Mỗi một quốc gia muốn tồn tại luôn phải trải qua những cuộc cải cách và những chính sách nhằm tác động mạnh mẽ phát triển nền kinh tế, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nước ta đã áp dụng rất nhiều chính sách sai lầm - thứ đã dẫn đến những cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ và những hệ lụy đến tận sau này. Tuy nhiên, việc vấp phải những chính sách sai lầm đó lại là những bài học xương máu giúp Đất nước ta ngày càng phát triển và cũng là tiền đề giúp các chính sách đưa ra được đánh giá là hiệu quả hơn so với quá khứ. Vậy điều gì đã xảy ra với nước ta vào “Cuộc khủng hoảng kinh tế Việt Nam 1985” và những gì chúng ta đã học được thông qua cuộc khủng hoảng trên? Hãy cùng mình đi tìm lời giải thích nhé!
Người dân xếp hàng để được mua hàng hóa
Người dân xếp hàng để được mua hàng hóa

1. Việt Nam - Thời kỳ bao cấp từ 1975-1985:

“Thời kỳ bao cấp” là thời kỳ để chỉ một giai đoạn từ khi giải phóng miền Nam đến khi tiến hành công cuộc đổi mới. Vào năm 1954 khi miền Bắc được giải phóng, nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã được áp dụng nhưng thời kỳ bao cấp đầy đủ nhất ở nước ta là giai đoạn từ đầu năm 1976 đến năm 1986. Tại thời kỳ này, người lao động được trả công bằng tem phiếu và người dân có thể dùng tem phiếu để mua các loại hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt,... hay thậm chí đến ngay cả một gói tăm. Việc sử dụng mô hình tem phiếu sẽ giúp xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo và tạo ra một liên hiệp nơi mà mọi người dân có thể phát triển một cách công bằng. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến một tình trạng đó là “Cha chung không ai khóc” khi mà người chăm chỉ hay người lười biếng cũng sẽ nhận được “lương” như nhau và phần lớn mọi người đi làm chỉ cho có hoặc cũng chỉ để chấm công cho đủ. Có thể nói, năng suất thời điểm này là vô cùng thấp so với khả năng mà đất nước ta có thể sản xuất. Bằng chứng cho thấy từ năm 1977-1980, GDP nước ta chỉ tăng trưởng 0.4%/năm, đỉnh điểm là năm 1979 và năm 1980, GDP nước ta tăng trưởng lần lượt -2% và -1.4%/năm

2. Giải pháp - Sự bắt đầu của chính sách sai lầm:

Vào Hội nghị Trung ương 8 (06/1985), nhận thức được sự yếu kém của cơ chế tem phiếu, nước ta đã đưa ra mục tiêu chính là xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, đồng thời đạt được mục tiêu chính về Giá - Lương - Tiền.
(i) Giá:  Nhà nước chỉ công bố giá của những mặt hàng quan trọng và thiết yếu như xăng, xi măng, sắt,... Còn lại, các mặt hàng khác sẽ được tính theo cơ chế thị trường (dựa trên Chi phí sản xuất, quy luật cung cầu của thị trường) và các sản phẩm sẽ được mua bán bằng tiền thay vì tem phiếu.
(ii) Lương:  Lương của người lao động được trả bằng tiền thay vì tem phiếu và theo quy định thì lương sẽ được tăng 20%.
(iii) Tiền: Để phục vụ cho công cuộc cải cách mới thì Ngân sách mà nước ta cần lên tới 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, Việt Nam không thể tự in tiền mà phải nhờ nước ngoài in tiền. Từ đó, phương án được đưa ra là Chính phủ sẽ phát hành tờ tiền với mệnh giá mới cao gấp 10 lần mệnh giá cũ. Ví dụ: Thay vì in 100 tờ 1 đồng thì nay chỉ cần in 10 tờ 10 đồng.
Ngay sau đó, dù Nhà nước đã khuyến cáo một đồng tiền mới bằng 10 đồng tiền cũ, thị trường vẫn không chấp nhận được sự phi lý trí này khi người dân vẫn chi tiêu và đồng tiền cũ và khi sử dụng đồng tiền mới thì gười bán hàng sẽ từ chối vì không có tiền trả lại. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, đồng tiền đã mất giá một cách vô cùng nhanh chóng. Điều này khiến cho việc đổi tiền không mang lại bất kỳ giá trị nào cả. 
 3. Hệ quả: Đồng tiền của nước ta mất giá nhanh đến mức cứ mỗi lần nhận lương thì người dân phải ngay lập tức chi tiêu hết, vì giá các mặt hàng tăng lên có thể tính theo đơn vị ngày hay thậm chí là giờ. Nói cách khác đây chính là nghịch lý của việc Nghèo nhưng vẫn phải cố tiêu tiền. Điều này đã dẫn đến việc thay vì tăng 20% lương thì Nhà nước phải tăng 100% lương vì việc tăng 20% lương không theo kịp tốc độ lạm phát. Ngân sách thực tế tăng 220% vì nhiều địa phương tranh thủ nâng bậc cho các bộ.
4. Kết luận: Có thể nói, chính sách “Giá - Lương - Tiền” là một chính sách thất bại toàn tập khi mà nước ta đều không thể đạt được yêu cầu của cả 3 yếu tố được đề cập đến:
(i) Người dân có thêm tiền khiến cho chi tiêu được tăng lên: Chi tiêu của người dân trong khoảng thời gian này tăng lên mạnh mẽ do lương của người dân cải thiện. Trong khi đó, tốc độ sản xuất quá chậm chạp, công nghệ yếu kém không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Điều này dẫn tới sự khan hiếm của hàng hóa, giá cá cũng từ đó mà tăng lên rất cao (đẩy lạm phát lên cao) và dẫn đến áp lực tăng lương hay Nhà nước phải tiếp tục in nhiều tiền hơn.
(ii) Ngân sách bị thâm hụt vì “Thu không đủ chi”: Nhà nước phải chi quá nhiều tiền cho lương công dân, tuy nhiên tiền thu về từ hoạt động sản xuất kinh doanh là vô cùng hạn chế. Điều này dẫn đến việc, nếu muốn cứu Ngân sách, Nhà nước lại phải tiếp tục in thêm tiền.
(iii) Thay đổi không toàn diện: Trong khoảng thời gian trên, giá các mặt hàng thiết yếu như nông sản tăng hơn 2000%, và để cung cấp nhu yếu phẩm với giá thấp hơn, Nhà nước vẫn tiếp tục phải duy trì tem phiếu song song. Bên cạnh đó, Nhà nước phải mua hàng hóa ở mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường và khiến cho người sản xuất bất bình, dẫn đến hiện tượng mang ra chợ đen bán.
Vào năm 1986, lạm phát của nước ta là 774.7% - một con số rất khó tin, trong 3 năm tiếp theo, lạm phát duy trì ở mức 3 chữ số và vào đầu thập kỷ 90, lạm phát mới được giảm xuống mức 2 chữ số. Tính đến năm 1990, 1USD đổi được 7.500VND trong khi vào năm 1985, 1USD đổi được 15VND, tức là đồng tiền Việt Nam đã mất giá 500 lần (Bên cạnh đó vẫn còn hai lần mất giá trầm trọng của đồng tiền Việt gắn liền với 2 cuộc khủng hoảng năm 1997 và năm 2008 sau này - mình sẽ có bài viết sau).
5. Bài học rút ra: Chính sách “Giá - Lương - Tiền” thất bại khi tiền được in quá nhiều nhưng tốc độ sản xuất không được thúc đẩy. Sau đó, Nhà nước đã nhận ra cốt lõi của nền kinh tế là phải có hàng hóa và sự trao đổi tự do cùng với việc hệ thống tiền tệ được xây dựng một cách vững chắc. Có thể nói, đất nước ta đã trả qua một thời kỳ vô cùng khó khăn và khốc liệt, điều này đến một phần từ hậu quả của những cuộc chiến tranh kéo dài trong quá khứ cũng như các chính sách sai lầm khi áp dụng mô hình bao cấp và chính sách “Giá - Lương - Tiền” và đây cũng là tiền đề cho sự mất giá của tiền Việt cũng như những ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những thời kỳ sau này. Tuy nhiên, đây được coi là bài học quý giá đối với một đất nước được xem là còn "non trẻ" ở thời điểm đó và các chính sách sau này được đưa ra đã phần nào được cải thiện hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.