Bạn đã bao giờ cảm thấy mình thật kém cỏi, không có giá trị hoặc lạc lõng, vô định giữa thế giới xung quanh? Bạn không thể vui cho thành công của bạn bè, người thân? Bạn luôn có áp lực phải cố gắng mỗi ngày để “bằng bạn bằng bè”? Nếu bạn nhìn thấy mình trong những câu hỏi trên và đang mong muốn tìm ra cách giải quyết vấn đề thì bài viết này dành cho bạn.
Mình tin rằng dù bạn đang ở bất kì độ tuổi nào, ở bất cứ đâu hay làm ngành nghề gì thì dù ít, dù nhiều bạn đã từng trải qua “peer pressure” - áp lực đồng trang lứa. Mình thấy “cuộc chạy đua” có lẽ là từ phù hợp nhất dành cho thế giới ngày nay mà chúng ta đang sống hoặc ít nhất là thế giới của những người bình thường, sinh ra với suy nghĩ học là con đường duy nhất để thành công và rồi lớn lên với những băn khoăn, trở ngại về cách tăng con số trong tài khoản mỗi tháng. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ta chạy đua với bạn bè về điểm số, thành tích này, giải thưởng kia. Đến khi ra trường, đi làm, ta lại mải miết đuổi theo danh vọng, tiền tài hay địa vị,... Và đến tuổi cập kê, ta lại bị áp lực bởi việc lập gia đình, có con cái hay mua nhà, mua xe,... Đã bao giờ bạn ngừng lại và tự hỏi: “Bao giờ thì cuộc đua này kết thúc?”. Và liệu nó có thực sự kết thúc không hay hết cái này rồi sẽ đến cái khác? 
Có lẽ khi đọc đến đây, ít nhiều bạn đã nhận ra được phần nào của vấn đề. Chúng mình đều giống nhau, ở một khía cạnh nào đó, đều là những con người được sinh ra trên trái đất này, đều chung một giống loài và đều có giá trị. Nào nào, nếu bạn nghĩ mình không có giá trị gì cả thì hãy thử suy nghĩ xem: “Nếu mọi người ngừng tin vào tiền tệ, nó sẽ mất đi giá trị ngay lập tức. Vậy nếu mọi người ngừng tin tưởng vào bạn, bạn có đánh mất giá trị của mình không?” Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng nhưng với mình thì giá trị của đồng tiền luôn luôn như vậy, đơn giản là giấy, đốt là cháy, chỉ là con người gán cho nó một ý nghĩa và khiến nó trở nên quan trọng đối với họ. Khi mọi người ngừng tin tưởng vào giá trị của nó thì thật ra chính nó vẫn vậy, vẫn là giấy và vẫn vô tri vô giác, không thay đổi về bản chất chỉ là thay đổi trong cách nhìn nhận của con người mà thôi. Tương tự thế, bạn sinh ra với hình hài, tâm trí và sứ mệnh riêng, dù bạn không làm gì quá to tát cho cộng đồng thì chính bạn vẫn mang một giá trị vì sự xuất hiện của mỗi con người trên cõi đời đã là một điều thiêng liêng, là hiện diện cho sự vận hành của vũ trụ, góp phần cho hệ sinh thái được cân bằng. 
Tiếp theo, cùng mình khám phá những cách để cải thiện cảm giác này nha. Tất nhiên, quá trình này sẽ đòi hỏi sự luyện tập trong thời gian dài nên ban hãy kiên nhẫn với bản thân và đừng phán xét chính mình nhé.
Hiểu rằng mọi so sánh đều là khập khiễng: Bạn biết không, có lẽ chúng ta đều không thật sự biết rõ về “con nhà người ta” mà ta hằng ao ước, ngưỡng mộ kia. Họ có vẻ hoàn hảo, chu toàn về mọi mặt, có khuôn mặt, cơ thể đẹp và học vấn cao, lại hiền lành, dễ thương. Thế nhưng con người mà đâu ai hoàn hảo, có thể họ cũng có một hình tượng, “con nhà người ta” khác của chính họ và hàng ngày đều đang chật vật, bận rộn với những nỗi lo toan riêng. Tất cả chúng ta đều giống nhau ở một khía cạnh nào đó, đều mang trong mình những sự kì vọng và âu lo về tương lai phía trước. Một người làm khoa học lúc nào cũng cặm cụi trong phòng thí nghiệm thì không thể giỏi trong việc bơi lội hay đấm bốc bằng những người ngày đêm trong phòng tập với chế độ dinh dưỡng hợp lí. 
Cách ly mạng xã hội: Ai cũng muốn đăng tải những điều tích cực, tốt đẹp nhất về bản thân mình. Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy áp lực bởi tất cả mọi người đều trông có vẻ rất ổn với cuộc sống của họ thì việc đầu tiên nên làm là hạn chế theo dõi những người khiến bạn tự ti, ghen tị. Tiếp theo là theo dõi những người bạn thật sự quan tâm, những chủ đề tích cực giúp bạn tập trung vào cuộc sống của mình thay vì người khác. 
Thấu hiểu chính mình: Ghen tị, so sánh là cảm giác rất bình thường của mỗi con người, bạn không cần phải cảm thấy mình trở thành “người xấu” khi không vui cho thành công của bạn bè. Điều bạn nên làm là trở về nhà, viết ra những dòng suy nghĩ trong đầu mình. Có thể trang nhật ký ấy không đúng ngữ pháp, câu chữ lộn xộn, văn phong không hay nhưng bạn viết là để cho chính mình, cho những cảm xúc được thể hiện chân thật nhất. Nếu bạn quan tâm phương pháp này mà chưa từng thử qua trước đó, hãy thử lên mạng và tìm từ khóa “journaling”, vô số các câu hỏi có sẵn được tạo ra để bạn tìm hiểu về chính mình. Mỗi khi cảm thấy áp lực, hãy dành thời gian để ôm ấp, vỗ về những cảm giác ấy, làm dịu nó và rồi nhìn mọi người dưới sự yêu thương. Hoặc bạn có thể thiền, ban đầu sẽ khó khăn nhưng nếu kiên trì, bạn sẽ chạm được vào phần sâu thẳm bên trong mình và cảm thấy bình yên hơn mỗi ngày. Mình gợi ý bạn nên dành thời gian tập những bài thiền đơn giản, ít phút trên youtube trước, sau đó nếu thấy hợp, bạn có thể cân nhắc tham gia một khóa thiền.
Học cách thư giãn: Mình sẽ không chỉ ra hàng tá cách yêu thương bản thân hay dành thời gian cho chính mình mà có lẽ bạn đã thấy quá nhiều trên mạng. Với mình, điều quan trọng nhất để cân bằng được thời gian cho công việc, cuộc sống và chính mình là phải thực sự có “thời gian riêng của bản thân”. Bạn không thể thư giãn một tháng một lần và than phiền về các áp lực. Hãy tự tạo một khung thời gian nhất định mỗi ngày để dành riêng cho bản thân mình, có thể chỉ là 10 - 15’ trước khi đi ngủ hay buổi sáng sớm lúc thức dậy. Mình tin rằng khi nó trở thành một thói quen hàng ngày, bạn sẽ cảm thấy sự thay đổi rõ rệt và suy nghĩ tích cực hơn mỗi ngày hoặc ít nhất là rũ bỏ được phần nào những áp lực. Bạn hãy thử nghĩ nếu một ngôi nhà ngày nào cũng được chăm sóc, quét dọn so với một nơi một tháng mới được vệ sinh một lần, nơi nào sẽ có không khí tích cực hơn?
Dù cho khi bạn cảm thấy mình đã hoàn toàn vượt qua được những áp lực này và rồi một khoảng thời gian rất dài sau đó, nó bỗng nhiên quay trở lại, hãy kiên nhẫn với chính mình. Vẻ đẹp của cuộc sống không nằm ở những thành tựu hay kết quả cuối cùng mà bạn đạt được, chúng nằm ở sự cố gắng, nỗ lực để bạn trở thành con người như hiện tại. Chúc bạn một ngày tốt lành, một đời an yên!