chọn cuốn sách đó nhé!
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất