Hiện nay cũng không thiếu những tác phẩm liên quan đến những con người khiếm khuyết (về cả mặt sinh lý và tâm lý) như: Koe no Katachi kể về nhân vật Nishimiya Shouko bị câm điếc; Milk outside a bag of milk outside a bag of milk miêu tả thế giới của một người mang bệnh về mặt tâm lý v.v. Những tác phẩm như vậy không chỉ cho chúng ta thấy được hoàn cảnh của người mang khiếm khuyết, mà còn khơi dậy sự đồng cảm của người xem và người chơi.
Cách đây mười năm trước (2012), có một visual novel mang tên 'Katawa Shoujo' được ra mắt, chủ đề của game có thể nói là khá độc đáo ở lúc bấy giờ (với tôi thì đến bây giờ vẫn vậy.). Chưa kể nó lại có nguồn gốc từ diễn đàn khét tiếng 4chan. Điều này khiến mọi người suy nghĩ:"đây là một trò chơi người lớn kiểu Nhật với nhân vật khiếm khuyết được tạo bởi người từ 4chan.". Liệu game có thật sự chỉ có như thế?
Về lịch sử phát triển của tác phẩm trên Youtube đã có vài video nói về nó, nên tôi sẽ không lãng phí thời gian để kể hết. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung vào những trải nghiệm mà tác phẩm đã mang lại cho tôi, những điều tôi thích về nó và vài lý do bạn có thể bỏ thời gian chơi.
Hãy ngồi xuống, cầm trên tay tách trà, lắng nghe tiếng nhạc và từ từ thưởng thức bài viết:
Câu truyện xoay quanh một chàng thanh niên có tên Hisao, mang một chứng bệnh về tim và phải chuyển đến Yamaku Academy, một trường học dành cho người khiếm khuyết. Ở đó, Hisao gặp gỡ năm cô gái có những khiếm khuyết khác nhau: Shizune, cô gái câm điếc; Lilly, cô gái mù; Hanako, nạn nhân sinh tồn sau vụ cháy; Rin, cô gái không tay; Emi, cô gái không chân. Tùy theo lựa chọn của người chơi, chúng ta sẽ trải nghiệm những câu truyện khác nhau. Chi tiết câu truyện thì có thể để dành cho các bạn tự trải nghiệm.
Nếu nói điều gì khiến cho tác phẩm này đáng nhớ thì chắc chắn là về những nhận vật. Mỗi một nhật vật có tính cách và khiếm khuyết khác nhau. Điều thú vị không phải là nhân vật vượt qua những khuyết điểm của họ, nhiều hơn thế nữa là họ tự định nghĩa bản thân như thế nào. Giống hoặc khác nhau và khoảng cách giữa người và người có lẽ là câu hỏi đặt trong đầu tôi trong suốt quá trình chơi.
Rin Tezuka:
Can you seize the day?
Can you seize the day?
Câu truyện của Rin có lẽ là phù hợp nhất cho câu hỏi đặt ra ở trên, vì trong suốt quá trình tiếp xúc với cô ta mình sẽ luôn luôn cảm giác được câu hỏi triết học như tôi là ai, tại sao tôi tồn tại, con người có thật sự hiểu nhau hay không, mặc dù cuộc trò chuyện luôn luôn không rõ ràng và trừu tượng. Do Rin có cái đầu suy nghĩ khá là nghệ thuật, hay mơ màng, vẻ mặt lúc nào cũng không cảm xúc, nên mỗi khi nói chuyện đều hay cho người chơi cảm giác rất mơ hồ nhưng lại rất buồn cười, mỗi lần trò chuyện là đều khiến tôi cười ra tiếng, ngay cả trong những lúc cốt truyện đang rất nghiêm túc hoặc rất đầy cảm xúc.
Cũng do cách biểu tả mơ hồ như thế, Rin cảm thấy không thể hiểu được và biểu lộ bản thân với câu từ chính xác với suy nghĩ (hay nhiều hơn là cảm xúc) trong đầu. Thế nên Rin đã dùng cách vẽ để bày tỏ những gì trong đầu mình và đó cũng là những gì Rin làm được khi được người khác yêu cầu. Đến về sau Rin bắt đầu cảm thấy bối rối giữa những gì mình muốn và những kỳ vọng từ người khác. Sự thay đổi nằm sau đó cũng không biết sẽ khiến Rin trở thành con người như thế nào. Cho nên trong quá trình chơi luôn có cảm giác gần nhau rồi lại bị đẩy ra xa, vì Rin luôn hoang mang với mớ hỗn độn trong mình, khó có thể bày tỏ ra. Từ những tình tiết như thế có thể hiểu được vì sao Rin nói:"bầu trời là thứ hoàn hảo nhất, vì nó vẫn luôn đẹp khi thay đổi.", trong quá trình câu truyện sẽ có vài đoạn thảo luận về... đám mây và bầu trời.
Điều thú vị tôi nhìn thấy ở Rin là vẽ không phải là toạn bộ của cô ấy hoặc là những gì định nghĩa cô ấy. Rin chỉ là sợ hãi khi phải đối mặt với sự thay đổi của chính mình, không biết mình sẽ trở thành gì khi không theo con đường họa sĩ. Nhưng đến cuối cùng khi Rin nhận ra được bản chất của thay đổi, cô không còn sợ hãi mà đón nhận nó, điều Rin muốn không phải là vẽ, mà là tồn tại.
Có thể nói câu truyện của Rin là mang tính triết học nhất so với các nhân vật còn lại nhưng không đến nỗi quá khó. Điều khiến tôi thích đoạn này là do câu truyện thể hiện được khi một người tập trung vào những gì mình làm được thay vì những gì không thể, cũng nên xem như những khuyết điểm của bản thân không mang ý nghĩa gì. Nếu Rin có tài năng vẽ, thì đó cũng chỉ là một phần trong sự tồn tại của cô. Nói chung Rin là nhân vật rất thú vị về lối suy nghĩ và rất dễ thương trong cách nói chuyện. Câu truyện của cô cũng mang lại rất nhiều cảm xúc, luôn luôn không biết điều gì trong suy nghĩ của cô và bước tiếp theo là gì. Biên kịch cũng miêu tả tốt và rõ tính cách của Rin đã định hình cuộc sống của cô như thế nào, cả mặt tốt lẫn xấu.
Hanako Ikezawa:
Can you face your fears?
Can you face your fears?
Hanako là nhân vật có thể nói là bị ám ảnh bởi quá khứ nhiều nhất, vì cô là nạn nhân của vụ cháy đã tước đi gia đình cô và từ đó cô luôn chỉ có một mình với vết bỏng ở nửa khuôn mặt. Điều này khiến Hanako trở thành một con người cực kỳ tự ti, nhút nhát, luôn cho người khác cảm giác yếu đuối, đồng tình. Thành ra thì sau câu truyện của Hanako, tôi không nghĩ cô là một con người yếu đuối, điều yếu đuối chỉ nằm ở cốt truyện. Có nghĩa là, bạn luôn như đi trên một sợi dây mỏng thật mỏng, chỉ cần mất thăng bằng có thể sẽ làm mọi thứ trở nên tồi tệ.
Nếu nói Rin là sợ hãi về sự thay đổi ở hiện tại, thì Hanako có lẽ là đối mặt và chấp nhận quá khứ. Cũng như miêu tả ở trên, Hanako là một người rất tự ti, có PTSD, sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ và dễ khiến cho người khác đồng tình. Hanako cũng rất rõ tình trạng của bản thân và ghét chính mình bởi điều đó, luôn luôn sợ quá dựa dẫm vào người khác sẽ khiến họ cảm thấy phiền phức. Cho nên khi mình tiếp xúc với Hanako mà có cảm giác đồng tình và muốn giúp đỡ là điều bình thường, nhưng đừng quá mức như cô là một mèo con hoặc vật thủy tinh được bảo vệ. Điều Hanako muốn hơn là được xem quan hệ ở vị trí bình đẳng, khi mình giúp đỡ cô, thì cô cũng muốn khiếm cách của mình để đền đáp lại.
Bình đẳng trong mối quan hệ cũng là một điều quan trọng trong câu truyện của Hanako, tại vì nếu không nhầm thì sẽ có vài khúc ngay cả Hisao cũng cảm thấy bất lực với tình trạng của cô, điều này khiến tôi suy nghĩ là:" Có lẽ mình mới là người cần giúp đỡ và quá dựa dẫm vào Hanako mà mình không nhận ra." vì bản thân nhân vật chính cũng không phải không có vấn đề gì mà phải chuyển đến Yamaku. Vì thế bình đẳng luôn luôn xuất hiện khi Hisao và Hanako chia sẻ quá khứ với nhau từng chút một và điều giúp quan hệ họ đến được mức bình đẳng là sự tin tưởng lẫn nhau chứ không chỉ là đồng tình.
Việc thú vị nhất ở tuyến câu truyện này là bạn luôn sẽ đi theo cảm xúc của Hanako, khi cô ấy vui bạn cũng cảm thấy vui và khi cô ấy buồn, bạn cũng sẽ buồn theo, vì Hanako là một nhân vật quá quá quá dễ thương với những tình tiết nhỏ, giống hơn là bạn đang nhìn một đứa trẻ mỗi khi cô ấy mỉm cười, mỗi khi cô ấy khóc bạn lại muốn tìm cách xoa dịu, an ủi. Điều này mang đến trải nghiệm khá là đặc biệt khi chơi. Về cái kết, tôi sẽ không spoil nhưng nếu bạn đi đến good ending sẽ quào thét trong lòng:"Awww, so cute and sweet!!!". Nhưng nếu bạn đi đến bad ending thì lại là một trải nghiệm khác...
Emi Ibarazaki:
Can you stand up for yourself?
Can you stand up for yourself?
Giống với Rin, Emi là cũng là một con người không để sự khiếm khuyết của mình trở thành trở ngại, những gì định nghĩa được Emi là những gì cô có thể làm được hơn là những gì cô không thể. Hai người là bạn thân mặc dù tính tình hơi trái ngược nhau. Emi là cô gái rất năng nổ, tràn đầy sức sống, luôn nở nụ cười và có suy nghĩ tích cực hoặc đơn giản hóa mọi thứ phức tạp. Một nhân vật khác tôi nghĩ đến khi gặp Emi là Haru Urara của Umamusume, một cô gái có tính cách tương tự và câu truyện cũng rất truyền cảm hứng, các bạn có thể tự tìm kiếm. Khác với Urara là bạn sẽ sớm nhận ra Emi là một little demon ở mọi mặt mà có cảm giác không phải mình chơi trò chơi mà là mình bị Emi chơi...
Câu truyện của Emi có lẽ là đơn giản nhất, có thể nói là sự kết hợp của bốn nhân vật còn lại vào một, nhưng lại không kém phần trải nghiệm. Emi bị một lần tai nạn từ bé và mất đi đôi chân lẫn người cha của mình. Tuy nhiên, Emi không vì thế mà bỏ cuộc, cô tập đi trở lại, rồi dần dần có thể chạy với đôi chân giả, cho đến khi Hisao chuyển đến thì cô đã là thành viên của câu lạc bộ điền kinh. Cho nên Emi có tính cách khá là tự lập và kiên trì với việc mình làm, cũng có lúc rất cứng đầu. Từ đó, cô cũng nghĩ rằng chỉ thể tin tưởng vào chính bản thân chứ không thể dựa dẫm vào ai khác.
So với Hanako, Emi cũng là người gặp phải tai nạn và mất đi người thân của mình. Tuy nhiên, Hanako chạy trốn khỏi cuộc sống xã hội, nhưng không che giấu cảm xúc của mình. Với Emi, cô ta lại mang cho mình chiếc mặt nạ vui vẻ, cô có thể mỉm cười với bất kỳ ai, nhưng khi đụng chạm đến sâu bên trong lòng cảm xúc của cô, thì cô lại đẩy người khác ra xa. Mặc dù cô đang trong tình trạng rất tệ, nhưng bảo với người xung quanh rằng cô không sao, mọi thứ đều ổn. Vì Emi sợ khi phải có cảm xúc hoặc yêu một người hơn bản thân mình, cô sẽ lại mất đi nó một lần nữa. Ngoài ra, việc Emi thích chạy bộ là do có thể chạy trốn khỏi quá khứ của mình, cho nên cô là một vận động viên giỏi không chỉ ở mặt vật lý mà còn cả mặt tâm lý. Cho đến lúc Emi ngồi vào lại xe lăn, cũng là lúc cô không thể chạy trốn khỏi quay khứ đang quay trở lại ám ảnh cô, đó cũng là lúc thể hiện rõ toàn bộ con người thật của Emi. Tôi nghĩ biên kịch đã làm rất tốt ở chi tiết này.
Điều làm cho tuyến câu truyện của Emi đặc biệt đó là ngoài việc mình phải khiến cho cô gái mở lòng, mình còn phải suy nghĩ lại vấn đề về tin tưởng trong mối quan hệ tình yêu. Liệu bạn có thể tin tưởng đối phương và trao những gì mình có mà không lo bị tổn thương? Ngoài ra thì trong quá trình chơi tuyết của Emi sẽ có rất nhiều cảnh hôn nhau và ... làm tình (yes, this is a 18+ game), nhưng nếu để ý kỹ thì so với năm nhân vật còn lại, làm tình cùng Emi sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn, nó không phải chỉ là món quà khi đi vào mối quan hệ. Vì mặc dù có nhiều lần với Emi như vậy, thì người chơi vẫn sẽ cảm thấy được rõ khoảng cách giữa hai người. Thể hiện rõ sự khác biệt giữa thân mật trên mặt vật lý và tâm lý, khiến cho người chơi tự hỏi liệu mình có thật sự hiểu được đối phương trong quan hệ tình yêu? Và một điều khiến cho làm tình đúng với nghĩa làm "tình" trong tuyến này là: bạn có thể là một tay chơi, có thể ngủ với vô số nam hoặc nữ, nhưng sẽ không thể so sánh được với khi bạn thức dậy bên cạnh một người, khi bạn nhìn vào anh ấy hoặc cô ấy, bạn không cảm thấy gì khác ngoài hạnh phúc.
Nói tới đây bạn có thể đã biết Emi là nhân vật tôi thích nhất, và tôi thừa nhận điều đó. Vì tuyến của Emi có trải nghiệm rất vui không chỉ ở tìm hiểu tính cách nhân vật và câu truyện nằm sau nó, mà còn câu truyện đang tiếp diễn giữa Hisao và Emi. Ở trên có nói qua Emi là little demon, vì cô luôn có những ý tưởng "thú vị" trong đầu và rất chủ động tiến công trong mối quan hệ. Nếu bạn đủ 18 tuổi để xem những cảnh nóng, thì tôi khuyên bạn nên xem, nó hài đến mức bạn có thể cười ngửa và khiến bạn nhớ lại khi chọn hương vị của... chất bôi trơn. Nói chung thì Emi là tuyến câu truyện không phải quá độc đáo so với các tuyến còn lại nhưng lại khá thức tế, bản thân tôi do thích các nhân vật có tính cách năng nổ, luôn mỉm cười, có lúc tinh quái và hơi phiền phức nên không có gì quá khó để thích một nhân vật như Emi.
Như thế là ba nhân vật tôi cảm thấy có trải nghiêm đầy cảm xúc nhất. Với tuyến của Lilly và Shizune thì tôi không thể nói là không hay, mà là so với ba nhân vật trên thì tôi nghĩ ít cảm xúc hơn... và cũng một phần là do tôi lười viết cảm nghĩ cho hai nhân vật còn lại. Tuy nhiên vẫn khuyến khích các người đọc có hứng thú nên thử. Tuyến của Shizune sẽ hơi nhiều lỗi nhưng không đến nỗi ảnh hưởng trải nghiệm, còn tuyến của Lilly rất êm đềm, ấm áp, như một câu truyện cổ tích. Cho nên có thể hiểu được nhiều người khi so sánh thì hay nói Lilly hoặc Hanako là best girl or best waifu.
Ngoài những nhân vật và câu truyện ra, điều tôi thấy game này làm khá tốt là về phần âm nhạc. Nếu bạn có đang nghe link tôi để ở đầu bài viết thì cũng ít nhiều cảm nhận được giai điệu dễ nghe của nó. Nếu bạn thử chơi trò này sẽ phát hiện những bài khác cũng như bài ở trên có thể nằm trong đầu bạn một thời gian dài. Âm nhạc của trò chơi luôn luôn tương ứng với lại hoàn cảnh của nhân vật và khi tiếng nhạc vang lên, cảm xúc như được đánh thức, xuất hiện và đi theo giai điệu. Lần cuối chơi game mà có OST khiến tôi ấn tượng như trên có lẽ là Clannad. Tuy Katawa Shoujo vẫn không thể so sánh bằng, nhưng với một game indie có khả năng như vậy là đã quá lợi hại rồi.
Để đánh giá Katawa Shoujo thì tôi nghĩ đây là trò chơi đúng với định nghĩa "trải nghiệm" của tôi, một trò chơi mà bạn quên đi vị trí của một người chơi rồi tận hưởng nó, sống trong nó. Khi kết thúc, bạn không cần có bài học cao cả hoặc được truyền cảm hứng, bạn chỉ cần vui vẻ và con người bạn sẽ có một chút gì đó thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Về mặt khuyết điểm thì phải thừa nhận là có và rất nhiều, nhưng tôi không nghĩ nó ảnh hưởng đến quá trình trải nghiệm, chưa kể nó là trò chơi được làm nên từ một mớ hỗn độn ở 4chan, khi từ từ phát triển thành forum thì thành viên của nhóm vẫn chưa có kinh nghiệm về làm việc nhóm trên internet hiệu quả như hiện nay. (chi tiết hơn có thể tham khảo video về lịch sự phát triển của Katawa Shoujo trên Youtube)
Vậy game như vậy có nên giới thiệu cho mọi người chơi hay không tôi nghĩ là có và không. Vì nếu bạn không thể quen với chủ đề và những cảnh 18+ với người khiếm khuyết, tuy tôi nghĩ đây thật sự không phải là vấn đề quá lớn, thì bạn có thể bỏ nó qua một bên và đi chơi vài trận Apex, LoL, Valorant... cho cuộc đời vui vẻ. Còn nếu bạn có hứng thú và không ngại đọc tiếng anh thì có thể tải game từ trang official của nó, vì đây game hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn chưa đủ tuổi thì thành với bản thân, tắt aldult content đi hoặc là nhớ chốt cửa phòng trước khi chơi.
Điều tôi thích ở Katawa Shoujo (ngoài các lý do weeb ra :v) là nó đã thể hiện rõ như thế nào là một tác phẩm có tích chất đa dạng, một chủ đề phù hợp với cả xã hội hiện nay khi mọi người luôn hô hào khẩu hiệu tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng của mỗi người. Nhất là nhân vật phụ Kenji, một người bạn kế bên phòng Hisao, những thuyết âm mưu và chủ nghĩa nữ quyền mà Kenji nói cứ cho người cảm giác anh là người sống ở ngay thời điểm hiện tại, tuy những lời nói đó chỉ là suy đoán và mang tính hài hước. Cũng như câu hỏi mà tôi đã đặt ra trong đầu khi chơi, Katawa Shoujo đã truyền đạt tốt thông điệp những yếu tố như quá khứ, khuyết điểm, ưu điểm,... đã định nghĩa một người như thế nào; làm như thế nào để con người thật sự mở lòng bắt đầu hiểu nhau; đưa tay giúp đỡ khi cần và cũng chấp nhận sự giúp đỡ của người xung quanh. Thứ đặc biệt nhất vẫn là tác phẩm không ngại thể hiện khiếm khuyết của mỗi nhân vật chứ không phải luôn chỉ cho thấy mặt tích cực hoặc tránh nhắc lại nhiều lần, vì khiếm khuyết là sự thật ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tính cách của một con người.
Katawa Shoujo có thể nói là một visual novel kinh điển, tuy đã mười năm trôi qua, nhưng những câu truyện và nguyên tố độc đáo trong nó vẫn còn sức ảnh hưởng đối với người tiếp xúc tác phẩm này. Với tôi thì đây là một trải nghiệm đặc biệt và khó quên. Mỗi lần chơi xong một tuyến truyện, tôi đều cảm thấy vui và buồn, vui vì thấy những nhân vật đều có kết thúc hạnh phúc, buồn vì phải nói lời tạm biệt với họ. Tuy nhiên, sau khi tôi hoàn tất tác phẩm này, dù có cảm xúc như thế nào, tôi cũng đã có một chút gì đó thay đổi, trở thành một người tốt hơn.