Kelechi Iheanacho - Tiếng còi
Chuyển ngữ từ bài viết cùng tên của Kelechi Iheanacho trên trang 'The Player’s Tribune’ *** K hi bạn nghe thấy tiếng còi vang...
Chuyển ngữ từ bài viết cùng tên của Kelechi Iheanacho trên trang 'The Player’s Tribune’
***
Khi bạn nghe thấy tiếng còi vang lên ngoài phố, có nghĩa là đã đến lúc chơi bóng. Thứ bóng đá thật sự.
Bạn biết đấy, khi tôi còn nhỏ, tôi rất thích chơi bóng. Nhưng ở nơi tôi sống, phía Nam Nigeria, cuộc sống rất nghèo khó. Mọi thứ rất khó khăn khi bạn chỉ là một đứa trẻ. Mọi người đều phải làm việc rất vất vả để kiếm sống, và gia đình tôi không có điều kiện để mua cho tôi một trái bóng. Hầu hết các bạn của tôi cũng ở hoàn cảnh tương tự, vì thế chúng tôi thường chạy quanh các khu phố và tận dụng bất cứ thứ gì mà chúng tôi tìm được. Chúng tôi thường lấy những chiếc tất, hoặc đôi khi là một trái bóng bay để thay thế.
Chính vì vậy, khi biết được mình sẽ có cơ hội tập luyện với một câu lạc bộ, cùng những trái bóng thật, tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất háo hức.
Hầu hết mọi người không ai sở hữu điện thoại di động hoặc mạng Internet, nên huấn luyện viên của câu lạc bộ phải đi dọc theo con phố nơi chúng tôi sinh sống và tuýt còi. Đó là tín hiệu để thông báo rằng đã đến giờ tập luyện. Bạn biết rằng nếu muốn tham gia, bạn sẽ phải ra ngoài và theo mọi người tới ngôi trường tiểu học ở cuối phố.
Vào một hôm, có lẽ khi đó tôi khoảng 8 hoặc 9 tuổi, tiếng còi vang lên khi tôi đang phụ mẹ rửa bát đĩa. Mẹ biết rằng tôi muốn ra ngoài chơi bóng cùng mọi người, nhưng bà rất lo lắng. Trường học không có sân cỏ. Chúng tôi phải chơi bóng trên nền sân rất cứng và đầy đá sỏi. Không ai có giày để chơi bóng, vì thế chúng tôi phải chơi với chân trần. Nếu ai đó bị ngã, người đó sẽ rất dễ bị thương.
Thực sự tôi không quan tâm đến những điều đó cho lắm, nhưng mẹ tôi là một giáo viên. Bà rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ tôi. Bà luôn muốn tôi tập trung học hành và dành thời gian cho những cuốn sách. Và mẹ tôi tất nhiên không bao giờ muốn tôi chơi bóng đá. Vì thế khi nghe thấy tiếng còi, mẹ liền nói “Kelechi, không, không, không. Con phải ở nhà’.
Tôi trả lời ‘Mẹ đừng lo, con sẽ không đi đâu’.
Nhưng, tất nhiên, tôi biết rằng, chỉ cần mẹ rời khỏi phòng, thì ngay lập tức tôi cũng sẽ rời khỏi đó. Tôi chẳng thể nào làm khác được. Vì khi tôi nghe thấy tiếng còi vang lên, trái tim tôi mách bảo rằng, ĐÃ ĐẾN GIỜ CHƠI BÓNG RỒI.
Nên tôi tiếp tục với việc rửa bát đĩa, từng chút, từng chút một … và ngay khi mẹ tôi rời khỏi căn phòng, tôi nhẹ nhàng đặt chiếc đĩa xuống và chạy ra ngoài để tham gia cùng mọi người. Khi ấy tôi chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi cùng đôi chân trần, nhưng điều đó không còn quan trọng đối với tôi.
Nhưng thật không may, vào buổi tập hôm ấy, một chuyện rất tệ đã xảy ra. Trong trận đấu tập, một cậu bé lớn tuổi hơn đã tắc bóng và đốn ngã tôi. Tất cả mọi người đều đứng sững lại. Khi đó tôi biết rằng có điều gì đó không ổn. Tôi nhìn xuống và thấy chân mình đang chảy máu. Tôi không thể tự đứng vững được. Vì thế huấn luyện viên phải cõng tôi về nhà. Tôi đã khóc trong suốt quãng đường về nhà ngày hôm đó, không chỉ vì vết thương ở chân, mà còn vì lo sợ mẹ sẽ nhìn thấy tôi trong tình trạng này.
Họ đưa tôi về tận nhà. Khi mẹ nhìn thấy tôi, bà nói một cách rất thất vọng ‘Mẹ đã nói con không được đi … nhưng con vẫn đi’.
Ồ không. Bạn không bao giờ muốn nghe những lời đó từ mẹ của mình.
Mọi người đặt tôi nằm xuống, và ngay lập tức mẹ đánh vào mông tôi.
Thông thường, khi mẹ la mắng, tôi có thể chạy đi ngay. Nhưng khi đó chân tôi đau đến mức không thể đứng vững, nên tôi đành nằm đó và chịu phạt. Bà vừa đánh vừa nói ‘Kelechi, mẹ đã nói rằng con sẽ bị đau mà!’.
Khi mẹ nghĩ rằng tôi đã nhận được một bài học, bà bế tôi vào phòng và chăm sóc cho tôi. Nhưng tất nhiên, tôi chẳng thay đổi gì sau chuyện đó. Ngay sau khi chân tôi ổn hơn, tôi lại tiếp tục chơi bóng.
Tôi không biết vì sao, nhưng có lẽ bóng đá đã trở thành đam mê của tôi. Tôi rất, rất, rất thích chơi bóng. Tôi đã thích bóng đá từ khi còn là một đứa trẻ, mặc dù tôi chưa bao giờ có cơ hội được theo dõi các đội bóng lớn. Gia đình chúng tôi không có TV, và ở Nigeria, bạn phải tốn rất nhiều chi phí nếu muốn theo dõi Premier League. Trong thị trấn của chúng tôi, có một nơi được gọi là ‘Trung tâm giải trí’, họ có một chiếc chảo vệ tinh, nhưng bạn phải trả tiền để được vào trong. Phải mất 50 naira (khoảng 15 xu) để được theo dõi một trận đấu ở Premier League, và tôi không có nhiều tiền như vậy. Vì thế chúng tôi thường chơi bóng ở bên ngoài và chờ đợi để được một ai đó kể lại diễn biến sau trận đấu.
Tôi theo dõi Premier League vào những năm 2000 chỉ qua những câu chuyện được kể lại.
Phí để được xem giải Tây Ban Nha thì rẻ hơn một chút. Chỉ mất 30 naira, nên đôi khi tôi dành dụm và xem một trận đấu của Barcelona. Ngay lập tức tôi bị cuốn hút bởi Messi cùng cách anh ấy điều khiển trái bóng bằng đôi chân của mình. Cảm giác sau những lần ít ỏi mà tôi có cơ hội được nhìn Messi chơi bóng, thật sự khó mà tin được. Nhưng khá thú vị rằng ở đó, có rất nhiều người ngồi quanh chỉ một chiếc TV, và họ đều rất giàu tình yêu với câu lạc bộ mà mình hâm mộ. Có thể mọi người sẽ bất ngờ vì Nigeria cách rất xa Tây Ban Nha, nhưng mỗi khi Barcelona gặp Real Madrid, bạn sẽ nghe thấy rất nhiều tiếng la hét và tranh cãi ở đây.
“Messi giỏi hơn!”
“Mày điên à ? Ronaldo giỏi hơn!”
Và tất nhiên là, tranh cãi rồi sẽ dẫn tới xô xát. Vì thế mỗi khi tới đây xem bóng đá, tôi cùng các bạn thường chọn một chỗ ở phía sau, yên lặng tận hưởng trận đấu. Chúng là những kỉ niệm đẹp đối với tôi, vì không phải lúc nào chúng tôi cũng có cơ hội làm việc này.
Khi tôi lên 14 tuổi, tôi bắt đầu chơi bóng cho Taye Academy tại thành phố Owerri, và thế là cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh bóng đá. Tôi ước mơ được chơi cho một câu lạc bộ nổi tiếng, hoặc được đặt chân đến những nơi mà trước đó tôi chưa bao giờ có cơ hội, nhưng tôi luôn cất giữ những tham vọng ấy trong lòng vì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể hoàn thành chúng. Vào năm 2012, khi tôi 15 tuổi, tôi đã giành dụm một số tiền đủ để theo dõi trận đấu cuối cùng của mùa giải Premier League năm ấy. Tôi đã mất một khoản lớn cho trận đấu, vì cuộc đua đến chức vô địch khi đó đang cực kỳ gay cấn. Tôi đã thấy Sergio Aguero ghi bàn thắng quyết định giành chức vô địch về cho Man City – và bàn thắng ấy đã giật chiếc cúp khỏi tay Man United. Trên màn hình TV, Sergio cởi phăng chiếc áo thi đấu và quay nó liên tục, còn mọi người xung quanh tôi như phát cuồng.
Có lẽ đó là trận đấu đầu tiên của Man City mà tôi được theo dõi. Tôi chưa từng đặt chân đến nước Anh. Khi ấy tôi chẳng thể nào biết được rằng, chỉ vài năm nữa thôi, tôi sẽ trở thành đồng đội của Sergio.
Cuối năm đó, tôi nhận được lời mời chơi cho đội tuyển quốc gia Nigeria - U17, và đó thực sự là một cơ hội lớn dành cho tôi. Chúng tôi phải tham gia chuyến tập huấn xa gia đình. Nhưng ngay khi chuyến tập huấn bắt đầu, tôi nhận được tin rằng mẹ tôi đổ bệnh. Tôi không được biết tình hình mẹ mình ra sao - tôi chỉ biết rằng bà bị bệnh. Chuyến tập huấn đó rất dài và gian khổ, vì thế tôi không thể trở về nhà thăm mẹ của mình. Đây là cơ hội để tôi theo đuổi ước mơ của mình. Tin tiếp theo mà tôi nhận được, vài tuần sau, đó là mẹ tôi đã mất.
Thực sự chuyện này rất khó khăn với tôi.
Khi đó tôi rất buồn, và đó là một quãng thời gian rất, rất khó khăn, nhưng tôi phải ở lại và tiếp tục tập luyện. Mẹ rất yêu chúng tôi, và bà luôn muốn tôi phải cố gắng hết sức mình, kể cả khi đó là những trái bóng chứ không phải là những cuốn sách. Vì thế tôi phải tiếp tục bước tới. Năm sau đó, đội tuyển Nigeria của chúng tôi giành được chức vô địch World Cup U17. Tôi ghi được 5 bàn thắng trong giải đấu đó. Sau mỗi bàn thắng, tôi đều hướng đôi tay mình lên bầu trời.
Sau giải đấu ấy, một số câu lạc bộ Châu Âu muốn ký hợp đồng với tôi: Arsenal, Porto và một số câu lạc bộ khác nữa. Trong số đó, tất nhiên là bao gồm cả Manchester City. Tôi không hiểu nhiều lắm về họ. Lúc đó, tôi đã nghĩ mình sẽ chọn Porto, vì tôi biết rằng nhiều cầu thủ Châu Phi đã thành danh tại câu lạc bộ này trong quá khứ. Tôi không nghĩ rằng mình có thể có cơ hội chơi bóng tại City vì họ sở hữu rất nhiều cầu thủ xuất sắc. Nhưng cha tôi đã khuyên tôi nên lựa chọn City vì ông tin rằng tôi có thể thành công tại đây.
Và tôi đã nghe theo lời của cha mình.
Khi đặt chân đến Manchester lần đầu tiên, tôi chỉ mất có 5 giây để nhận ra rằng mọi thứ ở đây hoàn toàn khác biệt so với quê hương mình. Khí hậu lạnh hơn, và người ta cũng làm mọi thứ theo những cách hoàn toàn khác biệt so với cách chúng tôi làm tại Nigeria. Văn hóa ở đây rất khác, mọi thứ đều lạ lẫm. Nhưng tôi biết rằng, mặc dù sẽ gặp khó khăn để làm quen, nhưng đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho tôi và gia đình của tôi nếu tôi thành công tại Manchester.
Phải mất một khoảng thời gian để chứng minh khả năng của bản thân trước khi tôi được triệu tập lên đội hình chính, nhưng mọi thứ mà tôi đã trải qua, tất cả những khoảng thời gian khó khăn ấy, đều đã được đền đáp xứng đáng. Vào tháng 9, tôi đã làm được thứ mà tất cả mọi cậu bé đều mong muốn. Tôi đã bước ra sân vận động Old Trafford, và góp mặt trong đội hình xuất phát của trận Derby Manchester.
Vì tôi chỉ mới 19 tuổi, nên tôi không hy vọng rằng mình sẽ có tên trong đội hình xuất phát. Khi huấn luyện viên trưởng thông báo rằng tôi sẽ được đá chính, tôi tự nói với bản thân mình rằng ‘Chỉ là một trận đấu thôi mà’. Nhưng thực sự, tôi biết rằng đó không phải là một trận đấu bình thường. Bầu không khí cuồng nhiệt sẽ đem đến cho bạn một cảm xúc rất khác biệt ngay khi đặt chân lên thảm cỏ. Đó là một cuộc chiến kéo dài 90 phút tại trận Derby Manchester. Bạn không còn cách nào khác ngoài cống hiến 100% khả năng của mình. Vì thế tôi phải cố gắng tập trung hoàn toàn vào trận đấu.
Khi ấy tỉ số đang là 0-0 ở phút thi đấu thứ 15, và Aleksandar Kolarov hướng một đường bóng dài đến vị trí của tôi. Lúc đó tôi đang quay lưng lại với khung thành, nhưng tôi cảm thấy Kevin De Bruyne đang chuẩn bị thực hiện một pha di chuyển ra cánh. Vì thế tôi nhảy lên và đánh đầu đưa bóng ra phía sau lưng mình. Kevin nhanh chóng đón bóng và ghi một bàn thắng tuyệt đẹp.
Tôi đã rất vui, nhưng vào phút 36, một điều tuyệt vời đã xảy ra. Tôi đang đứng ngay trước khung thành khi cú sút của Kevin đưa bóng chạm khung gỗ. Bóng bật ra và đến chân của tôi. Tôi đã dứt điểm ngay mà chưa kịp suy nghĩ. Tôi quay lại phía trọng tài biên, không thể tin được rằng mình đã ghi bàn. Cờ vẫn rủ. Tôi không việt vị.
Đồng đội chạy đến bên tôi, và cảm xúc của tôi khi đó chỉ có thể miêu tả bằng cụm từ ‘Cảm xúc trong trận Derby Manchester’. Không ai có thể miêu tả cảm giác đó, trừ phi họ đã ghi bàn trong trận derby. Tôi thậm chí còn không thể ăn mừng. Cảm xúc trong tôi khi đó quá dâng trào.
Bốn năm trước, tôi thậm chí không có đủ tiền để theo dõi trận Derby Manchester trên tivi. Còn bây giờ mọi người ở quê hương tôi được chứng kiến tôi ghi bàn thắng này. Có thể ngay ngoài đó, những cậu bé không có đủ 50 naira để trả phí vào cửa vẫn đang chờ đợi với một trái bóng đá hoặc bóng bay. Có thể sẽ có ai đó ra ngoài sau khi trận đấu đã kết thúc và nói với chúng rằng “Manchester City thắng rồi. Kelechi đã ghi bàn”.
Tôi hy vọng có thể cho những đứa trẻ thấy được rằng chúng có thể làm được mọi thứ. Giờ đây mỗi khi trở về Nigeria, tôi thường mang theo một chiếc túi xách, trong đó toàn là áo thi đấu của Manchester City để làm quà cho những đứa trẻ. Nếu bạn tới Owerri bây giờ, bạn sẽ thấy rất nhiều cậu bé chơi bóng trên những con phố, trên người chúng là một chiếc áo màu xanh. Nigeria có rất nhiều người hâm mộ Man City, và sẽ có thêm nhiều người hâm mộ nữa sau mỗi lần tôi trở về nhà.
TÁC GIẢ / KELECHI IHEANACHO
/the-thao
- Hot nhất
- Mới nhất