Có bao giờ một thoáng bạn tự ngẫm lại " Tại sao hồi xưa mình ngu dữ?" và đôi khi không biết nên tiếp cận vấn đề như thế nào, giải thích làm sao cho thoả đáng đây?
Những luồng tư tưởng rối rắm cố gắng đưa ra lời giải nhưng khổ nỗi che bề này lại hụt bề kia, kết quả là đuối lý cứng họng hoặc giải thích mơ hồ không đâu tới đâu, tai hại hơn nữa là tin chắc vào phân nửa sự thật do chính mình nghiệm ra. Tôi gọi đó là tự mâu thuẫn.

1. Phân nửa sự thật:

Tôi từng đọc qua bài viết " Cũng là đạo lý, nhưng nó lạ lắm" của tác giả Thái Đức Phương trên Spiderum, trong đó tập hợp những trường hợp mẫu thuẫn lạ thay nghĩ vừa đúng mà cũng vừa sai. Trường hợp thứ nhất, một cô gái ăn mặc lộ nhiều da thịt vào chùa bái Phật, khi được nhắc nhở thì cô bắt lỗi lý luận ngược lại người nhắc nhở rằng anh tu hành kém nên còn bị chấp vào sắc tướng ( vẻ ngoài). Cố chấp vào vẻ ngoài là một cấm kỵ, người bị vướng vào vẻ ngoài dễ chìm đắm trong nó mà bỏ qua bản chất thật NHƯNG ở trường hợp cô gái trên, qua lời chất vấn của cô cho ta thấy rằng cô chỉ mới nhận thức phân nửa sự thật, MỘT NỬA SỰ THẬT THÌ VẪN KHÔNG PHẢI LÀ SỰ THẬT. Đúng vậy, cái mâu thuẫn mấu chốt ở chỗ cô gái chỉ biết phân nửa sự thật mà đã vội kết luận đó là sự thật hoàn chỉnh, hàng Phật tử ngoài tu tâm thì còn phải biết giữ mình trong sạch thông qua những giới luật và oai nghi để kìm hãm cái xấu trong tâm cũng như không đánh động cái xấu trong tâm người khác, ở chùa quy định ăn mặc kín đáo, tề chỉnh là để chuyển hoá sự cố chấp vào vẻ ngoài của chính cô gái chứ không phải ai khác, ăn mặc tề chỉnh còn là cách rèn và thể hiện tâm nghiêm trang, ngoài ra, điều đó cũng có mục đích làm cho người khác nhìn vào không bị phản cảm hay thu hút bởi sắc dục, ngược lại, nếu có người thấy người khác đi chùa mà ăn mặc, cung cách trang nghiêm thì sẽ sinh tâm hoan hỷ, cung kính và học hỏi theo. Cô gái trong câu chuyện trên chưa tư duy khéo léo, do cạn nghĩ lẫn ích kỷ nên cô tự mâu thuẫn và bế tắc đến mức dùng tạm quan điểm mù mờ làm chân lý.

2. Tự gạt bản thân:

Tiktoker Nờ ô nô vừa rồi nổi đình nổi đám với tai tiếng " hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn" là một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này. Vừa rồi tiktoker trên đã đăng clip xin lỗi khán giả nhưng vẫn đinh ninh mình không sai, mình làm từ thiện bằng lòng tốt và có lời nói như vậy không phải vì cố ý bất kính mà là để tạo không khí tích cực, vui vẻ. Vấn đề ở chỗ, cái tâm của bạn ấy có tốt hay không thì tự bạn biết lấy NHƯNG bất kỳ hành động nào muốn trọn vẹn thành tựu thì hình thức lẫn ý nghĩa đều phải được đảm bảo, làm từ thiện thì lại càng phải nghiêm ngặt điều kiện trên để đem đến lợi ích cho người được giúp đỡ và tránh làm tổn thương họ. Nờ ô nô không những đã có những lời chói tai mà sau đó còn cố bình thường hoá tư tưởng lệch lạc "tích cực giả tạo" của mình.
Thuốc độc bọc đường thì vẫn là thuốc độc, đừng cố tình không hiểu, đừng lệch lạc
Nờ ô nô cũng chỉ là một ví dụ của vấn đề nổi cộm " mỏ hơi hỗn nhưng tâm tốt", " khẩu xà tâm Phật", " chủ yếu tấm lòng mình tốt", đó là những câu nói láo lếu đầy mâu thuẫn được người đời đặt ra để tự biện hộ trong đuối lý, đây là kiểu ngụy biện đưa ra bằng chứng "cái tâm" mơ hồ, ngụy tạo mà không ai khác có thể kiểm chứng, đây là một sự che đậy cái xấu có chủ đích, một người sáng suốt và tốt tính thật sự sẽ không bao giờ có thể làm ra những hành vi xấu ác bởi trước họ luôn là hàng rào của lương tâm và lý lẽ được xây nên bằng trí tuệ.
Đáng buồn thay, ai cũng mặc định mình là người tốt, cơ mà khi đuối lý thì sẽ quay ra biện hộ trong càn quấy, ví như những người chỉ sẵn sàng tu tâm dưỡng tính khi chỉ khi ở trong một giới hạn mong manh như khuôn viên chùa hoặc trong lúc tụng kinh niệm Phật, còn khi rời khỏi giới hạn đó thì đâu lại vào đấy.
Nực cười, khi ta gian trá tranh giành lợi ích cho bản thân, khi ta dụng tâm đầy dục vọng hoặc khi ta khước từ sự thật, đổi trắng thay đen thì có nhớ gì đến đức hạnh của các bậc thánh chăng? Thế mà đến lúc khổ sở thì ta quỳ lạy cầu xin gia ân! Vậy khác nào ta đã ích kỷ xem thần thánh như kẻ sai vặt hay là công cụ thoả mãn toan tính cá nhân.
Mỗi người hãy thành thật tự vấn: Đứng trước của cải và quyền lực, tôi có tham lam chăng? Đứng trước sự việc trái ý muốn, tôi có phẫn nộ chăng? Đối với tri thức, tôi đã thông suốt chưa? Khi đỉnh cao thì khiêm tốn chưa? Khi thất bại còn nghị lực không? Mình đã quyết tâm và tập trung chưa? Mình có vui vẻ thừa nhận và sửa đổi khi sai lầm không? Mình có dũng cảm giúp đỡ hay thậm chí hi sinh nếu xứng đáng không? Mình đã đối xử công bằng và thấu cảm với người khác chưa?
HÃY TRUNG THỰC, MẠNH DẠN LỌC RÁC RA KHỎI ĐẦU CHO ĐẾN KHI THÔNG SUỐT!