Trong kỳ nghỉ lễ này, tôi cùng gia đình có thời gian về quê ở thành phố Yên Bái, cách Hà Nội 167km về phía bắc. Lần nào cũng như lần nào, chúng tôi rời nhà sau khi ăn trưa sớm và lên xe rời nhà lúc 10h30 sáng sau đó sẽ tới nơi khoảng 13h chiều, mọi người nghỉ ngơi rồi lần lượt đi đến nhà các bác các cô vào buổi chiều và ăn liên hoan vào buổi tối. Ông bà tôi sinh 9 người con, không biết vận số thế nào, hầu hết cả 9 người đều có nhiều khiếm khuyết lớn về mặt hôn nhân gia đình nên lần nào tụ họp mọi người cũng nói chuyện xoay quanh đề tài hôn nhân sau đó lôi con cháu vào dạy dỗ, dọa nạt, kỳ vọng về hôn nhân. Thật kỳ lạ phải không? Những người có vấn đề về hôn nhân lại cứ bàn tán và đưa lời khuyên về thứ mà họ không hề giỏi, thậm chí còn có những phát biểu mang tính ép buộc như "kết hôn là nghĩa vụ của chúng mày, không kết hôn thì ai cho bố mẹ chúng mày bế cháu, mày có nghĩ cho bố mẹ mày không?" Có thật thế không nhỉ?
Hôn nhân là nghĩa vụ?
Hôn nhân là nghĩa vụ?
Vào thời kỳ bao cấp sau khi giải phóng năm 75, thế hệ cha mẹ chú bác tôi được sinh ra theo lời kêu gọi sinh đẻ để bù đắp nhân lực cho lao động sản xuất sau chiến tranh nên ông bà sinh nhiều, nhà nào cũng đẻ trên 5 đứa, bây giờ bà hưởng đúng đúng cảnh "con đàn cháu đống". Đến bây giờ thì việc sinh nở không còn được khuyến khích nữa vì chúng ta đều biết khủng hoảng dân số đang ở mức báo động và nếu bạn cảm thấy vấn đề này không ảnh hưởng gì đến bạn thì hãy thử tham gia giao thông ở thành phố lớn vào giờ cao điểm. Vậy khi việc hai người đến với nhau để cùng tạo ra một sinh mệnh và cam kết cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi sinh mạng này có đủ khả năng lao động để tự chăm sóc bản thân và xây dựng xã hội không còn là điều cấp thiết nữa, liệu hợp đồng hôn nhân có còn cấp bách đến mức coi đó là nghĩa vụ hay không?
Cá nhân tôi nghĩ là không. Sẽ có ai đó ở ngoài kia thực sự hứng thú với việc làm cha làm mẹ và họ sẽ tận hưởng việc cùng nhau tạo ra, chăm sóc, dạy dỗ một sinh mệnh nhưng đó không phải tôi, ít nhất là bây giờ. Có thể trong tương lai, khi tôi cũng có mong muốn làm cha, có thể cảm nhận niềm vui khi nhìn thấy một tạo vật phiền phức, khó nắm bắt, khó hiểu và có thể biến thành quái vật hoặc thiên thần chỉ dựa vào sự giáo dục của mình là chính thì tôi sẽ cân nhắc đến việc kết hôn. Trước lúc đó đến, tôi sẽ không để bất kỳ điều gì bên ngoài tâm trí mình ảnh hưởng đến bản thân và vội vã đi tìm một đối tác hôn nhân bởi tôi biết nếu làm việc gì đó mà tự thân không mong muốn thì trải nghiệm ấy sẽ rất tồi tệ dù phần thưởng có tuyệt vời đến đâu. Không liên quan đến độ tuổi, không liên quan đến nghề nghiệp, không liên quan gia thế, không do cha mẹ áp lực, chỉ làm khi mình muốn làm và khi thực sự sẵn sàng.
Gia đình tôi khi tụ họp với nhau sẽ nói về chuyện hôn nhân và sau khi họ cãi nhau chán chê thì sẽ tìm cách hòa hoãn không khí bằng cách lôi con cháu vào để chuyển hướng công kích sáng phe thứ ba. Bắt đầu với mô tuýp kiểu: “Thế bao giờ thì thằng H định cưới vợ? Năm nay mày 23 tuổi rồi, bằng tuổi mày cô đẻ được hai đứa rồi đấy.” Sau đó những câu hỏi siêu siêu cá nhân sẽ lần lượt ập đến và những tiếng vâng dạ cho qua sẽ đều đều vang lên. Những tưởng người lớn thì sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, họ sẽ hiểu được cảm giác khó chịu khi bị soi mói chuyện đời tư và sẽ dừng lại khi nhận ra sự khó chịu từ phía hậu bối nhưng không. Những người không mấy thành công trong tình yêu và hôn nhân sẽ cố gắng đưa ra những lời khuyên cho con cháu của họ. Tôi sẽ rất biết ơn nếu những lời khuyên này được đưa ra nhằm giúp các cháu tránh việc mù quáng mà chạy cưới cho vừa lòng xã hội hay những kinh nghiệm để không bị lừa mà gật đầu khi thằng cha đểu giả cầu hôn hay làm thế nào để tự chủ tài chính và không rơi vào cảnh sấp ngửa sau khi kết hôn là đẻ cho kịp tuổi. Những thứ cần thì các cô các bác không nói, đơn giản vì các cô các bác chỉ có kinh nghiệm từ những sai lầm, những hối hận và những đau thương, những mâu thuẫn và những lần cãi cọ. Nếu họ chia sẻ những điều đó ra và lấy đó làm bài học thì chẳng khác nào họ nhận rằng lựa chọn kết hôn của mình là không chính xác và dù có làm thế thì họ chỉ có thể cho hậu nhân của mình biết rằng đường họ đi không đúng còn đường đúng nó trông thế nào thì họ cũng chịu.
Hôm ấy tôi đang ngồi ở phòng khách, vừa xem video hướng dẫn phần mềm thiết kế trên máy tính bảng, thứ mà bố tôi muốn mua bằng được để đánh văn bản rồi vứt xó không dùng vì muốn dùng word 2016 trên đấy thì mất tiền mua và giao diện thì không quen thuộc. Ngồi cùng với tôi là 3 đứa cháu, con của chị gái nhà bác cả. Đứa đầu sẽ lên lớp 5 vào tháng sau, đứa sau thì sắp lên lớp 1 và đứa cuối cùng mới gần 3 tuổi. Mẹ của chúng nó vừa rời đi đâu đó và để 3 đứa lại trông nhau cho đến khi chị quay lại ăn tối cùng đại gia đình vào lúc 6h. Đứa con út tiễn mẹ nó đi với màn la hét và ăn vạ trong suốt 20 phút đồng hồ liên tục. Không một ai có thể khiến nó ngừng la hét và chị ruột nó thì có vẻ đã quen với việc này nên thản nhiên xem tivi, bỏ mặc thằng em ở đó hét đến khi nó hết sức thì thôi. Đứa thứ hai thì không nói không rằng, cạy miệng nó ra nó cũng không nói, nó sẽ yên lặng ngồi một góc và không làm gì cả, cho đến khi chị nó trêu nó bằng cách đánh vào đầu nó và nó phản kháng bằng cách rượt theo tìm cách đánh lại. Cứ như thế, khoảng 2 tiếng đồng hồ, vòng lặp này cứ liên tục xảy ra, chị cả trêu anh hai bằng trò đùa bạo lực duy nhất mà nó biết, anh hai đuổi theo trong khi mếu máo và gào thét cho đến khi thằng em nó không được anh chị ôm và cũng la hét. Tôi không cố gắng dạy dỗ ba đứa nhóc vì chỉ ở lại đây hai ngày rồi lại biệt tăm trong nhiều tháng, thậm chí là cả năm trời nên việc mắng mỏ, dọa nạt hay chỉ bảo đều không có tác dụng nên tôi đành để người lớn giải quyết ngay khi họ xuất hiện. Cô út trong họ, có lẽ do cô trẻ nhất nên tôi có thể giao tiếp với cô thoải mái nhất, khoảng cách thế hệ cũng nhỏ nhất. Cô bế đứa em út đang khóc lên và dỗ nó bằng cách mắng bố mẹ nó luôn mồm ngay sau khi tách hai đứa còn lại ra bằng cách yêu cầu cô chị đi quét nhà và để đứa còn lại được yên. Cô bắt đầu chửi, có lẽ là tự chửi tự nghe vì cuộc hôn nhân của cô cũng không mấy tốt đẹp:
“Tiên sư cái con này, đẻ cho lắm vào rồi không nuôi, đẻ cho nhiều vào rồi nheo nhóc! Dạy con quét nhà cũng không xong, con gái lớn bằng từng này rồi mà không biết cầm chổi quét nhà! Đứa thứ hai sắp đi học rồi còn không nói sõi! Mày đẻ kiểu gì không biết! Đẻ mà không dạy thì đẻ làm gì?! Rồi bây giờ con mày thì quấy, mày thì bận không dạy không trông, thế đẻ làm gì?!”
Những câu chửi kia vừa có tác dụng làm đứa trẻ trên tay cô ngưng khóc, vừa khiến tôi phải nghĩ ngợi rất nhiều. Đẻ mà không nuôi thì đẻ làm gì? Không đẻ thì cưới sớm làm gì? Chưa rảnh rỗi, còn bận kiếm tiền thì đẻ làm gì? Đẻ xong vứt đấy cho ai dạy? Đến tuổi cưới nhưng chưa đủ tiền, chưa sẵn sàng, chưa chín chắn thì sao còn cưới? Cưới cho ai sướng? Cưới về rồi tối nào cũng quần nhau, rồi tòi ra đứa con trong khi chưa biết gì về nuôi dạy, chưa sẵn sàng để chăm sóc ai khác ngoài chính mình, thế thì cưới làm chi? Cứ bảo đẻ cho xong đi rồi làm ăn, đẻ đi mà có động lực kiếm tiền, thế trong lúc kiếm tiền thì ai dạy con? Đứa nhỏ sinh ra mà không có chút gắn kết với cha mẹ. Cha mẹ đẻ con ra mà không quan tâm nó sinh hoạt thế nào, đẻ cho hết nghĩa vụ với xã hội thì đẻ làm gì? Vừa khiến bản thân vướng víu, vừa làm khổ đứa con, cần gì phải vậy, sao không để khi đủ năng lực tài chính, đủ sự chính chắn và đủ thời gian rồi hẵng cưới, hẵng đẻ?
Thế hệ chú bác của tôi đều đi theo một lối mòn, một mặc định trong đầu rằng cứ đến ngần này tuổi thì phải yêu, ngần này tuổi thì phải đẻ, như một cái máy được lập trình. Cái “nghĩa vụ” kết hôn và sinh nở với tôi giống như một bản án treo sẵn ở trên đầu và chính những người thân trong gia đình là người hành pháp. Khi thời hạn đến, họ sẽ đưa tôi đi hành hình. Thế nhưng liệu cái nghĩa vụ này có đúng? Như những gì các bác các cô vẫn làm với chính mình và những người xung quanh, liệu việc thay vợ thay chồng, bỏ con đi bước nữa, quẳng con cho bà để đi kiếm cơm rồi mặc cho con ngày càng hỗn lão, khó bảo là kết quả mà nghĩa vụ kết hôn mang lại? Nếu là vậy thì dù hình phạt là gì đi nữa, tôi cũng sẽ không tuân theo. Thà rằng mãi mãi cô đơn còn hơn chấp nhận cưới vì nghĩa vụ và tạo ra thêm một thế hệ thiệt thòi và ôm theo sự bất mãn với chính mình mãi về sau.