Cám ơn tất cả những thầy cô đã và đang tận tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nói cho cùng cũng chỉ là sự vinh danh mang tính cá nhân. Với các tổ chức là những cá nhân có thâm niên gắn bó, những cá nhân trẻ tuổi đột phá, v.v. Còn với học sinh, cũng chỉ là biết ơn cá nhân một vài thầy cô "tốt" với bản thân họ.
Thật khó để đánh giá sự "tốt" của giáo viên một cách khách quan nhất. Một hội đồng giáo viên cũng chỉ có thể đánh giá được năng lực sư phạm của các thầy cô giáo một cách tương đối. Mỗi cá nhân giáo viên sẽ có một tổ hợp tính cách và kĩ năng phù hợp với một nhóm học sinh cụ thể. 
Luôn là một thằng cá biệt vừa phải, đỡ dốt nhất trong đám quậy của lớp, tôi đếm tới đếm lui cũng chỉ đâu đó hơn một lòng bàn tay những giáo viên mà tôi thực sự nể phục và yêu mến, trong 21 năm đèn sách. Hồi cấp 3, tụi bạn cá biệt hay bạn lớp chọn, trường chuyên gì cũng có khá nhiều giáo viên mà tụi nó không ưa. Chỉ khác nhau ở việc thể hiện thái độ thù ghét. Học sinh cá biệt thường chơi bài ngửa, ghét cô thầy nào là bung cho ổng bả biết luôn. Tụi học sinh giỏi thì thảo mai cũng giỏi, trước mặt thì cười cười nói nói, cô cô thầy thầy, nhưng sau lưng thì chửi mạnh mẽ, chửi sâu sắc, thậm chí còn hùa theo mấy thằng cá biệt bày trò chơi khăm. 
Tôi luôn tin vào câu "không có nghề cao quí chỉ có nhân cách cao quí". Tôn vinh những cá nhân đang cống hiến cho xã hội là điều cần thiết. Cách tốt nhất để thu hút những cá nhân kiệt xuất đó là cho họ hưởng lương và những phúc lợi tốt nhất. Ở bất cứ ngành nghề nào, người lao động chỉ có thể tận tâm cống hiến khi không còn phải nghĩ tới chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Nhất là với những người đã có gia đình, có người thân lớn tuổi phải chăm sóc. 
Ngược lại, khi một nghề nghiệp bị gán cho một địa vị cao quí. Chưa cần nói tới đồng lương chết đói của hiện tại, người đứng trên bục giảng đã phải gánh thêm những định kiến từ sự lí tưởng hoá như : tấm gương đạo đức sáng ngời, nhân cách cao đẹp, hi sinh hết mình cho sự nghiệp trồng người, v.v. Từ chính áp lực xã hội đó, những người giáo viên đã bị tước đi quyền sống bình thường như một con người. Họ phải đội lốt thần thánh, lúc nào cũng phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Hơn nữa, quyền được đòi hỏi lợi ích cũng không còn, họ còn không được quyền than nghèo, than khổ. 
Trong mắt chư vị phụ mẫu học sinh, cũng như là quí báo chí, cộng đồng mạng, giáo viên là những người ăn chay niệm phật, quanh năm chỉ biết nở nụ cười hàm tiếu :). Bởi vậy, họ sẽ nổi điên x1000 khi thấy giáo viên ngoại tình, đi nhà nghỉ, chửi bậy, hút thuốc, uống rượu bia hay chỉ đơn giản là mặc bộ bikini. Họ thích thương hại những giáo viên nghèo khó, lam lũ, họ thích o bế những giáo viên có quyền lực như hiệu trưởng, chủ nhiệm lớp của con họ. 
Chữ "thầy" của hiện tại, thế kỉ 21, vẫn còn mang hơi hướng phong kiến. Chữ thầy của thuở xa xưa chỉ một địa vị xã hội bậc cao. Thầy là ba là mẹ, cãi thầy núi đè. Thậm chí ở một số địa phương con cái gọi ba là thầy. Thầy đồ, thầy cúng, thầy tu, thầy phong thuỷ, thầy bói, thầy đờn, v.v. thầy nào cũng là chân ái, phải cúi lạy van xin để được diện kiến. 
Nên hiểu chữ thầy hiện nay chỉ người truyền đạt tri thức, kinh nghiệm. Thầy có mặt trong hầu hết các lĩnh vực. Thầy hoạt động theo mô hình kinh tế thị trường. Khi có nhu cầu học, thì sẽ có thầy. Thầy nhận thù lao dưới nhiều hình thức : tiền, lương thực, sức lao động (phụ việc không lương), thể xác, v.v. Miễn sao hai bên cung/cầu đều đạt được điều mình muốn và không vi phạm pháp luật. 
Quan hệ thầy-trò có tính tương hỗ. Có trò mới có thầy, có thầy mới có trò. Nếu trò có thể đạt được thành tựu kiệt xuất nhờ thầy giỏi, thầy cũng sẽ được hưởng sái hào quang của trò. Câu "không thầy đố mày làm nên" cũng nên được bổ sung thêm là "trò không hay đố mày nổi tiếng". 
Sự biết ơn đơn thuần là cảm xúc của cá nhân đối với cá nhân hoặc sự việc cụ thể... Nếu cảm thấy biết ơn ai đó cụ thể trong sự việc nào đó, thì bất cứ ngày nào cũng có thể là ngày báo ơn. 
---
Vào Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên FISE (Fédération Internationale Syndicale de l'Enseignement). Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa (hội nghị có 57 nước tham dự), lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".
Tổ chức này được thành lập với mục đích bảo vệ quyền lợi, cải thiện điều kiện sống và làm việc của các giáo viên, giáo dục gia và nghiên cứu gia. Dựa trên các hoạt động hợp tác, hỗ trợ giữa các tổ chức công đoàn giáo dục của các quốc gia thành viên. 
Ý nghĩa ngày 20/11 hiện nay đã biến tướng quá xa. Thời nay, mục đích của ngày nhà giáo chỉ để ve vuốt cái tôi của những người giáo viên có thu nhập thấp, động viên họ cố gắng chịu đựng 364 ngày còn lại của năm. Còn tôn vinh danh hão thì giáo viên còn khổ, nền giáo dục còn xập xệ, thế hệ tương lai còn xập xình. 
Trương Hoàng Sơn - 20/11/2022