Khởi đầu từ con số 0. Khởi đầu từ sự kết thúc. Nhưng khởi đầu từ sự lưng chừng thì sao? 


2015: Có một chiếc blog ra đời 

Những điều xưa cũ bao giờ cũng có sức hấp dẫn mê hoặc: từ bản nhạc thập niên 80, quyển sách đã ngả màu úa vàng, những trang lưu bút của những đứa-bạn-đã-từng-thân chuyền tay nhau viết vội, cho đến những dòng tin nhắn xưa cũ từ crush đã được “tốc ký” thành những dòng chữ trên quyển tập học sinh.
Dù tình cờ hay cố ý chạm mặt phải những vật thể hữu hình (và cả vô hình) từ quá khứ, chắc ai cũng phải mất vài ba giây khựng lại và lỡ lạc mất thêm vài ba giây nữa để lỡ tâm hồn mình trôi dạt về tận nơi xa vô thực. 
Mình rất ngại việc đọc lại những gì mình đã từng viết. Nói về lý do thì hẳn là có trên dưới cả chục lý do để giải thích cho vấn đề này, nhưng chung quy là vì: (1) không có thời gian và (2) không muốn đối mặt với những cuộc chạm trán vô hình với quá khứ. 
Nhìn lại chiếc blog được lập ra gần 5 năm đã phủ đầy tơ nhện (và đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên mình nhìn lại), không biết đã có bao nhiêu lần, suy nghĩ “ctrl A + delete” tất cả những bài mình đã viết đã xuất hiện bao nhiêu lần trong đầu.
Đó cũng là cách mà mình từng làm với chiếc Instagram cá nhân chưa tới 1000 followers. Nhưng tại sao, và cần gì phải làm như thế, khi việc “ctrl A + delete” không thể giúp ích được gì trong việc rũ bỏ những điều đã từng xảy ra trong quá khứ của mình? 
Bài blog đầu tiên trong chiếc blog đóng bụi của mình là một bài viết của cô nàng 18 tuổi rưỡi với những dòng chữ vụng về dành cho một nhân vật chưa-chắc-gì-đọc-được. Cô nàng 18 tuổi rưỡi đó đã bắt đầu viết blog vì những lý do gì?
Là để tìm kiếm một chỗ để giãi bày tâm sự? Là để tìm kiếm một nơi đơn thuần để viết? Là để thử thách nhân vật chưa-chắc-gì-đọc-được đó lần mò dấu vết và tìm được bài blog ấy? Còn một lý do gì khác xa xôi hơn hay không?
Những bài blog sau đó được viết ra với mục đích gì? Và có phải chiếc blog ấy được lập ra chỉ để dành riêng cho cô nàng 18 tuổi rưỡi đó, hay là cho nhân vật chưa-chắc-gì-đọc-được, hay là cho bất kỳ một ai khác? 

2020: Có một (hoặc nhiều) thứ gọi là lưng chừng

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu như bỗng dưng một ngày bạn nhận ra rằng, lý do mà bạn bắt đầu, giờ đây sẽ không còn là lý do để bạn bắt đầu nữa? Hoặc bạn sẽ cảm thấy như thế nào, nếu bỗng tất cả những điều mà bạn đang làm đều vô ích, vô tác dụng, đôi khi là vô nghĩa cho những gì mà bạn mong muốn đạt được?
Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu như bạn chẳng còn một lý do nào để bắt đầu được nữa? Và bạn sẽ ra sao nếu như tất cả những cảm giác đó bản thân bạn đã từng rất tự tin rằng mình sẽ chẳng bao có thể gặp phải, bởi bạn đã, đang và sẽ luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ có thể để không khiến bản thân rơi vào tình trạng đó? 
Nhưng tất cả những cảm giác mà bạn đang phải trải qua có phải là sự thật, hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, của tâm hồn mong manh, của trái tim dễ vỡ?
Sự lưng chừng mà bạn đang phải đối mặt có xứng đáng cư ngụ trong tâm trí bạn trong một khoảng thời gian lâu đến như vậy hay không? Có phải bạn đã biết được câu trả lời từ rất lâu, nhưng bạn vô tình né tránh và vẫn vô tư cho phép chúng được tung hoành như thế trong cuộc sống của bạn? 
Một mục tiêu tương đối rõ ràng, một bản action plan tương đối hấp dẫn, quá nhiều lần “hàng giờ liền” được bỏ ra cho chiếc blog chỉ với mục đích “hô hấp nhân tạo” và giúp nó sống sót. Nhưng kết quả đạt được vẫn là “một sự lưng chừng”. 

Khởi đầu từ sự lưng chừng

Chúng ta đã phải nghe quá nhiều thứ về một “khởi đầu từ sự kết thúc”, nhưng còn “khởi đầu từ sự lưng chừng” thì sao? 
Tại sao phải chọn xóa hết tất cả những bức ảnh trên Instagram khi chúng ta muốn làm-lại-cuộc-sống? Tại sao phải chọn nghỉ việc khi chúng ta không còn cảm thấy hạnh phúc với công việc? Tại sao phải chọn chia tay khi chúng ta vô tình tổn thương nhau? Tại sao phải chọn lựa giữa một là mất, hai là còn? Tại sao phải tự làm rối cuộc sống vốn dĩ đã phức tạp bằng những suy nghĩ phức tạp có thể là không đáng có? 
Tại sao không bắt đầu làm-lại-cuộc-sống bằng một cách thiết thực hơn trước khi xóa bỏ những tấm ảnh Instagram? Tại sao không quay lại nhìn nhận và đánh giá cốt lõi của vấn đề trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc? Tại sao không ngồi lại cùng nhau và chia sẻ những tâm tư, những trăn trở, những thắc mắc? Tại sao không chọn cách giữ lại cả một và hai, với điều kiện là abc xyz? Tại sao không chọn cách đơn giản hóa vấn đề để tận hưởng cuộc sống? 
Vì vô tình hay cố ý, chúng ta đua nhau chạy theo những mục tiêu, những tham vọng và quên mất rằng bản thân ta vẫn còn một đoạn đường dài phía trước để đi, vẫn còn một cuộc sống ngập tràn màu sắc và hương vị để tận hưởng. Những thước đo hay những khuôn khổ chỉ mang tính tương đối, cớ sao lại tự buộc suy nghĩ của mình và bỏ lỡ những niềm vui. 
Mờ mịt, hỗn loạn, xám xịt, sự lưng chừng luôn là một khái niệm có vẻ không được tốt lành gì cho lắm. Nhưng mọi sự đều có ý nghĩa của riêng nó.
Một lúc nào đó, bạn lại biết ơn vì cái sự lưng chừng mà mình đã từng phải đối mặt thời gian đó. Rằng phải nhờ nó, mà bạn mới có thể tiếp tục tiến lên mà không cần phải cất công “đập” và “xây” lại từ đầu. Cũng nhờ có nó mà bạn mới biết được khả năng chịu đựng và sức dẻo dai của chính bản thân. 
Sự lưng chừng đó cũng có là gì nếu như ngay lúc này đây, bạn biết rõ mình đang muốn gì và cần gì.