Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ - Lấy ai mà...
Dịch từ bài gốc của Andru Okun trên Lithub --- Ở vai vế một lực lượng văn hóa-xã hội, một lực lượng vật chất, du...
Dịch từ bài gốc của Andru Okun trên Lithub
---
Ở vai vế một lực lượng văn hóa-xã hội, một lực lượng vật chất, du lịch đã trở nên hùng cường tới mức không sao còn hiểu được nổi. Khó khăn khi muốn ra sức thấu hiểu về du lịch đòi hỏi chúng ta phải chia nhỏ nó ra thành nhiều phần, một thực thành không khác mấy với bản thân hành vi du lịch: Chúng ta không đời nào có thể hấp thụ trọn vẹn những nơi chốn đến tham quan, thế là chúng ta tạo ra những ấn tượng từ những mảnh ghép, những mẩu ghép.
Dẫu thế, chỗ quà lưu niệm hữu hình rồi cũng phôi phai, mai một; khi ai đó muốn nhìn, chúng ta chẳng còn gì để bày cho họ thấy. Ảnh chụp đưa ra một giải pháp, cho phép chúng ta cơi chứa ký ức và những thời khắc thoáng qua. Dẫu hành động giương máy hay điện thoại chụp ảnh từ lâu đã trở thành một bản năng thứ hai, khám nghiệm nguồn gốc của việc làm này lại đưa ra một liên hệ lý thú cho thời điểm của chúng ta hiện tại. Dẫu có thể truy cứu nhu cầu lưu lại về những ngày tháng đầu tiên của du lịch nghỉ mát, xung đột vũ trang và một đại dịch toàn cầu quả tình đã đóng kín và củng cố vai trò của ảnh chụp vào nền văn hóa đại chúng. Đại chiến Thứ Nhất cùng đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 dẫn tới tình trạng mà sử gia Tammy S. Gordon gọi là “một ca cấp cứu ký ức.” Đối diện cái chết, nhu cầu muốn tạo ra một lưu trữ bằng hình ảnh về cuộc sống tăng cao. Dường như đó mà một nhu cầu mà từ đó đến nay chúng ta vẫn luôn mang theo mình.
Máy ảnh phim cầm tay đầu tiên ra đời năm 1888. Phát minh bởi nhà khởi nghiệp người Mỹ George Eastman và sản xuất tại Rochester, New York, máy ảnh Kodak ban đầu bán với giá 25 đôla. “Bạn bấm nút, còn lại chúng tôi lo,” là câu slogan quảng cáo, nêu bật lên sự dễ dàng chưa từng có trong việc tạo ra hình ảnh. Bất cứ người dùng nào dù không có kiến thức về nhiếp ảnh cũng có thể chụp đầy một cuộn phim, rồi gửi máy ảnh tới hãng Kodak - công ty sẽ chuyển trả lại máy ảnh cùng một cuộn phim mới, cùng ảnh đã tráng.
Năm 1990, Eastman Kodak trình làng Brownie. Giống như máy Kodak, chiếc máy ảnh Brownie cũng được kháo nhau bởi tính dễ dùng, dễ tới mức lúc đầu họ còn định hướng dành cho thiếu nhi. Cùng với sự thuận tiện cho người dùng và gọn gàng, giá cả cũng phải chăng. Giá bán lẻ chỉ 1 đôla, Brownie khiến việc chụp ảnh dễ dàng vương tới đủ mọi đám đông, góp phần định hình trở lại hành vi văn hóa hoài cổ và cũng tạo ra một sự phụ thuộc vào nhiếp ảnh như một phương tiện ghi nhớ.
Như Gordon chỉ ra trong quyển sách gần đây nhất Sản xuất đại trà Ký ức: Du lịch và Lưu trữ cá nhân thời đại Kodak, quá trình công nghiệp hóa khiến cảm thức về thời gian thay đổi khi cuộc sống ngày càng nhanh hơn. Trước tiến bộ về công nghệ lớn lao, nhiếp ảnh cung cấp một phương thức để ghi lại cuộc sống lẫn “những cảnh tượng và con người không khỏi bị thay đổi mãi mãi bởi thời hiện đại.” Đồng thời, nhiếp ảnh cũng góp phần vào quá trình tăng tốc, khi máy ảnh cá nhân khuyến khích một xu hướng chuyển hóa thời gian rảnh thành công việc.
Để hiểu rõ tập quán này - thứ tập quán mà mới đây thôi khi tôi kiểm tra vẫn còn trơ trơ - hãy thử nghĩ tới một kỳ nghỉ mát. “Một kỳ nghỉ mát không có máy ảnh Kodak là một kỳ nghỉ hoang phí,” một quảng cáo của Eastman Kodak hồi 1902 đã viết. Tập trung vào cái có vẻ như là thiên bẩm của chúng ta muốn ghi chép lại cuộc sống để lưu lại cho con cháu, công ty Kodak rao bán chiếc máy ảnh không chỉ như một công cụ để tiêu khiển, mà còn là một đặc tính thiết yếu của tiêu khiển. Việc ghi chép lại mọi thứ trở thành một phần của tham quan thăm thú.
Mãi từ Grand Tour - kiểu thực hành xưa cũ, ra đời từ thế kỷ 16, của nam giới trẻ tuổi, thượng lưu Châu Âu tham gia những chuyến đi dài hơi ở nước ngoài để phục vụ cho việc học - việc tự ghi chép đã trở thành một phần quan trọng trong trải nghiệm du lịch. Tranh sơn dầu vẽ một quý tộc trẻ đứng trước một tàn tích chính là tiền đề cho cảnh tượng một millenial ở trần đứng trên đỉnh núi dùng làm hình tài khoản hồ sơ hẹn hò. Những hình ảnh ấy hướng chúng ta đến phẩm giá của bản thân, thúc đẩy những liên tưởng giữa sự di chuyển đó đây với sự chinh phục. Đến một nơi là một chuyện, họ bảo; nhưng có chứng cứ lại là một chuyện khác.
Cũng như việc hiện đại hóa đã cho phép chân dung du lịch đến tay mọi người, hiện đại hóa cũng khiến điều kiện du lịch thuộc về đám đông công chúng. Ở nửa sau thế kỷ 20, hàng không giá rẻ và kỳ nghỉ trả trước đã góp phần khiến việc du lịch vòng quanh thế giới trở thành một phần trong văn hóa đại chúng và một hòn đá tảng của kinh tế toàn cầu. Năm 1950, chỉ có 25 triệu lượt du khách quốc tế; năm 2019, có 1,5 tỷ lượt. Du lịch ngày nay sản sinh ra 10% GDP toàn cầu và sử dụng 1/10 nhân công toàn thế giới.
Hay chí ít nó đã từng như thế, trước khi mọi thứ đổi thay. Tháng Mười hai vừa rồi, Tổ chức Du lịch Thế giới công bố 2020 là “năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành du lịch.” Du lịch quốc tế giảm hơn 70%, đẩy lùi ngành du lịch về mức tăng trưởng của năm 1999. Về thiệt hại kinh tế, đại dịch COVID-19 gây thiệt hại gấp 10 lần khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.
“Đại dịch đã chứng minh vai trò trung tâm của ngành du lịch khi ngành này bị loại trừ,” nhà báo và lý thuyết xã hội người Ý Marco d’Eramo tuyên bố. “Khi ngành du lịch đình trệ, không chỉ hàng không và các công ty vận chuyển mà cả các nhà chế tạo máy bay và xưởng đóng tàu cũng nằm trên bờ vực phá sản.”
Quyển sách Thế giới trong bức selfie: Truy vấn về thời đại Du lịch vừa được dịch sang tiếng Anh của d’Eramo là một đánh giá công phu của tác giả về cái mà ông gọi là “ngành công nghiệp nặng nề, ô nhiễm và trọng yếu nhất thế kỷ 21.” Phân tách các tác động về xã hội lẫn môi trường của du lịch, d’Eramo nhấn mạnh quy mô lưu dấu khủng khiếp vào nền kinh tế của nền công nghiệp này. Các hãng máy bay, du thuyền, khách sạn, nhà hàng, sòng bạc, công ty tổ chức, nhà xuất bản cẩm nang, nhà chế tác quà lưu niệm, các hiệu kinh doanh tặng phẩm chỉ mới là ít ỏi những cơ sở nằm trong cái mạng lưới vận hành thương mại khổng lồ của nó. Chống đỡ cho nó còn là một lực lượng lao động thiếu tổ chức, từ những hướng dẫn viên du lịch, nghệ sĩ biểu diễn đường phố, điều hành vận tải, thu gom rác, lao động tình dục, nghệ sĩ, thu ngân, lễ tân, tạp vụ, đầu bếp, khuân vác, bartender và rửa chén, chừng ấy chỉ mới là một nhóm những nhân công thường bị trả lương không xứng đáng, không hưởng phúc lợi gì từ ngành công nghiệp này.
Tổn thất hãy còn chưa được tính toán hết, nhưng ước tính đâu đó trong khoảng 100 tới 120 triệu công việc trực tiếp dính dáng tới du lịch có thể biến mất bởi đại dịch. Sự sụp đổ của ngành du lịch đã sản sinh ra một thực tại khác thường, nơi du khách mắc kẹt, những chuyến bay không đích đến, và những đại du thuyền tan rã tất thảy đều tồn tại trong cùng một dòng thời gian mơ hồ, tậm tịt. Cho dù rõ ràng là COVID-19 sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tư duy về du lịch, cái thời khắc ở yên tại chỗ lúc này đây có thể là hữu ích để nhìn lại lý do vì sao chúng ta cứ hay muốn đi đó đi đây.
Một đáp án cho câu hỏi này bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, là lúc công nghiệp du lịch Mỹ hình thành song hành với các lý thuyết khoa học về cách nhìn nhận thế giới bên ngoài của con người. Nhà bác học người Đức Hermann von Helmholtz, người phát minh ra kính soi đáy mắt, viết rằng mắt con người không đủ sức cung cấp một đại diện trọn vẹn về thế giới. Phấn khích trước đặc điểm của thị giác và nhận thức, Hermann hình thành nên khái niệm “suy luận vô thức”: để bù đắp lại những bất toàn thị giác, chúng ta dựa vào cơ chế giống cơ chế phản xạ của tâm trí vận hành phía sau ý thức, nơi các chi tiết bị lấp đầy và hiểu biết của con người về thực tại bên ngoài được hình thành.
Trong thời điểm Helmholtz nghĩ ra lý thuyết của mình, một Mark Twain trẻ tuổi đang chu du ở nước ngoài cùng một nhóm bằng hữu người Mỹ. Năm 1869, quyển The Innocents Abroad, tác phẩm đầu tay của Twain, xuất bản. Dẫu cho ngày nay người ta nghiên cứu rộng rãi những quyển sách của Twain, The Innocents Abroad chính là quyển bestseller của ông lúc sinh thời; và giờ đây được bầu chọn là “một trong những quyển sách du lịch hay nhất mọi thời,” d’Eramo gọi đó là “một chứng thực, đồng thời là một phân tích châm biếm về cuộc cách mạng của ngành du lịch có tổ chức trong giai đoạn đầu.”
Tương tự, Gordon gọi quyển sách là “một châm biếm đối với chuyện kể du lịch lâm li bi đát.” Bà trích dẫn tác phẩm như một điển hình của nỗi lo lắng của “người Mỹ” về bận tâm họ dành cho quá khứ. “Trong lúc người Mỹ thượng trung lưu công nhận mình với quyền uy của các nền văn minh quá khứ, chính họ cũng tìm cách duy trì một hình ảnh cá nhân giàu khát vọng, mới mẻ; chiếc máy ảnh giải quyết được căng thẳng này, cho phép du khách người Mỹ ‘đặt chủ quyền lên quá khứ và đồng thời khẳng định sự tách biệt trước quá khứ như một dân tộc hiện đại, sở hữu công nghệ ghi hình tối tân đương thời.’”
Nhìn từ quan điểm của d’Eramo, Twain đang tìm kiếm sự khẳng định rằng những hình ảnh ông nhìn thấy và những nơi chốn ông đã đọc qua trên báo chí và sách vở là có thực. Chẳng có gì quá lời khi cho rằng những chuyến du lịch của chúng ta có thể được thôi thúc, dẫn dắt bởi một động cơ tương tự, động cơ mà d’Eramo gọi là “nhu cầu so sánh thực tại với trí tưởng tượng.” Chúng ta châm lửa thời gian, năng lượng, và tài nguyên cốt để thỏa mãn sự tò mò muốn thăm thú, nhưng hiếm khi để tâm tới cái giá phải trả. Suy cho cùng, kỳ nghỉ là gì nếu chẳng phải một cuộc thoát li chứ?
“Mỗi con người bản địa ở mọi chốn nơi đều có thể trở thành du khách, và mỗi du khách đều là dân bản xứ của một nơi đâu khác,” Jamaica Kincaid, ứng viên Nobel 2020, viết trong quyển A Small Place. Xuất bản năm 1988, tiểu luận trường thiên của bà là một phê phán không khoan nhượng về du lịch, chủ nghĩa thực dân, và tham nhũng của chính phủ ngay tại quê hương Antigua. Giống với việc mỗi người bản địa đều có thể thành du khách, Kincaid suy tư, “Mỗi người bản xứ muốn tìm cho mình một lối thoát, mỗi người muốn ngơi nghỉ, muốn có một chuyến đi. Nhưng một số - hầu hết bọn họ trên toàn thế giới – lại không thể đi đâu.” Du lịch là một xa xỉ dành riêng cho những kẻ có tiền của, phân biệt du khách có đặc quyền với những kẻ không còn lựa chọn nào khác phải ở yên một chỗ. Chính ở đây, nơi mà con người ta “quá nghèo khó nên không thể thoát khỏi thực tại cuộc sống,” là nơi du khách muốn tìm tới.
Thay vì tạo ra một thấu hiểu chung về thế giới, ngành du lịch lại nới rộng khoảng cách giữa du khách và nơi họ đặt chân tới, giữa kẻ tham quan và thứ được tham quan. “Khi người bản xứ nhìn thấy các vị, du khách các vị, họ ghen tị,” Kincaid viết, “họ ghen tị việc các vị có thể rời khỏi sự tầm thường và vô vị, họ ghen tị việc các người có thể biến sự tầm thường vô vị của họ thành một nguồn vui cho chính mình.”
Nếu như nhìn nhận du lịch qua một lăng kính phê phán khiến ta cảm thấy kém vui, rất có thể là bởi quá trình này đưa chúng ta tới sự tự kiểm điểm. Như d’Eramo chỉ ra, du lịch là “một tấm gương hay một kích phóng đại xã hội.” Ông dựa trên tác phẩm của Erving Goffman, một trong những nhà xã hội học người Mỹ xuất sắc nhất thế kỷ 20. Khi tạo thành lý thuyết từ sự đóng vai của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, Goffman khẳng định rằng những biểu hiện của chúng ta dành cho bản thân đều mang tính bất định, dễ luân chuyển. Trong các nỗ lực hòng ảnh hưởng nhận thức về hình ảnh cá nhân của mình, chúng ta thay đổi tùy thuộc theo ngữ cảnh giao tiếp. Đi sâu vào hành vi này – vốn vừa chủ đích lại vừa vô thức – Goffman phân biệt giữa hành vi trên sân khấu và hành vi nơi hậu đài: trên sân khấu chúng ta diễn, còn ở hậu đài chúng ta gần hơn với con người thực của mình.
“Với Goffman, chiều kích mang tính sân khấu trong mối quan hệ giữa bản thể chúng ta với người khác chẳng phải một món trang sức,” d’Eramo khẳng định. “Nó hiện hữu trong mọi giao tiếp; chẳng có lúc nào tách riêng ra.”
Tiếp nối và nới rộng lý thuyết của Goffman, d’Eramo gắn khái niệm sân khấu và hậu đài với “kịch tính không thể chối cãi” của thành phố du lịch, ở đó công nhân cốt kết ngành công nghiệp du lịch đồng thời cũng đóng vai trò cảnh trí để người khác tham quan. Cùng theo cách hình dung, “mỗi thành phố buộc phải đóng vai chính nó.” Nếu như tiết mục trình diễn này, theo lập luận của d’Eramo, được tái hiện trên khắp thế giới, một đánh giá chân thật dành cho du lịch rốt cuộc cũng sẽ khiến chúng ta nhìn xuyên qua bề mặt nó. Mỗi du khách đều là người bản xứ, và mỗi người bản xứ đều là một diễn viên.
Nhưng mà, ai đóng vai nào theo lẽ thường sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như sắc tộc, giai cấp và giới tính.
Như Gordon chỉ ra, quá trình chiêu thị máy ảnh bỏ túi thời kỳ trước vừa cổ xúy du lịch vừa xoáy vào trải nghiệm, góc nhìn của người Mỹ trung lưu, da trắng. Đặt trong bối cảnh này, chính nhóm người tiêu dùng này vận dụng nhiếp ảnh và du lịch hòng đặt dấu ấn lên không gian công cộng và tiếp tục hình thành nên ấn tượng của chúng ta đối với thế giới.
Có lẽ một trong những biểu trưng hình ảnh đặc tả nhất về du khách Mỹ có thể tìm thấy, nhưng không ở nhiếp ảnh, mà trong điêu khắc. Những bức tượng có kích thước bằng người thật của Duane Hanson quá cố khắc họa những con người bình thường tham gia vào những sinh hoạt cũng hết sức bình thường, chẳng có gì đặc sắc. Du khách là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi danh nhất của ông: Đúc từ người mẫu thực, bức tượng khắc họa một người đàn ông và một người đàn bà hòa nhập tuyệt đối trong chuyến di trú về Florida tránh lạnh, nơi Hanson trải qua phần lớn sự nghiệp sáng tác của mình. Đứng cạnh nhau, chú ý của hai bức tượng có hơi hướng lên bầu trời, trang phục du khách phi ngữ cảnh của họ khiến cả hai nổi bật – quần capri cam và áo blu hơi có màu xanh biển, quần sọc caro và áo Hawaii; giày hở ngón. Nhưng thứ thật sự chỉ cho chúng ta thấy hai người này là du khách chính là đồ vật đang quàng lên cổ người đàn ông: chiếc máy ảnh cho Eastman Kodak sản xuất.
Theo sau sự ra đời của bức điêu khắc Du khách năm 1970, các chủ đề liên quan tới du lịch và nhiếp ảnh tiếp tục xuất hiện trong tác phẩm của Hanson. “Tôi muốn lần theo thái độ của con người – sự mệt mỏi, một chút bức bối, sự từ khước,” Hanson chia sẻ về thực hành sáng tác của ông. “Với tôi, trong tất cả những thứ ấy hiện hữu một vẻ đẹp nào đó.” Ông qua đời năm 1996 ở tuổi 70, hẳn bị rút ngắn bởi nhựa độc và bụi dung dịch dùng trong quá trình sáng tác.
Cũng cùng năm bức Du khách được tạo ra, một bức điêu khắc cực kỳ khác biệt đã ra đời ở bờ đông bắc Hồ muối Utah. Spiral Jetty, kiệt tác gắn liền với địa danh của Robert Smithson quá cố, làm nên từ 6,650 tấn đất đá nhô ra khỏi một lòng chảo nội lục để hình thành nên một hình trôn ốc dài 450 mét và rộng gần năm mét.
