Bài học từ cảm xúc tiêu cực
Khi nhắc về cảm xúc tiêu cực , chắc hẳn ấn tượng đầu tiên lóe lên ở phần đông là lập tức gắn liền nó với nỗi thống khổ, điều đó khiến...
Khi nhắc về cảm xúc tiêu cực, chắc hẳn ấn tượng đầu tiên lóe lên ở phần đông là lập tức gắn liền nó với nỗi thống khổ, điều đó khiến người ta nỗ lực tránh né hoặc khá hơn là gắng xua nó đi nhưng đáng tiếc thay, mọi nỗ lực đều khó triệt để mặc dù có thể tạm thời xoa dịu bằng một vài hoạt động tích cực hoặc vượt qua được một số giới hạn, nhưng rốt cuộc chuyện đâu lại vào đấy khi các kích thích tố trở lại, chính vì thế tôi hoài nghi việc cố gắng loại bỏ cảm xúc tiêu cực là một điều bất khả thi và vô ích, thật vậy, cảm xúc tiêu cực có lý do thiết yếu để duy trì sự tồn tại chính nó, nó có thể khiến bạn sợ hãi để nâng cao cảnh giác, nó có thể khiến bạn giận dữ để thôi thúc giải quyết vấn đề, nó có thể là thất vọng để ta chậm lại nhận ra lỗi lầm,…
Một số cảm xúc tiêu cực có thể kể đến như bất mãn, phẫn nộ, hận thù, tủi thân, thất vọng, sợ hãi, lo âu, đau buồn, tiếc nuối, hối hận, ghen tỵ,… Con người là loài có khả năng nhận thức cao, song, vẫn bị chi phối bởi những điều kiện hạn hữu, trong đó bao gồm sự chi phối cảm xúc từ hệ thống hormone, chắc hẳn ai cũng quen thuộc với những tên gọi hormone hạnh phúc như Dopamine, Serotonin, Oxytocin,… ở chiều hướng ngược lại thì có Cortisol, Adrenaline, Norepinephrine,… vốn là những hormone đối phó với căng thẳng, tuy nhiên, khi tiết kéo dài thì chính chúng lại trở thành tác nhân gây bệnh. Như vậy, Hormone tiết ra đều có điều kiện đối ứng nhằm đảm bảo thích nghi hoàn cảnh, cơ bản nhất là phục vụ nhu cầu tồn tại cho đến cao hơn là xử lý những mối quan hệ xã hội phức tạp, điều đó cũng đồng nghĩa rằng chúng ta không hoàn toàn kiểm soát được bản thân về mặt sinh học! Bằng sự kích thích của hormone, những cảm xúc tiêu cực trở nên sống động với những triệu chứng như tim đập nhanh, run người, nóng mặt, thở gấp… Vốn là những cảm giác không hề dễ chịu, bên cạnh đó nó còn đi kèm quan hệ nhân – quả với nhiều sự kiện mất mát và tổn thương nên càng để lại thành kiến xấu trong quan niệm xã hội.
1. Bản chất
Đó là một sự thật nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta hoàn toàn bất lực, bằng cách sử dụng ý thức và phản xạ có điều kiện, chúng ta có thể phần nào chủ động trước cảm xúc tiêu cực, hãy tiếp cận bằng cách tách rời cặp phạm trù tích cực – tiêu cực cố hữu, thay vì xua đuổi cảm xúc tiêu cực thì tôi cho phép nó tự do lại gần để tìm hiểu và ngạc nhiên thay, tôi dần học được cách dự đoán cũng như phần nào khơi gợi được chúng để làm động lực mà theo tôi cảm nhận thì động lực đó còn mạnh mẽ hơn những cảm xúc tích cực đơn thuần, ví dụ như mường tượng lòng đố kỵ, tự ti, nỗi sợ hoàn cảnh khốn khó sẽ thôi thúc bản thân phải liên tục cố gắng hướng đến cuộc sống sung túc và không được đầu hàng nghịch cảnh, mường tượng lòng phẫn uất khi bị ức hiếp và xem thường để kiên trì chính nghĩa và tôn trọng con người dù trong bất kỳ địa vị hay hoàn cảnh nào,… Mấu chốt sức mạnh của loại động lực này nằm ở tính hai mặt của cảm xúc, tùy thuộc vào độ sâu sắc của một phía trải nghiệm cảm xúc ( tiêu cực) để làm nền tảng cho phía đối lập ( tích cực), hai mặt tích cực - tiêu cực vừa tách biệt vừa thống nhất, có thể dễ dàng thấy được nhược điểm của loại động lực từ cảm xúc tiêu cực là nó dễ gây tổn thương đến sức khỏe tâm lý, thậm chí nếu xét trên phương diện đạo đức thì nó càng không thể chấp nhận được khi sử dụng niềm đau làm đòn bẫy, tuy nhiên cũng cần nhìn lại các động lực được phần đông ủng hộ và xem là mẫu mực như niềm tin, kiêu hãnh, lý tưởng, hy vọng, sức mạnh tình bạn, tình yêu, gia đình sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đi tham vọng, nỗi sợ mất mát điều tốt đẹp mà hiện tại ta đang sở hữu nói chung và những cảm xúc tiêu cực khác nói riêng, đơn giản bởi tất cả những loại cảm tình và động lực nói chung đều xuất phát từ " ta" và “ của ta”. Phong trào Flex là một ví dụ rất điển hình cho loại hiện tượng trên, một mặt người flex khẳng định thành tựu, điều đó làm họ hạnh phúc và vững tin vào con đường đã chọn nhưng hành động đó cũng đang thụ động nuôi dưỡng bản ngã, một kịch bản xấu là khiến người flex trở nên kiêu ngạo, chủ quan, ỷ lại vào khía cạnh nổi trội mà phớt lờ, trì hoãn những giá trị khác, còn đối với người nghe, họ có thêm hình mẫu để phấn đấu nhưng cũng ngấm ngầm áp lực so sánh từ đó sinh lòng tự ti và đố kỵ, nếu mất kiểm soát có thể trở thành mầm móng của phức cảm tự ti ( inferiority complex) sinh ra cảm giác lo âu, thiếu an toàn, tự hạ thấp bản thân xen lẫn phức cảm thượng đẳng ( superiority complex) để che đậy những tổn thương được biểu hiện qua lòng tự ái thái quá, tính cạnh tranh cao, thích đổ lỗi và hay gây chú ý, ngoài ra, tâm lý con cua ( crab mentality) “ ăn không được phá cho hôi”, “ kéo người khác xuống để nâng mình lên” cũng là một dạng pha trộn tự ti – tự ái điển hình rất dễ bắt gặp trong đời sống xã hội, đó là chưa tính tới vấn nạn flex dối hay bình dân gọi là “ nổ” hoặc “ bóc phét” sẽ tạo ra kỳ vọng lẫn áp lực lớn lên người tiếp nhận câu chuyện, đáng sợ hơn là nó ngầm gieo vào đời sống chung ám thị về tính sỉ diện cao chót vót được duy trì và leo thang bằng mọi cách kể cả dối trá. Siêu hình hơn, vẫn còn đó nhiều quan niệm tâm linh khuyến thiện – trừng ác với tác dụng thiết lập một vành đai đạo đức được dẫn dắt từ bậc thấp nhất là nỗi sợ và nỗi khổ cho đến cao nhất là giác ngộ khiến thế gian phải suy ngẫm lại việc sống sao cho có ý nghĩa nhất trong khi chỉ cần một lý do đủ để thuyết phục “ mình vô tội và đang làm đúng” thì người ta có thể hành động bất chấp mọi thứ. Rõ ràng những cảm xúc tiêu cực làm tiền đề rất tốt thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và xã hội về nhiều mặt với đặc điểm cấp thiết của nó, mặt khác nó còn có tác dụng kìm tỏa những mối đe dọa đến từ việc hiện thực hóa lòng tham và thói hư tật xấu, giúp con người và xã hội tồn tại ổn định, ví dụ như tính răn đe của pháp luật có tác dụng trừng trị tội phạm và triệt tiêu ý chí phạm pháp khi vừa mới nhen nhóm.
2. Những sai lầm
Từ phân tích trên có thể rút ra điểm mù của đạo đức phổ quát ở chỗ chỉ có thể điều tiết suy nghĩ và hành vi dựa trên lý thuyết tóm tắt được duy trì bởi thiện cảm - ác cảm hay cơ chế thưởng - phạt được cho là mẫu mực đương thời chứ khó lòng khiến con người hiểu sâu nội hàm, ví như kiểu chấp nhận “ ai sao mình vậy” mà không có lý do cụ thể hoặc dù có lý do thì cũng rất chung chung, điều này khiến đạo đức dễ tiếp thu nhưng khó duy trì, dễ bị rả rời khi đối diện thực tế. Thế cho nên đừng chỉ vì thiện cảm phổ quát mà tự buộc mình vào định dạng mẫu người tích cực đến mức vô lý, cố gắng nhẫn nhịn và tự trấn an rằng “ tất cả đều ổn”, chỉ chấp nhận tiêu thụ cảm xúc tích cực, gạt bỏ hết những cảnh báo từ cảm xúc tiêu cực rồi cán vào red flag, một số thì tích cực ngây thơ buộc bản thân phải cao thượng, từ bi, thân thiện ở mọi hoàn cảnh thậm chí là đối với những người không xứng đáng trong khi bản thân chưa hẳn sẵn sàng mà chỉ vì lờ mờ động cơ nghe rất văn mẫu “ vì đó là đức tính tốt” nên phải noi theo rồi sau đó tự chuốc lấy thiệt thòi cho đến một ngày quá mệt mỏi mà vẫn không dám tháo lớp mặt nạ đó xuống vì sợ bị người xung quanh đánh giá và xa lánh hay sợ bản thân phải đối diện với sự thật phũ phàng, thật sự có trường hợp một người tốt quá có khi về lâu dài lại bị xem thường và lợi dụng, điều này dễ khiến con người ta nhục chí bởi hi vọng càng cao - thất vọng càng sâu, trường hợp này dễ thấy ở những sinh viên ngoan hiền mới ra trường, sau vài năm va vấp dần trở nên chai lì, không còn mở lòng hay nhiệt huyết như xưa nữa. Mặt khác, vẫn còn đó những tư tưởng tích cực đến chủ quan, nhắm mắt bịt tai từ chối hiện thực trần trụi trước mắt, thậm chí đổ lỗi nạn nhân khi chưa đủ căn cứ kết luận như kiểu “ tại bạn làm sao nên mới bị vậy”, “ tại bạn trình độ chưa đủ”, “ vậy mới thấy tầm quan trọng của việc học” cho đến đổ lỗi chung chung “ ở đâu chả thế”, “ bản chất con người”, dường như họ đang đổ lỗi để thấy bản thân an toàn hơn vì mối nguy hiểm và trách nhiệm đều đã được gom lại và quy lên một thứ rõ ràng ( cụ thể ở đây là nạn nhân) hoặc lên những nguyên nhân xa xôi mà hiếm có khả năng đe dọa họ! Ở chiều ngược lại cũng đừng quá đa nghi hay hận đời theo kiểu “ những điều tốt lành đều là giả dối” hoặc “ người tốt chết hết rồi” bởi cách hành xử đó đang cuốn xã hội vào vòng xoáy khủng hoảng niềm tin. Sau tất cả, ta nhận ra dù là tích cực hay tiêu cực thì cũng không quan trọng bằng việc tiếp nhận đúng thông điệp nó gửi đến.
3. Ranh giới
Ở đời mà, dù biết hay không biết, thích hay không thích thì ai cũng đều ít nhiều phải kinh qua đủ thứ đắng cay ngọt bùi và chạm mặt với cặp phạm trù tích cực – tiêu cực để làm kim chỉ nam cho sinh tồn và phát triển, cảm xúc tích cực khiến ta có những giây phút thư giãn thì cảm xúc tiêu cực cũng khiến ta khôn ngoan và trưởng thành, song, cần thận trọng để không phát khởi tha hóa, cách tốt nhất là nên thiết lập những ranh giới tư duy, một số ranh giới mà mình thấy có ích bao gồm:
_ Tư duy độc lập.
_ Nắm rõ các dạng ngụy biện.
_ Thận trọng khi sử dụng ngôn ngữ, không lòng vòng, đùa dai, đùa láo hoặc nói tục, bóc phét, mỉa mai, chửi rủa bởi chúng đều bị động ảnh hưởng xấu đến thói quen biện luận chặt chẽ.
_ Cẩn thận những mệnh đề đúng nhưng chưa đủ.
_ Phân tích cẩn thận mọi vấn đề trước khi kết luận để tránh bị xỏ mũi.
_ Tỉnh táo trước cảm xúc và lợi ích nhất thời.
_ Giới hạn lượng cảm xúc vui - buồn hấp thụ từ các hình thức giải trí.
_ Không nhập nhằng, không đánh tráo khái niệm.
_ Không thi vị hóa những vấn đề hiện thực.
_ Bỏ thói khôn lỏi và hơn thua vặt vãnh.
_ Tự trọng chứ không tự ái.
_ Cuối cùng, liêm sỉ là một thứ không nên đem ra thỏa hiệp!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất