Source: Unsplash
Source: Unsplash
Hôm trước, Quỳnh Anh có hỗ trợ một người em chữa lành, giải phóng những ách tắc cảm xúc bên trong (thông qua năng lượng reiki chữa lành & các câu hỏi khai vấn). Khi càng đào sâu vào những cảm xúc, sự bế tắc mà em trải nghiệm bấy lâu nay, thì phát hiện ra một khao khát từ tận sâu trong trái tim em: Đấy là khao khát được tự do làm điều mình thích, tự do bay nhảy, không còn sự kìm kẹp, giới hạn áp đặt lên em.
Khao khát tự do, đi kèm với những cảm giác tù túng, bị trói buộc – là cảm giác nhiều người gặp phải (trong đó có Quỳnh Anh của ngày trước). Từ khi còn bé, đã có rất nhiều sự mong cầu, kỳ vọng (áp) đặt lên chúng ta như những đứa trẻ, từ gia đình, thầy cô, bạn bè. 
“Hãy là một đứa trẻ ngoan”
“Nghe lời bố mẹ”
“Con phải đạt điểm cao trong kỳ thi này”
Những kỳ vọng nối tiếp kỳ vọng. Làm một đứa trẻ ngoan, trở thành một công dân gương mẫu – đi làm công việc văn phòng như bố mẹ đề ra, cưới vợ gả chồng như cha mẹ mong muốn,… Chúng ta lớn lên và phát triển đúng như cái khuôn mẫu mà những người có “quyền lực” với ta muốn, với những cảm xúc chôn giấu đằng sau gương mặt mỉm cười, hoặc trơ trọi cảm xúc, để tránh phải đối diện với những sự hỗn loạn sâu thẳm bên trong. Một kẻ khao khát nổi loạn, hoặc chí ít, khao khát được thực sự tự do, thoát khỏi những sự hà khắc, nghiêm ngặt từ những cái nhìn của “người lớn”.

Thế “tự do” thực sự là gì?

Trở về câu chuyện về cô em gái của mình và cảm xúc thiếu sự tự do, cảm thấy bị áp đặt của em trong cuộc sống. Khi thực hành gửi năng lượng Reiki chữa lành cho em, từ sâu trong mình nhận được một thông điệp dành tặng em – cũng như tới tất cả những người đã và đang luôn thấy bị kìm kẹp trong vô vàn những mong chờ,trách nhiệm với người khác, đến nỗi luôn cảm thấy bị cầm tù:
“Hãy cho phép mình được tự do làm điều mình muốn, bằng cách vạch rõ đâu là trách nhiệm của bạn, đâu là trách nhiệm của người khác. Trách nhiệm của em khi em tái sinh, đầu thai về Trái Đất này – đấy là tạo dựng cuộc sống mà em mong muốn. Em không sống cho ai cả – em sống vì chính em.”
Để tự do, luôn đi kèm với trách nhiệm. Khi bạn sinh ra tại Việt Nam, là công dân Việt Nam, bạn đã có trách nhiệm làm một công dân tuân thủ pháp luật tại Việt Nam. Khi bạn làm con của cha mẹ bạn, là học sinh tại một trường, là nhân viên một công ty – dù là tham gia các hoạt động xã hội dưới bất kỳ danh nghĩa nào, thì sẽ luôn có trách nhiệm đi kèm, đó là điều không tránh khỏi. Việc trốn tránh trách nhiệm bằng cách “đưa nhau đi trốn”, hay né tránh hiện thực – chỉ là một giải pháp ngắn hạn, còn trách nhiệm sẽ luôn còn đó. 
Và chỉ khi bạn đón nhận trách nhiệm CỦA BẠN, và hoàn thành những trách nhiệm đó, bạn mới thực sự được tự do, thoải mái hoàn toàn. 
Tuy nhiên, câu chuyện của cô bé trên thì nghiêng nhiều về mặt những trách nhiệm thừa thãi – đấy là những kỳ vọng quá đáng mà các bậc cha mẹ có thể đang tạo ra cho con cái họ, từ đó tạo nên áp lực khiến những người trẻ, và thậm chí khi đã trưởng thành, đứng tuổi vẫn như một đứa bé không dám đưa ra quyết định đúng như mong muốn của riêng mình, để thoát khỏi những áp lực đè nặng từ người cha/mẹ, hay những người có “quyền lực” với họ, như thầy cô, sếp, người yêu… Thay vì đóng vai trò định hướng cho con cái, họ lại đóng vai người tạo ra áp lực để con cái làm theo ý muốn của riêng họ – vì muốn giữ thể diện, vì lợi ích của riêng họ, thay vì từ mong muốn để con cái thực sự phát triển đúng đắn theo hướng con cần đi. Điều này ngăn cản những sự sáng tạo của đứa trẻ, sự tự tìm tòi/khám phá, thử & sai – để biết nó là ai và cần làm gì để sống một cuộc đời thực sự hạnh phúc như mong muốn của nó. Đây là một câu chuyện vô cùng phổ biến, quen thuộc với rất rất nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình có cách dạy dỗ nghiêm khắc, nhưng chưa thực sự đúng đắn.
Câu chuyện “vạch rõ trách nhiệm ở đâu” còn ở vô cùng nhiều khía cạnh, ví dụ có những người luôn thấy bản thân “phải chịu” trách nhiệm cho mọi cảm xúc của đối phương trong chuyện tình cảm (thấy người ta giận là đổ lỗi tại mình, thấy mình tệ hại,…). Tuy nhiên, tự do sau cùng vẫn luôn là: Được tự do sáng tạo cuộc đời mình MUỐN, được sống như những gì mình thực sự khao khát, mà đồng thời đảm bảo hoàn thành được những “trách nhiệm thực sự” của mình (thay vì trốn tránh trách nhiệm để theo đuổi tự do mù quáng). 
Hành trình đi đến tự do, giải phóng đích thực – về mặt vật lý, cảm xúc/tâm lý & cả khía cạnh tâm linh là một hành trình dài – đó là hành trình tìm thấy & hoàn thiện chính mình, tìm thấy điều mình thực sự mong muốn & trách nhiệm mình sẵn sàng gánh vác là gì (bên cạnh những trách nhiệm cơ bản như một con người). Dưới đây là một vài câu hỏi – để bạn tự suy ngẫm, và từ đó tìm lại sự tự do cho bản thân, giải phóng chính mình khỏi vô vàn những sự kìm kẹp, bế tắc sâu bên trong & bên ngoài:
1. Cuộc đời tôi thực sự mong muốn sẽ như thế nào? (Hãy cho phép bản thân được làm một người nghệ sĩ, nhìn nhận cuộc đời bạn như một bức tranh – và viết ra, vẽ ra một bức tranh cuộc đời bạn mong muốn trải nghiệm)
2. Điều gì hiện tại đang kìm kẹp tôi khỏi việc xây dựng cuộc đời mà tôi mong muốn? (Hãy viết ra tất cả mọi sự áp bức mà bạn cảm nhận được, từ những giới hạn vật lý, nỗi sợ sâu thẳm trong tinh thần,…)
3. Tôi có thể làm gì ngay bây giờ – để có thể từng bước xây dựng cuộc đời tôi thực sự mong muốn?
Đây là những câu hỏi để bạn tự nhìn nhận lại về bản thân, những gông cùm xiềng xích trong cuộc sống, và đồng thời trao sức mạnh tạo dựng cuộc đời bạn muốn vào tay bạn, thay vì đổ lỗi cho những hoàn cảnh bên ngoài.
Hiện tại, bạn đang cảm thấy bị kìm kẹp bởi điều gì không? Và bạn sẵn sàng làm gì để vượt lên những sự kìm hãm này – và thực sự sống đúng với bản thân & những điều mà bạn thực sự khao khát?
Chia sẻ với bạn Mèo dưới phần bình luận nhé ^^
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Quỳnh Anh – Mystic Cat Lady 
BLOG TRÊN FACEBOOK CỦA MÌNH: https://fb.me/mysticcatlady  - MYSTIC CAT LADY
Ghé thăm nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển/ Thấu hiểu bản thân, Chữa lành, Tâm linh, Tâm lý học nhé.
TRANG BLOG TRÊN WORDPRESS: https://mysticcatlady.wordpress.com/
Bạn có thể donate cho Mèo theo stk sau nếu mong muốn ủng hộ tác giả: Vietcombank: 0301000388545 (Nguyễn Quỳnh Anh)