Tác giả, nhà thơ Hoài Thanh trong bài báo “Nghĩ về công chúng của nghệ thuật” đã phân biệt hai loại khán giả là “khán giả tinh hoa” và “khán giả phổ thông”. “Khán giả tinh hoa” là những khán giả có khả năng mỹ cảm được hiểu nôm na là khán giả được trang bị (hoặc tự trang bị) cho mình những kiến thức về nghệ thuật, văn hóa, cái xấu cái đẹp trong mỗi tác phẩm nghệ thuật và có thể từ những tác phẩm đó có thể nhìn xuyên qua nhiều tầng nghĩa mà người nghệ sĩ muốn truyền tải đến khán giả. Còn “khán giả phổ thông” là những khán giả đến với nghệ thuật với nhu cầu giả trí là chính và khả năng cảm thụ của họ chỉ ở bề mặt của các tác phẩm cả nghệ thuật lẫn phi nghệ thuật. Và mối quan hệ của “khán giả tinh hoa” và “khán giả phổ thông” là quan hệ giữa thiểu số và đa số.
Chính vì quan hệ giữa thiểu số và đa số như thế mà thời đại ngày nay việc trở thành một ca sĩ đối với nhiều người không cần quá gian nan như trước nữa. Họ chỉ cần có chút nhan sắc và tìm được một công ty quản lí tốt thì sẽ có được màn debut ra với công chúng thật thành công, hay chỉ cần có chút ảnh hưởng tiếng tăm trên các nền tảng mạng xã hội, hay tệ hơn là phát ngôn gây sốc tạo nên làn sóng tranh cãi thu hút sự chú ý rồi từ đó đi lên bằng con đường scandal. Chưa bao giờ hết số lượng “ca sĩ”, “nghệ sĩ” lại đông như “quân Nguyên” như thế. Những tác phẩm của họ chỉ để phục vụ một bộ phận đa số các “khán giả phổ thông” chiếm đa số ngày nay, các tác phẩm của họ đa số nhìn chung là thiếu văn hóa và nghệ thuật, chỉ cần có giai điệu bắt tai và ca từ dễ nhớ những sản phẩm ấy dễ dàng trở nên thịnh hành và được đón nhận. Và những “thợ hát” hay “thợ diễn” ấy được khán giả nhớ đến nhờ những hành động lố lăng hay những màn khoe thân bất chấp của mình.
Theo cá nhân tôi nghệ sĩ là những con người cả khả năng mỹ cảm, trái tim rung lên vì cái đẹp và quan trọng hơn là có “cái tôi” riêng của mình để phân biệt với những nghệ sĩ khác và những tác phẩm của họ thể chạm đến và đào luyện tinh thần của khán giả, cho khán giả thấy được cái đẹp thông qua “cái tôi” nghệ sĩ của mình. Và thời buổi hiện tại không ít những “máy hát”, “thợ hát”, “máy diễn” và “thợ diễn” không ngừng “tích cực” vay mượn “chất xám” và cả “cái tôi” của những nghệ sĩ chân chính để về làm ra những tác phẩm “thiếu văn hóa”, “thiếu não” để phục vụ bộ phận người hâm mộ của mình. Làm cho đời sống văn hóa và nghệ thuật của người dân Việt Nam chúng ta ngày càng trở nên hỗn loạn, nếu không muốn nói là như “nồi cám heo”.
Nói một cách công bằng thì cũng có nhiều nghệ sĩ đang cố gắng từng ngày sáng tạo ra nghệ thuật, làm đẹp thêm cho nền nghệ thuật nước nhà và nâng cao đời sống tinh thần của khán giả. Việc của chúng ta những khán giả là nhìn lại bản thân mình xem mình đang ở đâu trong “chiều sâu” văn hóa, từ đó học tập và nâng cao nhận thức bản thân về việc cảm thụ nghệ thuật và ngày càng nâng cao khả năng mỹ cảm của chính bản thân. Và ngày càng trở nên “khó tính” và “đòi hỏi” hơn với những người nghệ sĩ chân chính để họ ngày càng cống hiến và làm ra những tác phẩm tầm vóc và nâng cao đời sống tinh thần của khán giả.
Đây  là việc chung của cộng đồng để nâng cao văn hóa trong nghệ thuật, để mỗi chúng ta và thế hệ sau được thụ hưởng văn hóa chân chính với những tác phẩm mang tầm vóc văn hóa. Tẩy chay và nói không với các sản phẩm “phi nghệ thuật” và “ít văn hóa”, hãy bắt đầu công việc này ngay hôm nay.