Khi “Giang hồ” đội lốt “Thần tượng”
Thời gian gần đây xuất hiện không ít các nhân vật trở thành hiện tượng như những “idol” của giới trẻ. Và điều đáng nói ở đây những...
Thời gian gần đây xuất hiện không ít các nhân vật trở thành hiện tượng như những “idol” của giới trẻ. Và điều đáng nói ở đây những “Idol” này được biết đến là những “giang hồ”.
Chúng ta không quá lạ lẫm với việc thần tượng một ai đó. Một ca sĩ, một nhóm nhạc, hay đôi khi là những người thành công, những người truyền cho ta cảm hứng. Thần tượng một ai đó đôi khi đã trở thành một văn hóa trong cuộc sống này. Thế nhưng giật mình nhìn lại, chẳng khó để ta bắt gặp một những “thần tượng” vốn là những kẻ lưu manh hay nói đúng hơn là “giang hồ mạng xã hội”. Bằng những chiêu trò để nổi tiếng, những "idol" ấy phải chăng đang từng ngày len lỏi vào nhịp sống hiện đại?
Những “Idol” xuất hiện và nhanh chóng trở thành trào lưu
Thời gian gần đây, chúng ta chẳng còn xa lạ gì với những cái tên như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng hay Dũng Trọc… Những cái tên cứ lần lượt xuất hiện như một hiện tượng và thậm chí là trào lưu trên các mạng xã hội. Nổi nhất trong số đó phải kể đến Khá Bảnh - nhân vật được một bộ phận đông đảo cộng đồng mạng tung hô như “idol giới trẻ”.
Khá Bảnh xuất hiện trên mạng xã hội facebook cùng trang youtube cá nhân đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tên thật của Khá Bảnh là Ngô Bá Khá, ngay sau khi xuất hiện kênh Youtube của Khá Bảnh đã đạt hơn 2 triệu người đăng kí. Ngay cả trang facebook cá nhân cũng thu hút hơn 600.000 người theo dõi. Kênh Youtube và Facebook của nhân vật này đăng tải thường xuyên các video nói tục, chửi thề, cùng những phát ngôn gây sốc. Y xuất hiện với ngoại hình khá đặc biệt cùng với kiểu tóc “bờm ngựa”, phong cách ăn mặc áo ngắn, quần trễ và các điệu nhảy được giới trẻ gọi với cái tên “múa quạt”. Điều đáng nói ở đây các video mang tính bạo lực, các livestream có nội dung thiếu văn hóa, cùng lối sống “không cần biết ngày mai” trong các bar, club với rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác… được lan truyền rộng rãi thậm chí được một bộ phận học theo.
Sau hàng loạt chiêu trò thì đỉnh điểm của sự việc phải kể đến đó là các hình ảnh Khá Bảnh được tung hô, được rất nhiều người vây quanh chụp hình và xin chữ kí như một thần tượng. Dù không hoạt động nghệ thuật nhưng nhìn những hình ảnh dòng người vây quanh khiến ai cũng liên tưởng đến những ca sĩ diễn viên nổi tiếng. Đặc biệt hình ảnh các bạn học sinh còn mặc đồng phục đứng vây quanh Khá Bảnh cùng điệu “múa quạt” với cánh tay xăm trổ khiến nhân vật này như một “thần tượng giới trẻ” thật sự.
Hiện tượng Khá Bảnh không phải là mới vì trước đó đã có nhiều “thần tượng” tương tự. Nhưng những “giang hồ mạng” thực sự đã trở thành vấn đề về văn hóa thần tượng của một bộ phận trong xã hội.
Vì đâu “giang hồ” hóa “thần tượng” ?
Xã hội giống như “tảng băng trôi” với 2 bề mặt. Mặt nổi là những chuẩn mực chung, là giá trị đạo đức được hình thành và xây dựng, là điều được đề cao trong xã hội. Còn mặt chìm đại diện cho mặt khuất của xã hội, mang tính lệch chuẩn, không văn hóa và ít người biết đến. Khá Bảnh gần đây nổi lên trên mạng xã hội như thần tượng là bởi biết khai thác “mặt tối” của xã hội đó, những điều mà giới trẻ cảm thấy mới lạ, kích thích tính tò mò và cho là thú vị, là điều chưa bao giờ được biết đến.
Những clip video chia sẻ trên mạng của Bảnh chủ yếu liên quan đến đời tư của “anh em xã hội đen” chuyên đâm thuê chém mướn. Khá Bảnh tạo nên cho mình hình ảnh tựa như những cảnh thường thấy trong phim kiếm hiệp. Trong đó, Bảnh giống như hiệp sĩ giang hồ trong giới xã hội đen. “Idol” có thể tự do làm điều mình muốn, tung hoành thiên hạ, mặc sức theo đuổi mong muốn cá nhân, họ tự có quyền thực thi công lý theo cách riêng và xử lý những gì cản trở mà họ không vừa mắt. Không chỉ mang nhiều nội dung bạo lực gây kích thích người xem, Khá Bảnh còn biết cách dùng nhiều chiêu trò để lăng xê tên tuổi của mình.
Tất nhiên, để Khá Bánh có thể trở thành idol nhanh chóng không thể không kể đến công cụ đắc lực từ mạng xã hội Facebook hay Youtube. Lợi nhuận không hề nhỏ từ 2 kênh này đã đem lại mảnh đất màu mỡ cho Khá Bảnh và các “giang hồ mạng” khác tung hoành.
Giới trẻ ngày nay nghĩ gì về những giang hồ lại được tung hô như Khá Bảnh?
Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hà – chuyên gia tâm lí học giáo dục trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, trào lưu giang hồ trở thành idol một phần là do yếu tố truyền thông. Đặc biệt mạng xã hội hiện nay là “mỏ vàng” để nhiều đối tượng có thể khai thác, lấy nó là nơi tạo ra lợi nhuận cao và những kẻ lưu manh rất nhanh nhạy để nắm bắt xu thế này. Chúng dùng mọi thủ đoạn để khoa trương danh thế của mình vừa tạo ra được lợi nhuận từ sự thu hút của người xem, tìm cách thức đánh vào sự tò mò, hiếu kì của các bạn trẻ mới lớn. Bạn trẻ tò mò giới giang hồ cộng với hiệu ứng truyền thông, nên các clip giang hồ được sản xuất nhiều hơn, mô hình chung có tác động đến các bạn trẻ theo dõi nó.
Không chỉ có vậy, nguyên nhân xuất hiện trào lưu còn do các bạn trẻ không được giáo dục, trang bị đầy đủ các kiến thức, hiểu biết để tạo ra một bộ lọc. Các bạn trẻ ngày nay thường có xu hướng đánh đồng hai khái niệm tai tiếng với nổi tiếng, đánh đồng giàu có một cách đầy thủ đoạn với những giàu có của sự tài năng, không chọn lọc được hình mẫu để noi theo. Đây chính là mảnh đất để tạo ra những nhân vật giang hồ mạng tận dụng thế mạnh truyền thông, tận dụng lợi thế việc kiếm tiền thông qua sự "nổi nhờ tai tiếng".
Những hậu quả của văn hóa “thần tượng”
Trên thực tế những hệ lụy từ những clip phản văn hóa của các “giang hồ mạng” có ảnh hưởng rất lớn đối với giới trẻ. PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, hiện tượng thần tượng các “giang hồ mạng” của giới trẻ hiện nay cho thấy những suy nghĩ vượt ra ngoài chuẩn mực đạo đức thông thường, là biểu hiện của sự phá cách thể hiện cái tôi trong tâm lý theo chiều hướng tiêu cực”. Chúng tác động lên quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ, tạo ra những phẩm chất tâm lý sai lệch. Việc tung hô, tán thưởng các hành vi, cử chỉ quái gở, tục tĩu, phản cảm, bạo lực, ngông cuồng khiến người trẻ cho rằng hành vi đó đúng, được xã hội thừa nhận.
Một khi coi đối tượng giang hồ là thần tượng thì sẽ nảy sinh xu hướng tâm lý bắt chước, làm theo, noi gương. Việc sa ngã, đi vào con đường vi phạm pháp luật có thể được bắt đầu từ những ảnh hưởng xấu này. Và thực tế, thói côn đồ hung hãn, ưa thích bạo lực là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ẩu đả, giết người, cố ý gây thương tích, đâm thuê chém mướn.
