"Chị không biết em yêu cái nghề này thế nào đâu!''
Đó là lời của một cậu bé tài xế sinh đầu những thế hệ 2000 chạy xe ôm công nghệ nói với mình trên chặng đường di chuyển từ nhà đến chỗ làm. Và trong khi mình uể oải vì phải đi làm trong ngày nghỉ lễ bù thì cậu nói với mình câu nói trên. Câu nói ngập tràn sự tự hào và phấn chấn. Cậu kể với mình về việc được băng trên những cung đường và thỏa ước mơ xê dịch. Câu chia sẻ với mình về việc được gặp gỡ những khách hàng và lắng nghe những câu chuyện đặc biệt và rất riêng của họ, đề vui và buồn cùng những mảnh đời khác nhau. Cậu cũng kể cho mình về việc cậu chọn lối đi khác thế nào với bạn bè đồng trang lứa khi khoác trên mình bộ đồng phục tài xế. Một niềm hạnh phúc nhỏ nhắn và kỳ lạ toát ra từ giọng nói và tinh thần của cậu, một thứ hạnh phúc mà mình hiếm khi nhìn thấy trên gương mặt của những lao động vốn đã mang trên vai quá nhiều gánh nặng mưu sinh.
Trong phút chốc, dường như có một tiêng chuông rung lên trên đầu mình. Tự dưng mình đứng hình và tự vấn. Ồ, một niềm vui đơn giản biết bao! Một niềm vui đơn giản là được chạy xe trên đường và nói chuyện với bao người lạ mặt. Còn mình, mình tự hỏi, từng ấy năm qua, mình có yêu những công việc của mình không? Mình có đang hạnh phúc với những gì mình đã, đang làm và sẽ làm hay không? Vì sao bấy lâu nay mình vẫn thấy đau khổ? Và làm sao thì mình mới có mấy niềm vui nho nhỏ như vậy?
Khoan hãy bàn về hạnh phúc, hãy bàn về những khổ đau.
Con người sinh ra là những cá thể đa dạng, với những hình hài khác nhau, môi trường khác nhau, tính cách khác nhau. Mỗi chúng ta đều có những nhu cầu sống khác nhau, những định nghĩa về hạnh phúc cũng vô cùng khác nhau.
Theo bậc thang nhu cầu của Maslow (Hierachy of needs), con người khi tồn tại sẽ có những nhu cầu từ thấp đến cao, bao gồm những nhu cầu cơ bản: nhu cầu sinh học như ăn uống, nhu cầu an trú. Lên trên cao có nhu cầu được yêu thương, gần gũi, được tôn trọng. Tầng cao nhất của bậc thang là nhu cầu được tìm thấy chính bản thân mình, được “công nhận’’ hay trở thành phiên bản tốt nhất của con người mình.
Mặc dù việc chạy theo và đáp ứng các nhu cầu là động lực đúng đắn để thúc đẩy sự phát triển cá nhân, thế nhưng hệ lụy đính kèm của chúng lại dẫn đến những đau khổ thường trực. Soren Kierkegaad giải thích cho nguyên nhân của tận cùng đau khổ, đấy là khi con người không chấp nhận bản ngã của mình. Chúng ta đều đang trăn trở với những nhu cầu của riêng mình, đeo bám lấy nó, nuông chiều nó. Chúng ta ám ảnh với những nhu cầu cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta nghĩ quá nhiều về việc người khác nghĩ gì và khi chìm đắm trong đám đông nổi bật, con người khó lòng giữ được cái tôi, cái bản ngã của riêng mình. Cái tôi thực sự đang khát khao, trở thành một cái “tôi’’ rất khác để ganh đua với những cái ''tôi'' khác trên một chặng đua có xuất phát điểm không hề công bằng.
Không chỉ đánh mất cái tôi, con người còn khổ đau khi miễn cưỡng gán những ý nghĩa vô hình và đôi khi là vô nghĩa với cuộc đời mình. Chúng ta nghĩ quá nhiều về quá khứ và lo lắng quá nhiều về tương lai. Con người luôn ám ảnh về việc sống một cuộc đời ý nghĩa, về việc mỗi cá thể sinh ra đều có một mục đích nào đó với cuộc sống này. Vô hình chung, chúng ta tự đay nghiến chính mình khi bản thân không làm một công việc nào đó có ý nghĩa lớn lao hay vĩ đại, mang tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhân sinh.
Và nhìn sang phía bên kia của đau khổ, có chăng ta thấy hạnh phúc?
Thầy Thích Nhất Hạnh từng nói rằng:
Tạm dịch:
"Có hai cách để rửa bát. Cách một là rửa bát để sạch. Cách còn lại là rửa bát chỉ là để rửa bát.''
Con người luôn đắn đo cho rằng mình phải làm một công việc để đạt được một thứ gì đó, thay vì việc làm một việc chỉ đơn giản là hãy cứ làm nó, ở giây phút hiện tại. Con người bị mắc kẹt quá nhiều trong quá khứ, lo âu quá nhiều về tương lai mà chẳng mảy may dành trọn vẹn tâm trí cho hiện tại. Có mấy ai dành thời gian thực sự chú trọng vào hơi thở ở hiện tại? Có mấy ai thực sự rửa bát chỉ để rửa bát hay đều thả trôi suy nghĩ của mình vào những trăn trở, hoài nghi, và gán mục đích cho tất cả mọi điều trên cuộc đời. Cuộc sống quá nhanh và bận rộn, hiện tại dường như bị chìm trong những lịch trình, bảng biểu, số liệu,….Hiện tại rồi cũng trở thành quá khứ đã qua khiến ta tiếc nuối, và nó cũng đã từng là tương lai mà ta hướng tới. Vậy mà hiện tại lạc đi đâu rồi?
Quay trở lại, câu chuyện của cậu bé tài xế đã để lại cho mình nhiều suy nghĩ. Mình đã từng nghi ngờ bản thân về mục đích sống của mình. Mình từng cho rằng, phải tham vọng, phải đứng ở một vị trí cao, phải được người đời ghi danh nhớ mặt, phải có mức lương đáng nể thì mới hạnh phúc. Phải có những kế hoạch lớn 5 năm, 10 năm mới là người biết tính toán. Nhưng mình cũng đã nhầm.
Khi mới ra trường, mình được làm một công việc với mức lương hơn hẳn kỳ vọng. Nhưng đó là những chuỗi ngày mình cảm thấy tồi tệ nhất. Mình cảm thấy như một con thây ma bị rút hết năng lượng. Mỗi sáng thức dậy, mình cảm giác không muốn mở mắt. Mỗi tối đi làm về, mình lại lướt mạng trong vô thức và vô mục đích. Có những khoảng thời gian, mình không có thời gian để tiêu số tiền mình kiếm ra. Thậm chí mình bị rối loạn lo âu, trào ngược dạ dày, và có thể là đã mắc trầm cảm thông thường.
Thế rồi, mình tiếp tục chuyển vài chỗ làm. Cho đến hiện tại, mình vẫn đang làm một công việc trái ngành, không đúng như mình mong muốn trước đây. Thật lòng, mình từng rất ghét nó. Nhưng càng làm, mình càng nhận thấy những điểm đáng yêu be bé. Mình ngừng chỉ trích bản thân không đạt được những mục tiêu đáng ra mình phải làm. Mình tập trung vào những việc mình đang làm và cố gắng làm tốt nó. Mình từng rất ghét trẻ con vì chúng phiền nhiễu và hay khóc. Nhưng giờ mình kiên nhẫn hơn, nhẹ nhàng, điểm tĩnh, cảm thông hơn với những vấn đề của con trẻ. Mình từng rất ghét dạy học hay nói trước đám đông vì mình vốn là đứa trầm tính. Nhưng giờ mình tự tin hơn. Mình tham gia một vài khóa học kỹ năng và hiểu rằng, mọi thứ đều có thể giải quyết bằng các kiến thức và luyện tập.
Ngoài những điều ấy, mình còn nhận lại vô số điều khác. Mình nhận được những lời hỏi thăm từ phụ huynh khi bị Covid. Mình nhận được cả những món quà, tấm thiệp hay cả những giấy báo đỗ của học sinh. Mình còn được nhận lại những lời như thế này:
''Trong số các cô giáo, thằng bé nó thích cô nhất, trẻ con nó thường không biết nói dối đâu cô ạ. Tôi nhìn là biết cô giáo nào thương quý học trò. Sau này dù cô có theo nghề nghiệp gì đi chăng nữa, dạy bao nhiêu học trò đi nữa, mong rằng cô vẫn luôn nhớ cậu học trò nhỏ này.''
Câu nói chẳng có gì, nhưng vẫn khiến mình xúc động vô vàn. Bởi mình biết, công việc mình đang làm dù không lý tưởng như mình vốn đặt ra, nhưng nó vẫn là một mảnh ghép có ích vào bức tranh chung của xã hội, như một mảnh lego mà thiếu nó, mô hình sẽ trở nên lỏng lẻo. Mình hạnh phúc với những điều bé nhỏ ấy, bởi nó là minh chứng cho việc mình đang chú tâm và cố gắng làm tốt những cơ hội được ban tặng, dù là ngẫu nhiên. Dần dần, mình không còn nhìn mọi thứ qua một lăng kính tiêu cực. Mình nhận ra những cơ hội thay vì thử thách, mình nhận thấy những hạnh phúc nằm trong chông gai.
Trong bộ phim ‘’The Pursuit of Happyness’’ (Theo đuổi hạnh phúc) , chữ ‘’i’’ được viết nhầm thành ‘’y’’ một cách có chủ ý. Có rất nhiều giải thích xung quanh câu chuyện này. Thế nhưng trên quan điểm cá nhân, mình cho rằng, bởi lẽ hạnh phúc là khác nhau với mỗi người, nên sẽ không có một hạnh phúc hoàn hảo nào trong mắt người đối diện. Mỗi người sẽ viết lên hạnh phúc của mình theo một cách khác nhau.
Mình không thể định nghĩa rõ ràng và mặc định hạnh phúc là gì. Hạnh phúc với mỗi người là khác nhau và đều đáng trân trọng. Với cậu bé tài xế kia, được đi ngao du và khám phá là một niềm hạnh phúc. Với mẹ mình, nấu cho gia đình một bữa cơm tối ngon lành sau một ngày làm việc vất vả là hạnh phúc. Với những người mắc bệnh, được thở bình thường đôi khi đã là một hạnh phúc. Hay với những người dân vùng chiến sự, có được một chỗ trú dưới dàn bom đạn rơi là một đặc ân. Nhìn rộng ra khổ đau của thế giới, ta dễ thấy hạnh phúc đều hiện hữu quanh ta.
Đối với cá nhân mình, hạnh phúc là được sống thật là bản thân mình, biết ơn và chấp nhận cho dù bản thân là lố bịch hay đẹp đẽ. Hạnh phúc là được sống ở giây phút hiện tại, là được thấy máu chảy trong huyết quản, là được thấy hơi thở phập phồng đều đặn trong lồng ngực. Hạnh phúc với mình là tách trà nóng mùa đông, là dòng nước mát mùa hè, là một tin nhắn hỏi thăm của ai đó trong một ngày ủ dột. Hạnh phúc là được chú tâm đến tiếng đồng hồ tíc tắc đều đặn mỗi ngày, hay tiếng chim hót ngoài cửa ban sớm, là được lắng nghe mùi cỏ cây, mùi đất ẩm khi mưa đến, hay tiếng lá xào xạc bay trong gió thu. Hạnh phúc có cả trong những ngày vui, và cả những ngày buồn. Nhưng thậm chí trong những ngày buồn, trong những đau khổ, khi ta lựa chọn nhìn qua lăng kính phù hợp, ta vẫn nhận ra còn vô vàn các xúc cảm khác, vẫn có những khoảnh khắc chứa chan niềm vui, sự tự hào, hân hoan và hạnh phúc.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất