Hôm rồi, khi đang thảo luận nhóm trong lớp học, mình bỗng nhận ra bản thân hay có xu hướng chọn việc "khó hơn một chút" đòi hỏi nhiều nỗ lực và tư duy hơn để hoàn thành, thay vì chọn một công việc dễ, trong tầm với và có sẵn câu trả lời. 
Với bản tính một người cầu toàn cũng như khá an toàn, mình khá ngại đương đầu với một thử thách hoàn toàn mới khi bản thân chưa có hiểu biết, kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng. Dù vậy, mình cũng không hứng thú nhiều với các công việc đã quen thuộc và biết trước kết quả dù chưa làm. 
Nói nôm na thì mình không hay đi vào cái vùng xa lạ toàn những điều chưa biết trước nhưng cũng không muốn chôn chân mãi ở những khu vực quen thuộc đã thấu tường đến từng ngóc ngách. Thay vào đó, mình bị thu hút bởi “con đường ở giữa” với những chướng ngại, thách thức và trách nhiệm “khó hơn một chút” đem lại cho bản thân sự tò mò để khám phá, niềm vui khi chinh phục và sự hứng thú được học hỏi. 
Nguồn: Artbook Sumi - Vagabond
Nguồn: Artbook Sumi - Vagabond
Nói rõ hơn một tí, “khó hơn một chút” nghĩa là công việc hoặc thử thách có thể dùng những tư duy, kiến thức và kinh nghiệm cũ để tiếp cận. Tuy nhiên, mình cũng phải trau dồi, học hỏi và “ráng thêm nhiều chút” để hoàn thành tốt nhất mục tiêu đề ra. Hay trực quan hơn là bạn chơi game và nhận một nhiệm vụ có độ khó tăng từ 20 - 30% so với thử thách mình vừa hoàn thành. 
Tất nhiên, lựa chọn điều gì đó mới lạ luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Chờ đợi sau sự hào hứng ban đầu là cảm giác hoang mang khi không biết mình có đang làm đúng hay không, sự ức chế khi cứ phải cặm cụi tiến tới mà không thấy rõ đích đến cũng như sự mệt mỏi khi phải dành nhiều tâm trí, sức khỏe, tinh thần hơn để hoàn thành “nhiệm vụ” đã chọn lựa. 
Vậy bản thân mình phải “khó hơn nhiều chút” để làm gì? Với lựa chọn và hành trình “ráng thâm nhiều chút” đó, mình được học, trải nghiệm và trưởng thành. Có thể 1 - 2 ngày, mình thấy bản thân vẫn mệt mỏi, chán nản và bế tắc với lựa chọn có phần “ngu ngốc” của mình. Nhưng khi kiên trì đi qua một quãng đường khá dài, mình nhận ra, bản thân đã tiến lên và phát triển được mình của tháng trước, năm trước. Tất nhiên, sự phát triển cũng khi ít khi nhiều, lúc như mình mong lúc lại không. Dù vậy, mình được thoả mãn niềm khao khát rất con người là thấy chính mình phát triển mỗi ngày.
Như bài viết gần đây mình đọc được, anh blogger chia sẻ về trải nghiệm “làm nhiều hơn”. Nghe từ “làm nhiều hơn” thì chúng ta hay nghĩ đến việc làm nhiều thời gian hơn, làm nhanh hơn và cho ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ làm “more”, lặp đi lặp lại công việc cũ mà không tạo ra thêm giá trị cho bản thân và công việc. Thay vào đó, “làm nhiều hơn” có thể hiểu là “extra”, chọn lựa đầu việc, mục tiêu cũng như cách tiếp cận “khó hơn một chút”. Với lựa chọn đó, người làm phải học hỏi, khám phá, vượt qua giới hạn kiến thức của riêng mình. Kết quả có thể tốt như mong đợi hoặc không, theo cách mình mong muốn hoặc không. Nhưng chắc chắn, chúng ta luôn nhận lại giá trị gì đó. 
(Đoạn này mình không dịch từ “more” và “extra” vì nội dung chia sẻ mình đọc được là bằng Tiếng Anh, mình muốn để nguyên bản để không dịch nhầm ý của tác giả)
Như trong công việc của bản thân, mình có một đầu việc định kỳ là cập nhật báo cáo cho phòng ban về tình hình nhân sự trong một tháng. Đáng lẽ, mình chỉ cần gửi các số liệu thống kê lấy từ hệ thống và mất một buổi xử lý là xong. Tuy nhiên, mình lại mong muốn làm “khó hơn một chút”, muốn “extra” thêm giá trị cho đối tác. Vậy nên, mình lại dành một đến một ngày rưỡi để đọc thông tin, tổng hợp kiến thức rồi thiết kế hình ảnh để chia sẻ nhiều hơn những “góc nhìn nhân sự”, “tâm lý người đi làm” cho đội ngũ lãnh đạo. Đến nay, mình đã duy trì hoạt động này được 8 tháng và tự thấy vùng hiểu biết của bản thân tăng trưởng hơn một chút, sự tin tưởng và lắng nghe của phòng ban đối tác dành cho mình nhiều hơn một chút. Và hơn thế là mình vui mỗi khi chinh phục được lựa chọn mà bản thân tự đặt ra
Mình nghĩ rằng, hầu hết chúng ta sẽ cảm thấy mỗi ngày sống của mình khá giống nhau và lặp lại mãi một mô thức cũ. Và hiếm khi, một ai đó “tu thành chính quả”, “chuyển mình thành cao nhân” sau một đêm say giấc. Thay vào đó, hành trình học hỏi, phát triển và "vượt thoát" phiên bản cũ của chính mình sẽ tính bằng những giá trị tích lũy mỗi ngày, từng chút một và bền bỉ qua thời gian. Có thể tốt hơn 1% sẽ không là điều gì quá to lớn để chúng ta cảm thấy phấn khích và sung sướng. 
Nhưng nếu không có 1% tốt hơn mỗi ngày, cuộc đời của mỗi người sẽ chẳng có gì ngoài quanh quẩn ở “chiếc giếng” trong tâm tưởng mà nghĩ rằng mình đã thấu suốt bầu trời.
“Khó thêm một chút”, “ráng thêm một xíu” hay “làm thêm một lát” đều là lựa chọn và không ai ép buộc chúng ta được cả. Nhưng mình tin, chính những lựa chọn đơn giản ấy sẽ có ảnh hưởng đến tương lai và cả cuộc đời, của một con người.
Nguồn: GoLimitlesss
Nguồn: GoLimitlesss