Năm 2020, mình lao đầu vào công cuộc kiếm cơm. Hay nói cách khác, mình đi tìm việc.
Một hôm nào đó như bao hôm nào, mình có phỏng vấn. Phỏng vấn online, tại lúc đó đang dịch dã căng đét. Mình chuẩn bị xong xuôi, mặc hẳn sơ mi, ra cái vẻ tươm tất. Rồi mình vào sớm 2 phút, con số mà lúc đấy mình nghĩ sẽ vừa tỏ vẻ chuyên nghiệp vừa trông không quá vồ vập tấn tới.
Đến giờ phỏng vấn, chưa thấy ai. Quá 2 phút, vẫn chưa thấy ai. Quá 5 phút, mình vẫn ngồi đần thối nhìn màn hình.
Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ. Sao chẳng thấy ai?
Cuối cùng thì người phỏng vấn mình cũng vào ở phút 8. Buổi phỏng vấn diễn ra như thường lệ, và không thể thiếu vài câu xin lỗi nhẹ nhàng của người đến muộn và vài câu không sao đâu đầy chân tình của người ngồi đợi.
Vài tiếng sau buổi phỏng vấn, mình nhận mail từ HR. Trong mail có vài dòng xin lỗi vì người phỏng vấn đến muộn.
Kèm một voucher tiki 500k.
Chờ 8 phút được hẳn 500k. Ngon vcl.
Cơ mà chẳng biết mua gì. Thế là mình vào xem sách, ngó vài cuốn trông có vẻ bán chạy, miễn là không self-help hoặc thần số học hay tarot linh tinh, rồi cố đặt cho khít 500k.
Mình vẫn nhớ như in, mình đặt 4 cuốn, gồm có “Economix”, “Con đường Hồi giáo”, “Những nhà khám phá”, “Lược sử tôn giáo”.
Từ 4 cuốn này mà thói quen đọc của mình hình thành, khởi động kế hoạch chống mù chữ, tính đến nay đã được gần 5 năm.
Nhìn lại kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mình tạm chia khẩu vị đọc thành vài nhóm chính:
1. Lịch sử
Topic này thực sự rất rộng và dàn trải.
Về cơ bản thì mình thích đọc về quá trình hình thành và phát triển của một thứ gì đó cụ thể, hay còn gọi là microhistory, kiểu kiểu như history of X, lịch sử của Y.
Từ đây, mình tiếp cận qua 2 bước: đầu tiên mình tìm những sách mang tính lược sử về 1 chủ đề nào đó, rồi sau đó sẽ đọc thêm những sách có nội dung sâu hơn.
Việc này giống như chơi ghép hình (jigsaw puzzle): ban đầu các mảnh ghép sẽ rời rạc và lẻ tẻ, nhưng khi càng có nhiều mảnh ghép xuất hiện, có thể connect the dots và bức tranh lớn sẽ dần hiện ra.
1a. Lược sử
Mấy năm gần đây, xuất hiện nhiều bộ sách lược sử trên thị trường. Điển hình nhất là bộ Khái lược của Đông A, và bộ Lược sử của Nhã Nam.
Theo mình, bộ Khái lược của Đông A vượt trội hẳn về cả nội dung, cách trình bày, sự đa dạng (và về giá). Bộ sách Khái lược này có rất nhiều chủ đề, ví dụ như Chính trị, Tôn giáo, Triết học, Pháp luật, Nghệ thuật, Kinh tế, Tâm lý học, Xã hội học, Y học, Khoa học, Văn học, Thiên Văn học, Sinh thái học, Sinh học.
Bộ Lược sử của Nhã Nam thì đơn giản hơn, tóm tắt hơn, và rẻ hơn. Bộ Lược sử này có Tôn giáo, Triết học, Khoa học, Kinh tế và Ngôn ngữ (gần đây đã có thêm 2 cuốn về Khảo cổ và Âm nhạc).
Tuy bộ Khái lược của Đông A hay hơn, nhưng mình vẫn sẽ follow cả 2 bộ sách này, vì nội dung 2 bộ có tính bổ sung và bù trừ cho nhau.
Một điều mình học được sau khi đọc kha khá sách lược sử, đó là giữ mindset về việc sách lược sử chỉ mang tính khái quát và cưỡi ngựa xem hoa thôi, đừng nghĩ bản thân biết tuốt sau khi đọc được vài ba đầu sách lược sử.
Từ những kiến thức khái quát, mình tìm hiểu thêm vào một số chủ đề sau:
1b. Nhân học
Nghe có vẻ to tát, nhưng về cơ bản thì mình đọc thêm về lịch sử của xã hội loài người.
Cuốn sách nổi tiếng nhất của topic này, chắc ai cũng nhận ra, là “Sapiens” của học giả Yuval Harari, nói về quá trình phát triển của loài người. Gần đây Harari mới ra mắt cuốn “Nexus”, nói về lịch sử của các mạng lưới thông tin của con người.
Ngoài ra, mình còn cày thêm bộ 4 cuốn của Jared Diamond, gồm có:
- “Súng, Vi trùng và thép”: nói về cách mà địa lý định hình số phận các dân tộc
- “Sụp đổ”: nói về cách mà các xã hội con người sụp đổ
- “Biến động”: nói về cách con người đối phó với các khủng hoảng
- “Thế giới cho đến ngày hôm qua”: nói về văn hoá của các xã hội truyền thống
1c. Lịch sử nghệ thuật
Có một cuốn mà mình nghĩ là cực kì nên đọc để nắm được tổng quan về lịch sử nghệ thuật (chủ yếu là về hội hoạ, ngoài ra còn có kiến trúc và điêu khắc) từ thời tiền sử đến thời hiện đại, tên là “Câu chuyện nghệ thuật”. Cuốn này vừa đắt, vừa nặng (literally nặng, gần 2kg), vừa dày (~700 trang), nhưng rất đáng tiền, vì vừa được đọc vừa có tranh để xem, cực kỳ trực quan và dễ hiểu.
Ngoài ra, mình có đọc thêm cuốn “…isms - Hiểu về nghệ thuật hiện đại“ để nắm được cơ bản các trường phái hội hoạ có đặc điểm gì, ra đời lúc nào, có những tác phẩm và hoạ sĩ tiêu biểu nào. Các trường phái hội hoạ thường có tên như Impressionism (Ấn tượng), Expressionism (Biểu đạt), Symbolism (Biểu tượng), và cuốn này lấy tên từ cái đuôi “ism” của các trường phái hội hoạ.
1d. Lịch sử kinh tế
Từ 2 cuốn “Khái lược Kinh tế” và “Lược sử Kinh Tế”, mình tìm hiểu thêm vài cuốn về lịch sử kinh tế và tài chính, có thể nêu ra vài ví dụ tiêu biểu như sau:
- “Economix”: lịch sử kinh tế học bằng truyện tranh
- “Đồng tiền lên ngôi”: lịch sử nền tài chính thế giới
- “Doing good better“: góc nhìn lý trí và kinh tế của việc làm từ thiện. Mình có nhắc đến cuốn này ở bài Cứu người một cách lí trí.
- “Thảm hoạ khí hậu”: kế hoạch tổng quan để đạt được Net Zero (phát thải ròng carbon bằng 0). Mình có nhắc đến cuốn này ở bài Công nghệ sạch.
- “Lịch sử giao thương“: nói về lịch sử của ngành thương mại, từ những đoàn thuyền buôn ngũ cốc thời cổ đại đến con đường tơ lụa và những chuyến tàu chở gia vị, rồi đến thời hiện đại là mạng lưới giao thương toàn cầu.
- Và gần đây nhất là cuốn “Tiền - sự thật về một thứ không có thật“: nói về lịch sử của tiền, khái niệm về tiền, và các hình thái của tiền trong xã hội con người.
1e. Đô thị
Mình rất thích đọc về đô thị, về cách mà các thành phố đã đẩy nhanh quá trình phát triển của xã hội. Có vài cuốn về đô thị tiêu biểu như:
- “Chiến thắng của đô thị”: nói về sự tối ưu của đô thị so với nông thôn, về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, lý giải vì sao con người càng ngày càng dồn đến sống ở các đô thị.
- “Đời sống vỉa hè Sài Gòn”: nói về quá trình phát triển của đường phố Sài Gòn và cách mà đời sống vỉa hè tạo nên nét đặc trưng của Sài Gòn.
- “Metropolis”: mình đã review ở note này, về cơ bản thì cuốn này đi từ sự hình thành của những đô thị đầu tiên ở vùng Lưỡng Hà, tìm hiểu lý do mà con người tụ tập để tạo thành những đô thị lớn, và cách mà đô thị làm văn minh nhân loại phát triển ngày càng nhanh.
- “Đô thị vị nhân sinh“: nói về các yếu tố tạo nên một thành phố an toàn, thân thiện, đáng sống và "vì con người” (vị nhân sinh). Mình có nhắc đến cuốn này ở bài Thế nào là một thành phố an toàn.
1f. Chính trị
Mình chưa đọc nhiều về chính trị, chủ yếu là lướt qua vài cuốn như sau.
- Thứ nhất là cuốn “Tù nhân của địa lý“, nói về việc vị trí địa lý có vai trò thế nào trong chính trị.
- Thứ hai là cuốn “Chết cho màu cờ“, nói về ý nghĩa và vai trò biểu tượng của lá cờ trong nền chính trị của các quốc gia.
- Thứ 3 là bộ 2 cuốn “Nguồn gốc trật tự chính trị“ và “Trật tự chính trị & suy tàn chính trị“, nói về lịch sử hình thành của các thể chế và hình thái chính trị.
1g. Lịch sử ngôn ngữ
Ngôn ngữ cũng là một chủ đề mình mới chỉ lướt qua, thông qua vài cuốn lẻ tẻ như:
- “Câu chuyện ngôn ngữ”: nói về từng bước phát triển của ngôn ngữ trong xã hội con người
- “Lược sử ngôn ngữ”: cuốn này đi sâu hơn, trải dài từ việc hình thành những hình thái giao tiếp ở động vật, tiến hoá thành ngôn ngữ đơn giản của con người, dần dà trở nên phức tạp và nhiều lớp lang nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp.
- “Các đế chế ngôn từ”: cuốn này nói về lịch sử của các nhóm ngôn ngữ lớn, như tiếng Aram (ở vùng Lưỡng Hà), tiếng Hy Lạp, tiếng Latin, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Ả Rập. Cuốn này thực sự có rất nhiều thông tin, nhiều đến mức dễ khiến người đọc không chuyên như mình dễ ngộp và bị lost trong đống kiến thức ngôn ngữ học quá sâu.
1h. Lịch sử khoa học
Mình thích đọc lịch sử. Mình cũng thích đọc về khoa học. Vậy nên lịch sử khoa học sẽ là perfect combo. Có vài cuốn mình khá ưng về topic này:
- “Những nhà khám phá”: cuốn này cực kỳ hay, nói về hành trình phát kiến khoa học dài hơi của con người từ thời cổ đại đến nay, xoay quanh 4 trụ cột chính là các phát kiến về thời gian, không gian, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
- “Năng lượng: lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân”: khác với thuật ngữ “năng lượng” mà các mẹ tarot reader hay dùng, cuốn này nói về lịch sử của các nguồn năng lượng mà con người sử dụng, đi từ các hình thức đơn sơ như củi, than, cho đến xăng dầu, khí đốt, và rồi là nguyên liệu hạt nhân.
- “The magic of reality”: một cuốn sách nhẹ nhàng tình cảm mang tính khoa học thường thức, nói về bản chất của các khái niệm khoa học quan trọng như thuyết tiến hoá, vật lý lượng tử, thiên văn học, địa chất, được bôi trơn bởi cách dẫn dắt của Richard Dawkins (tác giả cuốn Gene vị kỉ).
2. Khoa học
Vâng, vẫn là một topic rộng và dàn trải.
Mình sẽ đi vào từng nhánh nhỏ mà mình đã đọc qua:
2a. Công nghệ
Mình thích tìm hiểu về các công nghệ, cả những thứ hiện đang vận hành thế giới và những thứ đang được phát triển và hứa hẹn định hình tương lai.
- “Engineering in plain sight”: cuốn này đến từ kênh Youtube Practical Engineering, một kênh rất nổi tiếng về xây dựng. Cuốn này nói về các công nghệ được dùng trong xây dựng, viễn thông, và hạ tầng cung cấp.
- “Lính trơn”: một cuốn sách khá vui về các công nghệ trong quân đội, chú trọng vào những chi tiết mà thường sẽ bị bỏ lơ, như là quần áo cho binh sĩ, xử lý vấn đề tiêu chảy, quân trang chống bỏng, và cách giữ nhịp sinh học cho lính tàu ngầm.
- “Khăn gói lên sao hoả”: cùng tác giả với cuốn “Lính trơn”, cuốn này nói về các vấn đề lặt vặt nhưng vô cùng quan trọng trước khi cho các phi hành gia bay vào vũ trụ, có thể nói đến như tâm lý của các phi hành gia, đồ ăn và dinh dưỡng, xử lý chất thải, đảm bảo đời sống tình dục cho các phi hành gia, khác biệt văn hoá của các thành viên.
2b. Sinh học
Mình vốn rất dốt mảng hoá và sinh, vậy nên mình có đọc thêm vài cuốn để cố cứu sự hổng kiến thức này. Từ 3 cuốn “Khái lược Y học”, “Khái lược Sinh học”, “Khái lược Sinh thái học”, mình đỡ sợ và thử đọc thêm về topic này, cho dù hiểu biết vẫn đang rất mất gốc và nông cạn.
- “Miễn dịch”: cuốn này thì quả thật là một trong những cuốn hay nhất mình từng đọc. Vốn đến từ Philipp Dettmer, chủ kênh Youtube Kurzgesagt, kênh Youtube lớn nhất về khoa học, nên là cả về cách kể chuyện, cách minh hoạ, và kiến thức đều không thể chê được. Để biến kiến thức về sinh học, lại còn là nhánh miễn dịch học nằm trong sinh học, vốn vô cùng khô khan bí hiểm, thành kiến thức thường thức dễ ngấm dễ hiểu, Philipp Dettmer quả là vô cùng tài năng.
- “Atlas giải phẫu cơ thể người“: một cuốn sách thuần tuý về giải phẫu. Mình đọc một lượt để nắm được cơ bản cơ thể con người có những thành phần gì, được sắp xếp như nào, và hoạt động ra sao.
2c. Vật lý
Mình cực kỳ thích đọc về vũ trụ, về vật lý lượng tử, khoa học vũ trụ và thiên văn học. Có vài cuốn đã khá nổi tiếng, như “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ“, “Bản thiết kế vĩ đại”, “Phương trình của Chúa”, “Vũ trụ”.
Ngoài ra, có 2 cuốn ít tập trung vào khoa học, mà thêm vào nhiều góc nhìn về tương lai nhân loại và vị trí của con người trong vũ trụ, ví dụ như cuốn “Đốm xanh mờ“ (mình có nhắc đến trong note này) và “Unlocking the universe“.
3. Triết học
Từ 2 cuốn “Khái lược Triết học” và “Lược sử Triết học” (mà mình nhắc đến ở bài Lược sử triết học), mình có hứng đọc thêm vài cuốn mang tính khái quát về triết học, ví dụ như:
- “Plato và thú mỏ vịt” và “Heidegger và hà mã”: 2 cuốn này giới thiệu các khái niệm triết học thông qua các joke và truyện ngụ ngôn, đọc khá vui.
- “50 ý tưởng triết học”: cuốn này đi qua các trường phái triết học chính trong lịch sử.
- “Phải trái đúng sai”: mình có review trong note này, cuốn này nói về đạo đức và các tình huống mà đạo đức đi vào vùng xám, khó phân biệt phải trái đúng sai rõ ràng.
4. Ăn uống
Mình rất thích đọc về ăn uống. Cả về khoa học của việc ăn uống, tới lịch sử các loại thực phẩm, và cả văn học review ẩm thực. Mình có thể kể ra vài ví dụ tiêu biểu:
- “Thế lưỡng nan của loài ăn tạp”: mổ xẻ phân tích các chuỗi thức ăn, từ những chuỗi thức ăn phức tạp và đan xen, biến thành những chuỗi thức ăn đơn điệu, nơi mà con người ăn ngô và các sản phẩm từ ngô, động vật ăn ngô rồi con người ăn động vật, phân động vật ăn ngô được bón cho cây ngô.
- “Câu chuyện thực phẩm”: một cuốn sách với rất nhiều hình ảnh minh hoạ trực quan, về lịch sử của các nguyên liệu mà ta ăn hàng ngày.
- “Rice and Baguette”: nói về lịch sử của việc ăn uống ở Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, mình có nhắc đến ở bài Ngàn năm cơm chan mắm chấm.
- “Hà nội băm sáu phố phường”, “Miếng ngon hà nội”, “Thương nhớ mười hai“: văn tả đồ ăn của các cụ ngày xưa luôn có một sự khác biệt và vượt trội, do câu chuyện ăn uống được đặt trong bối cảnh xã hội và bối cảnh cuộc đời người ăn, đem thêm nhiều chiều sâu hơn là chỉ nói về nguyên liệu và hương vị.
- “Nửa vòng trái đất uống một ly trà”: một tác phẩm hiện đại, phiêu lưu (review đồ ăn của nhiều nước), chân thật đến mức thẳng như ruột ngựa. Tác giả sẽ thẳng thắn chê nếu không hợp khẩu vị. Với mình, cách nhận xét thẳng thắn này là làn gió mới, khác biệt với lối mòn thảo mai gì-cũng-khen của hàng ngàn người review ẩm thực khác.
5. Fiction
Mình vốn không thích đọc fiction, vì mình luôn tin rằng đọc sách nonfic như khoa học, lịch sử các thứ thì có nhiều kiến thức hơn.
Vậy là mình thử nhúng chân vào fiction thông qua một middle ground là science fiction (sci-fi) vì có yếu tố khoa học =)))))
Và niềm tin không-đọc-fiction này đã bị thách thức khi vài tác phẩm sci-fi mình đọc đem lại trải nghiệm khá tốt, như là bộ 3 cuốn “Tam thể”, “Khu rừng đen tối“, “Tử thần sống mãi”, các cuốn khác như “Dune”, “Tôi, Robot” hay “451 độ F”. Mình đã review vài cuốn trong note này.
Tổng kết
Qua 5 năm, mình thấy mình hiểu biết hơn, bận rộn hơn, tự tin hơn, bớt mù chữ hơn, và quan trọng nhất, là tò mò hơn bao giờ hết.
Mình biết đến những mảng kiến thức mà có thể mình sẽ chẳng bao giờ nghe đến trong đời.
Mình hiểu thêm về cách mà thế giới hoạt động, qua các yếu tố đan xen chồng chéo.
Thế giới quan của mình mở rộng hơn.
Mình dành ít thời gian doom-scrolling hơn, vì lúc nào cũng có một ý tưởng hay topic gì đó để tìm hiểu.
What’s next?
Nhìn lại kế hoạch xoá mù chữ 5 năm lần thứ nhất, có thể gọi là mình đang ở trạng thái cưỡi ngựa xem hoa: tận lực mở rộng số lượng topic nhiều nhất có thể, và tìm hiểu mỗi thứ một chút.
Vậy, kế hoạch 5 năm lần thứ 2 sẽ có gì:
- Thứ nhất, mình vẫn sẽ làm những thứ mà mình vẫn làm 5 năm vừa rồi. Mình vẫn sẽ tìm hiểu sơ lược về nhiều topic nhất có thể, nhằm lọc ra những gì mình thực sự hứng thú để tìm hiểu lâu dài. Một số topic mình muốn ngó thêm có thể kể đến là hoá học, toán học, tâm lý học, xã hội học, tôn giáo. Ngoài ra mình vẫn sẽ đào thêm những chủ đề mình đang tìm hiểu sơ qua như chính trị, ngôn ngữ, đô thị, nghệ thuật, khoa học.
- Thứ hai, mình sẽ bổ sung kiến thức căn bản cho những topic mình muốn tìm hiểu lâu dài. Bữa trước đọc bài của Trần Tiến (từng viết cho Monster Box), mình khá đồng tình với điểm này:
Rõ ràng, khi muốn học kiến thức mới, chẳng gì tốt bằng đọc sách giáo khoa cả. Có thể bạn có định kiến khi nghe tới cụm "sách giáo khoa", nghĩ rằng nó khô cứng, nhàm chán hoặc giáo điều. Thực ra, những cuốn sách hay nhất tôi từng đọc đều là sách giáo khoa, chúng thường có đặc điểm sau: - Ngắn gọn, trình bày khoa học, tập trung vào chủ đề chính - Dễ hiểu, dẫn dắt tốt và thân thiện với người mới - Được đảm bảo, cập nhật liên tục bởi hệ thống hàn lâm, học thuật thế giới gồm nhiều bên từ cơ quan quản lý, nhà xuất bản, đội ngũ tác giả và các giáo sư trong ngành - Được thiết kế để dạy bạn kiến thức, kỹ năng - Kiến thức có tính liên kết cao, gồm nhiều câu chuyện thú vị, điểm mặt nhiều nhân vật và sự kiện quan trọng Chỉ đọc sách thường thức có thể cho bạn cảm giác ngưỡng mộ tri thức chứ không phải nắm được tri thức. Sự ngưỡng mộ ấy có thể khiến bạn trở nên xa cách với tri thức, chứ không phải gần nó hơn, bởi bạn tự có tâm lý "thứ phức tạp này có thể thống trị tôi chứ không phải ngược lại". Để thực sự nắm được kiến thức căn bản, mình sẽ phải đọc thêm sách giáo khoa của các chủ đề mình thích, nhằm tránh tâm lý “ngưỡng mộ kiến thức“ thay vì “nắm được kiến thức“.
- Thứ ba, mình sẽ dành thêm thời gian cho fiction. Đọc cuốn “Khái lược văn học“, mình thấy rằng văn học là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc định hình văn hoá và lịch sử của xã hội con người. Trước mắt mình sẽ tìm hiểu các tác phẩm văn học kinh điển, vừa là để tìm hiểu văn hoá của các xã hội ở nhiều thời kỳ, cũng vừa để cải thiện văn phong và vốn liếng ngôn ngữ, tránh bị bó hẹp trong cách viết rõ ràng và thiếu bay bổng của nonfic.
Hẹn gặp lại bài này vào 5 năm tới.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất