KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH QUA BA GIAI ĐOẠN
Đời người trung bình có khoảng 3 giai đoạn rơi vào khủng hoảng hiện sinh. Đây là giai đoạn nói nôm na là bỗng một ngày bạn thức giấc,...
Đời người trung bình có khoảng 3 giai đoạn rơi vào khủng hoảng hiện sinh. Đây là giai đoạn nói nôm na là bỗng một ngày bạn thức giấc, cảm thấy cuộc sống của mình vô vị hoặc đang có vấn đề bất ổn mà không rõ nguyên nhân. Bạn cảm thấy những giá trị sống mà trước giờ bạn thiết lập, tạo dựng, như một lâu đài đang xây trên nền cát. Chúng có thể bị đánh sập bất cứ lúc nào khi có một gợn sóng đủ tầm vồ ập đến.
GIAI ĐOẠN ĐẦU TIÊN, TUỔI ẤU THƠ
Khi chúng ta vẫn còn là một đứa trẻ, chúng ta sẽ là những triết gia thuần túy nhất vì lúc này chưa qua bộ khung sàn lọc của người lớn. Chúng ta sẽ hoài nghi và đặt những câu hỏi trực diện như tại sao lại có ông mặt trời, tạo sao ánh trăng lại được treo lên vào ban đêm, hay vì sao chú chim bồ câu khi ị thì phân rơi thẳng xuống đất mà không bay ngược lên trên trời? Câu hỏi tuy ngây ngô, nhưng để người lớn động não trả lời một cách đầy đủ và trọn vẹn thì chắc chỉ có trình độ như Einstein hay Nikola Tesla mới có thể nói cho đủ ý được.
Những khoảnh khắc đầu tiên, khi ta được người lớn dắt vào cửa hàng mua sắm, khi ta tự tay vơ lấy đại một vài món đồ chơi, búp bê. Nhưng rồi cuối cùng bị người lớn tháo nó ra khỏi tay để đặt lại kệ hàng, rồi thay thế bằng một vài món thức ăn dặm, sữa, tã, hay các món hàng nội chợ mà ta không hứng thú. Hay những khoảnh khắc đầu tiên khi đến trường, khi ta bị tách rời ra khỏi sự bảo bọc của ba mẹ và phải nghe lời thầy cô giáo, một người lớn khác. Khi ấy, ta dần ý thức được một số điều.
''Hóa ra, ta không còn hoặc chưa từng là trung tâm của thế giới, theo cái cách vận hành như trước giờ ta vẫn tưởng''.
Đó chính là cách mà khủng hoảng hiện sinh bắt đầu hình thành ở một đứa trẻ. Lúc này trẻ chưa đủ năng lực để tự hóa giải, cần có người giúp đỡ, ân cần chỉ dẫn một cách kiên trì.
Hình thức cải thiện: Quan sát và trả lời những suy tư của trẻ một cách cẩn thận. Không nên đặt nhẹ các vấn đề ở trẻ cho qua chuyện, cho trẻ học được cách tôn trọng người khác qua việc chính ta tôn trọng chúng trước.
GIAI ĐOẠN HAI, TUỔI LẬP NGHIỆP
Giai đoạn đầu kéo dài đến bao lâu thì tùy ở mỗi người và từng hoàn cảnh, giai đoạn hai thường thì sẽ bắt đầu ở tuổi đôi mươi. Cái tuổi quá lớn để dựa dẫm nhưng cũng quá nhỏ bé để có thể ''bơi ra biển lớn'', đón nhận các thách thức và trách nhiệm mới. Áp lực phải có công việc, áp lực phải khẳng định mình, áp lực để không bị bỏ rơi lại. Khủng hoảng hiện sinh giai đoạn hai sẽ là giai đoạn dài nhất, vì nó kéo dài đến tuổi trung niên, đến lúc lập gia đình, sinh con, cân bằng công việc để chăm lo mọi thứ.
Trong giai đoạn ấy ta sẽ đối mặt với những thứ khó khăn như chọn ai để cưới, sinh con vào lúc nào, công việc theo đuổi từng đó năm có còn phụ hợp không, hay nếu phải đổi bây giờ thì chuyển mình thế nào? Đó là chưa kể đến trường hợp cưới sai người hoặc không có ai để cưới, công việc theo đuổi 10 năm bỗng thấy nó không còn phù hợp, con cái dạy dỗ nhưng chúng lại phát triển theo hướng không đúng ý mình...Vân vân và mây mây.
Tỷ lệ một người bình thường phát tiết trở thành bịnh nhân tâm thần ở giai đoạn này rất cao. Vì lúc này những tơ rối cuộc đời cứ liên tục quấn lấy ta, không cho ta kịp có không gian và thời gian để hóa giải. Cách nên làm lúc này chính là thừa nhận bản thân mình cần giúp đỡ cho một số người phù hợp biết, cho bản thân được phép nghỉ ngơi nhiều hơn một chút. Sau khi lấy được lại tâm thế, cần vạch ra một thiết kế mới cho cuộc đời của chính mình. Điều gì cần thêm vào, điều gì cần bỏ bớt. Điều gì cần làm tốt hơn và điều gì thì nên thỏa hiệp khi đã cố hết sức nhưng vẫn không cải thiện được.
Hình thức cải thiện: Khuyến khích đọc sách, viết lách, đi du lịch. Tự học hoặc làm thêm những thứ liên quan đến nghệ thuật như vẽ, đàn, hát, múa hay diễn kịch.. Những điều này nhằm tạo ra một hệ giá trị cho riêng mình nhưng không hướng đến chuyện kiếm tiền, ta sẽ dùng nó để chữa lành và cân bằng lại trạng thái tâm lý.
GIAI ĐOẠN BA, TUỔI XẾ CHIỀU
Vào một ngày bạn thức giấc vào hôm sinh nhật lần thứ 60 của mình. Khi đó bạn đã có một sự nghiệp ổn định, vợ chồng, con cái, cháu chít đông đủ. Mọi người sum vầy tổ chức cho bạn một buổi tiệc sinh nhật lộng lẫy và hoành tráng. Nhưng bạn chỉ mỉm cười cho mọi người vui, còn bạn, bạn thật sự không cảm thấy vui. Bạn thấy mọi chuyện đang diễn ra, 2 cây nến số 6 và số 0 này đang được đốt cháy và cắm trên bánh, bỗng chốc thật, đáng sợ. Vì bạn biết điều gì đang âm thầm tìm đến bạn gần hơn..
Nếu có niềm vui nào đó, thì cũng chỉ là sự an ủi vì ít nhất mình đỡ hiu quạnh hơn những người chạc tuổi khác. Một cảm giác mình được an ủi, vì may mắn. Lúc này ngoài chuyện nhìn ngắm thế hệ trẻ lớn lên ra, những chuyện như công việc, tình hình Xã hội, các mối quan tâm khác cũng dần trở nên mất quan trọng. Lúc này những hoài bão thời trẻ của bạn sẽ bắt đầu lộ diện trở lại, và bạn bắt đầu so sánh, liên tục tự vấn các câu hỏi ''giá như?'' Giá như tôi làm thế này liệu nó có khác? Giá như tôi không quyết định thế này liệu nó có thay đổi? Giá như mà tôi chọn, học, làm hay sống như thế kia thì cuộc đời tôi sẽ thú vị hơn?
Và những phản tư thế này, nó cứ vang vang âm ỉ ngày qua ngày cho đến lúc bạn cảm thấy mình đã sống một cuộc đời sao đáng tiếc và vô nghĩa quá. Bạn muốn làm lại mọi thứ nhưng không thể, bạn muốn thực hiện lại mọi điều nhưng không kịp. Và bạn bắt đầu sợ hãi, sợ hãi về một cái chết sẽ ập đến vào ngày mai. Lúc này tuy không còn nhiều người ''trên cửa'' bạn, nhưng bạn vẫn cần một nơi để dựa dẫm phần Tâm-Trí của mình.
Hình thức cải thiện: Học cách thức tỉnh tâm linh, và thực hành Tôn giáo. Sống hòa thuận với mọi người và thuận theo lẽ tự nhiên.
Mai Văn Liêm
---
Chúa nhật cuối của tháng 11
Biên tại vùng ngoại Ô của Thành phố.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất