Kiếp người, xét cho cùng thì cũng chỉ hữu hạn là khoảng thời gian giữa hai thái cực sinh-tử. Trong hai thái cực đấy, người ta phiêu du trong mông lung những mảng miếng thời gian và sự kiện, giữa hiện hữu và trừu tượng, giữa vật chất và tinh thần, giữa vô thần và tín ngưỡng, tâm linh... Ai cũng phải nếm trải không ít thì nhiều những yếu tố tự nhiên đó. Vậy nhưng, cũng đã có rất nhiều chủ thuyết, học thuyết xuất phát từ cái xã hội của những kiếp người đó mà nảy sinh ra. Bởi vì con người có một bộ óc siêu việt hơn các động vật khác, con người có tư duy, không chỉ giúp con người ghi nhớ những gì xảy đến trong ngắn ngủi một đời mình mà còn biết tổng hợp, liên tưởng và dự đoán. Đó cũng là lý do xã hội của những kiếp người ngày càng phát triển tinh vi hơn.
Vậy nhưng, thử nghĩ lại mà xem, lý luận đến tận cùng thì chẳng ai chịu thức tỉnh để mà thừa nhận cái hữu hạn của kiếp người. Bằng bộ não siêu việt và tư duy bậc cao, con người cùng nhau lao vào một sự ganh đua khốc liệt để giành về nhau cái gọi là tư lợi. Người với người giành nhau, nhóm với nhóm giành nhau, nước với nước giành nhau, vùng với vùng giành nhau, và rồi cả địa cầu thành bình địa của những cuộc tranh giành. Thậm chí, con người còn giành nhau với cả các giống loài khác và giành nhau cả với tự nhiên. Và hẳn nhiên sau những cuộc tranh giành như thế, tự nhiên sẽ mất cân bằng, môi trường và tài nguyên bị phá hủy trong vô thức. Đã có một nhà khoa học nào đó tổng kết, rằng con người phát triển đến bây giờ đã là đáp ứng dư thừa nhu cầu mà họ cần. Thế nhưng thực tế thì con người dường như chưa bao giờ có ý muốn dừng lại. Hệ quả tất yếu sẽ là môi trường tự nhiên cứ thế mà đi xuống, ngày càng tệ hại hơn, còn con người thì cứ hô hào nhau mà bảo vệ, bảo tồn với cả vì sự phát triển bền vững.
Đó là lý luận với con mắt nhìn toàn cảnh. Thôi thì những sự chuyển động đó hãy cứ để quy luật tự nhiên xử lý, vạn vật sinh, trụ, dị, diệt cũng là theo một quy luật đã định sẵn rồi. Thế còn cá thể một kiếp người thì sao. Đành rằng ai thì cũng phải tuân theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử mà thôi. Âu nó cũng là một quy luật tự nhiên như với bao giống loài khác vậy. Thế nhưng, điều đáng nói là một lý tưởng lớn lao, để làm sao khi chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay, tự chiêm nghiệm vẫn thấy rằng mình có điều gì để lại cho hậu thế. "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng" theo tục ngữ Việt Nam, hay rộng ra là như ông bố nào đó của thế giới dặn người con mình sống sao để khi sinh ra, con khóc mọi người cười, còn khi chết đi, mọi người phải khóc còn con được thanh thản một nụ cười. Tựu chung lại, dù ở gần với thái cực nào, giai đoạn nào, con người cũng muốn được sống những thời khắc có ý nghĩa, làm được điều gì đó gọi là ý nghĩa. Đó cũng là những điều mà người ta vẫn thường ấp ủ, để có dịp lại giáo dục cho thế hệ sau, rằng không phân biệt sang hèn, cao thấp, hãy sống và lao động với một niềm say mê và lý tưởng. Đó mới là một cuộc sống đích thực và đúng nghĩa của từ sống trong hành trình một kiếp người.
 Thế sự xoay vần, kiếp người thăng trầm, chìm nổi, nói theo triết học, đó là quy luật vận động để phát triển, còn nói theo nhà Phật, đó là sự chuyển biến luân hồi. Sung sướng kiếp này là thành quả của tu thân kiếp trước, tạo nghiệp kiếp này thì sẽ lãnh quả đắng ở kiếp sau... Vậy thì cớ sao phải gây thù, chuốc oán với nhau để tước đi cái quyền được sống thảnh thơi, tự tại trong hữu hạn một kiếp người. Tự nhủ lòng mình hãy cứ quẳng đi hết những sân, si để được thong dong, tự tại và cố gắng định hình một điều gì đó gọi là có nghĩa cho đời. Để cũng từ đó tự nhận thấy rằng mình đã không bỏ uổng một kiếp người!!!
(Hình ảnh mang tính minh họa)