Kẻ trộm sách _ Liệu có đơn giản là câu chuyện về một kẻ đánh cắp từ ngữ?
Một cuốn sách mà ở đó, không chỉ từ ngữ bị đánh cắp, sự tử tế được nhân lên, nỗi đau bị chia ra mà còn vẽ nên một bức tranh toàn diện...
Một cuốn sách mà ở đó, không chỉ từ ngữ bị đánh cắp, sự tử tế được nhân lên, nỗi đau bị chia ra mà còn vẽ nên một bức tranh toàn diện về cuộc chiến tranh thế giới từng gây ra hơn 50 triệu cái chết cho loài người.
Như bất cứ một cuốn sách nào về chiến tranh, Kẻ trộm sách có nói về những mảnh đời đau khổ. Nhưng không như bất cứ cuốn sách nào về chiến tranh, Kẻ trộm sách có những điều đẹp đẽ đầy đớn đau, của một người giữ lời hứa, của kẻ trộm sách, của một người Do Thái được che dấu dưới tầng hầm, của một người đàn bà độc miệng hay của một cậu trai hồn nhiên.
Điều quan trọng, nó không do người nào kể, mà được tường thuật bởi thần chết. Nhưng không bởi thế mà câu chuyện chỉ nói về sự chết chóc hay những cái chết sẽ xuất hiện thường trực. Chỉ là mỗi lần nói về sự chết chóc, thì nó đều là thảm kịch.
Kẻ trộm sách là những câu chuyện nhỏ gay cấn, hồi hộp, những mẩu chuyện ngắn đẹp, và tử tế, những câu chuyện buồn, tất cả đều diễn ra và hiện diện, hay có liên quan với góc phố Thiên Đàng nghèo đói, với số nhà 33. Đọc cả câu chuyện, bạn không cần phải đuổi theo những tình tiết, nó sẽ đến rất từ từ và khó biết trước được là tốt hay xấu. Bạn cũng sẽ hiểu được một bức tranh toàn diện về thế chiến II, nếu như trước đó bạn đã có một vài kiến thức rời rạc về nó. Bạn cũng sẽ thấy được sự kỳ diệu của từ ngữ, sức mạnh của lòng tử tế và sự mạnh mẽ của những người nhút nhát.
Sau đây là một vài quan điểm của mình khi đọc cuốn sách này.
Sự tàn nhẫn của chiến tranh không chừa một ai
Đúng thế, cho dù là những linh hồn đã được mang trên tay của thần chết trong phòng hơi ngạt, hay một kẻ Do Thái được cưu mang và dứt ra khỏi ánh mặt trời hơn 2 năm, hay một thợ sơn người Đức nghèo khổ ở góc phố Thiên Đàng. Tất cả đều không tránh khỏi sự tàn nhẫn của chiến tranh, là mất mát, là ám ảnh, là khổ đau, là bị tước mất quyền được làm người, đứng dưới ánh mặt trời.
Đã có những cái chết, của những người lính tham gia chiến trận, của một người đàn ông có đôi mắt màu bạc và tâm hồn tử tế, của một bà mẹ có 5 đứa con thơ và một ông chồng đi lính, của 7 đứa trẻ đang ngủ, của một người vợ của một kẻ biết giữ lời hứa, của một người mẹ đã mất hai đứa con, và của vô vàn kẻ khác.
Một vài điều "nhận ra" mà Kẻ trộm sách mang đến
- Vị "quốc trưởng" - cũng là một kẻ lay từ ngữ.
Khác với người lay từ ngữ là nhân vật chính, thì qua bức tranh mà Kẻ trộm sách vẽ lên, Adolf Hitler cũng là một kẻ làm mộng mị dân Đức bằng những từ ngữ vẽ nên bức màn độc đoán của mình.
- Một tâm hồn đẹp đẽ và tử tế
Đó là tâm hồn có đôi mắt màu bạc. Người đàn ông chơi đàn xếp, dù không xuất sắc nhưng nốt nhạc nào cũng tuôn ra những nụ cười.
- Một người giữ lời hứa
và vợ của một người giữ lời hứa, khi đã che dấu một người Do Thái trong căn hầm của gia đình mình, và bên ngoài kia là sự rình rập của Đức Quốc Xã.
- Một tình yêu thương và tử tế được che đậy bởi những từ ngữ xấu xí. Đồ con lợn, bạn biết mà. Đó là người đàn bà, vợ của người chơi đàn xếp, đầu lưỡi luôn tuôn ra những câu mắng nhiếc người khác nhưng trái tim bà lúc nào cũng sẵn sàng trao đi ấm áp và yêu thương khi cần thiết.
- Một tình bạn trong trẻo, giữa một cô bé chạy theo từ ngữ và một cậu bé chạy theo bước chân của Owen.
- Một kẻ vẫn mong muốn có được nụ hôn từ bạn của nó, và cuối cùng nó cũng có được, nhưng trong hình hài một cái xác bầm dập
- Một kẻ mang hơi thở lạnh lẽo luôn lởn vởn quanh từng trang sách - tử thần.
Một bức tranh đẹp khoác lên mình những nét vẽ đau đớn
Nhìn toàn diện nội dung cuốn sách, những tình tiết về chiến tranh không được nhắc đến hay tái hiện một cách thường trực, chi tiết. Cuốn sách cũng không xoáy sâu vào những nỗi đau hay những thảm họa, những bi kịch của chiến tranh thế giới thứ 2. Mà tất cả những đau thương, mất mát, những thảm kịch ấy lại chỉ được điểm bằng những nét vẽ, đôi khi xuất hiện trong một bức tranh mà thần chết thêm vào trong câu chuyện kể về kẻ trộm sách.
Nhưng bạn biết đấy, chỉ cần một nét vẽ, bạn đã có thể mường tượng ra cái thảm kịch khủng khiếp đằng sau nó, một bức tranh trọn vẹn màu đỏ tươi của máu và hoảng loạn. Chính cái khoảng trống mường tượng hiện thực ấy mới là cái khiến bạn cảm thấy sự bi thảm của cuộc chiến.
Câu chuyện, như cái tiêu đề của nó, chỉ kể về những lần trộm sách của một cô bé sinh ra trong thời chiến. Những điểm sáng ở đây có lẽ là tâm hồn tử tế, sự giữ lời hứa, và kết cục - điều này mình không chắc chắn lắm. Nên bạn có thể đọc để quay lại tranh luận xem, liệu kết cục ấy có xem như một điểm sáng hay không, vì mình vẫn còn phân vân lắm.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất