KHI LALA LAND XUYÊN KHÔNG VỀ THẾ GIỚI CỦA BEFORE SUNRISE, BEFORE SUNSET, BEFORE MIDNIGHT TẠI SÀI GÒN ?
Phải đến lúc chỉ còn Một vài suất chiếu cuối cùng ở Một rạp duy nhất, bài viết này mới được đăng tải. Bởi vì đây không phải bài quảng...
Phải đến lúc chỉ còn Một vài suất chiếu cuối cùng ở Một rạp duy nhất, bài viết này mới được đăng tải. Bởi vì đây không phải bài quảng cáo cho phim.
Cảm ơn nếu bạn vẫn quyết định đọc dù biết bài viết nói về bộ phim nào!
Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng thanh xuân nào chả đáng giá, tuổi trẻ nào chả khát khao một lần được tự do và điên dại khi bất chợt gặp được người ta kiếm tìm bấy lâu.
Hãy đi tìm câu trả lời cho riêng mỗi người!
THANH ÂM VÀ NUỐI TIẾC NGÀY TA CÒN TRẺ...
Lala Land kể về câu chuyện của hai người trẻ tình cờ gặp nhau giữa thành phố đông đúc. Họ hát ca nhảy múa, họ tìm được sự kết nối đồng điệu trong sâu thẳm tâm hồn. Nhưng những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp ấy cũng là thời điểm mà cả hai chưa kịp có gì đó trong tay.
Xót xa, đau đớn và những vết thương lòng găm sâu vào trong tận cùng của trái tim. Họ đến với nhau lúc thanh xuân, mất nhau cũng vì thanh xuân.
Những thước phim cuối cùng tua ngược thời gian đã in hằn vào tâm trí người xem: nuối tiếc, nghẹn ngào đến lặng người. Cuộc sống xoay vần, đợi nhau thì khó, mất nhau lại chỉ cần một khoảnh khắc. Câu chuyện của Lala Land cũng là câu chuyện của không biết bao nhiêu mối quan hệ. Thực tại trở lại, cuối cùng sau những giây phút mơ mộng, điên dại vẫn là cái kết buồn mãi cho năm tháng phía sau.
Một cái kết tất yếu, một cái kết thường thấy, thường được chấp nhận. Nhưng từ điển cuộc sống còn có từ “ngoại lệ” mà.
---
Ở một không gian khác, có một đôi trẻ vô tình gặp nhau trên con tàu du lịch. Họ tìm được sự kết nối ngay tức thì và nhanh chóng rơi vào tiếng sét ái tình với đối phương. Lang thang giữa thành phố, trò chuyện không dứt, cùng nhau lắng nghe hơi thở của màn đêm tối mịt, quý trọng từng phút giây ở bên nhau trước khi bình minh đến.
Họ hẹn nhau sẽ trở lại để cùng viết tiếp một câu chuyện tình yêu dở dang. Nhưng cũng rất đời, cuộc hẹn ấy đã không diễn ra vì đã thiếu đi một người.
Đổi lấy những giây phút yêu thương say đắm, điên dại là nỗi canh cánh trong lòng rất nhiều năm sau. Họ cũng tiếc nuối, cũng day dứt âm ỉ trong lòng nhưng biết làm gì khi ai cũng phải sống tiếp cuộc đời của mình. Phải mất rất nhiều năm sau, phải mất thêm nhiều tháng ngày tuổi trẻ, họ mới có thể có đủ can đảm, vượt qua tất cả, chạy theo tiếng gọi của con tim.
Để có thể nắm tay nhau đi tiếp đến cuối cuộc đời, trái tim hai con người ấy đã thổn thức không biết bao nhiêu đêm. Một cái kết tạm coi là trọn vẹn nhưng bị đánh đổi bởi rất nhiều năm tháng thanh xuân. Nếu đã biết mình thuộc về nhau, tại sao không nắm lấy cơ hội hạnh phúc, tránh đi không ít sai lầm và tổn thương cho bản thân và những người xung quanh.
Hai câu chuyện đó có chung tử số là Thanh Xuân và Tình Yêu, nhưng lại khác nhau mẫu số.
Quy đồng thế nào để kết quả cuối cùng là điều tốt đẹp nhất ?
Sẽ thế nào khi Lala Land xuyên không về Before Sunrise, Before Sunset, Before Midnight, viết tiếp câu chuyện tình dang dở tại Sài Gòn.
Hai người trẻ vô tình gặp nhau giữa Sài Gòn đông đúc, hối hả. Âm nhạc kết nối hai trái tim đã quá nhiều vụn vỡ, mệt mỏi, kéo họ lại gần nhau hơn trong chuyến đi khám phá Sài Gòn vào một ngày đầy nắng.
TỪNG THƯỚC PHIM ĐẸP ĐẾN NGỠ NGÀNG
Thì ra trong mắt người trẻ, Sài Gòn HOA LỆ lại đẹp bình dị đến vậy. Vẫn không khí ồn ào, quen thuộc bấy lâu nhưng lại nhuốm màu tự do và lãng đãng.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc trời tối và kết thúc khi tối trời. Giữa nhịp sống hối hả đều đặn mỗi ngày, có khi nào khiến ai đó lạc lối và mệt mỏi. Những vết xước, mảnh vỡ trong tâm hồn chưa kịp lành thì lại rạn nứt, vỡ ra hàng trăm mảnh. Ấy mà người ta vẫn tồn tại, vẫn sống, vẫn mạnh mẽ bước qua những ngày đầy nắng đầy mưa ở nơi đây.
Người viết chưa từng nghĩ Sài Gòn đẹp thuần túy đến vậy. Lần đầu tiên coi "Sài Gòn, anh yêu em", hình ảnh Sài Gòn ở đó rất hiện đại rất đời. Còn lần này ghé Sài Gòn vào buổi “Trời sáng” mới nhận ra chất Sài Gòn, mùi Sài Gòn lại có thể thơ đến vậy. Hơi sến một chút nhưng đoạn này muốn dùng mấy chữ CHẤT THƠ CỦA SÀI GÒN.
Đó là một sớm mai bình minh trên tầng thượng của một tòa cao tầng; là một quán cà phê yên ắng và rất mơ; là chuyến xe buýt quá đỗi bình thường; là một góc chợ, góc phố; là một tiệm ăn; là một không gian để ca lên những điều chất chứa.
Sắc vàng bao phủ từng milimet trong phim. Vàng rất mới, rất dịu nhẹ của bình minh, tạm thời hong khô vết thương lòng dang dở của một trái tim đã vụn vỡ. Vàng rất trong khi những ánh nắng lên cao, hắt qua khung cửa xe buýt hay vệt nắng tình cờ ghé thăm một ngôi chùa cổ. Vàng rất tình trong buổi chiều tà, khi đôi trẻ ngắm nhìn cuộc sống, suy nghĩ về cuộc đời mình trên một cây cầu bắt ngang qua khu phố nhộn nhịp. Vàng rất mơ tỏa ra từ những cột đèn cao thế, hòa vào cái không khi dịu êm ở mấy cái góc phố nào đó ở Sài Gòn.
Dù mơ mộng, dù lãng đãng nhưng bố cục của từng khung hình chưa bao giờ hết khó tính. Người viết không nói thêm nữa, sẽ để người xem tự tìm hiểu và cảm nhận, không lại bảo đem lời đi khen một bộ phim duy mỹ.
PHIM LÀM ĐÂU CÓ TỚI, MỚI TỚI ĐƯỢC TRÁI TIM THÔI
Thẳng thắn mà đặt lên bàn cân thì “Trời sáng rồi, ta dậy thôi” chưa đủ đô để so sánh với Lala Land( được đề cử nhận giải bức tượng hiệp sĩ )nhưng những giai điệu, tiếng hát cất lên trong phim thực sự nhiều cảm xúc.
Đúng, đó là cái chất nhạc indie. Nhiều người hay bảo nhau rằng, nếu yêu thích nhạc indie hoặc muốn thưởng thức một bộ phim âm nhạc thư giãn thì HẴNG đến rạp xem “ Trời sáng”. Đúng nốt, không sai. Đâu phải 100% người xem Lala Land đều yêu thích dòng nhạc trong phim, đâu phải 100% khán giả coi High school musical đều thích những bản pop, hip hop và dance đó. Và “ Trời sáng rồi, dậy đi thôi” cũng chỉ là một bộ phim âm nhạc mà thôi.
Chất nhạc tỏa ra từ từng mỗi thước phim, ngân lên từ những khung hình rất tự nhiên. Chẳng phải ai đó đã từng nói: “ Nghệ thuật và cuộc đời là những vòng tròn đồng tâm” hay sao. Cái chất nhạc trong Trời sáng cũng đời cũng tự nhiên như cuộc sống ở Sài Gòn vậy.
Người ta có thể tìm thấy chút chông chênh, chới với của tuổi trẻ của mình đã từng. Những lời ca indie giản dị, hồn nhiên, kể câu chuyện âm nhạc về những ngày tháng băn khoăn, lo lắng khi đối diện với cuộc sống, với tiếc nuối, với những cơm áo gạo tiền, với những đam mê chưa kịp bừng cháy.
Hai nhân vật chính trốn chạy thực tại trong chiếc áo khoác dài rộng mang tên ÂM NHẠC ?
Hình như nhận định này chưa hoàn toàn chính xác. Bản thân mỗi người đã có những quyết định riêng cho cuộc đời mình. Đó có thể là ý định tự tử từ một cái sân thượng chưa thành, đó cũng có thể quyết định trở về quê hương sau bao ngày gồng mình với cuộc đời. Đối với họ, âm nhạc là thứ xoa dịu tâm hồn, là cách giao tiếp yêu thích với thế giới của những người trẻ trong phim.
Đoạn thoại của nữ chính có câu, đại ý là: Thế giới vẫn thế, khi góc nhìn thay đổi, ngẩng đầu lên nhìn bầu trời sẽ có cảm xúc khác hay một góc nhìn khác ( đại ý thôi nhé, vì người viết không nhớ rõ chính xác câu thoại này). Thì ra, vẫn là Sài Gòn phồn hoa, đông đúc, Sài Gòn HOA cho người giàu LỆ cho người nghèo đấy thôi nhưng những người trẻ đã thay đổi điểm nhìn và ngắm nhìn cuộc sống bằng lăng kính ÂM NHẠC. Thứ âm ấy nhẹ tênh mà cũng đời lắm. Nó ngấm vào máu, gắn bó với họ trong từng hơi thở.
TẠM KẾT
Còn rất nhiều chiều đánh giá, nhận định xung quanh bộ phim “Trời sáng rồi, ta ngủ thôi”. Nhưng hãy khoan kết luận đó là đúng hay sai, hãy cứ tiếp nhận bài viết như một lăng kính khác của một người đang trẻ nhé. Đọc cho thế giới quan phong phú thêm thôi à.
Chân thành cảm ơn vì bạn đã đọc hết bài viết này!
Hà Nội, viết cho buổi xem phim từ ngày 6 tháng mười !
P/S: Cảm ơn đoàn làm phim đã sản xuất, cố gắng vì "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" nhiều đến thế!
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất