...và cũng không có thứ gọi là "người Sài Gòn." Không có "bọn nhà quê" hay "người thành thị", không có "dân cần lao" hay "giới siêu giàu", không có "lũ vô thần" hay "con chiên ngoan đạo."
Nói cho đúng hơn, không có những khái niệm tương tự như "người Hà Nội" trong những câu nói sau đây:
- Người Hà Nội gốc thanh lịch lắm.
- Dân Sài Gòn xưa hào phóng và tốt bụng lắm.
- Bọn nhà quê biết gì mà nói.
- Dân cần lao toàn thứ ngu muội.
- Bọn siêu giàu ăn trên xương máu dân cần lao.
Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì rằng, tất cả những câu nói đó đều là công cụ tuyên truyền (propaganda) phục vụ cho những mục đích chính trị sâu xa (ulterior political motive). Tất cả những khái niệm đó đều không có giá trị định tính hay định lượng gì cả, không mang lại thứ tốt đẹp gì cho đời, cũng không giúp ai tiến gần đến chân lý hay sự thực gì hơn. Chúng chỉ là những cái nhãn dán (label) mà người ta gắn cho nhau, hòng phân biệt ra Chúng ta (Us) và Bọn họ (Them).
Đành rằng, những cái nhãn dán là cách mà con người tìm kiếm một chút trật tự trong thế giới hỗn mang, một chút tỉnh táo giữa cuộc đời điên loạn, một chút bản ngã trong vũ trụ vô ngã. Không có những cái nhãn dán đó, không có ngữ vựng, không có ngôn ngữ, thì không có con người. Việc sử dụng ngôn ngữ để mô tả hiện tượng, quả thật là rất kém chính xác và kém hiệu quả, nhưng nếu không làm như thế, con người quả thực không có phương pháp nào để truyền đạt tư tưởng cho nhau cả.
Nhưng những câu nói như "người Hà Nội gốc thanh lịch lắm" nghe thực chói tai. Người Hà Nội gốc là ai? Trước năm 90? Trước năm 75? Trước năm 45? Nhưng chắc là không được... trước năm 1000 Công nguyên chứ? Tại sao phải dùng những cột mốc đó? Những cột mốc đó có ý nghĩa gì? Có bao gồm những người sinh ra ở nơi khác nhưng đến sống ở Hà Nội vào trước năm 19xx không? Có bao gồm những người sinh ra ở Hà Nội nhưng đến nơi khác sống sau năm 19xx không? Làm sao có thể chứng minh, một cách biện chứng và khoa học, sự "thanh lịch" của tất cả những người Hà Nội thỏa các điều kiện đó?
Tương tự: Người Sài Gòn xưa là người nào? Dân cần lao là dân nào? Bọn nhà quê là bọn nào? Lũ siêu giàu là lũ nào? Bọn con heo tư bản là những con heo nào? Có định nghĩa rõ ràng hay không? Hay chỉ là để phân biệt ra, hoặc là phe ta, hoặc là phe địch mà thôi?
Để khuấy động dân tình và phục vụ cho mưu mô chính trị, những từ mô tả "Bọn họ" phải thật mơ hồ, nhưng đồng thời phải thật đơn giản. "Trumpest" là "tất cả những ai ủng hộ Trump." "Neo-Nazi", "antifa", "libtard", "tankie", "capitalist pig", v.v..., tương tự. Đơn giản, để người ta có thể "ghét" dễ dàng. Bạn có ghét phát xít không? Vậy thì bạn phải ghét bọn Neo-Nazi. Mơ hồ, để có thể gom tất cả những nhóm "khác" vào chung một cái nhãn dán. Bọn này không chống Trump, vậy bọn chúng là Trumpest. Như vậy, những kẻ rêu rao những cái nhãn dán ấy có thể dễ dàng gán cái nhãn "Trumpest" cho bất cứ ai bất đồng ý kiến với họ, từ đó kêu gọi sự căm ghét và chống đối của phe "Chúng ta."
Ngược lại với phe "Bọn họ", phe "Chúng ta" thường chi tiết và cụ thể hơn. LGBT+ chưa đủ, phải là LGBTQQIAAP (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Queer, Questioning, Intersex, Asexual, Allies, Pansexual). Rộng khắp như vậy, để có thể kêu gọi sự "đoàn kết" của một dải (spectrum) người cảm thấy mình "khác với những người khác", đề cao cái sự "khác" đó của họ, giả vờ tôn trọng cái sự "khác" đó, nhưng thực ra cũng chỉ là muốn gom vào dưới cùng một cái nhãn bao trùm rộng khắp là "Chúng ta", để có thể kêu gọi hành động chính trị. "Chúng ta" phải chống lại "cisarchy" (chế độ "thẳng" hệ), vì "Chúng ta" không giống bọn họ! (Mặc dù "Chúng ta" cũng chẳng giống nhau gì mấy.) Đây chính là "thế hệ bông hoa tuyết" (snowflake generation) -- những con người cảm thấy mình khác biệt, và mong được thừa nhận sự khác biệt đó.
Đến đây, bạn có thể vặc lại tôi: Đúng, tôi đang tuyên truyền chính trị đó. Thì đã sao? Không phải là, dù muốn dù không, tất cả chúng ta, bao gồm cả anh nữa, đang tuyên truyền cho cái "agenda" riêng của chúng ta hay sao?
Và tôi sẽ trả lời:
Bằng cách từ chối tham gia sử dụng hệ thống ngữ vựng do bạn tạo nên, tôi mới mong thoát ra khỏi cái ranh giới "Chúng ta" và "Bọn họ" vô hình mà nham hiểm do bạn tự dựng nên.
Và, bằng cách thoát ra khỏi cái ranh giới đó, tôi mới có hy vọng (hy vọng thôi nhé!) lờ mờ nhìn ra được các lực lượng xã hội đang đấu tranh với nhau, các thể chế quyền lực đang tìm cách tiếm quyền lẫn nhau.
Và, bằng cách lờ mờ nhìn ra được sự đấu tranh quyền lực đó, tôi mới có thể chọn được phe đang thắng thế.
Vì, chung cuộc, kẻ thắng trận sẽ là kẻ viết nên lịch sử. Và tôi không muốn đứng sai hướng vận động của lịch sử.
....
Đùa thôi. Bằng cách từ chối các định nghĩa của bạn và đưa ra các định nghĩa của tôi và khiến bạn chấp nhận chúng, tôi đang thực hành việc đấu tranh quyền lực (power struggle) để kiểm soát tự sự (narrative) đấy.
Kẻ nào kiểm soát được tự sự, kẻ đó sẽ kiểm soát được thế giới.