Vừa hơn ba năm sau khi tác phẩm hoàn thành, Smithson qua đời trong một vụ va chạm máy bay trong lúc khảo sát địa điểm cho công trình tiếp theo. Anh chỉ mới 35 tuổi. Spiral Jetty, ra đời giữa lúc mực nước thấp lạ thường, hoàn toàn ngập chìm bên dưới hồ nước nhiều muối chẳng bao lâu sau khi nó hoàn thành. Chừng ba thập kỷ sau, các đợt hạn hán trong vùng khiến tác phẩm xuất hiện trở lại, phủ bởi tinh thể muối, bị tẩy bạc phếch bởi thời gian. Một bài viết năm 2003 của tờ New York Times nhắc đến tác phẩm của Smithson “là tác phẩm trứ danh nhất của nghệ thuật Mỹ mà gần như chưa có một ai từng nhìn thấy tận mắt.”
Hiện tại, việc du khách đến tham qua Spiral Jetty có thể nhìn thấy nó hay không còn tùy vào mực nước trong hồ. Dẫu thiên nhiên từng có lúc lấp kín tác phẩm, sự riêng biệt của nó tiếp tục làm chùn bước kẻ nào ngỏ ý muốn quan sát. Ấy thế mà người ta vẫn đến, và tác phẩm được Google Maps xếp là “thắng cảnh”, một cú twist mỉa mai hẳn Hanson lẫn Smithson đều không thể hiểu được.
Nếu tình cờ đặt chân tới thị trấn tí hon Corinne, Utah, bạn sẽ cần đánh xe thêm 40 cây số nữa để đến lối vào Công viên lịch sử quốc gia Golden Spike, di chỉ chỗ nối sau cùng của tuyến đường sắt liên lục địa nối hai đầu nước Mỹ. Sau chừng 10km chạy chậm chạp qua một con đường không trải nhựa, ta sẽ thấy một con đường khác không trải nhựa khác đặt tên cho tác phẩm (hay cho thắng cảnh, tùy theo góc nhìn của chúng ta) nằm chễm chệ cách đó thêm 15 phút. Những gì ta nhìn thấy khi lái xe qua đây sẽ là một bầu trời rộng lớn phủ quanh một vùng đất vừa sỏi đá và khô hanh, với những viền đồi gồ ghề ở phía xa. Khi cảm thấy như sắp sửa đến một chốn khỉ ho cò gáy, là lúc ta nhìn thấy một bờ nước lớn, và tùy vào thời điểm, mặt nước sẽ mang một màu hoặc xám nguyên hoặc tím dị thường. Cả bầu trời cũng có thể mang theo đa dạng màu sắc đến lạ. Rốt cuộc, ta sẽ đến một ngõ cụt. Không thể lái xe xa hơn, ta nhận ra rằng mình đã tới nơi muốn tới. Ta ra khỏi xe, choãi tay chân, và tiếp tục cái truyền thống lâu đời của du thú tham quan.
Đằng sau một tủ kính ở tầng trệt bảo tàng George Eastman ở Rochester, New York, là một ghi chép viết tay: “Gửi bạn bè của tôi, việc của tôi đã xong – Chờ đợi gì nữa?” Viết năm 1932, thông điệp cụt ngủn kia là ghi chép cuối cùng của Eastman. Ngay sau khi viết xong, người cha đẻ của nhiếp ảnh 77 tuổi – đau đớn bởi một cơn rối loạn ảnh hưởng cột sống của mình – nằm lên giường, đặt một tấm vải ướt lên ngực để hãm sức nóng của thuốc súng, và giáng vào tim một phát súng.
Không xa bảo tàng – trong dinh thự trước kia cũng là nơi Eastman qua đời – tro cốt của nhà phát minh được chôn bên dưới một cột cẩm thạch ở khu vực từng được gọi là Công viên Kodak, ngôi nhà trước kia của xưởng sản xuất sản phẩm chụp ảnh lớn nhất thế giới một thời.
Tóm bắt hình ảnh chân thật về thực tại bên ngoài đã trở nên dễ dàng đến ta khó lòng xem trọng công nghệ này. Dùng máy ảnh điện thoại như công cụ để khi nhớ đã trở thành phản xạ, cũng như hành động đăng ảnh chúng ta lên mạng. Dù muốn dù không, chúng ta đang ghi chép lại.
Hiện tại, hẳn chúng ta đang trải qua một phiên bản hiện đại của sự cấp bách về ký ức. Cuối năm ngoái, Christian Jarett báo cáo về sự nhừ mỏi về tinh thần đeo đẳng nhiều người trong suốt đại dịch. Anh nhìn vào lý thuyết tải nhận thức, xem tâm trí con người như một hệ thống xử lý thông tin và cung cấp một khung nhận thức đối với chúng ta phản ứng mỗi khi quá tải. Các hành vi theo thói quen có thể hoàn thành trên cơ chế tự động nhờ có ký ức dài hạn. Tuy nhiên, các tình huống mới hơn lại buộc chúng ta phải cậy vào ký ức ngắn hạn, vốn vận hành trong một giới hạn nhất định và chỉ có thể giữ thông tin trong các quãng ngắn. Giữa lúc bị gián đoạn và bất trắc như thế, ký ức hiện hành của chúng ta bị quá tải và khả năng xử lý hay lưu giữ những gì đang diễn ra của chúng ta bị hỏng hóc. Sản xuất thông tin mới không khó, nhưng giữ chúng thì cực kỳ khó.
Khi nghiên cứu để viết tiểu luận này, tôi tìm ra rằng vòng đời trung bình của người Mỹ đã rút ngắn đi cả một năm tròn vì đại dịch. Chúng ta vẫn chưa có một con số hoàn chỉnh về số người đã qua đời vì COVID-19 trên toàn nước Mỹ năm 2020, nhưng các thống kê sơ bộ cho thấy số lượng tử vong đã tăng 15%, tỷ lê tăng cao nhất hàng năm từ 1918. Các nhà di truyền học nghiên cứu về chuỗi lây nhiễm đã truy lại phần lớn những đợt bùng phát đầu tiên xảy ra ở Mỹ trỏ về New York, nơi hàng ngàn người đã bị nhiễm virus và qua du lịch đã gây ra các đợt bùng phát khác diễn ra trên khắp nước Mỹ.
Tại New Orleans – một điểm nóng virus corona ngày đầu, cũng là thành phố nơi tôi sinh sống – quá trình lây lan virus gắn liền với du lịch. Khi nghiên cứu dữ liệu gen và lịch trình di chuyển, các nhà nghiên cứu suy được rằng virus rất có thể đã đến đây trong cơ thể một ai đó từ Texas sang, cách đại lễ Mardi Gras - dịp ăn mừng hàng năm thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch từ khắp thế giới - chừng hai tuần. Từ ca mắc đơn lẻ này, chúng ta tin rằng đã có khoảng 50,000 người trên khắp bang Louisiana cuối cùng cũng mắc Covid.
Mùa lễ lạc năm nay yên ắng. Thiếu vắng những chuyến tuần hành, các dàn lễ nhạc, và hàng đàn nghệ sĩ biểu diễn trong trang phục sặc sỡ thường tràn ngập các phố phường vào dịp Mardi Gras. Trên mạng xã hội, người ta cảm nhận sự trì hoãn ấy bằng niềm hoài cổ, chia sẻ cho nhau hình ảnh từ những dịp lễ trước. Hành động này dường như xảy ra ở khắp mọi nơi. Tôi cho rằng đại dịch đã khiến tất cả chúng ta trở nên đăm chiêu hơn, thu rúc vào quá khứ để xua đi nỗi đau về một năm táng tận, thảm thê. Tôi tự hỏi không biết những hình ảnh ghi chép lại dịp này sẽ cho chúng ta thấy những gì? Chúng ta chọn nhớ những gì? Và cái giá của quên lãng là gì?
k.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất