Tôi chưa từng đặt chân đến Tokyo nhưng những tưởng tượng của tôi về thành phố này có từ khá sớm qua những trang truyện tranh, rồi đến các cuốn tiểu thuyết và đến các bức hình về nơi đất chật người đông này. Khác biệt với đa số tưởng tượng của tôi về một Tokyo xô bồ, cuốn sách “Khi tách cà phê còn chưa nguội” lại cho tôi một tưởng tượng khác về một góc yên tĩnh đến lạ thường của một quán cà phê vắng vẻ, trong ngõ, dưới hầm. 
Khi tách cà phê còn chưa nguội - Toshikazu Kawaguchi

     Có lẽ ở Nhật họ không ngồi ghế bệt và bàn thấp như ở Việt Nam, ấy vậy mà trong suốt quá trình đọc và tưởng tưởng, tôi luôn hình dung hình ảnh cô gái váy trắng ấy ngồi trên cái ghế bệt sát tường, hai chân khép lại, cơ thể khúm núm, mắt chăm chú đọc cuốn sách đặt trên đùi.
     Đây là một cuốn truyện nhẹ nhàng, không có nhiều yếu tố tò mò, độc giả được tóm tắt nội dung ngay phần lời mở đầu. Tuy vậy, cảm xúc của tôi đã bị rung lắc mạnh trước một vài tình tiết hơi kinh dị và mắt tôi thì đã rơm rớm nước mắt sau khi thấm đượm câu chuyện của các nhân vật.
    Dẫu thế, nhân vật tôi thích nhất lại là một nhân vật vô cảm nhất: Kazu. Phương châm sống của Kazu là "luôn bảo lưu một khoảng cách để không ảnh hưởng đến bản thân mình". Con người đồng cảm được với nhau vì thấy bản thân mình trong câu chuyện của người kia. Tất cả sự vật hiện tượng đi vào nhận thức của chúng ta đều thông qua một bộ lọc chủ quan. Về hội hoạ, trong khi trường phái trừu tượng đòi hỏi hoạ sĩ phải có một bộ lọc chủ quan nhất để chuyển hoạ thực tại thành những thứ trừu tượng thì trường phái cực thực lại yêu cầu hoạ sĩ gần như không được có bộ lọc chủ quan để quan sát thực tại như bản chất vốn có của nó. Kazu học hội hoạ và đi theo trường phái cực thực. Tôi tưởng tượng giữa cảm xúc của Kazu và thực tại xã hội luôn có một lớp chân không giống như lớp chân không của bình giữ nhiệt. Chính nhờ tính cách có phần vô cảm đó của mình, Kazu trở thành là điểm tựa tinh thần, là cầu nối giữa quá khứ/tương lai với hiện tại của các nhân vật giàu cảm xúc khác trong truyện.
     Nội dung chính của cuốn truyện xoay quanh một chiếc ghế đặc biệt nằm trong góc của một quán cà phê dưới hầm có thể đưa người ta vượt thời gian, về quá khứ và đến tương lai. Chiếc ghế từng khiến quán cà phê này rất nổi tiếng nhưng sau đó chẳng còn ai quan tâm đến nó nữa khi biết một list dài các nguyên tắc để có thể thực hiện được việc xuyên không, đặc biệt trong đó có nguyên tắc rằng “Dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, bạn cũng không thay đổi được hiện tại”. Thay đổi hiện tại là động lực đầu tiên và cũng gần như là duy nhất khiến người ta nảy sinh mong muốn đi về quá khứ hoặc đi đến tương lai, vậy nên khi chiếc ghế không giúp được họ làm điều này, họ sẽ chẳng còn quan tâm đến nó nữa.
     Có 4 người đã ngồi vào chiếc ghế đó là Fumiko, Koutake, Hirai và Kei. Mỗi người một lý do: Fumiko quay về quá khứ để giãi bày tình cảm lần cuối với người bạn trai Gorou sắp chia tay để đi Mỹ, Koutake quay về quá khứ để lắng nghe những lời nhắn nhủ cuối cùng của chồng mình Fusagi trước khi anh mất trí nhớ, Hirai quay về quá khứ để cho em gái Kumi một niềm vui cuối cùng trước khi cô chết vì tai nạn giao thông và Kei đi đến tương lai để gặp đứa con gái Miki một lần - đứa con mà cô đã phải hy sinh tính mạng của mình để trao sự sống cho nó. 
     Mỗi chuyến du hành thời gian đó đều vô cùng ngắn ngủi, chỉ bằng khoảng thời gian của một tách cà phê từ lúc nóng bỏng đến lúc nguội ngắt vì vậy nên mỗi người phải tiết kiệm thời gian nhiều nhất có thể, tránh sa vào những cảm xúc không đáng có mà lỡ mất mục đích chính. Với con người bình thường như chúng ta, việc trân trọng từng phút từng giây dường như rất khó vì chúng ta luôn cảm thấy còn đầy thời gian, chỉ đến khi đối diện cận kề với sự chia ly, chúng ta mới thật sự cảm nhận được giá trị của từng phút từng giây.