"Graber" là một "mỹ từ" miêu tả những chàng kỵ sĩ thế kỷ 21. Những con người thích cưỡi trên lưng ngựa sắt, thích lao vào những trận mưa xối rát như kim đâm ... Chỉ có họ là những người biết rằng : giọt mưa mùa hè thì ngọt lịm, còn giọt mưa mùa đông lại có vị đắng ngắt !

CÂU CHUYỆN NHÀ GẦN BẾN XE

Bến xe Cồn (Nam Định) - Đi về tay trái mấy nhà là nhà (cũ) của tôi
Bến xe Cồn (Nam Định) - Đi về tay trái mấy nhà là nhà (cũ) của tôi
Nhà tôi trước ở cạnh bến xe. Tuy được gọi là bến nhưng nó chỉ là cái ngã tư lớn, nơi mà lẻ tẻ vài chiếc khách tỉnh lẻ hay chiếm lòng đường làm nơi mời chào khách, nơi để nghỉ chân cho khách mua vài món đồ lưu niệm. Vì thế mà bố mẹ tôi tranh thủ cơ hội từng tý một. Nhà tôi mở biết bao nhiêu là dịch vụ, xuyên suốt thời gian từ lúc khi tôi còn bé xíu đến khi đã bước chân đi học xa nhà. Nào là hàng nước chè, nước mía, nước dừa, nào là đồ ăn sáng xôi, bánh mỳ, nào là dịch vụ gửi xe trong nhà, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là nghề chạy xe ôm. Ôi cái nghề chạy xe tưởng chừng chỉ là cái dịch vụ bé xíu ở cái bến xe tỉnh lẻ này, nhưng lại là nguồn thu nhập chính của biết bao nhiêu gia đình loanh quanh khu nhà tôi. Ở đây, có những ông chú, ông bác đã hành nghề này từ khi tôi còn nằm trong nôi cho đến khi tôi đủ lớn để có sức cạnh tranh từng cuốc xe, từng người khách.
Nói thế chứ, chỉ thi thoảng lắm mới có một vụ cãi nhau giữa nhà tôi và ai đó, đây là điều không thể tránh khỏi khi nhà làm dịch vụ ở bến xe. Nhưng nó cũng chỉ chiếm một phần rất rất nhỏ trong cái mớ hổ lốn mưu mẹo, lừa lọc, chụp giật, nịnh bợ rồi dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, đâm chém nhau của cái "khu phố văn hoá" bến xe này.

MỘT CV ĐẸP ĐỂ VÀO NGHỀ

Xe ôm thành phố bây giờ ai cũng có uniform rất uy tín và rải rác bất kể chỗ nào, không còn mang tính "địa bàn" như xưa nữa
Xe ôm thành phố bây giờ ai cũng có uniform rất uy tín và rải rác bất kể chỗ nào, không còn mang tính "địa bàn" như xưa nữa
Đã từng có mấy bạn hay đùa tôi là:
- Tao mà trượt đại học thì về chở xe ôm với mày!
Ôi các bạn tôi ơi, cái nghề này đâu phải cứ muốn là làm được đâu. Mấy con chó hay tè để đánh dấu lãnh thổ còn sẵn sàng canh nhau mà cắn xé chứ chưa nói gì đến con người. Đây là chuyện đi vào địa bàn làm ăn của mấy con người cáo già, lõi đời với bao nhiêu năm kinh nghiệm, nghĩ gì thích là có chỗ chạy xe, thích là bắt khách kiếm tiền đâu. Đó hoàn toàn là chuyện bất khả thi cho đến khi bạn được chỗ quen biết (thuộc dạng tai to mặt lớn) giới thiệu với các "tiền bối" xe ôm, hoặc là nhà bạn ở phải sát bến xe như nhà tôi thì mới có cơ hội kiếm chác.
Vấn đề vào nghề đã khó rồi, hành nghề lại càng khó hơn. Nếu muốn làm ăn chuyên nghiệp thì trước hết bạn cần phải có một đôi giò thật khoẻ, một cặp mắt cực tinh và một cái miệng siêu toan tính. Chắc hẳn mấy bạn nếu từng đi xe đường dài thì đều đã có để ý là: mỗi khi xe chầm chậm dừng lại là sẽ có hàng gần chục ông xe ôm nhao nhao chạy tới, xô đẩy nhau nơi cửa xe rồi chỉ trỏ, gào thét :
- Thanh niên áo đỏ đội mũ về xe này nhé!!!
- Bà lão áo nâu xuống đi xe tôi !!!
- Cô bé mặc váy về đâu em ơi ???
Việc chạy để kịp là người đầu tiên chặn cái cửa xe khách thì chỉ cần đến sức khoẻ của cặp giò, ai cũng có thể làm được. Nhưng cái khả năng có thể trong ánh đèn lờ mờ của xe mà nhìn phát biết ngay 5,6 người ở cuối xe chuẩn bị đi ra mặc áo màu gì lại là cả một sự ... vi diệu. Thậm chí có những ông bác lão làng tới mức có thể nhìn qua được cả lớp khẩu trang, kính râm che kín mặt để nhận ra khách quen. Mấy thứ skill đỉnh của chóp này Graber nghiệp dư như tôi không thể sánh kịp.
Nhưng có một thứ bắt buộc phải có để hành nghề này là : một cái miệng biết tính toán. Lái xe ở quê có thể không cần bằng xe máy, thậm chí không cần đủ tuổi để có bằng (như tôi khi mới học lớp 11) nhưng nếu không có cái miệng dẻo để mời chào khách, để tâm sự trên đường làm mối quen hay là khi làm giá thì nghề này không dành cho bạn. Bạn mới chỉ biết đến ngoài kia có cái miệng dẻo như kẹo của mấy bà cô bán hàng ở chợ hay cái miệng ngọt sớt của mấy em gái làm sale tư vấn mặt hàng thì khi làm nghề này, cái độ thảo mai nó phải lên đến tận chóp. Thảo mai từ lúc mời chào khách đến lúc lấy mối quen trên đường, thậm chí cả khi trả treo giá cả làm sao cho vừa lợi túi tiền mà vẫn vừa lòng khách là cả một nghệ thuật.

NHỮNG CÂU CHUYỆN GRAPER CHƯA TỪNG KỂ

Giấc ngủ vội đầy những trăn trở ...
Giấc ngủ vội đầy những trăn trở ...
Vì đã quá quen với cách lựa khách, cách nói năng ứng xử cho vừa lòng rồi thì tôi chẳng còn sợ hãi việc chạy xe đêm nữa. Khách có đi đêm hay ngày thì tôi vẫn bắt chuyện mà rôm rả cả quãng đường được. Chạy xe những cuốc ban đêm mát mẻ hay ban ngày nắng vỡ đầu thì tôi chỉ cần duy nhất cái mũ bảo hiểm để yên tâm né công an. Vì đó mà sau mấy năm chạy xe ôm, da tay và da ở gáy bị cháy nắng đen sạm đi nhưng tôi không để ý lắm. Cái thứ đáng sợ mà tôi nhớ mãi là những ngày mưa rét. Người tôi tuy khá cao lớn và cứng cáp nhưng cái hệ miễn dịch thì yếu vô cùng. Cứ 2,3 lần dầm mưa là đảm bảo sẽ sụt sịt cả 2,3 tuần đó. Khổ nỗi, mưa càng to, trời càng rét thì số lượng xe ôm ra bến càng ít mà lượng khách thì vẫn giữ nguyên. Những ngày như đó cả nhà tôi với 2 con chiến mã có thể tranh thủ mà kiếm đến 500,600 nghìn/ngày. Với ai đó thì số tiền đó có thể là nhỏ, là không đáng để cả nhà phải vất vả từ sáng đến đêm, phải bỏ dở cả bữa cơm hay giấc ngủ. Nhưng với tôi - một thằng học sinh chưa bao giờ có quá 200 nghìn trong tay thì đó là một thù lao vô cùng xứng đáng. Tôi sợ mưa to rát mặt chứ, tôi sợ cái rét buốt làm tê cứng cả người chứ, nhưng thực sự khi đó đồng tiền làm mờ đi tất cả sự rụt rè. Tôi sẵn sàng lao vào cơn mưa xối xả với chỉ một cái áo mưa khoác vội, sẵn sàng để bàn tay trần chịu cơn gió buốt của những ngày lạnh nhất mùa đông để nhanh chóng giành giật từng đồng từng hào cho gia đình. Sự hi sinh đó đôi khi được đền đáp bởi những lời khen của khách, những đồng tiền tip thêm hay đơn giản là một bữa cơm gia đình ấm cúng bớt đi tiếng phàn nàn về tiền bạc.

NHỮNG CON CHIẾN MÃ CỦA CHÀNG KỴ SĨ

Mấy con ngựa cũ này là những người bạn đầy chân tình
Mấy con ngựa cũ này là những người bạn đầy chân tình
Sau này nhà tôi chuyển đi nơi khác. Tôi thì đi học xa thi thoảng mới về. Những kỷ niệm về tháng ngày vất vả đó được giữ gìn bởi 2 chiếc xe máy cũ mèm. Người ta hay coi xe cộ như những món trang sức để tô điểm thêm cho bản thân. Nhưng với tôi và với cả gia đình tôi, những chiếc xe là những người bạn luôn sẵn sàng hiện hữu để giúp đỡ gia đình lúc khó khăn nhất. Mẹ tôi đã từng ngậm ngùi bán chiếc xe Cup gắn bó bao năm để bù tiền xây nhà, bố tôi đã dành dụm tiền mua chiếc xe Angle cũ để thức đêm chạy xe ôm kiếm tiền cho hai chị tôi vào đại học. Với ai đó sẽ dành trăm triệu là để mua xe về ngắm, còn với nhà tôi cả trăm triệu lại là số tiền mà những chiếc xe cũ vài triệu kiếm được.

KẾT

Hãy trân trọng những người chạy xe ôm mà bạn gặp. Với bạn có thể đó chỉ là những chuyến xe lỡ dở. Nhưng với họ là cả một nghề kiếm ăn, là nghề để nuôi sống cả gia đình nheo nhóc. Nếu thấy họ luôn yêu đời thì đừng lạ, mấy vấn đề to đùng của bạn sẽ chẳng là gì khi được nghe họ kể về những lần lao đầu vào cơn mưa, lao đầu vào cái giá rét để giành giật lấy sự sống cho gia đình. Những chênh vênh, những căng thẳng và cả những suy ngẫm của họ là thứ khiến họ chẳng còn thấy gì đáng để lo sợ nữa ...