Nghiên cứu đầu tiên về người chuyển giới tại Việt Nam "Khát vọng được là chính mình" công bố trong một hội thảo tại Hà Nội tháng 8/2012.
Người chuyển giới có thể là một thuật ngữ mới, tuy nhiên hiện tượng một người có thể hiện, bản dạng giới khác với giới tính họ sinh ra vẫn luôn tồn tại xưa nay.
Theo ước tính dựa vào các nghiên cứu trên thế giới, cộng đồng người chuyển giới chiếm từ khoảng 0,3-0,5% dân số, con số không lớn, nhưng cũng không nhỏ. Nhưng trong hàng chục năm, người chuyển giới vẫn vô hình, là một ẩn số với pháp luật, còn trong đời sống xã hội, người chuyển giới thường được gọi chung với nhóm đồng tính bởi các thuật ngữ mang tính kỳ thị chứ không có định nghĩa khoa học rõ ràng.
Khác với người đồng tính, người chuyển giới nhận biết bản thân và thể hiện rất sớm, khiến họ phải trả cái giá trong gia đình, nhà trường là sự cô lập, chối bỏ, bạo lực, và kết cục là cơ hội giáo dục thấp, lựa chọn nghề nghiệp giới hạn. Nhiều người chuyển giới dường như đang sống "ngoài vòng pháp luật", do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh, và không được thừa nhận giới tính thực tế sau những chuyến phẫu thuật đầy rủi ro ở Thái Lan.
Khi Quốc hội khóa 13 thông qua Bộ luật Dân sự vào tháng 11/2015, thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam tại Điều 37, cộng đồng người chuyển giới vỡ òa trong niềm vui sướng, phấn khởi, và hy vọng. Họ đã ra đường và giơ cao những tấm bảng "Cảm ơn Quốc hội" dọc đường đi của những chiếc xe chở đại biểu.
Năm 2016, Thủ tướng ban hành Quyết định 243, trong đó ghi rõ "Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính", thời gian thực hiện là trong năm 2016-2017. Năm 2021, Thủ tướng lại ban hành Quyết định 2114, nhắc lại nhiệm vụ này với mốc thời gian mới là 2022-2024. Thế nhưng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội vẫn vắng bóng dự luật này, mặc dù Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ Luật Chuyển đổi giới tính tới cả dự thảo nghị định, thông tư.
Hai vướng mắc lớn nhất khiến dự thảo bị tắc, đó là việc xác định "ai là người chuyển giới" và có nên ưu tiên làm luật cho một nhóm nhỏ.
Dự thảo đề xuất một người không nhất thiết phải phẫu thuật hoàn toàn để có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ. Trong khi đó, nhiều người lại tin rằng phải đặt ra những rào cản thật khó khăn, để hạn chế tối đa những trường hợp "hiểu lầm, ngộ nhận" hay thậm chí "lợi dụng" chuyển đổi giới tính để trốn tránh nghĩa vụ hay hưởng lợi ích từ giới tính mới. Những lo lắng này là dễ hiểu, nhưng không thực tế, vì với những quy định chặt chẽ như trong dự thảo về giám sát y tế, chứng nhận tâm lý và điều trị hoóc-môn, không dễ để một người có thể "nay giới tính này, mai giới tính khác".
Dự thảo cũng đề xuất người chuyển giới nam, nếu giữ lại tử cung và mang thai, vẫn sẽ được hưởng chế độ thai sản. Điều này cũng gây băn khoăn, nhưng nó hoàn toàn có cơ sở thực tế lẫn lý luận. Năm 2020, Minh Khang (người chuyển giới nam) và Minh Anh (người chuyển giới nữ) yêu nhau và quyết định có con chung. Minh Khang là người mang thai vì anh chưa phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Việc mang thai được tư vấn và theo dõi bởi bác sĩ, với kết quả là đứa con đầu lòng khỏe mạnh của cả hai. Minh Khang là mẹ sinh học, nhưng là người bố trong gia đình.
Trong một lần tôi dự tham vấn chuyên gia, có người nói rằng "không thể chấp nhận kiểu nửa chừng vậy được, muốn là nam thì phải hoàn toàn là nam, nữ thì hoàn toàn là nữ". Tôi có phản hồi rằng quan niệm này không đúng về cả y học lẫn xã hội. Phẫu thuật chuyển giới là cách nói thông dụng, về mặt y khoa thì có những can thiệp như triệt sản, tạo hình bộ phận sinh dục, điều trị nội tiết tố và phẫu thuật thẩm mỹ. Một người phẫu thuật tạo hình "hoàn chỉnh" thế nào, cũng không thay đổi cấu trúc gen, nhiễm sắc thể giới tính của người đó, vậy đặt ra yêu cầu "phẫu thuật 100%" vốn chỉ là việc tạo hình những thứ bên ngoài.
Bản thân những người không phải là người chuyển giới cũng có những đặc điểm rất đa dạng: người đàn ông bị tai nạn mất tinh hoàn, người phụ nữ phải đoạn nhũ vì ung thư, hay những người đàn ông giọng cao, phụ nữ có râu... cũng không làm họ mất đi tư cách được sống và nhìn nhận như một người nam hay người nữ. Chúng ta không hỏi nhau về thông tin ADN hay nhiễm sắc thể trong giao tiếp hàng ngày, vậy thì cũng không cần thiết phải biết bộ phận sinh dục một người như thế nào để có thể đối xử với họ như giới tính mà họ tự nhận.
Chuyển giới là một quá trình, có những thay đổi về mặt xã hội, y tế, và pháp lý, mà không phải người chuyển giới nào cũng đi theo những bước đầy đủ, tuần tự như vậy. Họ có thể không muốn phẫu thuật, vì lý do kinh tế, sức khỏe, gia đình, nhưng vẫn có nhu cầu được thừa nhận về mặt pháp luật theo giới tính mà họ mong muốn.
Trong hội thảo đầu tiên về người chuyển giới mà tôi nhắc đến ở đầu bài viết, Tiến sĩ Trần Thất, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính sau khi nghe chia sẻ của những người chuyển giới đã thốt lên: "Cần phải trả lại tên cho các em" hàm ý rằng bản dạng của người chuyển giới là "tài sản" của họ, và nhiệm vụ nhà nước là thừa nhận và bảo vệ thực tế đó.
Tới nay, đã 82 tháng, hai khóa Quốc hội từ ngày Bộ luật Dân sự 2015 được thông qua, quyền của người chuyển giới vẫn là "quyền treo". Bảy năm từ ngày người chuyển giới gần như chạm vào ước mơ của họ, bao nhiêu mũi tiêm hoóc-môn không có chăm sóc y tế đã buông xuống trên khắp đất nước Việt Nam, bao nhiêu chuyến độc hành đi Thái Lan đang được sắp xếp sau đại dịch? Mỗi người chuyển giới còn có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và luật cho người chuyển giới sẽ tác động tới tất cả mọi người chứ không chỉ là vấn đề của riêng họ.
Thừa nhận và không trì hoãn quyền của một nhóm cộng đồng dù nhỏ, không chỉ giúp họ thoát khỏi kỳ thị mà còn để họ quyền được sống bình yên như mong ước.