Kawabata Yasunari - Cái đẹp và nỗi buồn
Kawabata được biết đến như nhà văn Nhật Bản đầu tiên giành được giải thưởng Nobel Văn học. Năm 1968, trong diễn văn đọc tại lễ trao...

Kawabata được biết đến như nhà văn Nhật Bản đầu tiên giành được giải thưởng Nobel Văn học.
Năm 1968, trong diễn văn đọc tại lễ trao giải Nobel Văn học, Tiến sĩ Anders Usterling đã gọi Kawabata Yasunari là "người tôn vinh vẻ đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người. Với tư cách nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có thẩm mỹ và đạo đức cao, bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông - Tây theo cách của ông."
Ngay từ nhỏ, sự bơ vơ, nỗi ưu phiền của con trẻ đã đi theo Kawabata suốt cả cuộc đời, theo cả vào những giấc mơ, len vào những trang văn của ông. Lớn lên một chút, ông có thêm nỗi buồn từ cảm thức hoài cổ và những suy tư trầm mặc về cuộc sống. Thêm vào đó, sự ngã gục của dân tộc Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, khiến nỗi buồn vốn có trong ông thêm trĩu nặng. Kể từ năm đó, ông chỉ còn viết về nỗi buồn, tìm kiếm vẻ đẹp "mơ hồ, lộng lẫy và mong manh" của nó.
Ông từng thừa nhận: "Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là người lang thang ưu sầu. Là người luôn luôn mơ mộng, tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn luôn thức giữa khi mơ... Từ sau thất bại, tôi chìm vào nỗi buồn - một nỗi buồn ngự trị triền miên trong tâm thức người Nhật chúng tôi. Từ đó trở đi tôi chỉ viết những khúc bi thương!"
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: "Xứ tuyết" cũng chính là tác phẩm thể hiện cảm thức về cái đẹp một cách rõ rệt của Kawabata. Nhân vật Shimamura, một lữ khách u buồn, bước vào xứ tuyết như bước vào truyện cổ tích, nơi mà mọi thứ đều xưa cũ với sàn nhà cũ, với tấm biển cũ rích của phòng trà, với chiếc mặt nạ cổ xưa, cỗ xe đã tròn một thế kỷ... Nhưng đó không phải là một thế giới của cổ tích, của những yếu tố hoang đường mà là một thế giới được cảm nhận như một đối chứng với thế giới thực về bản ngã và cái đẹp.
Ngày 16 tháng 4 năm 1972, tức 4 năm sau khi ông nhận giải Nobel, Kawabata tự vẫn bằng khí đốt trong một căn phòng tại Hayama. Ông không để lại thư tuyệt mệnh nên người đời sau đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về lý do khiến ông tự vẫn.
Dẫu sao đi nữa, những tác phẩm của ông đến nay vẫn được độc giả trên toàn thế giới tìm đọc. Và từng trang văn của ông, vẫn như "ngàn cánh hạc" đang bay, phảng phất lên thế giới này một nỗi u hoài từ dĩ vãng.
Thích bài này? Theo dõi Facebook của zeal để đọc thêm ngay khi bài lên sóng nhé.
Thích những thử thách xoắn não hơn? Mời vào http://zeally.net tha hồ chọn.
Thích những thử thách xoắn não hơn? Mời vào http://zeally.net tha hồ chọn.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất