Khi Fed Sai Lầm - Cả Thế Giới Chao Đảo – P2
Trong một buổi phỏng vấn trên tờ Bloomberg vào tháng 4 vừa qua, Lori Heinel - giám đốc đầu tư của State Street Global Advisors ...
Trong một buổi phỏng vấn trên tờ Bloomberg vào tháng 4 vừa qua, Lori Heinel - giám đốc đầu tư của State Street Global Advisors - cho rằng Cục dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 50 bpts ngay trong kỳ họp vào giữa tháng 6 tới.
Quỹ đầu tư hiện đang quản lý khối tài sản trị giá $3.6 nghìn tỷ này tin rằng đợt cắt giảm lãi suất lần đầu sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào T11/24 và giảm tổng cộng 150 bpts trong năm nay - gấp 2.5 lần so với những gì thị trường đang kỳ vọng. Một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ gần đây, cùng với những bình luận từ các nhà hoạch định chính sách rằng có thể không cần cắt giảm lãi suất, đã làm thay đổi kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ của giới đầu tư và làm tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên mức cao nhất trong 4 tháng. Tuy nhiên, State Street vẫn cho rằng nền kinh tế không mạnh mẽ như vẻ bề ngoài, với các chỉ số như việc nợ thẻ tín dụng và chi phí vay nợ của các doanh nghiệp nhỏ chỉ hạ nhiệt vào cuối năm nay.
Vậy điều gì khiến Fed phải vội vàng giảm lãi suất gấp đôi con số 0.25% vào tháng 6 và giảm tổng cộng gấp 2.5 lần so với mức kỳ vọng của thị trường? Chỉ có thể là họ sắp sửa phạm phải SAI LẦM nghiêm trọng trong thời gian tới, điều mà họ vẫn thường làm trong quá khứ.
Bước Khởi Đầu Của Vị Tân Chủ Tịch
Ngày 07/01/1973, tờ The New York Times đăng bài phỏng vấn với một trong những chuyên gia tài chính hàng đầu nước Mỹ vào thời điểm đó. Ông ta, với một tư duy khó hiểu, liên tục thúc giục nhà đầu tư mua cổ phiếu và khẳng định chắc nịt rằng “hiếm khi nào chúng ta có thể hoàn toàn lạc quan về thị trường giá lên như bây giờ”. Cái kết cho câu chuyện này thật “đáng nhớ”, chỉ một thời gian ngắn sau đó, thị trường đã chìm sâu vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1929.
Nhân vật chính trong buổi phỏng vấn đó tên là Alan Greenspan, và không Chủ tịch Fed tương lai nào từng mắc sai lầm nghiêm trọng nhiều như ông. Làm thế nào Greenspan có thể bỏ qua không nhìn thấy được rủi ro trong ngành cho vay tín dụng làm tiêu tốn người đóng thuế hơn $100 tỷ khi nó bị sụp đổ từ bên trong? Và đây chỉ mới là bước khởi đầu!
Trước khi trở thành Chủ tịch Fed, Greenspan đã làm chủ tịch của công ty tư vấn riêng của mình có tên là Townsend-Greenspan, từ năm 1954 đến năm 1987. Ông cũng từng tham gia vào nhiều vị trí trong chính quyền, nhưng đáng chú ý nhất là khi ông từng là thành viên của Uỷ ban Kinh tế, với nhiệm vụ đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ, và cũng là thành viên của Uỷ ban An sinh Xã hội. Tuy nhiên, chức vụ rõ ràng nhất trước khi trở thành Chủ tịch Fed là Chủ tịch Hội đồng các Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống (CEA), dưới thời Tổng thống Gerald Ford, từ năm 1974 đến năm 1977.
Đối với những ai tò mò, có lẽ họ muốn biết Greenspan đã để lại dấu ấn gì sau những năm làm việc với những chức vụ cao cấp như thế. Câu trả lời có thể khiến bạn thất vọng, vì không có gì nổi bật cả!
Thử Thách Cuối Cùng Trước Ngai Vàng Của Fed
Không sự kiện nào có thể làm nổi bật những sai lầm của Greenspan như phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện, chỉ một tháng trước khi ông được bổ nhiệm vào chức vụ cao nhất tại Fed. Ngày 21/07/1987 có thể là một buổi tối đáng quên đối với Greenspan, khi ông đã phải đối mặt với sự phê phán nặng nề về khả năng dự đoán kém cỏi của mình, đặc biệt là cuộc đối đầu gay gắt với Thượng Nghị sĩ Donald W. Riegle.
Don Riegle không ngần ngại khi gọi các dự báo của Greenspan từ năm 1976 đến 1986 là "hồ sơ dự báo hết sức tệ hại". Cụ thể, những dự báo về lãi suất và lạm phát của ông đã phản ánh sự mơ hồ và thiếu chính xác. Alan Greenspan đã dự đoán lợi suất tín phiếu kho bạc (Treasury Bill - T-Bill) vào năm 1978 sẽ chỉ là 4.4%, trong khi thực tế lên đến 9.8%. Ông cũng không khá hơn khi đưa ra ước tính về tỷ lệ lạm phát trong cùng năm đó – nó tăng vọt với tỷ lệ 9.2%, trái với dự đoán của ông là 4.5%.
Mọi người có thể cho rằng Greenspan chỉ hơi sai lầm một chút, tuy nhiên tôi đang đề cập tới mức chênh lệch hơn 400 btps! Đáng lẽ ra, Greenspan phải nhận ra sai lầm và thừa nhận trước Thượng viện, nhưng thay vào đó, ông ta lại cố gắng né tránh và không chịu nhận trách nhiệm:
Theo như tôi nhớ thì cách tôi dự báo không xảy ra giống như ông đã mô tả
Cho đến khi Don đọc lại nguyên văn các dự báo cho Greenspan nghe thì ông buộc phải thú nhận: "Vâng, nếu được ghi chép kỹ càng như thế… chúng chỉ là những con số thôi mà…" (Well, if they’re written down, those are the numbers). Một câu trả lời trơ trẽ mà không thể che đậy được sự cẩu thả trong việc đưa ra các số liệu dự báo kinh tế của người đứng đầu Hội đồng các Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống (CEA).
Don kết thúc phần chất vấn của mình nhưng vẫn không quên giữ thể diện cho vị Tân Chủ tịch Fed: "Chủ tịch CEA ai cũng đều có cùng một vấn đề, nhưng họ đâu có sai sót nhiều như anh... Hy vọng rằng khi trở thành Chủ tịch Fed, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Không lẽ anh cứ phạm sai lầm mãi!".
Alan Greenspan tẽn tò trả lời: "Thưa ngài Nghị sĩ, tất cả những điều tôi có thể gợi ý cho ông là phần còn lại trong sự nghiệp của tôi sẽ thành công hơn đôi chút".
Vậy nên, trước khi bước vào vị trí quan trọng nhất tại Fed, Greenspan đã để lại cho chúng ta một hình ảnh về một người lãnh đạo không chỉ thiếu kinh nghiệm mà còn thiếu sự chắc chắn và trách nhiệm. Và có lẽ, với lịch sử dự báo như thế này, việc tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông không phải là một quyết định mà ai cũng dám mạo hiểm.
Toàn văn buổi điều trần của Greenspan trước Ủy ban Thượng viện năm 1987:
(còn tiếp)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất