Dạo này trong đầu tôi toàn những suy nghĩ được tua về cái thời "ở truồng tắm mưa". Tự nhiên tôi thấy thèm cái thời đó một cách kỳ lạ.
Hay là tôi đã già rồi nhỉ? Người ta hay nói "cho tôi xin một vé về tuổi thơ", còn tôi, cần lắm một người bán, để tôi mua...
Những ngày hè và "đời sống trên cây".
Hè của tôi thời con nít không có vụ đi học thêm học bớt gì đâu. Được đi chơi, cả ngày. Tôi toàn chơi với bọn con trai, khi đám con gái ở nhà nấu cơm nấu nước, tắm rửa sạch sẽ chơi với tụi chó mèo thì tôi đầu trần tóc hôi, lê la theo tụi con trai. Tụi nó leo cây, tôi leo cây. Từ cây rừa, cây ổi, cây dừa, cây mù u hay cây đào gì tôi cũng đã leo nốt. Có hè, tôi đóng quân trên cây rừa bự chảng, sáng bảnh mắt tôi đã có mặt trên cây chờ đồng bọn, tới trưa mẹ kêu về ăn cơm rồi chiều lại hẹn nhau đúng giờ có mặt.
(có khi tôi ham vui không chịu về, mẹ xách roi tôi mới cam tâm tình nguyện, và đương nhiên là mếu máo kèm điệu bộ luyến tiếc lắm kìa).
Thật ra, nhìn lại thì leo cây cũng hơi nguy hiểm thật, nhưng tụi tôi đâu có nghĩ tới, và dưới quê tôi ba mẹ cũng không cưng con như cưng trứng. Tụi tôi  cũng có té chứ (có khi ná thở) mà giấu không hé kẻ răng. Ai đã từng rồi mới hiểu, ngồi trên một cành cây chắc chắn, có tán che mát, lại có gió thổi đều đều không gì sướng bằng. Có lần tôi trốn đi cả ngày mà vẫn không thấy đói, vì đã có một bụng ổi rồi.
Rồi thì bắt cá cạn, bắt ốc bươu vàng 
Nhà ai gần ruộng gần đồng mới thấu được cái sự hấp dẫn của tụi cá mắc cạn. Tôi vẫn mê nhất loại cá mắc cạn trong ruộng, nước được dẫn vào ruộng, cá cũng vào theo, nhưng khi nước rút nhanh, tụi cá đương nhiên bị mắc lại. Tụi nó nằm phơi mình trong bùn "mời gọi" (có một ít nước), và tôi chỉ việc đi tới hốt trọn "ổ cá" đó mà thôi. Cá nhỏ, nhưng nhiều, nhiều lắm.
"ổ cá cạn" trong ký ức của tôi phê hơn kiểu này nhiều...
Lại cái trò bắt ốc bươu vàng bán cho mấy nhà có vịt, thời của tôi vụ ốc bươu vàng mới nở rộ, đi bắt miết mà không hết. Mỗi ký ốc được năm trăm đồng. Có hôm nghỉ học, tôi mò mò trong ruộng nhà người ta cả buổi sáng chán chê, tôi về bị người ta bán vốn, do làm ngã lúa người ta (không hiểu sao mẹ tôi chẳng la tiếng nào). Tôi nhớ in cái lần bán ốc được một ngàn rưỡi, ca na cúm núm cột thun mấy vòng, rồi không hiểu cất giấu thế nào, lại bị con chó cắn tha đi mất (hồi đó nhà tôi có con chó tên Hốp Phi, nó chuyên gia làm mấy chuyện đó). Tôi khóc ầm lên, đến nỗi mẹ nói mẹ cho tôi hai ngàn bù lại tôi vẫn không chịu. Kết quả là cả nhà tôi (5 người - tính cả tôi) xịt đèn pin đi kiếm một ngàn rưỡi đó. Cuối cùng, ba tôi kiếm được tờ một ngàn không trọn vẹn nằm dưới hàng rào cây, tôi nín khóc.
Chẳng nhớ và cũng không hiểu sao lúc đó tôi khóc dữ vậy.
Con chim đầu tiên bị bắn chết
Cái trò làm nạn thun bắn chim (hình như còn có tên là ná), bắn rắn mối chắc cũng không còn xa lạ gì. Tôi mà mê cái gì là đeo đuổi lâu dữ lắm. Phải lựa những khúc cây thiệt đẹp, quấn thun thiệt chuẩn để làm ra 3 - 4 cái nạn thun. Còn phải lựa đất làm đạn, vò viên cất cẩn thận với niềm ao ước bắn được một con chim nào đó. Tôi thấy tụi con trai làm được, tôi thì không, nên thèm muốn lắm. Cứ nghĩ tới chuyện bắn được một con chim chóc chóc nào đó mà tim tôi mừng rơn.
* Chim chóc chóc: tụi con trai kêu thế, tôi chẳng biết thật sự có loài này thật không, tụi này mê trái rừa chín.
Vậy rồi, trong những ngày cuối cùng của mùa hè năm lớp 6, tôi bắn được một con thật. Tim tôi như ngừng lại khi thấy con chim lảo đảo rồi té xuống bụi dừa nước. Đem con chim về, tôi thông báo với mẹ là tôi bắn được con chim rồi, xong xuôi đi ra hè đào mộ chôn nó (còn cấm thêm 3 khúc cây làm ba cây nhan). Tôi không vui như tôi vẫn nghĩ.
(đó là con chim đầu tiên và cũng là con chim cuối cùng tôi bắn chết, tôi nghỉ chơi nạn thun từ đó)
Nếu ngồi đây kể, không biết đến khi nào mới hết được những trò hồi tuổi thơ. Từ những ngày cởi truồng tắm mưa, trốn nhà kéo đồng bọn tắm sông, tắm đìa với nỗi ám ảnh cá sấu ăn thịt, ma da bắt đi. Rồi những khi đi mò hến, đốn dừa nước, đi hái cao trộm nhà người ta (với mong ước cháy bổng là bán được tám ngàn đồng để dành mua cà rem của ông Bí). 
Khi mọi thứ như đang tràn trong não, tôi chỉ muốn được viết ra. 
.
.
Ai cho ai xin một vé về tuổi thơ?
Ai bán vé cho tôi về tuổi thơ?