Khác biệt?
Tại sao con người thường thích nhấn mạnh vào những sự khác biệt hơn là những cái sự giống nhau nhỉ? Vì khi đó, họ cảm thấy mình...
Tại sao con người thường thích nhấn mạnh vào những sự khác biệt hơn là những cái sự giống nhau nhỉ? Vì khi đó, họ cảm thấy mình được tồn tại. Vậy nhưng, cái sự khác biệt đó có thật sự khác đến thế và cái sự giống nhau đó có thật sự giống đến thế? Không ai có thể trả lời được. Khi người ta mặc định gán cho những xã hội với văn hoá phương Đông là Chủ nghĩa Tập thể và xã hội phương Tây là Chủ nghĩa Cá nhân, người ta dường như cũng quên đi mất rằng, mỗi cá nhân trong cái “xã hội phương Đông đó” đều không phải bản sao của nhau và mỗi cá nhân trong cái “xã hội phương Tây đó” cũng đều đang được xếp loại vào cùng một xã hội mang tên phương Tây chung.
Vậy tại sao tôi cần trở nên khác biệt? Liệu khác biệt có là sự cần thiết?
Tôi nhận được câu trả lời bằng chính cái việc bị “cho ra khỏi nhà”, cho ra khỏi cái vùng an toàn của mình. Tôi thật sự chẳng khác biệt gì so với họ, những loài động vật cũng mang tên “con người” kia. Cũng chẳng có một sự cần thiết gì lắm cho cái sự phân biệt tôi là một đứa da vàng, tóc đen và không ưa tiệc tùng lắm với những đứa da trắng, tóc vàng và nhiệt liệt hứng khởi với bất kỳ cuộc vui nào vào cuối tuần. Chúng tôi cuối cùng cũng đều như những động vật được coi là cấp thấp hơn khác, tìm thức ăn qua ngày, ngủ qua giấc và rồi đợi chờ cho một người bạn tình thật dễ mến. Và rồi, tôi lại nhận ra, liệu tôi có thật sự giống họ đến thế? Có lẽ không? Với bố mẹ tôi, tôi là duy nhất. Thử tưởng tượng mà xem, một ngày thức dậy, bố mẹ tôi, những người da vàng tóc đen lại sinh ra một đứa bé da trắng tóc vàng. Thật lạ lùng! Tất nhiên, bạn có thể loại trừ những trường hợp như mẹ tôi đi ngoại tình và đứa nhỏ da trắng tóc vàng đó đột biến gen ra. Với bé gấu của tôi, tôi cũng sẽ luôn là duy nhất. Nếu ngày đó, chỉ trước một vài giây thôi, một đứa bé khác mua mất bé gấu này, thì dường như, tôi sẽ không phải là duy nhất với nó nữa mà sẽ là một đứa bé khác, một cuộc sống khác.
Con người, đôi khi cả động vật và sự vật, cần một sự gắn kết. Chính những kết nồi chằng chịt đầy rắc rối ấy làm nên sự khác biệt, sự tồn tại cho ta. Và một lần nữa, câu hỏi lại được đặt ra, ở một góc độ khác, cùng một mô hình gắn kết giữa cha mẹ và con cái, giữa cô bé con và con gấu nhỏ, liệu ta có khác biệt với họ? Tôi không biết. Bạn nghĩ sao?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất