“Mình đã học tiếng Anh được 12 năm. Những bài kiểm tra trên lớp không thể làm khó được mình khi mình luôn nhận được cơn mưa điểm 9, điểm 10. Rõ ràng mình tự tin với vốn Tiếng Anh của bản thân, nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài, trình độ tiếng Anh của mình lại chỉ ở trình độ “gà mờ”, mình nói mà người đối diện không hiểu, nếu hiểu được cũng rất khó khăn...”
Làm chủ ngôn ngữ mới không bao giờ là điều dễ dàng. Chỉ học “chay” trong sách vở thôi là chưa đủ mà ta còn phải qua quá trình giao tiếp, rèn luyện tích cực mới có thể tiến bộ. Trên đây là câu chuyện không hề hiếm gặp, thậm chí phổ biến khi tư duy phản xạ tiếng Anh, kỹ năng nghe, nói đặc biệt là phát âm trở thành điểm yếu của nhiều người.
Vậy PHÁT ÂM thực sự là gì?
Phát âm tiếng Anh bao gồm học về âm (sounds), trọng âm (word stress), nói theo cụm (thought groups), nói đúng giai điệu (rhythm), ngữ điệu (intonation), và giảm âm, nối âm, nuốt âm, biến âm.
Sẽ ra sao nếu ta KHÔNG thể PHÁT ÂM chuẩn tiếng Anh?

1. HOÀN TOÀN MẤT TỰ TIN.

Nguyên nhân này xuất phát từ tâm lý người bắt đầu học tiếng Anh: ngại ngùng, sợ sai, sợ bị đánh giá, soi dù chỉ giao tiếp những mẫu câu cơ bản. Đây là yếu tố đầu tiên cản trở sự tiến bộ trong việc học ngoại ngữ. Vì sợ nên mất tự tin, vì sợ nên không dám thử, vì sợ nên cứ mãi sai. Tình trạng người học tiếng Anh “câm - điếc” (không thể nghe và nói) bắt nguồn từ đây.

2. KỸ NĂNG NGHE KHÔNG THỂ TIẾN BỘ.

Nếu không thể phát âm tiếng Anh chuẩn đồng nghĩa với việc kỹ năng nghe sẽ yếu, thậm chí nghe mãi không hiểu gì. Giống như những bạn bị khiếm thính từ nhỏ thì cũng rất dễ bị câm hoặc phát âm khó nghe (mặc dù thanh quản bình thường) vì tai các bạn không nghe được tốt để lặp lại một cách chuẩn xác. Bởi vậy, kỹ năng nghe-nói vô cùng quan trọng trong giao tiếp, chúng đi liền và bổ trợ cho nhau.

3. TỪ VỰNG, NGỮ PHÁP HỌC MẤY CŨNG KHÔNG CÓ CÁCH NÀO SỬ DỤNG.

Sông có thể chảy, núi có thể mòn nhưng từ vựng học mãi không hết còn ngữ pháp thì khô khan với hàng đống quy tắc, trường hợp đặc biệt, làm sao để làm chủ nó khi không thể phát âm, không thể sử dụng? Giá trị của từ vựng, ngữ pháp đó sẽ mãi nằm trên sách vở, bạn sẽ không thể xây dựng tình yêu với từ vựng, ngữ pháp. Chúng mãi làm cho bạn mệt mỏi, học cả đời cũng không thể giỏi lên.

4. HỌC TIẾNG ANH TRỞ NÊN VÔ ÍCH.

Có người từng nói rằng: “Hãy coi phát âm là móng nhà, ngữ pháp là kết cấu, còn từ mới là những viên gạch ngói”. Liệu có tòa nhà nào vững chãi khi móng nhà không chắc chắn? Không có phát âm, mọi nỗ lực trở nên vô nghĩa.
Học tập là việc cả đời. Thật vậy, dù bạn là ai, ở trình độ nào đi chăng nữa vẫn không thể tránh khỏi việc mắc lỗi sai trong quá trình học, đặc biệt là việc rèn luyện phát âm. Vậy nên, hãy luôn học hỏi, trau dồi không ngừng nghỉ, biến việc học ngoại ngữ trở thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày thông qua việc viết nhật ký, luyện nói, tự đặt mình trong những ngữ cảnh giao tiếp khác nhau để học cách phản xạ, từ đó giảm thiểu lỗi sai.
“With languages, you are at home anywhere”