Bên cạnh đó, những clip trên cũng chính là tác nhân gây ra bạo lực học đường. Nội dung của những clip này thường mang đậm chất bạo lực, coi thường pháp luật, kích thích lối ứng xử dùng nắm đấm, sức mạnh cơ bắp, luật rừng để giải quyết các vấn đề. Trong môi trường học đường, học sinh rất dễ bắt chước và làm theo. Từ đó có thể hình thành nên những nhóm đầu gấu, đại ca trường học, quy tụ đàn em,… lấy việc bắt nạt, đánh bạn để phô trương thân thế, tạo đẳng cấp, tên tuổi cho mình.
Ngay lúc này, phụ huynh cần quan tâm hơn nữa con mình, dành thời gian cho con, học cách làm bạn để hiểu ngôn ngữ, thế giới riêng của con trẻ. Đồng thời kiểm soát việc theo dõi các trang mạng xã hội của con để kịp thời tham gia tư vấn, chỉ rõ điểm đúng và sai từ những video đó cho con tránh khỏi con a dua học theo cách hành xử. Cần tạo ra môi trường mạng xã hội “sạch” để bảo vệ con tránh khỏi những tác nhân xấu ảnh hưởng đến lối tư duy của con, PGS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Đồng thời, Nhà trường cần tăng cường giáo dục giá trị đạo đức lối sống và định hướng mẫu thần tượng cho con trẻ ngay từ khi bước chân vào lớp một để các em hiệu được giá trị đúng đắn và phù hợp với chuẩn mực xã hội. Mỗi thầy cô là người luôn bám sát, dõi theo hành động của học trò để thấu hiểu và kịp thời ngăn chặn các hành vi trái đạo đức, pháp luật ngay từ khi là mầm mống.
Cái kết của những kẻ lưu manh đội lốt “idol”
Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng hay Dũng Trọc đều được biết đến như các “giang hồ” nổi lên như những “idol” và đều có chung một kết cục. Những thứ đi ngược lại văn hóa và đạo đức đều sẽ bị đào thải. Có thể “thần tượng” này sa lưới sẽ có “thần tượng” khác nổi lên… nhưng đây là sự khẳng định cho giới trẻ rằng: Bạn có thể khác lạ, có thể độc, có thể lệch chuẩn… nhưng, nếu sự lệch chuẩn trở thành hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng xấu cho xã hội thì dù có thành “anh hùng” nổi tiếng trên thế giới ảo, thì ở đời thực vẫn sẽ phải nhận cái kết đứng trước… vành móng ngựa.
Từ câu chuyện của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền hay mở rộng ra là những "thảm họa" mạng xã hội một thời như Bà Tưng, Lệ Rơi, Tùng Sơn, Kenny Sang... như một lời cảnh báo cho người trẻ cần chắt lọc những kênh thông tin hữu ích thật sự, tránh tò mò để bị "đầu độc" bởi những nội dung chửi thể, bạo lực, khoe thân phản cảm từ những Youtuber "không có tâm". Ngoài ra, sự định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội cũng như thắt chặt hơn nữa những định luật có liên quan về mạng xã hội chính là biện pháp lâu dài để tránh đi những "giang hồ mạng" như Khá Bảnh hay "thánh chửi" Dương Minh Tuyền trong tương lai.
Internet, mạng xã hội đã tạo nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cả theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Công nghệ vốn chỉ là phương tiện, công cụ, việc sử dụng thế nào cho tốt lại tùy thuộc vào mỗi xã hội, mỗi cộng đồng, mỗi gia đình và từng cá nhân.
Ngay lúc này đây, cần gióng lên một hồi chuông báo động, để xã hội, từng cộng đồng, mỗi gia đình cho tới từng cá nhân đều có trách nhiệm ngăn chặn sự lây lan của những hành vi lệch lạc, đồng thời khuyến khích, cổ xúy cho những điều tốt đẹp không chỉ trong đời sống thực mà cả trên không gian mạng. Sự phát triển, lan tỏa mạnh mẽ của những điều tốt đẹp mới là vũ khí hữu hiệu nhất để ngăn chặn, đầy lùi đi những điều xấu xa, lệch lạc. Một không gian mạng, một xã hội ảo có lành mạnh hay không là quyết định bởi chính chúng ta.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất