Sẽ ra sao nếu con người được tính như một loại hàng hóa? Mỗi món hàng lại được định giá riêng, số phận của những người không may mắn rơi vào tay buôn người cũng khác nhau. Có người may mắn trở về nhưng có người trở về chỉ còn là cái xác. 
Từ lâu, vấn đề buôn bán người trái phép đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng. Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2012-2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Chỉ mới đây thôi, ngày 18/8/2022, hơn 40 người đã phải tháo chạy khỏi sòng bạc bên kia biên giới Campuchia để tìm đường bơi qua sông Bình Di về Việt Nam. 
Vậy vì sao loại tội phạm này lại phổ biến như thế? Hình thức hoạt động của chúng là gì?
Như nào là mua bán người ?
Tệ nạn mua bán người là khi con người được coi như một mặt hàng trục lợi cho một các nhân hoặc một tổ chức khác. Nạn nhân sẽ bị bóc lột sức lao động hoặc tình dục, bị đánh đập hoặc bạo hành… Lúc này nạn nhân không còn được coi là con người nữa mà chỉ là món hàng hóa, mà hàng hóa thì làm gì nói đến nhân quyền. Buôn bán người có rất nhiều hình thức khác nhau như bóc lột sức lao động, buôn bán nội tạng, buôn bán tình dục…. Nạn nhân có thể là bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, độ tuổi, tôn giáo…. 
Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Như vậy có khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Song số vụ việc được đưa ra "ánh sáng" vẫn ở mức thấp so với thực tế và những đối tượng này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Thực trạng tại Việt Nam
Như đã nói ở trên, trong 5 năm (2012-2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó, 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn... Đa số nạn nhân là phụ nữ, khi bị lừa bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), và cưỡng bức lao động.
Trong số hơn 3.000 nạn nhân mua bán người đã được phát hiện, số nạn nhân đã trở về là 2.571 người, trong đó, số nạn nhân được trao trả và giải cứu là 1.334 người, số nạn nhân tự trở về là 1.237 người. Số nạn nhân chưa trở về là 519 người. Đặc biệt, ở thành phố Cần Thơ, Cơ quan Công an đã phát hiện 8 trường hợp nạn nhân là nam giới bị lừa qua Trung Quốc bán thận. Trong giai đoạn 2012-2017, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can (chiếm trên 97% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý). Cơ quan Điều tra đã ban hành kết luận điều tra và chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can.
Cái bẫy mà những kẻ buôn người thường sử dụng là dụ dỗ người có hoàn cảnh khó khăn, di cư sang nước ngoài để lao động với những lời ong bướm như đổi đời, việc nhẹ lương cao, trả hết nợ... Một số công ty thu phí cao ngất ngưởng, cộng thêm lãi kép đã khiến người dân rơi vào tình trạng buộc phải lao động trừ nợ. Bọn buôn người biến các nạn nhân trở thành đối tượng của cưỡng bức lao động trong các ngành xây dựng, ngư nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ, công nghiệp hàng hải, khai thác gỗ và công nghiệp chế tạo, chủ yếu ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, một số vùng ở châu Âu và Vương quốc Anh với mức độ ít hơn (ví dụ trong các cửa hàng làm móng và các trang trại trồng cần sa). 
Ngoài ra, bọn chúng không ngừng nghĩ ra các cạm bẫy mới để lừa nạn nhân, hiện nay chúng đã gia tăng việc sử dụng internet, các trang web chơi game, và đặc biệt là mạng xã hội để nhử các nạn nhân, lan rộng hoạt động buôn người, kiểm soát nạn nhân bằng cách hạn chế họ truy cập mạng xã hội, mạo danh họ phát tán thông tin sai lệch trên mạng. 
Đàn ông thường dụ dỗ phụ nữ trẻ và trẻ em gái vào các mối quan hệ hẹn hò trên mạng và thuyết phục họ ra nước ngoài, sau đó biến họ thành nạn nhân buôn bán người vì mục đích cưỡng bức lao động hoặc mại dâm. Có báo cáo về việc một kẻ buôn người đăng hình ảnh của mình giống như cảnh sát trên mạng xã hội để chiếm được lòng tin của nạn nhân. Trong quá trình di cư, các băng nhóm tội phạm ở châu Âu và bọn buôn người thường bóc lột nạn nhân Việt Nam dưới hình thức cưỡng bức lao động hoặc bóc lột tình dục trước khi nạn nhân đến được đích cuối cùng. 
Những kẻ buôn người có nhiều cách thức hoạt động, cả về cá nhân và về tổ chức. Đôi khi, trớ trêu thay, kẻ buôn người lại chính là cha mẹ hay thành viên trong gia đình. Hoặc phổ biến nhất là các mạng lưới buôn người quy mô nhỏ; những đối tượng này bóc lột đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam – trong đó có trẻ em lang thang và trẻ em khuyết tật – biến họ thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, mặc dù có rất ít thông tin về các vụ việc này. 
Một nghiên cứu cho thấy 5.6% trẻ em Việt Nam có thể đã từng bị cưỡng bức lao động hoặc bóc lột có dấu hiệu của buôn người hoặc trong bối cảnh di cư, trong đó trẻ em nông thôn và các cộng đồng nghèo đói có nguy cơ đặc biệt cao. Bọn buôn người bóc lột trẻ em và người đã thành niên dưới hình thức cưỡng bức lao động trong ngành may mặc, tại đó công nhân bị ép buộc làm việc thông qua hình thức đe dọa và đánh đánh đập, ép buộc trẻ em hành nghề bán rong và ăn xin trên đường phố ở các trung tâm đô thị lớn, biến một số trẻ em trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động hoặc lao động để trừ nợ trong các nhà máy gạch, các gia đình ở đô thị và các mỏ vàng ở nông thôn do tư nhân khai thác. 
Bọn buôn bán nô lệ tình dục nhắm mục tiêu vào nhiều trẻ em đến từ các vùng nông thôn nghèo và ngày càng nhiều phụ nữ đến từ tầng lớp trung lưu và khu vực đô thị. Với số lượng cũng ngày càng gia tăng bóc lột trẻ em gái thuộc các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, bao gồm trong ngành mại dâm và giúp việc gia đình, bằng cách lợi dụng tập quán bắt cóc cô dâu truyền thống để thực hiện hoạt động tội phạm của chúng. Trong năm 2020, các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19 như giảm cơ hội việc làm, hạn chế đi lại, và các yếu tố gây sức ép về kinh tế-xã hội khác đã làm tăng nguy cơ xảy ra buôn bán người, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. 
Mỗi năm có hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người. Hầu hết, những nạn nhân này được đưa sang Trung Quốc và Campuchia, cũng có một số người được đưa sang Thái Lan, Đài Loan, Singapore. Có tới 98% trong số này là phụ nữ được bán sang nhằm mục đích hoạt động mại dâm và cưỡng bức hôn nhân, làm nô lệ, có khi còn bị đem bán lấy nội tạng. Đau lòng nhất là tình trạng trẻ em bị buôn bán nhằm mục đích phục vụ tình dục bệnh hoạn. Tình trạng này được thể hiện qua cuốn phim tài liệu “Children For Sale” do Dateline NBC thực hiện. Phim cho thấy có nhiều trẻ em Việt Nam mới lên 5 tuổi bị bắt bán dâm tại làng Svay Pak ở Campuchia.
Nguyên nhân tệ nạn này bắt nguồn do đâu ? 
Nói đến nguyên nhân tệ nạn buôn bán người thì lại rất đa dạng và phức tạp, có những yếu tố khác phụ thuộc vào tình hình và văn hóa của từng quốc gia. Nếu nói nguyên nhân chính, có lẽ mọi thứ gói gọn trong “lòng tham của kẻ xấu”. 
Tội phạm buôn người bị cơ quan chức năng bắt giữ
Tội phạm buôn người bị cơ quan chức năng bắt giữ
Đầu tiên, cần đặt ra câu hỏi tại sao bọn buôn người lại làm thế? Tất nhiên là vì lợi ích của bản thân, vì đồng tiền mà sẵn sàng bán rẻ người khác. Bọn chúng cứ ôm theo sự mơ mộng không làm nhưng muốn có ăn. Sự nghèo đói và không có thu nhập cá nhân là môi trường hoàn hảo tạo ra bọn buôn người lẫn nạn nhân. Chúng thu được một khoản thu nhập bất chính khổng lồ từ việc buôn người, điều này thúc đẩy sự tham lam vốn có, lôi những kẻ buôn người vào vòng xoáy tiền bạc, bỏ đi nhân tính của bản thân. Còn về phần nạn nhân cũng có một số lý do tương tự xoay quanh vấn đề tiền bạc như nợ nần, mong muốn đổi đời, việc nhẹ lương cao… Họ tin tưởng và lời nói của kẻ buôn người mà không hề phòng bị. 
Bên cạnh đó còn có sự thiếu giáo dục, thiếu sự quan tâm từ gia đình, thiếu nhận thức từ bản thân. Để đạt được mục đích của mình, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam thường thực hiện hành vi phạm tội, che giấu kỹ lưỡng và tinh vi dưới hình thức: ký kết hợp đồng lao động, dịch vụ du lịch, dịch vụ du học,....Nạn nhân mà tội phạm buôn bán người nhắm tới không chỉ có phụ nữ, trẻ em mà còn có cả trẻ sơ sinh và nam giới. Đói nghèo, thất nghiệp dẫn đến những mưu cầu về vật chất còn thất học dẫn đến những hạn chế về mặt nhận thức. Sự suy thoái chính trị, thể chế yếu kém và sự tham nhũng trong một số quốc gia cung cấp môi trường thuận lợi cho hoạt động buôn bán người. Việc thiếu sự kiểm soát và trừng phạt cho các hoạt động buôn bán người cũng tạo ra một môi trường an toàn cho các nhóm tội phạm.
Hậu quả của vấn đề này
Nhắc đến hậu quả, có lẽ người bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là nạn nhân và gia đình. Bị bán như một món hàng, bị chà đạp, bóc lột là tình trạng sống hàng ngày của những nạn nhân. Hậu quả do nạn buôn bán người để lại là không thể đong đếm được vì nó ảnh hưởng đến số mệnh của không chỉ 1 người mà nhiều người. Nhiều nạn nhân sau khi trở về đã sống với những ám ảnh sau những ngày đen tối nơi xứ người … Có người may mắn về nhà, có người về nhà chỉ còn nắm tro tàn. Những người trở về, tiền mất tật mang chỉ biết ngậm ngùi bảo nhau : thôi, còn sống là may lắm rồi. Những nạn nhân bị buôn bán thường phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, thiếu thức ăn, nước uống và chăm sóc y tế. Điều này gây ra những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, bệnh tật, căng thẳng và kiệt sức. Họ phải trải qua những trạng thái tinh thần và tâm lý nặng nề, bao gồm lo sợ, ám ảnh, trầm cảm, lo âu, tự ti, và cảm giác tự tôn bị suy giảm. Họ có thể bị cưỡng bức tâm lý, bị lừa dối và phải sống trong môi trường đáng sợ, tạo ra những hậu quả tâm lý nghiêm trọng. 
Có những người ra đi ôm giấc mộng về miền đất hứa, nay trở về lại thân tàn ma dại. Ấy là những người may mắn còn sống nhưng những người không thể trở về quê hương nữa, họ làm ma nơi xứ người. Đồng tiền ăn thịt người mà trớ trêu, bi kịch này lại đang xảy đến với những gia cảnh cùng cực nhất. Tôi xin được nhắc lại nguyên văn những gì bậc làm cha mẹ nạn nhân đã nói trong VTV đặc biệt: Gia đình đi từ Phú Thọ vào Tây Ninh để đón xác cháu về, đưa cháu về với đất mẹ. Lúc đấy nhìn nó thương lắm. Từ lúc nghe tin con là trong lòng nó bàng hoàng lắm. Không suy nghĩ được một cái gì nữa. Lúc con đi lành lặn, lúc về còn mỗi nắm tro thôi. Cứ nghĩ đến con lại thương, con đi làm xa xôi nơi đất khách quê người, lúc mất thì chẳng có ai, bố mẹ chẳng có ai ở đấy. Chả biết nó có được ăn ngon, có được ăn no không hay chết đói chết khát. Nghĩ thương con mà không thể nào mà ngủ được. 
Ai mà không đau lòng khi nhìn cảnh bậc làm cha làm mẹ cầm hũ tro cốt chính đứa con mình. Xin chân thành chia buồn cùng các gia đình có nạn nhân thiệt mạng !
Không chỉ gieo rắc bao đau khổ cho các gia đình nghèo, nạn buôn người còn khiến đạo đức con người trong xã hội xuống cấp, làm xã hội phát triển chậm đi rất nhiều. Khi tệ nạn cứ diễn ra liên tục và hoành hành trong nhiều năm, liệu còn ai muốn đặt niềm tin vào công lý và pháp luật nữa không?
Trên thực tế đã có rất nhiều cuộc điều tra, truy quét vấn đề này. Cảnh sát hình sự nước ta đã triệt phá nhiều đường dây buôn người, giải cứu các nạn nhân, đưa công lý ra ánh sáng. Nhiều chiến sĩ công an đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, các bộ luật xử lý hành vi sai trái này đã được sửa chữa nhiều lần để luật pháp nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Không chỉ trong nước và chúng ta còn kết hợp với cảnh sát quốc tế, phá tan những đường dây buôn người xuyên biên giới. Nhưng liệu vậy có đủ ? Tôi nghĩ là không. Không có miếng bánh nào miễn phí cả, không có gì gọi là việc nhẹ lương cao, đây là điều mà các nạn nhân cần cảnh tỉnh. Cho dù gia đình có khuyên ngăn, dù cảnh sát có nỗ lực nhưng nếu nạn nhân tự nguyện rơi vào tay kẻ buôn người thì tất cả là vô ích. Trong công cuộc bài trừ nạn buôn người, quan trọng nhất là ý thức và nhận thức tình huống của con người. Hãy tỉnh táo trước những lời ngon ngọt vì không miếng bánh nào là miễn phí cả.