Khi bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu từ:
1. Những gì bạn biết
2. Những gì bạn muốn người khác biết từ quan điểm cá nhân của riêng bạn
Đây là lời khuyên thú vị nghe chừng đơn giản những lại có sức mạnh truyền dũng khí hành động từ cuốn sách YOUTUBE SECRETS mà mình đọc hôm nay.
Mình cũng đã từng đọc trong cuốn TUẦN LÀM VIỆC 4 GIỜ một câu đại ý như là: bạn sẽ luôn giỏi hơn một nhóm người nào đó trong một lĩnh vực nào đó, và họ sẽ là khán giả và khách hàng của bạn.
Nỗi sợ mình không đủ giỏi để làm điều gì đó là nỗi sợ thường gặp ở rất nhiều người, trong đó có mình.
Nhưng rồi sẽ phải có ai làm điều đó chứ? Tại sao không phải làm mình.
Trong một bài viết trên blog cá nhân của mình, mình từng chia sẻ cách tự học tốt nhất là "dạy cho ai đó điều bạn muốn học". À tất nhiên bạn sẽ không dạy những điều mình không biết hoặc không chắc chắn, mà hãy đi từ những cái bạn đã biết. Sau đó, chính người học sẽ giúp bạn mở rộng những gì bạn cần biết thông qua những thắc mắc của họ. Điều đó thúc đẩy bạn học tập chuyên sâu và kiên trì hơn để có lời giải thích đáng cho bản thân và cho chính người học.
Dạy cho người khác, bạn cần tổng hợp và hệ thống lại thông tin một cách logic, sau đó "chuyển giao" kiến thức đó cho họ để họ có thể hiểu và giải quyết vấn đề nào đó của họ.
Quá trình đó là quá trình rất quan trọng để bạn liên kết các thông tin mình có và cũng là cơ hội để bạn tư duy, tìm tòi và mở rộng kiến thức của mình.
Nếu ta cứ luôn chờ đợi, thì biết đến bao giờ sẽ giỏi. Cứ đi rồi sẽ đến là câu nói rất thích hợp trong tình huống này.
Và cũng giống như thử thách 21 ngày đọc sách này vậy. Có lẽ khi mới bắt đầu, bạn không biết phải đọc và ghi chép lại như thế nào, nhưng bạn vẫn tham gia, vẫn đọc, vẫn ghi chép và bạn đang ở đây, đọc bài viết này của mình.
Chúng ta hãy "Bắt đầu với kết quả cuối cùng và nỗ lực ngược lại để biến giấc mơ trở thành sự thật." - Wayne Dyer.
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây, chúc bạn buổi tối tốt lành!