KIẾN
Tác giả: Bernard Werber
Thể loại: Phiêu lưu, khoa học viễn tưởng, triết lý
Đây là một cuốn sách tôi mua từ khoảng 10 năm trước mà hiện tại mới đọc lại một cách trọn vẹn. Khởi đầu câu chuyện có chút nhàm chán, sau nó thực sự cuốn hút đến trang cuối cùng. Người đọc được chìm đắm vào một thế giới khác xen lẫn cảm giác mới lạ và thân thuộc.
Như tên của tiểu thuyết, nó nói về thế giới của loài Kiến. Trong thế giới đó, những con kiến được nhân tính hóa, có suy nghĩ độc lập, có trải nghiệm sống riêng. Tuy vậy kiến thường không có tên họ riêng. Chúng chỉ có những mã số đánh dấu lượt sinh. Do đó, câu chuyện của chúng ta không có nhân vật chính, không tập trung vào một cá thể kiệt xuất, một kẻ đặc biệt được số mệnh lựa chọn. Mỗi nhân vật chỉ là những con kiến vô danh ngẫu nhiên gặp phải những sự cố bất ngờ. Không chỉ tuân theo bổn phận bẩm sinh, chúng sẵn sàng dấn thân vào những cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy. Chỉ vì điều đó mang lại lợi ích cho Tổ và được thúc đẩy bởi ý chí dũng cảm cũng như lòng ham tìm hiểu. Chúng đã dám đứng lên chống lại kẻ thù đông đảo, đi đến tận cùng thế giới để tìm ra chân lý. Cho dù sinh mệnh ngắn ngủi nhưng chúng chưa từng lùi bước.
Câu chuyện có vẻ là một cuộc phiêu lưu nhẹ nhàng với những ý nghĩa tích cực dành cho các bạn nhỏ. Nhưng tác giả đã gài vào tiểu thuyết những vấn đề triết lý dành cho loài người. Câu hỏi đầu tiên được đề cập: "Chúng ta và thế giới chúng ta đang sống có thực sự tồn tại?" Hay chúng ta cũng như những con kiến đang sống trong một chiếc hộp đồ chơi "một kiến chúa với sáu trăm kiến thợ", ngày qua ngày vẫn nhẫn nại sống, làm việc và nuôi dưỡng thế hệ kế tiếp. Bậc thần thánh quyết định sinh tử của chúng ta lại có thể là một đứa trẻ, đôi khi xao nhãng hoặc đùa ác với những sinh mệnh mỏng manh trong chiếc hộp. Vấn đề này được văn học và điện ảnh khai thác khá nhiều như phim Ma trận, gần nhất là Free Guy. Bạn cảm thấy thế nào nếu biết mình chỉ là một món đồ chơi?
Tư tưởng kế tiếp là chủ nghĩa toàn trị theo kiểu loài Kiến. Trong đó Kiến Chúa là cội nguồn của xã hội, là lãnh tụ tinh thần. Nhưng nó không có quyền áp đặt hành động cụ thể mà chỉ có thể gợi ý thông qua pheromone. Các công việc cụ thể sẽ do các nhóm, các hội đồng bàn bạc và thực hiện. Đối với loài người, trước có sóng truyền hình, nay là mạng internet có vai trò như pheromone lan tỏa ý tưởng. Mô hình này nghe có vẻ khá hay ho và công bằng. Thực tế loài người đều đã trả giá đắt cho những ý tưởng điên rồ của các lãnh tụ nhiều hơn là một cái nút bấm hạt nhân. Giống như loài kiến đã hy sinh hàng nghìn sinh mệnh bởi ám ảnh vượt sông của Kiến Chúa.
Vấn đề thứ ba là xung đột văn hóa, hòa giải sắc tộc. Thế giới kiến đa dạng và phức tạp. Trong đó có sự tranh chấp giữa các loài kiến và giữa loài kiến với các động vật khác. Ở đó có loài kiến chủ nô chuyên săn bắt các loài kiến khác làm nô lệ cho mình. Thậm chí chủ nô còn trao đổi nô lệ lấy những vật phẩm khác. Giống như người da trắng bắt nô lệ châu Phi vào thế kỷ XVII. Trong một trường hợp khác, kiến đen và kiến đỏ lại xây chung tổ. Mỗi loài xây cho mình những đường hầm phù hợp với bản thân. Đó là sự hòa hợp và tôn trọng văn hóa. Không có loài đô hộ cố giam cầm loài kia trong khu vực dành riêng, một khu biệt cư trong tổ. Khác với người da trắng diệt chủng người Anh-điêng bản địa và dồn người sống sót vào những khu bảo tồn nghèo nàn.
Xét về mặt cá nhân, tôi không quá hứng thú với những triết lý kể trên. Điều thích thú nhất phải kể đến là những kiến thức khoa học được tác giả tận dụng để xây dựng thế giới Kiến. Như mọi cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, Kiến được viết dựa trên khoa học thực tiễn, chủ yếu là côn trùng học. Bạn có biết có một chuyên ngành nghiên cứu riêng về Kiến? Nó được gọi là Myrmecology. Cho nên văn minh Kiến được tác giả gọi là myrmécéen. Xã hội loài kiến được phân cấp từ Kiến Chúa, kiến thợ, kiến đực, kiến lính,... Và chúng giao tiếp bằng các pheromone. Tôi nhớ hồi nhỏ khi nghe nói về pheromone của kiến đã trực tiếp bắt vài chú kiến đỏ, cố gắng tẩy mùi bằng nước. Nỗ lực không quá thành công khi đa phần đều chết vì ngạt nước hơn là bị kiến cùng đàn loại bỏ. Ngoài ra, một số thông tin về kiến biết trồng nấm hay nuôi rệp lấy mật đều có thật. Còn đế chế khổng lồ của Kiến? Bạn nên xem clip này:
https://www.youtube.com/watch?v=cqECNYmM23A&t=495s
Tôi tình cờ xem cách đây vài tháng. Thật sự choáng ngợp bởi thế giới của loài kiến nói riêng và động vật nói chung. Có lẽ như tác giả nói, dù loài người có tuyệt diệt thì các loài động vật khác vẫn tìm được con đường sinh tồn.