Nguồn ảnh: Google 
Có nhiều ý kiến cho rằng Content-er phải thế này, phải thế kia. Nhưng dù ai nói ngả nói nghiêng thì Sếp mới là người đưa ra yêu cầu đối với Content-er. Tóm lại gần như là xây dựng một hình tượng Content-er "cái gì cũng biết". Và lúc này thì Content-er biến thành cỗ máy vạn năng, cái gì cũng có thể "xuất ra" được. 
- Em không biết FB ad thì làm sao mà viết content tốt được? Em cứ viết để khoe cho thiên hạ biết là em biết viết văn à? 
- Em không biết dùng photoshop à? Giờ này còn ai không biết dùng cái công cụ này như em không, hả?
- Em không biết.......bla bla bla
Tôi không biết bạn có nhận được những câu "Em phải" với "Em không biết" nhiều như tôi không, nhưng một người vừa chuyển từ công việc viết nội dung và dịch báo về sức khỏe, làm đẹp như tôi thì những câu nói này khiến tôi hờn kinh khủng. 
Tôi nghĩ mãi không ra vì sao lúc tuyển chọn nhân viên thì bạn Nhân sự lại cứ thích túm lấy tôi không tha. Trong khi đối mặt với công việc thì Sếp lại đưa ra một list các yêu cầu khác nhau. Mà hờn nhất là sản phẩm mà tôi phải viết là về laptop. Tôi bắt đầu có chút run rẩy. 
Bạn Nhân sự vỗ vai và bảo: Đừng có nghĩ đến chuyển nghỉ việc đâu đấy ! 
Hóa ra, bộ máy nhân sự mới được hình thành và vị trí của tôi nằm trong bộ máy đó. Mới toanh toành toanh luôn !
Tuy nhiên, tôi có một thứ mà tôi tự gọi tên may mắn:  Đó là rất tò mò. Đặc biệt là các phần mềm và máy tính. Và tôi tự mò mẫm tìm hiểu về content để marketing và tất nhiên kết quả cuối cùng vẫn phải doanh số. Tôi tự set up hệ thống thông tin online, phân bổ bài viết, khai thác thông tin về laptop từ nhiều khía cạnh và xây dựng timeline cho nội dung bài viết. Thậm chí, tôi còn set up cả team Sales online, CSKH. 
Xin thứ lỗi cho sự khoe khoang rườm rà kia, tôi quay lại chủ đề "Content-er" ngay đây. 
Để có bài content về máy tính, việc đầu tiên tôi làm đó là đọc các dữ liệu phân tích của FB và Google đưa về, như là có bao nhiêu người like, họ là ai, làm nghề gì, giới tính và độ tuổi. Một tuần đầu tiên, tôi chỉ ngồi theo dõi các số liệu biến động trên FB, tôi chia nhóm khách hàng và lần mò hành vi đọc, bình luận, theo dõi của họ. Tôi muốn biết họ tham gia những nhóm nào, mục đích là gì ...v..v.... Sếp mỗi lần nhìn thấy tôi thì như phun ra lửa vì tôi chẳng động đậy viết bài up FB. Có lần, Sếp còn ngán quá và bảo tôi là: Thôi, em chịu trách nhiệm FB, còn anh chịu trách nhiệm cái web. Tôi gật đầu và chẳng nói gì. 
Sau một tuần, tôi bắt đầu đi hỏi từng nhân viên Sales Offline về khách hàng, về sản phẩm họ mua, về những câu hỏi khách hàng đưa ra và những lời tư vấn mà Sales Offline sẽ trả lời. Cuối cùng, tôi cũng up một bài thăm dò dân tình mà "dân tình" ở đây chính là những nhân viên Sales Offline đầy kinh nghiệm thực chiến nhưng không có khái niệm bán online. Bài đầu tiên đó, tôi nhận khá nhiều gạch đá. Nhưng công việc vốn còn nhiều thứ phải học hỏi và cần nhiều thời gian đầu tư cho cái sự học và hỏi đó nên tôi chẳng để tâm lắm.  Sau khi up một loạt bài, tôi bắt đầu theo dõi lượng người tiếp cận, thời gian họ đọc bài của tôi và đặt câu hỏi. Tôi mừng như điên khi nhận được những câu hỏi đầu tiên về sản phẩm mà tôi đang viết. Chính là chiếc HP Vostro 3360. Từ cái sự đầu tiên đầy khích lệ này, tôi bắt đầu tìm hiểu mọi cách để có bài viết tốt. Tôi viết một cách điên cuồng. 
Viết thôi chưa đủ. Nếu một bài viết chỉ có chữ là chữ chẳng khác nào ăn cơm rang thập cẩm trong ngày nắng 38 độ. Tôi tìm hiểu về ảnh up FB, kích thước ảnh nào cho bài post, cách chèn chữ lên ảnh. Tôi thích chụp ảnh (chỉ dùng điện thoại thôi vì tôi không có tiền mua máy ảnh), thế là tôi tự chụp ảnh minh họa bài viết. 
Có bài viết rồi, có ảnh rồi nhưng tôi vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó. Nếu hình ảnh có thể nhảy nhót, chữ có thể lắc lư thì hay biết mấy. Thế là tôi tìm đến animation video và powerpoint. Trong thời gian nghiền ngẫm phần mềm làm slide ảnh, chèn chữ, chèn hiệu ứng, Sếp tôi dựng râu trợn mắt với tôi đến sùi bọt mép. Sếp đã từng đề nghị Nhân sự tuyển người khác thay thế vị trí của tôi nhưng bạn Nhân sự không đồng ý. Người nào mới mà chẳng thế ! - bạn ấy bảo vậy. 
Sau khi tôi làm ra slide ảnh, tôi bước chân vào con đường làm video. Tôi tìm hiểu, tự làm video bằng điện thoại của tôi. Tôi có cái may mắn là đã từng làm Sales - Marketing cho một công ty media, hơn nữa là tôi cũng đã từng viết brieft và tham gia tổ chức quay chương trình cho nên tôi tiếp cận với việc làm video rất nhanh. Cái tôi phải học là dùng phần mềm dựng phim. Tôi đã chọn phần mềm Adobe Priemere. Và tôi bắt đầu cày nó. 
Sếp không thể chịu hơn được nữa và bắt đầu tự tuyển nhân viên thay thế vị trí của tôi. Bạn nhân viên Content mới vào được Sếp đào tạo, dìu dắt nhiệt tình, từ kiến thức laptop cho đến cách xây dựng bài vở và cả ưu điểm mà đối thủ khác đang sở hữu. Tôi cũng mặc kệ và tiếp tục vùi đầu vào làm video. 
Một loạt video được quay bằng điện thoại và capture vào máy tính đã ra đời.  Tôi đề nghị Sếp tổ chức mini-game, rồi live stream và cả làm stop-motion. Tôi đã liều như thế đấy ! 
Tôi cứ say sưa làm cái mà tôi tìm tòi và phát triển thì một ngày đẹp trời, Sếp tôi sa thải bạn nhân viên mới. Sau này tôi mới biết lý do bạn ấy bị sa thải. Bạn ấy nói rằng: Em là nhân viên viết nội dung chứ không phải là thiết kế. Anh đừng có mà bắt em làm cả việc của phòng khác như thế. 
Cơ khổ mà công ty tôi không có phòng thiết kế. Người chạy quảng cáo chính là Sếp chứ không phải ai khác. 
Sau đó, Sếp lại quay ra yêu cầu tôi phải học cách chạy FB và Google. Tôi không học. Nhất quyết không học. Sếp cho tôi chuyển sang vị trí Quản lý Sales Online và outsource content. Tôi bắt đầu set up hệ thống online. 
Và cuối cùng, tôi được gì từ các đòi hỏi của Sếp. Các bạn có nhận ra không ạ ?